“Mùa hè nào gặp gỡ...”

Mai Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Mùa hè nào gặp gỡ
Mùa hè nào chia ly
Mùa hè nào hội ngộ

Tôi cầm trên tay hai mùa hè rực rỡ
Còn mùa hè cuối cùng rơi đi đâu?

Ai nhặt được mùa hè tôi đánh mất
Xin trả lại cho tôi
Xin trả lại cho tôi người yêu tôi
Dẫu chỉ là xác con ve sầu chết khô
Ấy chính là mùa hè của tôi
Ngủ quên trong nách lá
Những ngọt bùi tôi đã nếm trải
Những đắng cay tôi đã nếm trải
Những mùa hè bỏng rát sau lưng
Còn mùa hè cuối cùng tôi gặp lại
Trốn đi đâu ngoài tầm mắt tôi tìm?

                        Nguyễn Nhật Ánh 

“Mùa hè nào gặp gỡ...”  - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

LỜI BÌNH
Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn có sở trường viết về ký ức. Bởi thế mà các bạn trẻ rất yêu thích các tác phẩm của ông, họ nhận ra giá trị của cuộc đời trong từng trang viết. Nhưng với mùa hè, để tạo ra một gam màu ký ức thì không hề dễ dàng bởi sức nóng, sự sôi động, không khí náo nức, hồ hởi của thời khắc này. Ấy thế mà chúng ta vẫn bắt gặp:

Mùa hè nào gặp gỡ
Mùa hè nào chia ly
Mùa hè nào hội ngộ

Tôi cầm trên tay hai mùa hè rực rỡ
Còn mùa hè cuối cùng rơi đi đâu?

Chẳng nói thì ai cũng biết hai mùa hè ấy như  đồng xu bé nhỏ, hai mặt buồn vui với sự trớ trêu của số phận. Phải chăng “gặp gỡ”- “chia ly” - “hội ngộ”, ba trạng thái cảm xúc ấy cũng chỉ để nói lên một nét tâm trạng là sự bâng khuâng. Quả thật, ngay trong không khí nô nức của mùa hè đã ẩn chứa những nỗi buồn, những ký ức khắc sâu trong tâm trí. “Mùa hè cuối cùng” ấy là mùa hè nào? Có phải cuối cùng của tuổi học trò, của một mối tình đẹp hay không? Ở đoạn thơ thứ hai, “mùa hè” đặc biệt đó đã được nhận diện:

Ai nhặt được mùa hè tôi đánh mất
Xin trả lại cho tôi
Xin trả lại cho tôi người yêu tôi
Dẫu chỉ là xác con ve sầu chết khô
Ấy chính là mùa hè của tôi
Ngủ quên trong nách lá

Ai trong chúng ta cũng từng nhớ hình ảnh xác chú ve sầu ép khô trang vở cùng bông phượng vĩ. Hình như chỉ có mùa hè của tuổi học trò là xanh mãi, dang dở mãi chứ không chín chắn như mùa thu, mùa đông, không vô ưu như với mùa xuân. Hóa ra, sự mất mát của hình hài, của hương sắc mới chính là cái còn mãi, điều mà nhà thơ đã khẳng định: “Ấy chính là mùa hè của tôi/ Ngủ quên trong nách lá”. Con ve với tiếng kêu rạc dài còn đại diện cho một quy luật “luân hồi” của mùa màng, của năm tháng, trùng khớp với từng lứa học trò, với mùa thi, mùa chia ly. Ở năm câu thơ cuối cùng, nhà thơ Nguyễn Nhật Ánh phác họa một bức tranh tâm trạng lắng sâu:

Những ngọt bùi tôi đã nếm trải
Những đắng cay tôi đã nếm trải
Những mùa hè bỏng rát sau lưng
Còn mùa hè cuối cùng tôi gặp lại
Trốn đi đâu ngoài tầm mắt tôi tìm?

Ở đây bắt đầu có sự phân tách tinh tế. Mùa hè của thách thức, của lam lũ, cơ cực đã ở lại phía sau lưng với đủ “đắng cay”, “ngọt bùi”, “gai góc” và một mùa hè khác dịu dàng, yêu thương thì mãi mãi anh đánh mất. Nhà thơ dùng một từ “trốn” thật đặc biệt. Trốn vừa là lảng tránh, vừa như thử thách sự tinh tế, sự kiên trì, bền gan của người muốn kiếm tìm. 

Hình như với mỗi chúng ta đều có một mùa hè của ký ức đang lẩn khuất, đang trốn ở đâu đó mà trong bận rộn đời thường đã lãng quên, đã bị năm tháng che mờ vẫn chưa thể nhận ra như thế…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

(PNTĐ) - Điểm lại lịch sử điện ảnh Việt, dòng phim về chiến tranh tuy không sôi động nhưng mỗi tác phẩm đều để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả, trở thành những bài học lịch sử sống động đi vào lòng người, nhắc nhở chúng ta không quên những năm tháng cha anh đã sống và chiến đấu như thế, không quên lịch sử nước nhà đã trải qua những gì để có cuộc sống hòa bình, êm ấm như hôm nay… Cũng vì vậy, chúng ta thật sự phấn chấn khi dòng phim chiến tranh đang “nở rộ” và được công chúng đón nhận nhiệt tình gần đây.
169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Gia đình không ruột thịt

Gia đình không ruột thịt

(PNTĐ) - Ông sinh vào tháng 5 năm 1960 trong một gia đình nghèo ở xã Bảo An, thành phố Giang Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Mất cha từ khi còn nhỏ, ông ra ngoài kiếm sống khi mới 9 tuổi, chăn vịt cho người khác, nhặt rác, bán hàng rong và dựng quầy hàng... Không có nơi ở cố định, ông sống cuộc sống lang thang ở vùng núi biên giới các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tây.