Mùa quả chín rộ, chị em trổ tài làm mứt, siro

Chia sẻ

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều loại trái cây mùa hè như dứa, mận, vải thiều… được bán với giá thành hợp lý. Nhằm giúp đỡ bà con nông dân vùng dịch, các bà nội trợ ở Thủ đô hào hứng hỗ trợ tiêu thụ nông sản và trổ tài khéo chế biến nhiều món ăn ngon, đồ uống mát lành từ những trái cây tươi ngon, bổ dưỡng.

Những biến tấu đầy sắc màu

Từ đầu mùa đến nay, chị Vũ Kim Dung ở phố Kiều Mai, quận Bắc Từ Liêm đã mua gần 50kg mận. Dịch bệnh Covid-19 đã thay đổi rất nhiều thói quen trong gia đình chị. Thay vì đi dã ngoại, đi biển như mọi năm, những ngày hè này, cứ đến cuối tuần, chị Dung và con gái lại vào bếp, cùng nhau chế biến món ăn cho gia đình. Trong đó, không thể thiếu các món đồ ăn thức uống từ quả mận – thứ quả được trồng phổ biến tại các tỉnh miền núi phía Bắc. “Năm nay, mận hậu vừa nhiều vừa rẻ, vào chính vụ, loại ngon chỉ tầm 20.000 – 30.000 đồng/kg. Loại quả giàu vitamin này không chỉ để ăn chơi mà còn có thể chế biến thành nhiều loại thực phẩm ngon lành.

Chị em phụ nữ Thủ đô nhiệt tình tham gia hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc GiangChị em phụ nữ Thủ đô nhiệt tình tham gia hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang

Đặc biệt, để sử dụng lâu dài, chị Dung học theo cách mà các bà, các mẹ vẫn làm: ngâm đường với mận để làm mứt. Khi mận ngấm đường, bắc nồi lên bếp đun sôi, chị Dung tranh thủ chắt lấy nước mận để làm siro. Một công chế biến, thế là đã được hai món. Mùa hè nắng nóng, đi làm về, chị lấy mấy thìa siro mận hoà với nước lọc, thêm vài ba cục đá là đã có ngay cốc nước hoa quả thơm mát vừa để giải nhiệt, bổ sung nước cho cơ thể vừa an toàn, tốt cho sức khoẻ, không có nhiều chất bảo quản như các loại nước ngọt đóng chai. “Uống vào tỉnh cả người” – chị Dung nói vui. Ngoài ra, siro mận còn được chị Dung dùng để ướp thịt, sườn chế biến các món rim, xào làm cho thịt, sườn mềm, có vị chua nhẹ, rất dễ “đưa cơm”. Vì sự tiện lợi này, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mận, chị Dung đều trữ cả chục lít siro. Năm nay, chung tay cùng cộng đồng hỗ trợ tiêu thụ mận cho bà con nông dân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chị Dung làm siro nhiều gấp đôi năm trước. Một phần siro chị mang biếu bố mẹ, tặng người thân; phần còn lại chị để dùng dần quanh năm.

Chị Thanh Nga – cựu sinh viên khoa tiếng Pháp, trường đại học Hà Nội, hiện đang sinh sống ở chung cư Ecolife, phố Tố Hữu lại rất ưa thích trái mận hậu bởi lẽ đây là nguyên liệu làm nên món mứt mận (jam hoặc Confiture de prunes) nổi tiếng ở các nước Âu Mỹ. Trong khi mứt mận ở Việt Nam là mứt khô, dùng chủ yếu trong những ngày Tết cổ truyền thì mứt jam là mứt sệt, sánh, ăn quanh năm kèm với bánh mỳ lát, làm nhân bánh ngọt, ăn kèm với sữa chua, kem... Mứt jam dùng ít đường hơn nên khi thưởng thức sẽ cảm nhận được vị chua nhẹ của mận, rất kích thích vị giác, làm món ăn bớt ngán hơn. “Trong số các loại trái cây mùa hè, mận là loại quả thích hợp nhất để làm jam do có lớp thịt dày, vị ngọt thơm xen chút chua dịu, không bị chát đắng.

Siro và mứt mậnSiro và mứt mận

Đặc biệt, mận là một trong số ít những loại quả chứa pectin – chất tạo độ sánh tự nhiên giúp cô đặc mứt mà không cần dùng thêm phụ gia. Mứt jam dùng rất tiện, nhất là trẻ con đi học buổi sáng, chỉ cần phết một chút mứt lên bánh mỳ là xong; hay khi cần pha nước hoa quả, hoà mứt jam vào nước là được. Một hộp jam nhỏ bán tại các cửa hàng cũng phải đến gần 100.000 đồng. Với số tiền này, tôi có thể mua được 5-7kg mận và làm được cả chục hộp jam, vừa kinh tế lại ngon lành” – chị Nga chia sẻ.

Những ngày này, gia đình nhà chị Thu Hằng ở khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng lại gây ấn tượng với bạn bè với lẵng quả rất đẹp được làm từ… vải thiều. Sẻ chia với khó khăn của bà con nông dân, mùa vải năm nào chị Hằng cũng mua nhiều vải để làm nước quả. Năm nay, số lượng vải chị mua tăng gấp đôi so với trước. “Những thương hiệu đồ uống lớn khi vào Việt Nam đều phát triển dòng nước giải khát sử dụng trái cây trong nước như trà vải, trà sen, trà xoài, trà đào… Đồ uống này nhanh chóng trở thành trào lưu trong giới trẻ, trong các gia đình. Tuy nhiên, giá bán một cốc trà như vậy không hề rẻ, bằng 2-3kg vải ngon.

Vì vậy, đến mùa, tôi đều mua vải, sắp tới là đào, bóc vỏ, bỏ hột, ngâm đường để làm trà cho cả nhà cùng thưởng thức, vừa ngon lành, an toàn lại rẻ tiền”. Năm nay, chị Thu Hằng còn thử sức với cách chế biến tuy không mới nhưng rất khó: làm vải sấy khô. Lựa những quả to đều, mọng nước, không bị sâu hoặc có đốm đen, chị Hằng rửa sạch rồi trần qua nước sôi, sau đó sấy bằng nồi chiên không dầu. Quả vải bị mất lớp nước trong cùi, vỏ se lại, có màu nâu cánh gián rất đẹp mắt. “Vải sấy khô có thể bảo quản từ 6 tháng đến 1 năm, tôi hy vọng sẽ để dành được đến Tết Nguyên đán đãi khách bằng loại quả khô handmade, cũng rất thú vị và độc đáo”.

Kem mậnKem mận

Sự tài khéo của chị em nội trợ

Hưởng ứng chương trình hỗ trợ tiêu thụ trái cây, chị em phụ nữ Thủ đô đã tham gia rất nhiệt tình và trách nhiệm. Hàng trăm tấn trái cây các loại đã được tiêu thụ trong thời gian ngắn, góp phần giảm thiểu tổn thất và đảm bảo đầu ra cho bà con. Với sự tài khéo của mình, những loại trái cây còn được chị em chế biến thành nhiều món ăn và đồ uống hấp dẫn, đẹp mắt, ngon miệng. Đầu bếp Nguyễn Phương Hải cho biết: Trái cây vào chính vụ có giá trị dinh dưỡng cao, ngon ngọt hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm và rất an toàn do được thời tiết ủng hộ nên phát triển tự nhiên, không cần thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng… Vào thời điểm chín rộ, trái cây được bán với giá rất hợp lý.

Vì vậy, từ xa xưa, ông bà ta đã căn dặn “mùa nào thức nấy” là có lý do. Bên cạnh đó, để sử dụng các loại trái cây quanh năm, ông bà ta có nhiều cách chế biến và bảo quản khác nhau như ướp muối, ướp đường là những chất bảo quản tự nhiên. Các món: cà muối, dưa muối, nước mơ, nước dâu tằm… quen thuộc chính là các đồ ăn thức uống mà chúng ta đang thừa hưởng từ các cụ. Ngày nay, việc giao lưu, kết nối với thế giới nhanh hơn, tiện hơn, chị em phụ nữ tiếp thu nhiều tinh hoa ẩm thực của các nước và với sự khéo léo của mình đã chế biến nhiều món ăn mới, điển hình là món jam, thạch trái cây (panacota), trà hoa quả hay sấy khô trái cây để tạo thêm những món mới để thay đổi vị cho bữa ăn hàng ngày thêm phong phú, góp phần kích thích tiêu dùng,

Trà vải – đồ uống được nhiều bạn trẻ yêu thíchTrà vải – đồ uống được nhiều bạn trẻ yêu thích

Trái cây vào vụ rất thơm ngon và kích thích vị giác nên không ít người khi “vui miệng” thường ăn quá nhiều dễ bị nổi mụn, rôm sẩy do trái cây mùa này đa phần có tính nóng. Cách chế biến đa dạng và phong phú mà các chị em đang thực hiện như làm siro, jam chính là cách rất hay để hạn chế tính nóng của trái cây. Cũng có ý kiến cho rằng, trái cây qua chế biến có thể hao hụt đi phần nào vitamin dồi dào trong trái cây. Điều này đúng nhưng chưa đủ, trái cây qua sơ chế như quả mận, quả vải khô vẫn còn giữ được lượng chất xơ rất quý giá. Tại một số nước trên thế giới, mận khô là thực phẩm xuất khẩu có giá trị. Chất xơ từ trái cây được cơ thể hấp thu một phần, phần còn lại chính là chất xúc tác cuốn theo những cholesterol thừa trong ống tiêu hoá, chất độc hại trong ruột và đẩy chúng ra khỏi cơ thể qua đường tiêu hoá, để lại trong cơ thể và đường ruột môi trường thuận lợi cho vi sinh có lợi, hạn chế vi trùng gây hại và phòng tránh một số bệnh đường ruột, giảm nguy cơ rối loạn mỡ máu và bệnh tim mạch.

THU TRANG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.