Mũ phớt của ba...

Y Nguyên
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày còn độ tuổi trung niên, ba tôi có chiếc mũ phớt mẹ mua cho, dành đội vào những dịp long trọng cần ra ngoài như hội họp, tiệc tùng, Tết nhất.

Mũ phớt, quê tôi xưa gọi dân dã là "mũ nỉ". Gọi vậy cũng không sai; bởi mũ được làm bằng nỉ, hấp cứng từ vành đến thân, giá khá đắt. Mẹ quý ba lắm nên mới ráng mua. Với mẹ, ba luôn là "ông Hoàng" được mẹ chăm chút, trang bị đến tận răng. Còn bản thân mẹ ư? Xoàng xĩnh giản đơn sao cũng được!

Cái mũ phớt của ba đẹp thật. Màu xám lông chuột. Thân oval tựa hình giọt nước trước nhọn sau tù. Các cạnh mũ nổi gờ thẳng đứng, cứng cáp. Chóp mũ cắt ngang, trũng lòng bằng đáy cũng lượn oval. Một băng vải cùng màu làm đai mũ may cuốn quanh, chia đôi thân với vành. Vành rộng tỏa ngang, nhiều đường chỉ khâu chạy vòng song song níu giữ lớp vải lót bên dưới và tạo thành gờ, sống nhấp nhô bên trên để phá tính phẳng lì đơn điệu.

Vậy nhưng, độc đáo nhất nơi chiếc mũ phớt là mép vành cong vểnh không đều: Uốn mạnh góc phải phía sau và từ từ hạ "độ cao" tới mức gần nằm ngang nơi góc trái phía trước. Trạng thái "lệch" một cách điệu đàng. Không hiểu sao mỗi khi nhìn vành mũ tôi cứ hình dung ra một chiếc… đĩa bay (UFO) trong các phim khoa học giả tưởng đang là là bay nghiêng; dáng dấp thanh thoát nhẹ nhàng nhưng rất hoạt!

Mũ phớt của ba... - ảnh 1
Ảnh minh họa.

Nói vậy để hiểu vì sao con nhỏ tôi mê chiếc mũ phớt của ba lắm lắm. Bình thường thì chớ có hòng đụng đến bởi đi đâu về ba lập tức bọc mũ vào túi nilon, cất tận nóc tủ cao. Thế nên muốn sờ được vào mũ cho đỡ thèm phải chịu khó "canh": Chờ ba đội mũ đi công việc vừa về dở mũ khỏi đầu là lập tức xáp vô, nằn nì xin ba cho… đội thử!

Ba duyệt cái là sướng lắm, rón rén đón lấy mũ, cầm lâu lâu chút, cảm nhận lớp nỉ mịn màng dưới mấy ngón tay trước khi chính thức đội lên đầu, xong chạy vô đứng trước gương. Trời ạ! Trong gương là ai đó khác; một… quý cô sang chảnh đang nhìn tôi chằm chằm, cười nhe nguyên hàm răng sún chứ nào phải tôi!

Anh em tôi mê cái mũ, còn ba thì quý. Mà không, phải nói rất quý! Nhớ có lần anh Hai nghịch ngợm, đợi ba vắng nhà lén bắc ghế leo lên lấy cái mũ phớt. Loay hoay không cẩn thận, anh khiến mũ tuột tay, rớt đánh bộp xuống đất. "Tai nạn" khiến đỉnh mũ móp nhẹ, lại còn sây sát chút ít. Hôm sau ba đi công việc, lấy mũ ra khỏi bao, dòm trước dòm sau và phát hiện "sự cố". Mặt ba nhăn riết, vừa lần tay theo mấy vết trầy móp trên mũ ba vừa xoa xuýt - tưởng như chính thịt da ba sây sát ba cũng không đau bằng! Bữa ấy anh Hai được mẻ tái mét mặt mày, tưởng no đòn với ba. May mà ba không đánh...

Sau này lớn chút, tò mò tìm hiểu mới biết: Cái tên "phớt" (fedora) có gốc từ tiếng Hi Lạp cổ, có nghĩa: "Quà tặng của Thiên Chúa". Quà của Chúa đương nhiên quí giá rồi; hèn chi trông nó đẹp và tinh tế đến vậy! Lan man nghĩ thêm chút nữa mới sực nhớ ra: Cái mũ phớt của ba - cho dù không phải của Chúa Trời - cũng vẫn là quà tặng. Khác chút đây là quà tặng của… mẹ.

Với ba, chắc nó quý giá chẳng kém nếu không muốn nói còn quý hơn. Ừ, Chúa sẽ chẳng khó khăn trong việc tìm một cái mũ làm quà tặng. Nhưng với bà nông dân nghèo lam lũ như mẹ, tích cóp đủ tiền để mua cho ba cái mũ phớt là chuyện không đơn giản chút nào…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Bông hồng thép” góp sức vì bình yên cho Thủ đô

“Bông hồng thép” góp sức vì bình yên cho Thủ đô

(PNTĐ) - Là nữ trinh sát duy nhất của Đội Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội, Trung tá Đinh Thị Huyền Diệu đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với những chiến công lập nên, chị là minh chứng cho những phẩm chất đặc biệt của người nữ chiến sĩ công an.
Tưng bừng chào đón ngày 20/10

Tưng bừng chào đón ngày 20/10

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 94 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, trong những ngày tháng 10, các cấp Hội Phụ nữ toàn quốc đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa. Đây cũng là dịp để chị em cán bộ Hội được giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Tôn vinh vẻ đẹp của áo dài dân tộc

Tôn vinh vẻ đẹp của áo dài dân tộc

(PNTĐ) - Với chủ đề “Duyên dáng Áo dài Hà Nội”, Carnaval áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển” năm 2024 do Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức nằm trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội chào mừng 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô vừa khép lại với nhiều thành công. Carnaval đã góp phần lan tỏa tình yêu, tôn vinh vẻ đẹp của áo dài dân tộc.