Một sớm mai đến với Hồ Tây

Bài và ảnh: Nhất Chi Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) - Một sớm mai, chúng tôi có dịp thả hồn mình theo từng cơn gió nhẹ, tản bộ bên Hồ Tây. Buổi sớm, trời chưa có nắng, không gian nơi đây có phần ảm đạm. Cái sắc màu nhờ nhợ phơn phớt liêu trai bảng lảng nơi mặt hồ khiến cho từng sợi thần kinh thanh mảnh nhất trong não phải ta cũng chợt rung lên những giai điệu yêu đời thân thương tha thiết!

Tôi nheo mắt lựa những nét vẽ thần tình khi mùa sang… Hồ Tây, làn nước trong văn vắt, không nhìn rõ ranh giới ngấn nước giữa mặt hồ và bờ. Những xoáy nước hình vòng cung như những khuông nhạc, như những đường vân tay của người khổng lồ điểm chỉ vào nền nước mịn.

Tôi say đắm quỳ xuống thảm cỏ xanh mượt, mắt nhìn ra xa để thu vào tâm hồn mình tất cả vẻ đẹp của một góc nhỏ Hà Thành. Xung quanh hồ, những phố xá lẩn quất thơ mộng bên những hàng cây trăm tuổi. Vẻ thanh bình, tươi sáng của không gian nơi đây khiến cảm xúc của tôi thăng hoa trên từng nét vẽ.

Mặt hồ mênh mang …

Nhìn ra xa khung cảnh hồ Tây thật nên thơ. Nghe văng vẳng đâu đây câu ca dao xưa hình như tôi đã thuộc làu từ thời tiểu học:

“Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương

Mịt mù khói tỏa ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”

Một sớm mai đến với Hồ Tây - ảnh 1

Câu ca dao như một nét bút thần tình phác họa khung cảnh hồ Tây vào một buổi ban mai xa lắc. Chúng tôi đang hiện diện nơi đây ở thời hiện tại, giữa màn khói sương nghi ngút mà mơ màng hình dung về khung cảnh một mảnh đất Thăng Long xưa. Tưởng như cái hợp âm réo rắt của “tiếng chuông Trấn Vũ” đang hoà quyện làm một với tiếng gà gáy mé Thọ Xương; tưởng như cái nhịp chày giã dó làm giấy ở làng Yên Thái đang vang lên rộn rã làm tan đi màn sương buổi sớm giữa Tây Hồ; tưởng như cái nhịp sống còn đang hối hả đâu đây, chộn rộn thắp lên niềm vui của cuộc sống đời thường giữa lưng chừng ngày mới…

Tôi trầm ngâm ngắm nhìn không gian buổi sớm nơi đây. Vẻ tĩnh lặng mà nên thơ của nó khiến cho cái chất lãng mạn trong tâm hồn mỗi người cũng phải hân hoan lên tiếng. Bức họa của tôi thoáng chốc đã phác họa xong những nét cơ bản của cảnh vật. Cô bạn tôi trầm trồ khen: “Mới vài nét mà cậu đã “thổi hồn” vào sự vật vậy, thật là thần tình!”.

Tôi ngước nhìn cô bạn gái với ánh nhìn thiện cảm. Cô có cái dáng hơi bệ vệ, vẻ lầm lì nhưng lại mang một tâm hồn cực kỳ thanh mảnh và đầy giao cảm tinh tế trước phong cảnh hữu tình. Rất tự nhiên, cô bỗng ngân lên câu hát như một lẽ tự nhiên đầy phóng túng của tâm hồn mình: “Hồ Tây chiều thu… mặt nước vàng lay mờ xa mời gọi! màu sương thương nhớ, bày sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời…” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).

Tiếng hát ngân xa… mặt hồ yên tĩnh bao la bỗng dường như xao động, rộn lên những sắc màu ngày mới. Bình minh đang dâng lên ngàn tia nắng tạo nên những nét chấm phá đầy thi vị giữa khung cảnh hữu tình.

Bác nhà văn đi cùng chúng tôi, người gốc Hà Nội, từng sống ở Hà thành gần 60 năm, nói với chúng tôi về lịch sử Hồ Tây:

“Cách đây hàng nghìn năm, hồ Tây là đoạn còn sót lại do sông Hồng chuyển dòng mà thành. Hồ Tây từng có nhiều tên gọi như hồ Mù Sương (Dâm Ðàm), hồ Trâu Vàng (Kim Ngưu hồ), đầm Xác Cáo... Mỗi tên gọi đều gắn với một sự tích về nguồn gốc hình thành của hồ…”. Rồi bác nheo mắt nhìn ra xa phía mặt hồ, nơi những dải nắng xuân kiều diễm đang giao thoa hòa quyện làm một với làn sương mỏng tạo thành một lớp phản quang lấp lánh, ông chậm rãi nói: “Hồ Tây có thế “Long phượng trình tường - Phượng hoàng ẩm thủy”, nghĩa là Rồng Phượng báo điềm lành, hạnh phúc tài lộc…

Bởi thế, cư dân Thăng Long xưa sống ở nơi đây trên bờ thuận việc canh tác tằm tang, dưới nước thuận giao thông thủy và chài lưới... Cũng bởi thế mà thời Lý, công chúa Từ Hoa, con Vua Lý Thần Tông đã rời cung về vùng ven hồ Tây dạy dân trồng dâu, nuôi tằm hình thành nên một vùng đất nổi tiếng với nghề tơ tằm, vang danh khắp kinh thành Thăng Long…”.

Một sớm mai đến với Hồ Tây - ảnh 2

Chúng tôi lắng nghe từng lời ông nói mà hình dung về một cuộc sống lao động tươi vui sầm uất đã từng diễn ra ở nơi đây từ hàng nghìn năm trước. Tôi nhìn ra xa mặt hồ rộng xa hút tầm mắt mà bồi hồi hỏi bác nhà văn:

- Dạ thưa bác, hiện giờ ở vùng quanh hồ có còn nơi nào họ lưu giữ được nghề truyền thống không ạ?

- Hiện nay mặt hàng dệt may còn có ở Tân Triều, Cổ Nhuế, Phù Đổng, Trích Sài… Xa hơn chút nữa là Vạn Phúc, Đại Mỗ… Một số đã thành phường, nhưng trong tiềm thức người dân vẫn thấp thoáng những huyền tích để đời từ xưa, cháu ạ…

Nghe bác nói và nhìn nét mặt đậm chất hoài cổ của bác, lòng tôi rộn lên bao cảm xúc khó tả…Nghĩ về một Thăng Long xưa và những con người của “nghìn năm trước”

Tôi dõi mắt nhìn ra xa bát ngát Hồ Tây, thấp thoáng như hình bóng chùa Trấn Quốc. Bỗng nhiên, trước mắt tôi như có một luồng hào quang chói lóa xuất hiện. Như thể những linh khí đất trời xuất thần trong một khoảnh khắc thần tiên, hiếm có của Trời Đất!

Chiều đang dâng bát ngát, chúng tôi lặng lẽ tản bộ quanh hồ, Trong tiếng đàn ghi-ta bập bùng, thánh thót, tôi nghe đâu đây những âm hưởng trầm hùng âm vang réo rắt: “Tây Hồ, Tây Hồ… Kìa mặt gương xanh soi bóng trời Thăng Long xưa. Còn mãi tiếng vọng ru đưa…”(nhạc sĩ Phó Đức Phương).

Bỗng nghe gió Hồ Tây chiều nay vi vút ngân nga những giai điệu du dương giữa sâu thẳm lòng mình! Im lặng rảo bước trong lặng lẽ mà nhâm nhi những hương vị ca từ dịu ngọt giữa hoài cổ Thăng Long. Một vị tướng già ngồi làm thơ bên cội phượng già giữa cái nền xanh của thảm cỏ ven hồ. Dáng ông thẳng và nét mặt hiền, đăm chiêu lịch lãm như tạc một chân dung tuyệt đẹp vào không gian hữu tình cổ kim hòa trộn...

Hoàng hôn buông xuống, đoàn chúng tôi trở về khách sạn. Từ trên cao nhìn xuống, hồ Tây có hình dáng như một chiếc càng cua với góc phía đông được bao quanh bởi đường Thanh Niên - tuyến đường ngăn cách giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch, phần còn lại được bao quanh bởi đất liền.

Vậy là trọn vẹn một ngày tôi đươc trải lòng cùng tình yêu Hà Nội, dù chỉ là một góc nhỏ của Thủ đô. Tôi trở về trong một niềm hân hoan man mác, rưng rưng bao hoài niệm đẹp lành! Mỗi nhịp đập của trái tim tôi như hòa cùng nhịp đập yêu thương của triệu triệu trái tim Việt lắng trong dòng chảy hối hả của cuộc đời, bất tận của thời gian, tô thắm hơn vẻ đẹp của Thủ đô, kinh đô Thăng Long ngàn năm tuổi.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.