Một số giải pháp từ gia đình

Chia sẻ

Trong thời gian qua, Đảng và nhà nước ta luôn thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến trẻ em thông qua việc ban hành một loạt các chính sách, văn bản pháp luật về trẻ em. Nhận thức, trách nhiệm và hành động của gia đình và xã hội ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, công tác trẻ em vẫn tồn tại một số hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, biến đổi khí hậu cũng như đại dịch Covid-19.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào năm 1990. Văn bản pháp luật cao nhất của nước ta là Hiến pháp 2013 đã khẳng định quyền được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục của trẻ em cũng như nghiêm cấm việc xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và các hành vi khác vi phạm quyền trẻ em (Điều 37). Chỉ thị 20-CT/TW ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” cho thấy sự coi trọng, quan tâm của Đảng với công tác trẻ em. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Trẻ em 2016 với các quy định về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Bên cạnh đó, trẻ em còn được đề cập đến trong rất nhiều văn bản pháp luật khác như: Luật Giáo dục 2005, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Bộ luật Lao động, Luật An ninh mạng 2018… Tất cả những văn bản nói trên đã tạo nên cơ sở pháp lý quan trọng nhằm đáp ứng các quyền cơ bản của trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi những tổn hại về thể chất và tinh thần, chăm sóc và giáo dục để các em có được sự phát triển toàn diện.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tuy nhiên, công tác trẻ em vẫn tồn tại một số hạn chế, khó khăn, thách thức, trong đó, sự an toàn của trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng là vấn đề đáng lưu tâm. Theo Báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn từ 1/1/2015 đến 30/6/2019 có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với hơn 8.700 trẻ em bị xâm hại. Chỉ tính riêng năm 2020, nước ta có 1.576 trẻ em bị xâm hại. Nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục chủ yếu là trẻ em gái. Bên cạnh đó, còn có tình trạng trẻ em bị bạo lực thể chất và tinh thần; bị lạm dụng và bóc lột sức lao động… Trong bối cảnh đại dịch Covid- 19, các trường học đều phải đóng cửa và hình thức dạy - học phải chuyển sang trực tuyến. Điều đó dẫn đến việc trẻ em phải đối mặt với một số nguy cơ, rủi ro từ mạng. Những bài báo, mục đưa tin, các đoạn clip được đăng tải rộng rãi trên mạng internet đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ rình rập, sự mất an toàn của trẻ em hiện nay.

Đặc biệt, những nguy cơ và hiểm họa còn tiềm ẩn ngay trong các không gian quen thuộc đối với trẻ như gia đình và trường học. Ở một số địa phương, trẻ em bị chính người thân quen xâm hại chiếm tỷ lệ tương đối cao, chẳng hạn: Hà Tĩnh (67,6%), Hà Nội (51,9%), Bà Rịa Vũng Tàu (33%)… Theo thống kê của Tổng đài 111, số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88%. Trường học tưởng chừng là môi trường sư phạm chuẩn mực, lành mạnh và an toàn cũng đã diễn ra những vụ việc như thầy giáo, nhân viên nhà trường xâm hại, cưỡng bức học sinh gây hoang mang, bức xúc dư luận xã hội. Bên cạnh đó, còn xảy ra các vụ bạo lực do giáo viên gây ra nhằm uốn nắn, dạy dỗ học sinh đã đi ngược lại với đạo đức nhà giáo. Có thể thấy, xâm hại, bạo lực và bóc lột trẻ em là những hành vi vi phạm quyền con người và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hiện tại cũng như tương lai sau này của các em.

“Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em thực chất là nơi mà phụ nữ và trẻ em gái có thể tới bất kỳ khi nào với cảm giác an toàn, được trao quyền và có thể tiếp cận thông tin, giáo dục, hoạt động giải trí, hỗ trợ và dịch vụ” (Khái niệm và những tiếp cận cơ bản - Trần Thị Minh Thi, 2019). Việc xây dựng không gian an toàn cho trẻ em gái là trách nhiệm và cần sự chung tay của toàn bộ ban, ngành, đoàn thể, gia đình và các cá nhân. Tuy nhiên, gia đình là chủ thể vô cùng quan trọng trong việc tạo dựng không gian an toàn cũng như giúp trẻ em gái đối mặt với những nguy cơ, rủi ro từ các không gian khác. Trong đó, cha mẹ là những người thầy đầu tiên trao truyền các giá trị, chuẩn mực văn hóa, chỉ dạy, giúp con cái trưởng thành và có nhiều đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, dưới sức ép của xã hội hiện đại, nhiều bậc cha mẹ quá bận rộn công việc kiếm sống nên còn ít quan tâm, gần gũi, sát sao con cái của mình. Đồng thời, chính bản thân họ thiếu hụt hiểu biết luật pháp về quyền của trẻ em cũng như kiến thức bảo vệ trẻ em khỏi những hiểm họa rình rập. Trên thực tế, còn có những gia đình vì tâm lý xấu hổ, e ngại dư luận nên đã bỏ qua, dung túng cho các thủ phạm xâm hại, bạo lực trẻ em, đặc biệt khi thủ phạm là người thân thích. Có thể thấy, trẻ em đã mất an toàn ngay trong chính môi trường gần gũi, gắn bó nhất là gia đình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Do đó, để các gia đình có thể tạo dựng không gian an toàn và giúp trẻ em hình thành một lá chắn bảo vệ, thiết nghĩ cần thực hiện một số giải pháp sau đây. Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình về quyền của trẻ em nhằm tôn trọng, đáp ứng các quyền cơ bản và xác định các trách nhiệm, nghĩa vụ đối với trẻ em. Thứ hai, cha mẹ cần dành nhiều thời gian gần gũi, đồng hành để thấu hiểu, chia sẻ và giải quyết những vướng mắc con cái đang gặp phải. Chỉ khi tạo dựng mối quan hệ thân thiết và cởi mở, cha mẹ mới có thể nhận diện những rủi ro có thể xảy ra đối với trẻ em. Thứ ba, cha mẹ cần truyền đạt những giá trị, chuẩn mực truyền thống và hiện đại tốt đẹp, phù hợp để hình thành tâm hồn, nhân cách cao đẹp cho trẻ em, giúp các em miễn nhiễm với những tư tưởng tiêu cực, độc hại. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn, trang bị cho con trẻ một số kiến thức về giới tính, kỹ năng phòng tránh xâm hại, bạo lực trên thực tế cũng như trên không gian mạng. Thứ tư, gia đình và nhà trường cần có sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ để nắm rõ tình hình của trẻ em để bảo vệ, giáo dục trẻ em tốt hơn.

Mỗi gia đình hãy là không gian an toàn, ấm áp nhất cho trẻ em, đồng thời là pháo đài vững chắc bảo vệ trẻ em khỏi mọi tổn hại từ bên ngoài cuộc sống.

TS. Phan Thị Thu Hà
Học viện Phụ nữ Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.