Mùa hạ

Mai Trang
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Xanh mãi lên một đường chân trời
Nỗi buồn màu rơm rạ
Phượng yêu mùa bầm đỏ
Vút lên cao một tiếng mõ chùa

Mùa hạ mang ta về những hoài niệm vu vơ
Yêu đến tàn cánh hoa
Rừng rực nắng
Cơ thể xanh vào trời
Cơ thể tan vào đất
Anh và em lan tiếng gọi vào nhau

Cố nhân ơi đã gãy một cây cầu
Đã lạc đường vì sao dêm cầu tự
Đã cổ xưa một lời yêu vừa tới
Đã ngọt ngào một nỗi đắng cay
Đã vơi đi con nước đầy
Đã khác dòng sông
Đã bao người đến tắm
Đã lở bồi con tim
Đã chậm nhanh nhịp đập
Đã xanh xao trong ngờm ngợp nắng hè
Đã tủi lòng em một phút tái tê…

Cây cứ lá và mùa cứ tới
Mùa cứ đi mùa cứ thói quen
Gió cứ thổi về nhớ nhớ quên quên
Cứ hư ảo trời xanh
Cứ cồn cào nắng đỏ
Cứ tháng năm và chuyến đò cũng lỡ

Mà chúng mình cứ sóng
Cứ lần tìm bóng nhau...

                              Bình Nguyên Trang

Mùa hạ - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

LỜI BÌNH:
Mùa hạ của nhà thơ Bình Nguyên Trang ngang tàng và quyết liệt như chính tên gọi của thời khắc này, như chính tình yêu của hai người, cho dù được khởi đầu khá êm ả:

Xanh mãi lên một đường chân trời
Nỗi buồn màu rơm rạ
Phượng yêu mùa bầm đỏ
Vút lên cao một tiếng mõ chùa

Thơ của chị thân thuộc và gần gũi bởi những “biên độ” cuộc sống. Câu thơ đi từ truyền thống (rơm rạ) đến tuổi trẻ với “mùa bầm đỏ” của hoa phượng; từ sự kiêu hãnh của sức sống đến sự tĩnh tại của cửa thiền (Vút lên cao một tiếng mõ chùa). Thế mà, nhịp điệu quen thuộc ấy trong thơ Bình Nguyên Trang bất chợt bị phá vỡ bởi hai cao trào. Cao trào của những điệp từ, đầu tiên là những gì “đã” xảy ra với 11 lần/ 11 dòng thơ. Có điều, sự trùng lặp ấy không hề nhàm chán, gây mệt mỏi mà là một logic, một mạch ngầm đầy biến hóa, uyển chuyển. Bắt đầu từ: “Cây cầu” gãy, đến “lạc đường” nên lời yêu đã tới muộn (đã cổ xưa), nỗi đắng cay đã đủ thấm, đủ ngấm, đủ chuyển hóa thành: “Đã ngọt ngào một nỗi đắng cay”… sau sự chậm, sự muộn ấy là sự lỡ làng:

Đã vơi đi con nước đầy
Đã khác dòng sông
Đã bao người đến tắm
Đã lở bồi con tim
Đã chậm nhanh nhịp đập

Nhưng nếu đọc kỹ, ta thấy bên cạnh cái mạch chia ly, đứt gãy, mất liên lạc, hư hao ấy là một sự tích tụ, một sự trưởng thành để tạo nên sự quả quyết mà điệp từ “cứ” cũng được lặp lại 8 lần, gợi sự ngang tàng, cứng cỏi, quả quyết yêu thương:  

Cây cứ lá và mùa cứ tới
Mùa cứ đi mùa cứ thói quen
Gió cứ thổi về nhớ nhớ quên quên
Cứ hư ảo trời xanh
Cứ cồn cào nắng đỏ
Cứ tháng năm và chuyến đò cũng lỡ.

Phải chăng, mùa hạ bao giờ cũng là như thế. Dẫu có giông bão, có thử thách, chông gai đến đâu thì cây vẫn vươn xanh, người cứ hết mình mà sống để không uổng phí nguồn sinh lực nhựa sống, không uổng phí tháng năm tuổi trẻ của mình. 

Bài thơ Mùa hạ của Bình Nguyên Trang trong trẻo, câu từ đơn giản nhưng lại không nhạt bởi một giọng điệu thơ xuyên suốt qua những sáng tác của chị. Nữ thi sĩ không ồn ào, to tát nhưng biết cách tạo lập một bản lĩnh cho mình bằng một giọng điệu toát lên từ cấu trúc tác phẩm, từ sắc màu của thi ảnh đủ quyết liệt, tha thiết như: Yêu đến “tàn cánh hoa”, hay: “Anh và em lan tiếng gọi vào nhau” để cuối cùng đọng lại: 

Mà chúng mình cứ sóng
Cứ lần tìm bóng nhau.

Khi tình cảm đã vượt qua giới hạn của những tính từ để ngưng kết thành những danh từ có nghĩa là tình yêu ấy, mùa hạ ấy sẽ còn mãi trong tâm hồn hai người và cả những ai yêu quý bài thơ này… 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.