Món quà của tạo hóa

Chia sẻ

Hỏi thăm mãi cô giáo Thanh mới tìm được ngôi nhà bé xíu trong cái ngõ sâu hun hút của bà cháu bé Thương. Cô mới chuyển từ thành phố về đây nên cũng chưa thông thạo địa bàn lắm...

 Bé Thương mới chuyển về từ Bắc Ninh và nhập học vào lớp 6B của cô. Sau ngày khai giảng, Thương đến trường học được đúng hai ngày thì vắng mặt. Cô hỏi cả lớp thì chúng nhao nhao mách tội nhau đã trêu chọc Thương. Nhưng tuyệt nhiên không có bạn nào biết nhà của Thương ở đâu cả.

Trong ngôi nhà cấp bốn lụp xụp tuềnh toàng, cô Thanh dành cả buổi để nghe người đàn bà đáng thương ấy trải lòng. Những giọt nước mắt của người đàn bà tuổi xế chiều khiến cô không khỏi chạnh lòng, xót xa về những cảnh đời bất hạnh.

***
Hai vợ chồng bà bén duyên nhau khi cùng là công nhân ở khu công nghiệp Tiên Du, lấy nhau gần chục năm mà vẫn chưa có con. Cuộc sống vốn đã eo hẹp, bao nhiêu tiền tích cóp dành dụm đều dồn vào lo chữa chạy để có một mụn con nên càng khó khăn hơn. Ngày làm quần quật ở nhà máy, tối về chồng bà lại tranh thủ chạy xe ôm còn bà thì nhận thêm hàng may gia công. Khấn cầu mãi rồi trời cũng thương mà ban cho mụn con gái. Bé Hạnh ra đời, tiếng cười khóc của đứa trẻ khiến căn phòng trọ chật hẹp trở nên ấm cúng hơn.

Nhưng rồi hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Ông trời cứ đọa đày những kiếp người bất hạnh. Khi bé Hạnh lên tám tuổi thì chồng bà bị tai nạn trong một đêm đói lả mà vẫn cố chạy thêm cuốc xe ôm. Ông sống thực vật hơn một năm thì mất. Một mình bà trầy trật một đèn một bóng nuôi con. Các chị em cùng xóm trọ khuyên bà đi bước nữa để kiếm chỗ dựa cho cả hai mẹ con. Nhưng bà lo sợ nhiều bi kịch sẽ xảy ra có khi còn kinh khủng hơn cả đói nghèo nên chẳng màng đến điều đó.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Từ sáng sớm đến tối muộn, bà hết quần quật làm tăng ca rồi lại tìm thêm mối hàng gia công. Không còn sự dạy bảo của cha, mẹ thì ngập đầu trong công việc chẳng có nhiều thời gian để ý đến con, Hạnh lớn lên như một cây hoa dại mọc ven đường. Nó xinh xắn nhưng cá tính, mạnh mẽ như con trai. Cũng có đêm, bà cố dứt việc để đi ngủ sớm cùng con, thủ thỉ kể cho con nghe nỗi vất vả của mình, những mong con thấu hiểu mà ngoan ngoãn nghe lời. Nhưng nó cũng chả thấm là bao. Lên cấp 2, bao nhiêu lần nó khiến các thầy cô giáo đau đầu là bấy nhiêu lần bà phải nghỉ làm đến trường gặp Ban giám hiệu khóc mủi khóc giải. Các thầy cô nhận xét rằng Hạnh khá thông minh nhưng tính tình lì lợm, hay có những phản ứng tiêu cực. Có lẽ do biến đổi tâm sinh lý của tuổi dậy thì nên nó như vậy. Bà mong con qua nhanh cái tuổi dở dở ương ương này. Lúc nào bà cũng nơm nớp lo sợ nó gây chuyện. Tuần nào mà không có phản ánh từ cô chủ nhiệm, ấy là một tuần yên bình với bà.

Nhưng chưa học xong lớp chín, Hạnh cầm đầu nhóm học sinh cá biệt đi sang xã bên đánh hội đồng một bạn trường khác chỉ vì dám đi nhờ xe của cậu bạn trai mà nó thích. Con dại cái mang, bà mất cả mấy tháng lương để đền cho gia đình cô bé kia. Hạnh bị kỷ luật và đó là cái cớ để nó bỏ học luôn.

Hạnh đàn đúm với bọn thanh niên lêu lổng quanh vùng. Nhiều lần bà khóc lóc van xin con hãy để cho bà được sống yên ổn làm ăn và trả nợ. Nhắc đến nợ thì nó quắc mắt lên: “Con có đòi bố mẹ phải sinh ra con đâu mà mẹ nói đến nợ. Hay mẹ muốn con đi bán thân để trả nợ cho mẹ?”. Người mẹ tội nghiệp chỉ biết khóc, cay đắng nghĩ về những truân chuyên của kiếp mình. Những tưởng trời thương mà cho được mụn con làm nguồn vui. Nhưng đâu phải đứa trẻ nào cũng là một món quà của tạo hóa. Bà bất lực nhìn những trò ngạo ngược của con gây ra mà có lúc trộm nghĩ: giá như mình không sinh ra nó thì có lẽ đã chẳng phải đau lòng như vậy.

Và khi các bạn cùng trang lứa tung tăng vào học cấp 3 thì Hạnh bỏ nhà đi bụi. Có khi cả tháng nó mới tạt về qua nhà, đầu tóc nhuộm xanh đỏ, trang điểm lòe loẹt. Lúc thì nó nói là lên Lạng Sơn đi buôn đồ gia dụng Trung Quốc cùng đám bạn, khi thì bảo đi làm cắt tóc gội đầu ở Hà Nội. Ở nhà được vài ngày nó lại đi, khi đi còn vét cả tiền trong túi mẹ. Bao đêm bà khóc đến cạn cả nước mắt, nghĩ về quãng đời lam lũ đã qua và dự cảm biết bao tai ương mà có thể chính đứa con gái duy nhất của mình sẽ gây nên.

Rồi Hạnh đi bặt tăm, đến hơn năm sau thì mang về cho mẹ đứa con đỏ hỏn. Nó đặt cái túi tã lót và đứa bé xuống cái giường ọp ẹp, lạnh lùng bảo: “Con bé này cũng là sản phẩm lỗi của tạo hóa. Con định bán nó cho bọn Trung Quốc, nhưng nghĩ mẹ tuổi già sống cô độc nên mang nó về để mẹ nuôi cho đỡ buồn.” Nó nói về đứa con dứt ruột đẻ ra mà như nói về con chó con mèo vậy. Nhìn Hạnh gầy tong teo, đứa trẻ thiếu sữa khóc như xé vải, bà xót xa lắm. Bà hỏi về bố đứa bé thì Hạnh cười khẩy: “Làm sao mà con biết bố nó là thằng nào. Mẹ kiếp, lúc sung sướng rên rẩm thì thằng nào cũng hứa hẹn, lúc báo có thai thì tụi nó biến hết như chui cả xuống đất”.

Bà khóc rấm rứt, kể lể nỗi khát khao mòn mỏi của bà khi chưa có con để mong Hạnh sẽ động lòng nghĩ đến đứa bé mà ở nhà tu tỉnh làm ăn nuôi con. Nó lại gắt lên: “Đã bảo là chưa bao giờ tôi đòi được sinh ra, mẹ hiểu chưa? Nào, giờ mẹ nói một câu thôi, có nuôi được con bé này không, hay để tôi đem bán, được bao nhiêu tôi cho mẹ tất để trả nợ.” Bà đau đớn ôm chặt đứa cháu đỏ hỏn vào lòng. Nước mắt như cạn khô trong nỗi đau cùng kiệt.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Bà đặt tên cho đứa cháu tội nghiệp ấy là Thương. Âu cũng là trời còn thương bà, con bé ngoan ngoãn dễ nuôi. Có nó bà cũng đỡ cô quạnh nhưng cũng chật vật mưu sinh để nuôi cháu và luôn nơm nớp lo sợ rồi không biết con bé sinh ra trong hoàn cảnh này liệu có đi vào vết xe đổ của mẹ nó không?! Bà xin nghỉ làm công ty, hôm nào cũng dậy từ hai giờ sáng, đồ một chõ xôi để bán cho cánh công nhân nghèo trong khu trọ. Buổi chiều, bà bày cái bàn nước con con dưới gốc cây bàng cổng công ty. Bà xin được một cái nôi cũ, đặt con bé vào đó, một tay khẽ kéo sợi dây đưa nôi đung đưa, tay kia quày quả pha trà đá cho khách. Tối nhọ mặt người, bà lại lụi cụi đẩy cái xe hàng nhỏ về xóm trọ. Bên hông xe, con bé con ngủ ngặt ngoẹo như con mèo nhỏ. Nhìn cảnh ấy, hàng xóm ai cũng cảm thương, họ động viên bà hy vọng con bé Thương lớn lên sẽ ngoan ngoãn, bù đắp yêu thương cho bà.

Từ ngày mang con về cho mẹ, Hạnh càng đi biền biệt hơn, năm khi mười họa nó mới về, vẫn cái dáng vẻ bụi bặm bất cần ấy. Bẵng đi vài năm, Hạnh dẫn về một gã đàn ông có gương mặt non choẹt nhưng ánh mắt thì vằn lên những tia sắc lạnh, cánh tay gầy xanh xăm hình rồng phượng. Gã quê Thái Bình, nghe đâu cũng vì bất mãn với cha mẹ nên bỏ theo đám bạn đi buôn hàng biên giới. Hạnh tuyên bố: “Chúng con quyết định về đây lập nghiệp. Anh Quý sẽ thuê cửa hàng trên phố mở quán Internet. Con làm cắt tóc gội đầu bên cạnh. Mẹ có tiền tiết kiệm thì cho con vay một ít làm vốn.” Bà im lặng. Bé Thương ngơ ngác. Gã đàn ông kia ngồi rít thuốc lá nhả khói mù mịt cả căn phòng. Nỗi lo sợ lại bắt đầu len lỏi trong tâm trí bà.
Vài lần bà kiếm cớ đi lên phố, ngó xem cái cửa hàng của “vợ chồng” Hạnh Quý ra sao. Bà lạ gì tính bốc đồng của con, nhưng vẫn manh nha hy vọng biết đâu nó đã trải đời rồi mà biết quý trọng sự bình yên. Bà thấy cái tiệm “nét” của Quý toàn lũ choai choai đầu xanh đầu đỏ đi ra đi vào. Còn gian hàng bé tẹo sâu hun hút của Hạnh ở ngay bên cạnh thì thi thoảng lại lòi ra một đứa con gái mặc áo hai dây trễ nải, môi đỏ như cục tiết, nhâng nháo leo lên xe của một thằng trai nào đó. Bà thở dài sườn sượt, thất thểu ra về trong thấp thỏm âu lo.

Mang tiếng ở ngay trên phố, cách nhà vài cây số mà có khi cả tháng Hạnh không về thăm con. Con bé Thương đã quen với sự vắng mẹ nhưng thi thoảng có bữa thấy bà nấu món ngon, nó lại tần ngần: “Kể có mẹ Hạnh về ăn thì thích, bà nhỉ?”.

Bà chỉ biết xoa đầu cháu, thương thắt ruột nhưng cũng mừng thầm vì con bé hiền lành như hạt cơm nguội chứ không ngạo ngược như mẹ nó. Có lần Hạnh về đưa cho bà năm mươi triệu đồng, bảo bà đi gửi ngân hàng để hai bà cháu có khoản phòng thân. Bà mừng rơi nước mắt, không phải vì có được số tiền lớn mà nghĩ có khi con bà đã biết tu tỉnh chí thú làm ăn để làm lại cuộc đời.

Nhưng rồi tai họa cứ liên tiếp ập đến. Trong một buổi chiều muộn, bà dọn hàng về nhà thì thấy con bé Thương vẻ mặt thất thần tóc tai rũ rượi rúm ró sợ sệt nép vào góc giường, thấy bà về thì lao ra ôm lấy bà nức nở khóc. Bà dỗ dành mãi nó mới tức tưởi kể về hành động đồi bại của cha dượng. Trong cơn say, thằng cha vô luân ấy đã xâm hại con bé. Bà chết điếng người, lập cập gọi điện thoại cho Hạnh. Nửa đêm Hạnh mới về nhà, vừa đến cửa đã gầm lên: “Thằng khốn nạn ấy nó cuỗm tiền sang nhượng tiệm Internet của tôi rồi. Tôi phải tìm nó bằng được. Tưởng ăn được của con này mà dễ à?!”. Nó trân trối nhìn bé Thương một chút rồi lại tất tả đi. Có lẽ Hạnh cay cú vì bị mất một khoản tiền lớn hơn là xót xa cho đứa con ngây thơ vừa trải qua cơn khiếp đảm. Nhiều đêm sau đó, con bé Thương hoảng loạn kêu ú ớ thất thanh, lòng bà lại đau như cắt.

Hơn tháng sau, một buổi trưa, hai bà cháu đang ăn cơm thì mấy anh công an dẫn Hạnh về, đọc lệnh khám nhà. Thì ra Hạnh có dính líu đến một đường dây tiêu thụ ma túy, lại can tội chứa gái mại dâm. Công an đã theo dõi nó cả năm nay. Bà rụng rời chân tay, con bé Thương sợ hãi khóc òa lên. Hai tháng sau, Tòa tuyên Hạnh mười năm tù. Bà đau đớn dẫn bé Thương về quê, hy vọng con bé sẽ nguôi dần nỗi đau đớn ám ảnh về người mẹ tội lỗi và sự khiếp đảm mà tên bố dượng đã gây ra.

Nhưng chỉ ngày thứ hai đi học ở lớp mới, bé Thương đã bị bọn bạn cùng lớp trêu chọc “đồ không có bố”, “con nhà tù”. Về nhà, bé Thương sà vào lòng bà ngoại khóc òa lên: “Bà ơi từ mai con không đi học nữa đâu.” Bà chết lặng, ôm cháu vào lòng, thấy lưng áo đồng phục trắng của nó dính đầy mực, chiếc quai cặp sách lủng lẳng như sắp đứt. Bà không dám gặng hỏi, bởi không muốn khoét sâu thêm nỗi đau của đứa cháu đáng thương.

***
Nghe những lời tâm sự đắng đót của người đàn bà bất hạnh, cô Thanh không giấu nổi những giọt nước mắt cảm thông. Cô hiểu nỗi đau của bà, bởi chính cô cũng trải qua những ngày tháng đằng đẵng mỏi mòn trong nỗi khát con. Người đàn ông của cô đã rời xa cô để đi tìm hạnh phúc mới. Bố mẹ cô đã mất cả. Hai người em gái thì lấy chồng xa. Cô chuyển từ thành phố về đây. Niềm vui sống của cô bây giờ là lũ học trò quê nghèo thuần hậu. Gần hai mươi năm đứng trên bục giảng, có lẽ đây là hoàn cảnh đáng thương nhất mà cô gặp phải. Ánh mắt buồn thảng thốt của bé Thương đã chạm đến lòng trắc ẩn của cô. Với cô, mỗi đứa trẻ sinh ra đều là món quà kỳ diệu của tạo hóa. Cô muốn dang tay đón nhận món quà ấy để yêu thương và chở che. Cô ôm bé Thương vào lòng, rưng rưng…

Chiều chạng vạng, cô Thanh trở về nhà. Không còn tâm trạng hoang hoải khi phải đối mặt với nỗi cô độc như mọi ngày, trong cô lúc này nhen lên niềm hy vọng ấm áp yêu thương.

TẠ THỊ THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.