Mùa nhãn

Vũ Công Chiến
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tháng Bảy, khi những quả vải muộn mằn cuối cùng cũng không còn nữa, thì mùa nhãn mới bắt đầu. Nhãn ra hoa ngay từ mùa xuân, sau những ngày mưa phùn lất phất và khi có những tia nắng xuân ấm áp đầu mùa nhưng tới tận đầu tháng bảy quả mới bắt đầu chín.

1

Ở Việt Nam có ba thứ quả mùa hè mà người ta coi là chúng cùng loài bởi có dáng hình na ná nhau từ vỏ tới cùi và hột. Đó là vải, nhãn và chôm chôm. Nhưng vải và nhãn gần gũi nhau hơn về dáng hình.

Không biết cây nhãn có từ bao giờ, nhưng khi người ta biết đến quả nhãn, thì mặc nhiên Hưng Yên đã là đất nhãn. Ngày xưa, cây trái trồng theo vùng và trở thành đặc sản đặc trưng cho mỗi vùng. Người ta không lai tạo và cũng ít đem trồng chúng từ vùng đất này sang vùng đất khác. Các cụ ta xưa rất coi trọng thổ nhưỡng tự nhiên dành cho mỗi loại cây. Chính vì thế nói đến nhãn là phải nghĩ ngay đến đất Hưng Yên. Hơn nữa đó phải là quả nhãn lồng. Có điều người ta thường vẫn tưởng cứ Hưng Yên là đất nhãn lồng, mà không biết rõ chỉ mỗi huyện Tiên Lữ của Hưng Yên mới chính là đất gốc của quả nhãn lồng truyền thống và huyền thoại mà thôi. Nhãn trồng trên đất các huyện khác cũng thưa thớt như nhãn vườn trồng khắp các vùng quê miền Bắc, không phải là thứ nhãn lồng chính thống.

Không như tên quả vải thiều trên đất Thanh Hà, Hải Dương có nguồn gốc từ xứ Thiều Châu bên Trung Quốc truyền sang, không ai biết rõ cái tên quả nhãn lồng có từ đâu. Các cụ dân quê từ xa xưa chỉ lý giải đơn thuần là do quả nhãn rất to, ví như mắt của những chiếc lồng, chiếc bu nuôi gà. Quả nhãn lồng Tiên Lữ rất to, vỏ hơi xù xì, chỉ nhìn thôi đã thấy khác hẳn loại nhãn thường được trồng nhiều khắp thôn quê miền Bắc Việt Nam. Loại nhãn ấy trong vườn mỗi nhà thường có một hai cây điểm xuyết, quả nhỏ và có cây ngon, cây không nhưng dứt khoát không ai dám nhận đó là nhãn lồng. Quả nhãn lồng có vỏ ngoài sờ gờn gợn, bóc ra cùi rất dày, màu trắng pha ngà rất đặc biệt và hạt thì nhỏ và đen bóng. Miếng cùi nhãn lồng hơi khô, ăn giòn và ngọt mát chứ không ngọt sắc. Nhãn lồng Hưng Yên là thứ quả ăn nhiều không chán, bổ và trị nhiều thứ bệnh nên từ xa xưa đã là thứ quả tiến vua hàng năm. Vua chúa vốn sành ăn và kén chọn, thứ quả nào được xếp vào loại tiến vua, đương nhiên là thành thương hiệu không phải bàn cãi.

Mùa nhãn - ảnh 1
Ảnh minh họa

2

Tiên Lữ là huyện nằm giáp và bao trùm vùng đất thị xã Hưng Yên, nơi được gọi là Phố Hiến ngày xưa. Ngày ấy khi biển còn chưa lùi xa như bây giờ thì Phố Hiến là nơi đầu ngõ buôn bán của vùng đồng bằng Bắc Bộ, trên bến dưới thuyền và sầm uất chả kém gì Kinh Kỳ- Kẻ Chợ, chỉ thua về quy mô. Tại vùng đất Phố Hiến này có hai cây nhãn lồng ngon có tiếng, tuổi thọ tới hai trăm năm và được người dân nơi đây gọi là cây nhãn Tổ. Quả nhãn lồng của cây nhãn Tổ to một cách đặc biệt, mỗi quả có kích thước như những quả chanh to, to hơn nhiều những quả nhãn lồng ở các xã của huyện Tiên Lữ. Những năm sáu mấy của thế kỷ trước, hai cây nhãn Tổ này được chính quyền tỉnh quản lý rất chặt chẽ. Mùa thu hoạch nhãn, người ta đếm từng quả đóng gói và nộp lên Trung ương. Những quan chức trong tỉnh phải đăng ký trước mới được mua nhãn theo thể thức phân phối. Năm 1965 tôi sơ tán về quê, ông Trưởng công an huyện Tiên Lữ có họ hàng với nhà tôi kể lại là cỡ như ông đăng ký trước mà cũng chỉ được duyệt mua có 40 quả. Dân thường, dù mang tiếng là dân Hưng yên cũng không có mấy người được ăn quả nhãn Tổ ấy. Quý và hiếm hoi đến nỗi cả đời tôi cũng chỉ được duy nhất ăn nhãn Tổ một lần ngày đó, mà cũng chỉ được ăn có một phần ba quả.

Quê tôi ở huyện Tiên Lữ, nơi cội nguồn của đất nhãn lồng. Tôi về quê, được ăn nhãn lồng nhiều lần, nhưng chỉ là ở vườn làng, quả to nhưng cũng chỉ bằng quả trứng gà ri. Làng tôi nhìn đâu đâu cũng thấy nhãn, nhiều nhà trồng sát rào, cành vươn ra che rợp một góc đường làng. Cây nhãn được chăm sóc rất cẩn thận, bổ sung bùn ao vào gốc hàng năm sau kỳ thu hoạch. Rễ cây nhãn vươn dài rộng ra rất xa quanh gốc. Người trồng nhãn kiêng chặt rễ cây. Nhà nào có cây nhãn trồng cạnh đường làng, khi xã sửa lại đường đi phải chặt rễ thì những cây ấy thường bị chột mất một năm quả. Giống nhãn lồng có đặc điểm là sai quả cách năm. Năm nay sai quả trĩu cành thì năm sau quả ra chỉ bằng hơn một nửa. Thêm một điều nữa là nhãn đậu quả còn phụ thuộc nhiều vào mùa lũ. Năm nào nước sông Hồng lũ to thì quả sai hơn năm khác.

3

Không như quả vải chỉ ra quả có một tháng. Đầu tháng 5 mới thấy lác đác có vải chín, vậy mà sang tháng sáu bắt đầu đã thấy không còn vải bán trên thị trường nữa rồi. Mùa nhãn kéo dài hơn, có quả chín rải rác tới ba tháng. Tầm cuối tháng bảy có nhãn đầu mùa, rộ lên tầm tháng tám, tháng chín, đến tháng mười thì chỉ còn ít nhãn cuối vụ. Lại một điểm khác nữa của nhãn là người ta không hái quả ăn thử như với quả vải. Vườn nhãn có thể có nhiều cây, nhưng khi thu hoạch phải trảy hái dứt điểm từng cây trong ngày. Ngày xưa người ta ít dùng thuốc hóa học, môi trường thân thiện nên loài dơi sống rất nhiều ở các vùng làng quê, nhất là trong các vườn nhãn. Về lý thì chúng bắt muỗi ban đêm để sống, nhưng dơi lại đặc biệt thích ăn nhãn quả. Điều lạ không ai giải thích được là trong vườn nhãn đầy dơi, nhưng chúng không hề động đến quả chín nào nếu chưa có người động vào đó. Chỉ vô tình hái thử một chùm ở cây nhãn nào đó thôi, là ngay trong đêm đó lũ dơi tập trung quần phá. Sáng ra cây nhãn dù to và sai quả đến đâu cũng chỉ còn trơ cành. Vỏ và hạt nhãn rơi đầy quanh gốc. Và lạ lùng làm sao, cây nhãn cạnh đó vẫn còn nguyên quả. Chính vì vậy người ra rất chú ý đến quá trình thu hoạch và đặc biệt là canh gác trông nom, sợ nhất là lũ trẻ xóm bên mò sang hái trộm nhãn. Chúng chỉ đủ sức hái và ăn trộm vài chùm nhãn thôi, nhưng vô hình chung phá hoại cả một cây nhãn của chủ nhà. Cũng chính vì vậy, khi thu hoạch nhãn, chủ nhà thường cho bọn trẻ con vào mót những quả nhãn rơi rụng hay những chùm thưa quả, như một sự động viên nhắc nhở chúng.

Mùa nhãn - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nhãn lồng quê tôi không ai bán cân bao giờ. Người ta buộc thành túm và bán theo từng trăm quả một. Ngay cả cái thời nông thôn tổ chức sản xuất theo hợp tác xã, đất ruộng của dân đem nhập vào hợp tác xã để sản xuất chung đã đành, mà ngay cả những nhà có vườn nhãn tập trung cũng phải đưa vào hợp tác xã. Chỉ còn lại một vài nhà có vườn nhỏ dăm sáu cây không đưa vào hợp tác và bị coi là thành phần chậm tiến. Riêng chuyện trồng trong vườn nhà 1, 2 cây thì hầu như nhà nào cũng có và không phải sung vào hợp tác. Những năm sơ tán về quê, tôi theo lũ trẻ trong làng nghịch đủ mọi thứ. Trong đó tất nhiên có cả mục ăn trộm nhãn, nhưng mục tiêu thường là vườn nhãn của hợp tác xã, nhất là những vườn nằm xa xa ngoài rìa làng, gần đìa, sát mương. Chả ai nắm tay được suốt ngày nên cái chuyện gác bảo vệ nhãn cũng thế. Bị bắt được thì tội to, gia đình bị hợp tác phạt công điểm. Nhưng đã tổ chức đi ăn trộm mà để bị bắt thì còn nói làm gì. Chính vì cái chuyện đi ăn trộm nhãn của hợp tác, mà tôi được chứng kiến cảnh đàn dơi ăn hết sạch cả cây nhãn chỉ trong một đêm, nhằm đúng cây mà chúng tôi trèo bẻ trộm nhãn.

4

Nhãn lồng đem làm long nhãn là một vị thuốc quan trọng trong Đông y. Thời trước người Tàu đặt mua long nhãn Hưng Yên mang về nước rất nhiều. Nhưng đấy là ở vào thời đổi mới, chứ thời bao cấp chả biết nhãn lồng đi đâu hết mà rất ít có bán trên địa bàn ngoài tỉnh. Muốn ăn nhãn lồng Hưng Yên thường phải về đất Hưng Yên. Ngay Hà Nội là nơi mà người ta quan niệm mọi thứ ngon khắp nơi đều đem về, cũng không phải cứ muốn là mua được đúng nhãn lồng Hưng Yên vào cái thời bao cấp ấy. Có lẽ là do sản lượng ít kèm thêm yếu tố là giao thông kém nên làm giảm khả năng lưu thông hàng hóa.

Tôi đi lính sáu năm trời, đã qua nhiều cánh rừng Trường Sơn và Tây Nguyên hay cả trên cao nguyên Boloven ở Nam Lào. Chỉ riêng ở Tây Pleiku, khi phát nương tăng gia, chúng tôi bắt gặp những cây vải rừng, còn nhãn rừng thì tuyệt nhiên chưa bao giờ gặp. Nhưng vải rừng ở Tây Nguyên quả cũng nhỏ và đặc biệt chua không thể tưởng được. Cảnh lính rừng đói kém khi ấy ăn được đủ mọi thứ lá quả trong rừng nếu nó không độc, vậy mà chỉ ăn một quả vải rừng thôi là chào thua quả thứ hai.

Bây giờ, khi khoa học kỹ thuật phát triển, nhãn lồng không còn hiếm như ngày xưa. Người ta nghiên cứu vùng đất hợp thổ nhưỡng rồi lai tạo giống nhãn lồng đem trồng rất nhiều nơi. Có thể kể đến các vùng đất huyện Khoái Châu, Hưng Yên hay các huyện Mộc Châu, Sông Mã của tỉnh Sơn La. Tuy không thật nguyên bản như nhãn lồng Tiên Lữ, nhưng những vườn nhãn ở những nơi này cho quả cũng khá to và ngon, chất lượng không thua kém mấy nhãn lồng chính gốc. Cũng nhờ thế mà nhiều người được thưởng thức nhãn lồng với giá hợp túi tiền hơn. Long nhãn cũng không còn là thứ hiếm. Chuyện nấu một nồi chè long nhãn với một gia đình bây giờ chỉ là chuyện nhỏ.

Cũng như quả vải, hiện nay quả nhãn lồng cũng được tính đến chuyện xuất khẩu, đem lại thêm nguồn lợi để nâng cao và ổn định cuộc sống cho người trồng nhãn.

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.