Món quà tặng mẹ

Chia sẻ

Mẹ tôi là người tư duy kiểu truyền thống, ngại thay đổi. Vì vậy, mẹ cũng ít khi sẵn lòng tiếp nhận cái mới.

Sau khi lấy chồng, mẹ ở nhà làm nội trợ. Nhờ có mẹ chăm lo mà gia đình tôi bao năm qua luôn yên ổn. Chúng tôi được thoải mái đi làm, đi học mà không phải lo lắng đến việc nhà cửa. Quần áo chúng tôi thay ra đã có mẹ giặt giũ, phơi phóng rồi gấp gọn gàng trong tủ. Ngày ba bữa, mẹ nấu cơm dẻo canh ngọt cho cả nhà. Mẹ chưa bao giờ phàn nàn khi quanh năm suốt tháng chỉ quẩn quanh từ bếp ra tới phòng khách.

Nhưng rồi theo thời gian, ngôi nhà chúng tôi ở trở nên rộng hơn sau mấy lần chuyển nhà. Gia đình tôi cũng có thêm các thành viên mới. Chị gái tôi lấy chồng rồi anh theo chị về ở rể. Rồi chị sinh liền 2 năm 2 đứa. Vì thế mà những việc không tên trong nhà cũng nhiều dần lên. Cùng với đó, sức khỏe mẹ cũng yếu dần. Mỗi sáng sớm, khi đi chợ về, tôi thấy mẹ ngồi mãi ở hiên nhà, thở hổn hển. Việc lau dọn nhà cửa cũng khiến mẹ mất cả buổi sáng mới hoàn thành. Rồi đến bữa, mâm cơm mẹ nấu cũng nhiều lên, món thì phục vụ người già, món thì làm riêng cho hai đứa cháu.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thương mẹ, chúng tôi nói mẹ cứ nghỉ ngơi. Việc nhà để anh em chúng tôi sắp xếp làm cũng được. Nhưng mẹ không chịu vì nghĩ trách nhiệm của mình vẫn là ở nhà làm nội trợ, đỡ đần cho con cháu.

Mấy chị em liền bàn cách khác để giúp đỡ mẹ. Lấy cớ sinh nhật mẹ, chị gái “liều” mua tặng mẹ một món quà. Đó là một chiếc nồi cao tần vũ trụ. Mẹ chỉ việc bỏ các nguyên liệu vào nồi rồi chọn chế độ nấu phù hợp, việc còn lại đã có chiếc nồi lo. Mẹ vừa nhìn thấy cái nồi đã lắc đầu nguầy nguậy. Cái lý của mẹ là việc xào nấu mẹ làm quen bao năm nay, làm sao mà phải mua cái nồi tốn mấy triệu bạc. Nhưng tiếc vì nồi đã mua không thể trả lại, mẹ đành cố dùng.

Một thời gian sau, mẹ đã không còn phàn nàn về sự hiện diện của chiếc nồi nữa. Mẹ thừa nhận có cái nồi mẹ cũng nhàn hẳn vì không cần cứ phải nhăm nhăm túc trực canh bếp để thức ăn không bị cháy. Trong lúc chờ chiếc nồi nấu xong, mẹ có thể rảnh rang làm các việc khác hoặc là ngồi xem bộ phim yêu thích.

Nghe mẹ nói vậy, mấy chị em thích quá đi. Được đà, chị em liền góp tiền “tân trang” luôn ngôi nhà. Thế là trong bếp cũng xuất hiện thêm một chiếc lò vi sóng, giúp mẹ có thể nấu ăn nhanh, hâm lại đồ mà không cần phải lục tục đun nấu như trước. Rồi lại cả một con robot biết hút bụi và lau nhà. Mỗi chiều, mẹ không còn phải lo lau quét nhà mà chỉ cần bật máy, robot sẽ cặm cụi đi khắp các ngóc ngách, giúp cho ngôi nhà sạch tinh tươm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Để giúp mẹ không phải vất vả đi chợ mỗi ngày, mấy chị em tải app mua hàng online vào chiếc điện thoại di động cho mẹ. Từ đó, cần mua gì, mẹ chỉ việc chọn lựa rồi đặt hàng, một lát sau là đã có người giao đến tận cửa. Thực phẩm vẫn rất tươi ngon, lại bán đúng giá, không lo bị cân thiếu nên mẹ rất ưng.

Rồi một ngày, mẹ cười vui bảo: Đúng là thời buổi hiện đại, công nghệ phát triển giúp giải phóng sức lao động của con người thật sự. Việc nhà với mẹ đã không còn nặng nhọc nữa. Còn các con thì cũng đỡ áy náy hơn khi thấy mẹ cứ phải cặm cụi làm từ sáng tới chiều.

Được giải phóng khỏi căn bếp, mẹ cũng thay đổi luôn tư duy. Đó là không chỉ sống cho gia đình, con cháu, mẹ bắt đầu sống cả cho mình. Mẹ còn đi tập thể dục dưỡng sinh, giao lưu với các ông bà trong khu phố. Việc nào mà máy móc trong nhà có thể làm được thì mẹ để máy móc làm để mình được nghỉ ngơi, thư giãn. Mẹ bảo, mình cố tự làm mọi việc nhưng rồi khi mệt quá, ốm ra đấy phải vào viện, thì con cháu cũng lại tốn kém tiền bạc để mua lại sức khỏe cho mình.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.