Mùa hoa loa kèn

Chia sẻ

Tháng tư về mang theo nỗi nhớ thương trong màu trắng tinh khôi của hoa loa kèn, loài hoa du nhập và trồng ở Việt Nam khoảng hơn một trăm năm trước.

Bàn tay trắng muốt em cầm
Một cành hoa nối mùa xuân – mùa hè
Mưa phùn vừa dứt, tiếng ve
Cháy ran lên giữa trưa nhòe bóng cây

Em đi, áo mỏng phô bày
Da thơm dịu thoáng giữa ngày dịu xanh
Mùa hoa đi vụt qua nhanh
Mùi hoa chưa kịp cho anh được cầm.
                                      Ngô Quân Miện

Mùa hoa loa kèn - ảnh 1

LỜI BÌNH:
Thi sĩ Ngô Quân Miện (1925-2008) không chỉ là nhà báo – ông là Tổng biên tập báo Độc Lập, nhà văn rất thành công ở mảng đề tài viết cho thiếu nhi, ông còn là nhà thơ đôn hậu, chân chất, có khả năng phát hiện vẻ đẹp mong manh, tinh tế trong cuộc sống. Bài thơ "Mùa hoa loa kèn" của ông là sáng tác như thế.

Mở đầu là hình ảnh thơ rất ấn tượng: "Bàn tay trắng muốt em cầm/ Một cành hoa nối mùa xuân – mùa hè". Từ sự quan sát người bán hoa loa kèn, thi sĩ tái hiện sinh động sự tương đồng giữa bàn tay em và cành hoa đều mềm mại, trắng muốt. Phép đảo ngữ ngay trong câu thơ đầu đã nhấn mạnh vẻ đẹp, sự đáng yêu của bàn tay em - cô gái đang cầm trên tay những bông hoa loa kèn tao nhã, thanh khiết. Mỏng manh vậy nhưng sứ mệnh của hoa thật chẳng tầm thường "Một cành hoa nối mùa xuân – mùa hè". Là người để ý quan sát thiên nhiên, thi sĩ có phát hiện thú vị: loa kèn là nhịp cầu nối hai mùa xuân - hạ.

Hoa loa kèn bừng nở khi "Mưa phùn vừa dứt, tiếng ve/ Cháy ran lên giữa trưa nhòe bóng cây". Câu thơ giàu hình ảnh nhờ trí tưởng tượng phong phú và những từ ngữ biểu cảm. Vào thời điểm giao mùa, những cơn mưa bất chợt cùng tiếng sấm đì đùng báo hiệu xuân vừa qua, hè đã tới. Cảm giác ấy đang len vào dòng người tấp nập ngược xuôi trên phố. Tháng tư về mang theo nỗi nhớ thương trong màu trắng tinh khôi của hoa loa kèn, loài hoa du nhập và trồng ở Việt Nam khoảng hơn một trăm năm trước. Hoa còn có tên gọi khác là hoa huệ tây bởi sắc trắng và dáng hoa gần giống với hoa huệ nhưng bông to hơn hẳn. Loài hoa này hương chẳng nồng nàn như hoa sữa, sắc không rực rỡ như hoa hồng, vẻ ngoài không kiêu sa như hoa mai nhưng loa kèn được rất nhiều người yêu thích. Loa kèn có sáu cánh trắng muốt, nhụy vàng nhạt, hương thơm dịu, thanh khiết, rất hợp với gu thẩm mỹ của người Hà Nội. Hoa giống như người thiếu nữ kiệm lời, cứ e ấp, khép mình sau những nhánh lá. Nụ hoa uốn cong, mỗi cành thường nở từng chùm vừa hoa, vừa nụ.

Người yêu hoa loa kèn hẳn đều biết bức tranh tuyệt tác “Thiếu nữ bên hoa huệ” của danh họa Tô Ngọc Vân. Loa kèn cùng người bán hoa xuống phố, bẽn lẽn trước dòng người lại qua, xuôi ngược. Màu hoa trắng trong ấy dễ khiến lòng người bâng khuâng, nhớ về điều gì đó xa xăm. Ngôn từ trong bài khiến người đọc cảm nhận vẻ đẹp của thơ của Ngô Quân Miện là cái đẹp chân mộc mà lắng đọng. Nếu như khổ thơ đầu nói về loài hoa - sứ giả của mùa hè thì khổ thơ cuối của bài, cảm xúc thơ chuyển hướng nói về người bán hoa: "Em đi, áo mỏng phô bày/ Da thơm dịu thoáng giữa ngày dịu xanh". Câu thơ gợi nhiều hơn tả: Cô gái bán hoa với làn áo mỏng, làm nổi bật những đường cong quyến rũ của hình thể. Cả một vùng không gian rộng quanh cô lan toả sự tươi mát của hương thơm dìu dịu, màu sắc quanh đó cũng “dịu xanh", đáng mến, đáng yêu. Đắm trong mùi hương thanh tao, thi sĩ như bừng tỉnh: "Mùa hoa đi vụt qua nhanh/ Mùi hoa chưa kịp cho anh được cầm". Vụt là động từ chỉ sự chuyển động rất nhanh, mạnh diễn ra trong thời gian vài giây. Cách nói cường điệu đó đã nhấn mạnh mùa hoa loa kèn chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn, nếu người yêu hoa không để tâm là để mùa trôi qua mất.

Hai câu thơ nói mùa hoa và mùi hoa rất đăng đối cùng với nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được thi sĩ dùng rất sáng tạo: Mùi hoa là cái vô hình giờ đây được nhà thơ hữu hình hóa “chưa kịp cho anh được cầm”. Câu thơ có thể được hiểu theo cách khác: Sự đáng yêu, vẻ đẹp của người bán hoa mang theo những gì tươi mới như hút hồn thi sĩ. Hình ảnh bàn tay trắng muốt cầm cành hoa, gói hoa cho khách khiến nhà thơ muốn được cầm nhưng chưa kịp thì em đã xa rồi… Câu thơ không hoa mỹ, tứ thơ dung dị nhưng tình người cứ ngân nga. Bài thơ nói về hoa nhưng đến câu cuối dường như là lời bày tỏ tình yêu, một tình cảm tinh tế, khiêm nhường.

Với tám câu thơ lục bát, tứ thơ lạ, ngôn từ thuần Việt cô đọng, ngợi ca vẻ đẹp trong trắng, tinh khôi của hoa loa kèn, nhà thơ đã truyền đến người đọc tình yêu thiên nhiên, tình yêu cuộc sống.

NGUYỄN THỊ THIỆN

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.