Một thời trai trẻ của ông tôi

NGUYỄN THỊ HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 năm nay, ông tôi và các đồng đội từng chiến đấu ở chiến trường xưa quyết định tổ chức họp mặt. Nghe ông tôi xúc động kể lại, có những đồng đội từ khi xuất ngũ đến giờ, gần hết nửa đời người, ông chưa gặp lại họ. Đó là lý do ông tôi và các đồng đội đều rất hồi hộp chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ trọng đại này.

Để mọi người khi gặp nhau không khỏi bỡ ngỡ, cũng không mất công lục tìm trí nhớ nhận diện nhau, ông tôi có sáng kiến làm một cuốn kỷ yếu tập hợp ảnh và thông tin từng cá nhân rồi gửi để mọi người đọc trước. Tôi được ông giao nhiệm vụ làm liên lạc viên, kết nối các đồng đội của ông để xin ảnh, xin thông tin và làm thành kỷ yếu.

Ấy thế nhưng, dù đã chuẩn bị trước cả 3 tháng, cuốn kỷ yếu ấy cũng chẳng thể hoàn thành. Đó là bởi các đồng đội cũng giống như ông tôi, đều đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, chân chậm, mắt mờ, đặc biệt là “mù công nghệ” nên không biết cách gửi thông tin cho tôi được. Tôi đã phải hướng dẫn các ông dùng điện thoại chụp ảnh mình rồi gửi cho tôi qua zalo kèm theo thông tin cá nhân.

Song, ông thì chụp ảnh mất một nửa mặt, ông thì chẳng biết cách nhắn tin qua điện thoại như thế nào chứ đừng nói đến zalo, facebook.

- Cháu thông cảm, nhiều ông ngại nhờ con cháu vì nghĩ chúng đều bận rộn. Thôi vào ngày gặp mặt, cháu đi cùng và giúp ông chụp ảnh lại các đồng đội nhé. Có thể sau cuộc gặp này, ông và đồng đội sẽ không còn cơ hội gặp lại nhau nữa… 

Tôi hiểu ý của ông nên xin cơ quan cho nghỉ phép để dành riêng một ngày tháp tùng ông. Buổi sáng đó, ông tôi lấy bộ comple đã được là lượt thẳng thớm ra mặc. Rồi ông còn đeo lại ngực áo chi chít những huy hiệu, huân huy chương. Mấy chục năm được làm cháu của ông, chẳng mấy khi tôi được thấy ông mình ăn mặc trang trọng đến thế. Rồi ông rút từ trong túi áo ra một bài phát biểu do ông tự tay viết ra và học thuộc mấy hôm nay.

Một thời trai trẻ của ông tôi - ảnh 1

 “Kính thưa các đồng chí. Hôm nay, khi chỉ còn mấy ngày nữa là tới ngày kỷ niệm Thương binh liệt sĩ, chúng ta lại có mặt ở đây…”. Rồi ông hắng giọng, đọc cho tôi nghe. “Cháu nghe có được không? Hy vọng là các đồng đội của ông cũng sẽ thích nó”.
Tôi động viên ông là mọi việc rồi sẽ suôn sẻ. Mang theo chiếc máy ảnh cơ, tôi và ông cùng lên đường. 

Xe taxi vừa dừng bánh, ông đã vội đi nhanh vào điểm gặp mặt. Tôi chạy cuống lên theo ông…

- Chào các đồng chí - ông tôi ôm chầm lấy những người đồng đội, rưng rưng.

- Ôi em chào anh. Anh Bảy đúng không ạ. Em Nam “thỏ” nè. Ngày trước, nhờ có anh rèn rũa mà sau này em mới ra hồn người.

Ông tôi nghe có ai đó gọi tên mình, vội quay lại rồi nhận ra ngay người đồng đội. Ông vội hét lên: “Trời, thằng Nam “thỏ”. Mày trông khác quá, không gầy quắt như xưa. Tao nhớ chú mày quá đi”.

Phút chốc, ông tôi quên luôn là mình đang cố gắng thật chỉn chu. Chẳng còn những ngôn từ đạo mạo, ông và đồng đội ôm nhau nhảy tưng bừng. 

- Chúng mày biết không, tao mặc bộ comple này thấy bí bách quá. Thôi, để tao trả lại nó cho cháu nội. Tao mặc giản dị thôi, tao là lính Cụ Hồ mà”.

- Đúng rồi, chúng ta đã quen gọi nhau là mày tao như thời ăn vắt, nằm rừng rồi nhỉ.

Rồi tôi thấy ông tôi và các đồng đội hóa thành những chàng thanh niên tuổi 18, 20 ngày nào. Ông cởi phắt áo comple đưa cho tôi, rồi cười khà khà với các đồng đội. Bài phát biểu của ông hôm đó cũng không phải là bài ông đã chuẩn bị từ nhà mà ông nói vo bằng tất cả những nhớ thương, mừng rỡ khi gặp lại đồng đội.

“Hôm nay, tao gặp chúng mày ở đây, tao chúc cho chúng mày luôn mạnh khỏe để có thể tiếp tục gặp nhau nhiều lần hơn thế nữa. Hôm nay, chúng ta sẽ vui hết mình, chúng mày sẽ không bị tao dọa kỷ luật như ngày trước nữa, được không?”.

Hôm đó, tôi đã thay con cháu của các đồng đội của ông tôi chụp được hơn 40 bức chân dung thật đẹp cho các ông. Tôi cũng thầm nghĩ, đôi khi, chúng tôi còn vô tâm, chưa quan tâm nhiều đến ông/bà mình. Ngay một việc nho nhỏ là giúp chụp tấm ảnh để kết nối với đồng đội mà chúng tôi còn khiến ông mình cảm thấy ngại, không dám làm phiền. Hy vọng tấm ảnh của tôi, sẽ mang lại niềm vui và khiến ông tôi và các đồng đội cảm thấy ấm lòng.  

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.