Mùa hoa gạo

Chia sẻ

Ở vùng châu thổ quê tôi, tháng ba dài lắm. Tháng ba chưa bao giờ kết thúc trong tiềm thức của người làng. Chị tôi sống một mình trong ngôi nhà chỉ thuộc về tháng ba. Mùa hoa gạo. Tháng ba, làng vẫn chưa dứt một mùa giao ước, mùa của những cặp tình nhân mắt đỏ, trở về trên bến sông, dưới bóng đa già tỏa rộng, hướng về ngôi đình thiêng, thề nguyền kết tóc xe tơ. Tôi không hiểu vì sao chị tôi đã yêu mùa hoa gạo đến thế. Loài hoa vốn không chỉ mặc nhiên rụng trên mái nhà đã mốc ám, mà còn được chị rải rắc khắp trên sàn nhà lát đá, trên lối mòn dẫn từ đường làng đến bờ rào, chị còn trải xuống một tấm thảm hoa gạo bạt ngàn trong khu vườn tiêu điều trước mặt và mảnh đất hoang phế sau lưng. Chị tôi cũng khoác lên mình tấm váy dài như một đóa hoa gạo đang bung nở. Từ đêm này qua đêm khác, gương mặt chị ửng hồng trước ánh đèn dầu lạc năm canh. Từ ngày này sang ngày khác, tôi từng trông thấy chị trong tư thế bâng khuâng trầm mặc, thảng như mang một nỗi niềm sâu kín, mà thảng lại như vô tình, đôi mắt đăm đắm, mải miết dõi theo muôn nghìn cánh nhạn trắng ngút ngàn bay. Chúng bay về đâu? Tôi vẫn tự hỏi bản thân mình như vậy. Chị tôi đẹp lắm. Đã bao lần đóa hoa gạo kia nở rồi tàn, tàn rồi lại nở, từ đám đồng ấu mới tập tọe biết trêu chim ghẹo bướm, đến bọn con trai lần đầu mộng tinh, và dĩ nhiên cả các chàng trai hay thậm chí cả những lão già chưa vợ hay mấy cụ cố, không một kẻ nào, dù ngấm ngầm hay công khai, chưa từng một lần đến cầu hôn chị tôi. Nhưng ngôi nhà của mùa hoa gạo, vẫn bừng lên sắc đỏ tươi ngạo nghễ mỗi bình minh. Và khung cửa sổ phủ đầy hoa gạo chưa một lần khai quang từ dạo ấy, khi chị tôi vừa tròn đôi chín.

Tôi và chị có thể nói gần như ruột thịt, nhưng tôi không chỉ thương mà còn yêu chị say đắm, một tình yêu đơn phương, đầy nhục cảm mà cao thượng, cũng bởi chị không phải con ruột của bác tôi. Vợ của bác tôi vốn là diễn viên trong một gánh xiếc lưu vong, đã nhặt được chị tôi khi ấy là một hài nhi còn đỏ hỏn, đó là một ngày đầu tháng ba, trên cánh đồng hoang vu của làng tôi. Cũng vào mùa hoa gạo, hai bác đã nên duyên vợ chồng trong một căn chòi rách. Cánh đồng năm xưa là miền đất khô cằn không biên giới, đây đó, xen lẫn trong úa vàng cỏ dại là những cây dâu tằm tự nhiên kết quả chín rực, thân gỗ rủ xuống như đang che chở cho sinh linh bé nhỏ và tội nghiệp khỏi đợt mưa gió cuối mùa rét mướt. Từ tháng ba năm ấy, hoa dâu chẳng bao giờ trổ nữa. Các thân dâu già cỗi đã đổ gẫy trong một trận lũ lụt ngập trắng làng mạc, trận lũ lụt đã cuốn đi cả gia đình bác tôi và căn nhà ọp ẹp của họ, cùng mẹ con nhà nghé gầy gò trong chuồng, cả bào thai mới đậu trong bụng cũng theo bác tôi chìm vào nước xoáy, riêng có chị tôi thoát được tai kiếp, bởi ngôi chùa dựng trên nền đất cao và mẹ tôi, một tay kẹp chặt tôi, một tay ôm ghì lấy chị. Từ đó về sau, tháng ba của làng tôi kéo dài bất tận. Mẹ tôi mất sớm. Chị ở riêng trong ngôi nhà trước đây bỏ hoang, vốn thuộc gia sản dòng họ tôi.

Kẻ đến cầu hôn chị tôi nhiều không kể xiết. Có đoàn người gánh sính lễ đứng cả tuần trước cánh cửa đóng im ỉm, rồi cũng phải mệt mỏi trở về, và để lại sau lưng hàng chục vệt chân lún sâu xuống bùn đất của nhiều đêm mưa bão. Có kẻ tìm đến một mình, gài vào khe cửa sổ một lá thư viết bằng máu thắm, rồi vài ngày sau, người ta trông thấy một xác chết trôi lềnh phềnh dạt vào bến sông cách đó vài dặm đường. Cũng có nhiều gia đình nhờ bà mai khéo ăn khéo nói đến gặp riêng chị tôi, nhưng không hiểu vì sao từ đấy đến mãi về sau, nghề làm mai mối của vùng châu thổ, trong đó có làng tôi, đã thất truyền. Bà mai cuối cùng của làng tôi, dần trở thành một người đờ đẫn, không còn nhận ra con cháu, ngày nào cũng vậy, bà đứng vật vờ trên bến sông, bàn tay gầy guộc dờ dẫm đường đi, hai dòng gỉ mắt đã khô cằn đọng thành vệt trên gò má đồi mồi, thỉnh thoảng lại nhoẻn cười ngây dại và loạng choạng bước theo một người mặc áo đỏ đi ngang qua...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhưng cũng vì thế, người từ bốn phương đổ xô đến cầu hôn chị tôi ngày càng đông đảo. Làng tôi. Ngày cũng như đêm. Nhà trọ, quán rượu và cửa hàng tạp hóa mở ra ồ ạt. Các hội nghề kéo đến đây để mở sạp hàng. Chỉ để phục vụ cho khách đến, và cả ra đi, từ ngôi nhà hoa gạo. Không khí náo nhiệt chưa từng có ở một ngôi làng tự cổ thuần nông đìu hiu lau lách. Người ta bàn tán về nhan sắc của chị tôi. Người ta thêu dệt giai thoại về thân thế của chị tôi. Và dần dần lan sang nhiều câu chuyện về lịch sử của làng, của từng gia đình, từng dòng họ, với bao thần tích, nghi lễ, đặc sản. Làng tôi, chỉ trong có vài ba năm, trở thành trung tâm của châu thổ về lễ hội, văn hóa và các phiên chợ trời, hoạt động kinh tế.

Duy có khung cửa sổ phủ đầy hoa là chưa từng đón nắng.

Cho đến một đêm, trời đổ mưa rào rạt, sông dâng ngập đường làng. Người ta mờ mờ nhận ra vóc dáng một người. Khuôn mặt che mạng đen. Vận bộ quần áo đen. Đang cúi đầu. Phả hơi thở lạnh. Không rõ từ đâu đến. Cứ ngồi như thế. Lặng lẽ bên đường. Đối diện nhà chị tôi. Bàn tay bỏng xạm nâng cần nhị. Và từ từ cất lên khúc nhạc réo rắt mà sầu thảm. Người che mạng ngồi kéo nhị suốt đêm mưa. Kéo nhị từ ngày dài đến cả đêm khuya, từ đêm khuya lại qua ngày dài. Đằng đẵng. Tiếng nhị không khi nào ngừng. Nhập nhòa cung vĩ đưa qua đưa lại. Người che mạng như đã hóa thành pho tượng đá. Tiếng nhị. Lúc nghe thật gần. Như đang ở trong khoang ngực con người. Lúc nghe xa xôi. Như tít tắp tận núi rừng chim thú. Lúc âm ba lặng đi tưởng chừng ngưng lại. Lúc lại ngỡ ngàng tựa đang vang vọng khắp trần gian. Thảng có lúc người che mạng ngước mắt lên. Hướng về cánh cửa. Nhưng người làng chỉ thấy một đôi mắt trong suốt, không có lòng đen...

Ngôi nhà của chị tôi. Từ lâu. Chị đã trồng ở bờ giậu những bụi hồng tầm xuân. Hồng tầm xuân, hoa màu hồng pha trắng, hương thơm dịu dàng, mỗi cành lá đều mọc nhiều gai nhọn và sắc không đếm xuể. Thường loài cây này được trồng làm cảnh, và cũng làm giậu để ngăn cách giữa các ngôi nhà lân cận. Hồng tầm xuân đâm chồi rất mau và bò lan theo tường nhà, theo các cọc rào cũng rất nhanh. Từ một nhánh nhỏ ban đầu là thân cỏ bắt rễ xuống đất, hồng tầm xuân chỉ sau nửa năm đến một năm đã trở thành một cây hoa xum xuê cành lá, và đặc biệt là thân, cành đã có cấu trúc gỗ. Hồng tầm xuân phát triển theo mùa. Có mùa ra lộc, và có mùa rụng lá. Nhưng ngay cả trong mùa rụng lá, cành của loại cây này vẫn vươn về mọi hướng, và bám chắc vào vật chủ hay công trình không khác gì một loài tầm gửi. Sức sống mãnh liệt và dường như không thể chết. Không hiểu sao, từ khi có sự xuất hiện của người che mạng ngồi kéo nhị trước ngôi nhà của chị tôi, những bụi hồng tầm xuân lại vươn lên rất cao và lan ra rất rộng đến như vậy. Chỉ qua một mùa hoa, hồng tầm xuân đã mọc tràn lan, phủ kín cả ngôi nhà, chúng trùm lên cả những cánh cửa sổ, và những đám dây gai xanh biêng biếc, thấp thoáng một vài chùm hoa héo hắt, cũng từ khi đó giăng mắc chằng chịt trước cánh cửa. Không ai nhận ra ngôi nhà xưa cũ. Giờ đây, đám rễ phụ màu xám ăn sâu vào tường gạch. Đặt chân lên bậc tam cấp thôi đã là không tưởng. Chim chóc, vì thế, cũng không còn líu lo trên mái nhà. Chúng bay đi đâu thì chẳng ai biết được.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Người che mạng vẫn ngồi kéo nhị. Bỏ mặc tất cả biến thiên của cuộc đời. Tiếng nhị chập chờn trong đêm. Tiếng nhị văng vẳng suốt ngày. Cả ngôi làng của chúng tôi trầm mình trong tiếng nhị. Cũng vào thời gian ấy, những phiên chợ thưa thớt dần rồi chấm dứt hẳn. Trên đường làng nằm la liệt các gánh hàng rong, nếu ai đó cúi xuống nhìn và thở nhẹ thôi, thì ngay lập tức đám bụi bốc tung mù. Nhưng điều đáng đau khổ nhất, đáng sợ hãi nhất, như một dịch bệnh quái gở ập xuống tất cả người làng, đã bắt đầu ngay từ cái đêm tiếng nhị đầu tiên cất lên. Người làng tôi không hiểu vì lý do gì, mái tóc tự dưng bạc trắng. Khắp nơi trong làng, tôi bắt gặp các cô gái xõa mái tóc trắng như cước, ngồi soi bóng xuống dòng sông, bưng mặt khóc, thân xác rũ rượi, tôi bắt gặp các đôi vợ chồng son gục đầu vào ngực nhau, không dám ngẩng lên đưa bàn tay thô ráp vuốt mái tóc bạc của người, tiếng nức nở và thở than nghe dài vô tận. Và rồi. Tôi bắt gặp cả đứa trẻ con còn nằm trong nôi, những sợi tóc máu cũng hóa thành trắng xóa. Đêm đêm, chùa làng không tiếng chuông. Tôi đứng một mình trước ngôi nhà xám xịt. Hồi kinh sám hối bấy lâu trầm vang quanh đây cũng tắt lụi từ khi nào. Chỉ còn tiếng nhị. Chợt giật mình. Tôi trông như dáng sư thầy và chú tiểu, xõa mái tóc phau phau, bỏ đi đã xa.

Không ai biết được số phận của người con gái nhan sắc tuyệt trần trong ngôi nhà của mùa hoa gạo suốt những năm tháng bão giông này. Người đời cũng chẳng còn luận bàn và nghi hoặc. Đường mòn xưa kia, vốn được mở ra chỉ dành riêng cho đám người si tình đến dâng sính lễ cầu hôn, nay chẳng còn in dù một dấu chân lạc lõng. Khắp nơi, cỏ mọc cao ngang đầu, khuất hết lối đi, đường mòn bị lấp sâu vào cánh đồng heo hút. Con đường làng phía trước ngôi nhà của chị tôi vắng tanh, lạnh ngắt. Không ai còn bước ngang qua. Nhưng thật lạ thay. Người che mạng vẫn ngồi xếp bằng ở đó. Tấm lưng còng xuống vì thời gian. Hai bàn tay run run và rời rã. Tấm áo choàng màu đen phủ một lớp đất cát rất dày và ẩm mục. Hơi thở của người lắt lay, ngắt quãng. Vậy mà tiếng nhị vẫn miên man như đang kể câu chuyện ngàn năm, câu chuyện của tiền kiếp, câu chuyện về dòng sông và giấc mộng một ngôi làng. Đôi mắt trong suốt của người, vẫn mỏi mòn nhìn về khung cửa sổ, giờ đây đang rít lên từng âm thanh kẽo kẹt như sắp rời khỏi bản lề...

Và trên khung cửa sổ um tùm gai nhọn, đã vắng một màu hoa đỏ.

Một hồi âm của sắt thép vang lên. Ba đồng xu bằng đồng rơi xuống trước mặt người che mạng. Từ đằng xa, tôi thấy một gánh xiếc, nét mặt hoảng hốt và tang thương, đang trên đường chạy trốn, lạc dấu người mà phải dạt qua đây. Một người phụ nữ không thể nhìn rõ dung mạo, thả đồng tiền bố thí cho người che mạng rồi vội vã rảo bước, về phía dòng sông, như cố kìm lòng mình để không quay đầu lại. Tiếng loảng xoảng và lịch kịch, của những đạo cụ trên mấy chiếc xe thồ cũ nát, tuổi đời phải từ vài thập kỷ tới cả vài thế kỷ rồi, còn kéo lê âm ba theo sau bóng toán người. Tôi đến bên người kéo nhị. Nhặt lên ba đồng xu loang vệt máu đã kịp khô. Bất giác, dõi theo vóc dáng tiều tụy của người, một vóc dáng xưa kia rất dễ dàng bắt gặp, vốn thuộc về những làng quê thuần nông lam lũ như vùng châu thổ quê tôi. Dưới chân tôi, người che mạng trào ra hai dòng nước mắt. Tiếng nhị lại cất lên. Mượt mà. Say đắm. Rồi dừng hẳn lại. Trầm đục. Vô âm.

Đêm đó, tôi đi về hướng của gánh xiếc. Dòng sông chảy qua làng tôi tự dưng khô cạn. Dòng sông đã bao đời là nguồn nước sống và cội nguồn tình yêu của vùng châu thổ quê tôi. Không còn bóng dáng và không tìm được dấu chân của người phụ nữ mà tôi đã gặp. Trước mặt tôi, dưới ánh đuốc rừng rực sáng, thấp thoáng một ngôi mộ xây cất bằng đá hoa cương, bị bào mòn hàng thế kỷ. Cũng có thể đó là nguyên nhân của căn bệnh tóc bạc mà bấy lâu nay tích tụ trong huyết thống của người làng? Thứ nước chúng tôi uống có vấn đề chăng? Hay vì một nguyên nhân nào khác? Không cố tìm câu trả lời. Tôi bỏ lại dòng sông, lang thang suốt đêm thâu, gọi vang tìm kiếm chị tôi. Rồi chúng tôi sẽ cao chạy xa bay, bên nhau trọn đời, sẽ mãi lãng quên tiếng nhị, sẽ mãi giã từ một dòng sông...

Đứng nhìn chăm chăm vào khung cửa sổ bạc màu xám lạnh, tôi có một đức tin rằng từ lâu chị đã không còn trong ngôi nhà bỏ hoang này nữa. Bất giác, trong tôi, hồi ức lại trở về. Tôi cúi mình trước ngôi nhà lần cuối. Chị đã đi đâu? Tôi chẳng làm sao biết được. Mắt tôi nhòe đi hư ảnh của ngôi làng...

Tôi rời bỏ ngôi làng. Mang theo trong ngực áo gấp một cánh hoa gạo tươi tắn nhất của tháng ba. Nhiều ngôi làng tôi đi qua, tôi gặp lại những người đàn ông năm xưa từng đến cầu hôn người con gái ấy. Giờ đây, nét mặt ai cũng nhuốm màu hương khói. Mùi hương khói nồng đượm trên từng manh áo vải. Ngày cũng như đêm, họ đắm mình trong hồi mõ trầm đục. Họ không cạo trọc đầu, nhưng hình như cũng chẳng ai lấy vợ sinh con. Con đường mòn tuy đôi chỗ ngắt quãng, nhưng dần dần hiển lộ ra. Trên đôi bờ Nguyệt Đức Giang, ánh trăng ướt đẫm những mái tranh lúp xúp. Nhưng kìa. Vang vang bên tai tôi. Âm ba của một khúc nhạc cũ. Khúc nhạc được tấu bằng cây nhị cổ. Lại đang rung lên khắp những đường ngang ngõ hẻm. Từ cái đêm tôi ngủ trọ tại một ngôi miếu đổ, tiếng nhị đột nhiên đến thật gần, như đang rong ruổi theo mỗi dấu chân tôi, dấu vết của màu hoa gạo đỏ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mùa hoa gạo vẫn miên trường trên khắp nẻo tôi đi. Đôi khi, thấp thoáng trong những ngày u ám lại là hình bóng của người đàn bà lao mình về phía dòng sông cạn. Có thể tôi chưa thể nguôi quên. Tôi tự hỏi. Chị còn có thể đi về đâu? Chị còn có thể sống ở đâu được nữa? Hay chị vẫn đang lặng mình trước một ánh đèn dầu lạc nào khác, trong những đêm dài, bàng bạc của nhân gian.

Không biết đã bao nhiêu tháng ba. Mái tóc tôi bạc trắng. Cũng như mái tóc của hàng ngàn hàng vạn chàng trai tôi gặp trên đường. Nhưng không hiểu sao cánh hoa gạo trong ngực áo tôi vẫn chẳng hề phai màu tươi đỏ. Đêm đêm, tôi chẳng thể nào chợp mắt. Hồi ức về chị tôi, người con gái mặc tấm váy dài màu đỏ, lặng câm trước hiên nhà, ánh mắt trong veo, thăm thẳm, dâng trên bàn tay trắng hồng từng cánh hoa gạo đỏ, ngước lên trời chiều, rồi thả bay theo gió cuốn về xa. Hồi ức về người che mạng đen ngồi kéo nhị, dù bão giông và nắng lửa, dù cơn đói cồn cào hay cái khát cháy họng, người vẫn đắm đuối trong khúc nhạc của riêng mình, và chẳng khi nào rời xa bóng người trong ngôi nhà phủ ngạt ngàn hoa gạo. Ngày ngày, tôi vật vờ như cái xác khô. Tôi vẫn không tìm thấy chị. Tôi sẽ chẳng bao giờ tìm thấy chị. Tôi nghĩ. Tôi đã hỏi thăm rất nhiều về chị. Màu áo ấy, gương mặt ấy, vóc dáng ấy, giọng nói ấy, và cả cánh hoa gạo hay cài trên mái tóc như khi xưa. Nhưng đổi lại cho tôi là những gương mặt hốc hác quay đi, những vồng ngực rung bần bật và nghẹn ngào, những bóng người lảng tránh vì sợ hãi. Có ai nhìn thấy người tôi yêu ở nơi đâu không? Có ai biết được người tôi yêu ở nơi đâu không? Tôi hỏi vọng. Chân trời! Chân trời! Là chân trời! Giọng một người già trong bóng tối, hốc mắt trũng sâu, thều thào cất lên từ nơi xa lắm, trong đêm mưa lành lạnh. Rồi sau đó hơi thở buồn rầu tắt hẳn. Đàn chim yến đập cánh vang động, bay đi tít tắp, ngọn gió thổi phanh ngực áo cũ, cuốn theo cánh hoa gạo về rất xa...

Thế rồi. Cũng tới một ngày mà tôi không còn gặp những người đàn ông đó nữa. Những người đàn ông ấy. Họ đi đâu? Họ còn sống hay đã nằm lại ở một nơi nào khác? Làng mạc ven biển, từ đây có thể nghe tiếng cồn cào xé ruột, chỉ trông rõ một vài vóc dáng đàn bà. Tóc bạc như sương. Ngồi thẫn thờ. Trước tấm gương thủng lỗ chỗ. Và đen xạm khói. Một vài người khác. Đứng trên gò đất. Có lẽ là nấm mồ lớn. Cười sằng sặc. Phía xa kia, nơi hàng ngàn khuôn mặt, trong đêm trường, đang hướng về, bầy chim trắng muốt, là biển khơi, là biển khơi, sóng xô dào dạt, gió cuồng lồng lộng, là tiếng hát nhân ngư hoang hoảng chân trời. Chẳng ai có thể trả lời tôi về địa danh và năm tháng. Nơi đây là đâu? Tôi đã xa chị bao nhiêu năm rồi? Tôi hỏi vào hư vô. Trong đồng tử trắng. Của những người đàn bà. Dường như không tuổi. Bất chợt máu rỉ ra. Từ đôi mắt suy tàn...

Bến chài. Theo chỉ dẫn. Trên một tấm biển vì sức ép. Nằm bẹp dúm lấp trong lòng đất, chỉ lộ ra một nửa. Xưa kia chắc tấp nập tàu thuyền. Giờ đây, cát bạc theo muôn ngàn đợt thủy triều lên xuống đã phủ dầy và hoang hóa tất cả. Chẳng một ai dám bén mảng tới nơi đây. Đối với họ, tôi như một người điên, đang đi vào cõi chết. Nhưng chẳng ai dám đi theo tôi, dẫu để cảnh tỉnh hay ngăn trở.

Người thiếu nữ xa lạ. Trạc mười tám tuổi. Mái tóc đen huyền. Xõa xuống gương mặt phảng phất mùi khói xám. Nàng khoác trên mình tấm váy dài màu đỏ thắm. Một con người dường như tôi chưa bao giờ gặp mặt. Đó có thể là chị tôi hay không. Đó có thể là người tôi yêu hay không. Như đôi mắt và hồi ức suy tàn của mình. Tôi không còn muốn tin vào những gì tôi trông thấy và hoài niệm. Nàng vẫn lặng câm. Nàng quỳ trên cát không biết từ bao giờ. Nhưng thần thái thiêng liêng. Đôi mắt trong veo. Vẫn hướng về biển cả. Biển cả hoàng hôn xanh trong, thăm thẳm, bao la đến tận chân trời. Âm thầm ngân nga khúc hát ru vời vợi. Nàng ôm vào lòng xác con khỉ con, khô quắt, chỉ còn da bọc xương, mi mắt chưa hề khép lại, vẫn bừng lên ánh hồi quang long lanh, hướng về nàng chưa dứt. Bên cạnh một con thuyền đắm, nằm úp xuống, ngập sâu gần hết vào trong cát.

Một đêm, lần đầu tiên tôi gặp trong giấc mơ có muôn ngàn cánh hoa gạo dạt vào từ biển cả, phủ lên thân mình tôi một màu đỏ thắm. Tôi nghe thoảng có ai gọi tên cúng cơm của mình từ trong vô tận, khi tôi nằm trên một con thuyền ngàn hải lý lưu vong. Bất giác, gió lạnh trên cánh đồng hoang làm tôi rùng mình tỉnh giấc. Phía trước mặt tôi, ngôi làng xưa đổ nát, đêm trăng lại đón bước tôi về...

ĐÀO QUỐC MINH

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.