Mùa đông gửi cố nhân
Buốt tê đầu lưỡi, giá tê tay,
Rét cóng môi non, lạnh nhíu mày.
Buồn đến lòng tôi rồi hạ trại,
Đốt đường sạn đạo, ở luôn đây.
Chim hiền ướt cánh vắng thư sang,
Gà xóm cầm canh gáy trễ tràng.
Giời đất cứ như quân chiến bại,
Cây vườn rách rưới, gió lang thang.
Cố nhân xa lạnh mấy đường sông,
Con gái quanh quanh lấy sạch chồng.
Pháo cưới chẳng hôm nào chẳng nổ,
Tình xa lăng lắc dưới chăn bông.
Hôm qua mưa phùn, nay mưa phùn,
Giam hãm mình trong xóm tí hon.
Để nhớ những hôm vàng những nắng,
Đưa nàng trở lại Trữ La thôn.
Mưa phùn gió bấc, cố nhân ơi,
Áo rét nàng đan lỡ hẹn rồi.
Sông lạnh khi nàng ra giũ lụa,
Với dùm trong nước lấy hồn tôi.
(Rút trong tập Hương cố nhân,
Á Châu ấn cục, 1941)
Nguyễn Bính
Ảnh minh họa
LỜI BÌNH
“Giời đất cứ như quân chiến bại” có lẽ là câu thơ hay nhất của thi nhân Nguyễn Bính trong bài thơ này. Ông đâu chỉ nổi danh với điệu lục bát chân quê mà còn có cả những bài bảy chữ tha thiết một tình yêu cuộc sống. Thế nên, ta hãy thử đọc lại từng câu trong bài để thấm thía hết sự đặc biệt của đất trời và lòng người ở thời khắc này. Đầu tiên, là sự “đổ bộ” trớ trêu của mùa đông:
Buốt tê đầu lưỡi, giá tê tay,
Rét cóng môi non, lạnh nhíu mày.
Buồn đến lòng tôi rồi hạ trại,
Đốt đường sạn đạo, ở luôn đây.
Cái rét mướt từ chỗ xâm nhập đến “hạ trại”, “ở luôn đây”. Nó không còn là sự chiếm lĩnh không gian đơn thuần nữa mà đã thành sự đột nhập vào lòng người. Từ đây, cuộc sống thực sự biến động:
Chim hiền ướt cánh vắng thư sang,
Gà xóm cầm canh gáy trễ tràng.
Giời đất cứ như quân chiến bại,
Cây vườn rách rưới, gió lang thang
Mọi thứ cứ thưa dần, vơi dần như quy luật vận hành của vũ trụ. Cánh chim đưa thư vắng bóng, đến tiếng gà dồn dập mọi khi cũng chậm trễ, uể oải (trễ tràng). Khi “giời đất” thất trận, cây cối và gió hệt như đám tàn quân: “Cây vườn rách rưới, gió lang thang”.
Ảnh minh họa
Những tưởng chỉ có một chiều tê tái, ủ dột thế nhưng oái oăm thay, mùa lạnh còn là mùa cưới. Những người tình lần lượt theo chồng bỏ lại sự trống vắng đáng sợ:
Cố nhân xa lạnh mấy đường sông,
Con gái quanh quanh lấy sạch chồng.
Pháo cưới chẳng hôm nào chẳng nổ,
Tình xa lăng lắc dưới chăn bông.
Có lẽ, câu thơ thú vị nhất trong khổ thơ này phải là: “Tình xa lăng lắc dưới chăn bông”. Cái chăn ấm của đêm tân hôn cũng là bức tường, là biểu tượng của sự xa cách. Hay nói cách khác, chăn ấm của người này âu lại là khối băng giá của người kia. Và, những gì hạnh phúc nhất chỉ còn là kỷ niệm như ngày mưa lạnh nhớ về ngày nắng ấm: “Để nhớ những hôm vàng những nắng/Đưa nàng trở lại Trữ La thôn”.
Ở khổ thơ cuối cùng, thi nhân Nguyễn Bính muốn gửi gắm một tâm sự. Tâm sự ấy như lá thư gói gọn trong bốn dòng thơ:
Mưa phùn gió bấc, cố nhân ơi,
Áo rét nàng đan lỡ hẹn rồi.
Sông lạnh khi nàng ra giũ lụa,
Với dùm trong nước lấy hồn tôi.
Tưởng như vẫn là mạch thơ lạnh giá của mùa đông, của chia ly từ các khổ trước nhưng đến đây có một bất ngờ: cái lạnh nhất là khi chạm vào kỷ niệm, là cái lạnh trong tim mình. Chạm vào nước lạnh sẽ chạm tới hồn ấm, giữa muôn vàn băng giá, mưa dầm, gió rét của sự tuyệt vọng vẫn ấp ủ một hy vọng.
Sông lạnh khi nàng ra giũ lụa,
Với dùm trong nước lấy hồn tôi.
Hồn tôi là thứ duy nhất mang hơi ấm, như ngọn lửa vẫn còn nhen lên. Bởi, tình yêu đích thực sẽ không bao giờ nguội lạnh dẫu có phải xa cách, chia lìa, dẫu mùa đông đang về…
VIỆT PHƯƠNG