Món quà vô giá
(PNTĐ) - Gia đình bà Hoa có 3 thế hệ cùng chung sống hòa thuận và hạnh phúc dưới một mái nhà. Ông bà sống mẫu mực, con cháu biết kính trên, nhường dưới, chăm lo học hành. Mỗi lần nghĩ về tổ ấm của mình, bà Hoa mừng lắm, thấy đó quả thực là một món quà vô giá mà bà có được nhờ sự dầy công vun đắp.
Ở xã này, ai cũng biết gia đình ông bà là điển hình của gia đình “ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo” để mọi người trong thôn, xã học tập, noi theo. Vốn quê gốc ở Đà Nẵng, bà Hoa theo gia đình vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới từ những năm 70 của thế kỷ trước. Còn chồng bà quê ở Thái Bình khi đó đang công tác ở vùng đất Tây Nguyên bạt ngàn.
Nở nụ cười tươi tắn, bà Hoa cho biết, vợ chồng bà cưới nhau đến nay đã gần 50 năm, có với nhau 3 con gái, 1 trai, các con của ông bà đều được ăn học đàng hoàng, ra trường có công việc ổn định và đã lập gia đình.
Hai con gái bà đều làm giáo viên, lấy chồng cũng gần nhà nên qua lại thăm bố mẹ thường xuyên. Ông bà ở cùng người con trai là luật sư. Ông bà còn khỏe nên hàng ngày vẫn giúp đỡ các con chăm sóc 2 đứa cháu nội đáng yêu của mình.
Bà Hoa nói: “Để được như hôm nay, vợ chồng tôi có nhiều thời gian gặp khó khăn, vất vả, thất bại, nhất là những năm đầu khi đất nước đổi mới, xóa bỏ bao cấp. Đó cũng là thời điểm tôi liên tiếp sinh 2 con gái đầu lòng. Nhà có lúc không còn gì ăn, thời đó có tiền cũng khó mua thực phẩm chứ đứng nói là mua đồ ăn ngon.
Điều giúp chúng tôi vượt qua là vợ chồng luôn chia sẻ, đồng cam cộng khổ. Bản thân tôi luôn nhìn vào gia đình để cố gắng phấn đấu. Trong gia đình, tôi và ông ấy luôn có sự nhường nhịn, thấu hiểu, cảm thông. Vì thế, mái ấm gia đình suốt mấy chục năm qua luôn tràn ngập niềm vui. Đặc biệt, từ khi ông được nghỉ hưu không còn bận rộn, không phải lo chuyện gia đình, chúng tôi dành nhiều thời gian cho nhau hơn”.
Bà thường xuyên dạy bảo con cháu rằng, để duy trì được hạnh phúc thì mỗi người đều vừa nghĩ đến hạnh phúc cá nhân, vừa nghĩ đến quyền lợi của những người chung quanh, nghĩ đến gìn giữ hạnh phúc gia đình, những yếu tố “gốc” của văn hóa gia đình. Không chỉ hướng tới cuộc sống hòa thuận, hạnh phúc trong gia đình, ở ngoài xã hội, gia đình ông bà có nhiều đóng góp cho các phong trào ở địa phương.
Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng ông bà vẫn tích cực với các hoạt động xã hội. Chỉ cần thôn, xã yêu cầu thì ông bà đều có mặt và nhiệt tình hỗ trợ. Ông bà luôn bảo nhau gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, góp phần vào sự phát triển của quê hương.
Ông nhớ lại, khi phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai tại xã, gia đình ông bà là một trong những gia đình tiên phong trong việc ủng hộ địa phương thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Vì vậy ông bà còn chủ động hiến đất làm đường nông thôn mới, rất tích cực tham gia phong trào xây dựng cảnh quan môi trường, chỉnh trang đường giao thông trục liên xã.
Ông bà cũng đi đầu trong vận động bà con giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống bạo lực gia đình, bài trừ các tệ nạn xã hội. Là hạt nhân văn nghệ, thể thao của phường, hiếm khi nào ông bà vắng mặt trong các hoạt động văn hóa sôi nổi ở địa phương.
Ông nhìn bà trìu mến, kể: “Từ khi tham gia văn nghề và thể dục dưỡng sinh, chúng tôi rất phấn khởi, tinh thần vui vẻ, khỏe mạnh hơn. Ông nhà tôi còn vận động mạnh thường quân đóng góp để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động biểu diễn”.
Gần 50 năm về làm vợ, làm dâu với những mối quan hệ gia đình trên, dưới nhưng với bà Hoa, nếu được lựa chọn lại bà vẫn chọn cuộc sống như hiện tại, không mong cuộc sống giàu sang chỉ mong sum vầy đầm ấm và mỗi ngày được nhìn thấy nụ cười của từng thành viên trong gia đình. Bao nhiêu năm gắn bó với nhau, là bấy nhiêu năm ông bà cùng cố gắng vun vén xây dựng tổ ấm của mình.
Ông dù công việc đặc thù, không ở gần nhà, song ông luôn tranh thủ thời gian được nghỉ là về với vợ con, giúp vợ sửa nhà cửa, cùng quan tâm chăm sóc con cái. Ngay từ khi các con còn nhỏ, vợ chồng ông bà đã dạy cho con ý thức tự giác học tập, kiên trì kèm cặp, uốn nắn để việc học hành của các con đi vào nề nếp. Nghiêm khắc một cách đúng mực chứ không cứng nhắc, không để sự kỳ vọng của bố mẹ trở thành áp lực đối với con cái.
Ông bà cũng luôn giúp các con rèn luyện ý chí phấn đấu vươn lên và tự khẳng định mình, luôn gần gũi lắng nghe, nhẹ nhàng bồi đắp cho con đức tính cần cù, chịu khó. Ý thức rất rõ bố mẹ chính là người ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành nhân cách của con cái, nên ông bà luôn sống hòa hợp hạnh phúc, cư xử với mọi người xung quanh hòa nhã, đúng mực để làm gương cho con.
Ông bà luôn tâm tình với con như những người bạn để các con sớm ý thức nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện.
Ông bày tỏ: “Ông bà ta có câu chén trong sóng còn khua, huống chi là vợ chồng. Vì vậy, trong đời sống gia đình, vợ chồng tôi ít nhiều cũng có những lúc cãi vã. Tuy nhiên, vào ngày cưới các cặp vợ chồng luôn được trao nhẫn, “nhẫn” ở đây nhắc nhở chúng ta phải biết nhẫn nhịn. Vì vậy, chúng tôi luôn lấy chữ “nhẫn” để cư xử với nhau, cũng như dạy bảo các con sau này”.
Ở cùng bố mẹ, nhưng chưa bao giờ anh chị Tuấn - Hoài (con trai, con dâu của ông bà) cảm thấy không thoải mái. Có lần hai vợ chồng anh chị giận dỗi nhau, nhờ bố mẹ hòa giải mà cả hai đều nhận ra lỗi của mình và làm hòa nhanh chóng.
Anh Tuấn nói: “Đôi khi, cha mẹ già có thể kể mãi, hoài niệm không thôi về một câu chuyện, nhưng chúng tôi không tỏ ra chán nản và thờ ơ. Chúng tôi luôn lắng nghe hồ hởi như lần đầu tiên được nghe kể nên ông bà rất vui. Trong gia đình con cháu cũng thường xuyên tâm sự, trò chuyện những tin vui về công việc, cuộc sống của mình hay tình hình học tập của các cháu để các cụ yên lòng. Những chia sẻ giản dị về cuộc sống hàng ngày ấy góp phần tạo nên sự gắn kết và đầm ấm bên gia đình, và là liều thuốc tinh thần vô giá giúp cha mẹ có thêm động lực vui sống và tận hưởng tuổi già an nhàn bên gia đình”.
Chị Hoài cũng thêm vào câu chuyện, chúng tôi chăm sóc cha mẹ không phải chỉ lo cho bữa ăn hay biếu tiền, quà cáp cho công bà. Chúng tôi thấu hiểu và chia sẻ với nỗi sợ cô đơn của người già. Các cụ thích trẻ con lắm nên gia đình tôi luôn tạo cơ hội để ông bà vui chơi với các cháu, để ông bà không còn cảm giác cô đơn. Hoặc cũng có thể đưa cha mẹ đi thăm họ hàng, giao lưu với bạn bè, câu lạc bộ, hay nhóm cộng đồng khác.
Ở những nơi như thế, cha mẹ già tìm lại được chính mình khi xưa, được tôn trọng, được lắng nghe và chia sẻ. Cha mẹ cũng thấy tự tin vì mình vẫn đủ sức khỏe để đi đến những nơi mình thích, và đặc biệt hơn là được con cháu thấu hiểu, quan tâm hết mực. Sự quan tâm, thấu hiểu, sẻ chia từ những việc nhỏ của từng người trong gia đình ấy sẽ mang đến một hạnh phúc to lớn, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, làm cho cuộc sống cộng đồng tốt đẹp hơn.