MƯA THÁNG GIÊNG

NGUYỄN THỊ THIỆN
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Tháng Giêng mưa ngoài phố
Mưa như là sương thôi
Những bóng cây dáng khói
Như mộng du bên trời

Tháng Giêng ngày mỏng quá
Nỗi buồn nghe cũ rồi
Mà bên kia tờ lịch
Nỗi niềm mưa xót rơi

Tháng Giêng mưa trên tóc
Những người đi lễ chùa
Theo giọt mưa cầu phúc
Tiếng chuông từ bi mơ

Tháng Giêng mưa dưới bến
Mỏng mai cô lái đò
Mắt mưa em lúng liếng
Trói tôi bằng vu vơ

Tháng Giêng mưa như cỏ
Non xanh đến tận trời
Trước vô cùng năm tháng
Thơ mình - sương khói thôi.

                     Nguyễn Việt Chiến

 MƯA THÁNG GIÊNG - ảnh 1
Ảnh minh họa

LỜI BÌNH:
Nguyễn Việt Chiến (1952 – Thạch Thất, Hà Nội) là nhà thơ tài danh, giành nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, của Văn học nghệ thuật Thủ đô... Bên cạnh những bài thơ tràn đầy cảm hứng đậm chất sử thi về Tổ quốc, anh còn viết nhiều về thiên nhiên, quê hương và con người, trong đó “Mưa tháng giêng” chiếm được tình cảm của rất đông bạn đọc. 

Ra đời tháng 1 năm 1992,  in trên báo Văn nghệ, bài thơ là tiếng nói cảm xúc bồi hồi, xao xuyến của người thơ trước không gian bảng lảng sương khói rất đặc trưng của tháng Giêng. Mở đầu, thi nhân đưa người đọc đến với không gian xuân rất tự nhiên và dung dị. Những câu thơ nhẹ như hơi thở của đất trời: "Tháng Giêng mưa ngoài phố:/ Mưa như là sương thôi/ Những bóng cây dáng khói/ Như mộng du bên trời" đã tái hiện cảnh mưa bụi giăng khắp phố phường. Phép so sánh "Mưa như là sương thôi" giúp người đọc hình dung cụ thể hơn mưa xuân nhẹ như sương giăng, cảnh vật huyền ảo, thơ mộng lạ thường.

Bài thơ như một sự tiếp nối “Mưa xuân” rất nổi tiếng của Nguyễn Bính. Có điều, không gian mưa của Nguyễn Bính ở làng quê, còn của Nguyễn Việt Chiến ở nơi phố thị. Thể thơ Nguyễn Bính dùng là thất ngôn, còn Nguyễn Việt Chiến dùng thể thơ ngũ ngôn: “Tháng Giêng mưa ngoài phố/ Mưa như là sương thôi/ Những bóng cây dáng khói/ Như mộng du bên trời”. Mưa xuân trong hai áng thơ đều như vô vàn hạt bụi rắc. "Những bóng cây dáng khói" là hình ảnh so sánh mới mẻ, gợi tả những cây cao trong màn mưa bụi trông như những cây khói lam trong màn sương mờ ảo.

Với cái nhìn tinh tế thi nhân tiếp tục miêu tả làn mưa: “Tháng Giêng mưa trên tóc/ Những người đi lễ chùa/ Theo giọt mưa cầu phúc/ Tiếng chuông từ bi mơ”. Mưa trên cao, mưa dưới thấp, khắp ngõ gần, phố xa nhưng rất nhẹ khiến người ta không cần đội mũ, mưa rơi và đậu trên tóc người đi lễ chùa -  một mỹ tục của người Việt mong cầu may mắn và bình an. Cảnh vật như có hồn, đến cả tiếng chuông chùa cũng như biết từ bi, mơ mộng. Đang đắm mình trong bảng lảng mưa xuân, chủ thể trữ tình chợt nhận ra "Tháng Giêng ngày mỏng quá",  ngày xuân trôi thật nhanh.

Trước mênh mông của vũ trụ, cái vô hạn của thời gian, thi nhân buông xả mọi sân si và nhận ra nỗi buồn trở nên "cũ rồi". Khổ thơ áp cuối gây ấn tượng nhiều nhất cho bạn đọc: "Tháng Giêng mưa dưới bến/ Mỏng mai cô lái đò". Hình ảnh mùa xuân với mưa tháng Giêng được kết tinh lại ở cô lái đò với “Mắt mưa em lúng liếng/ Trói tôi bằng vu vơ”. Từ láy “lúng liếng” gợi tả ánh mắt sắc sảo, linh hoạt của người con gái được mưa xuân cộng hưởng càng trở nên duyên dáng và tình tứ.

Cô gái thanh tân trong thi phẩm chính là hiện thân vẻ đẹp của đất trời, của mùa xuân và tuổi  trẻ: “Tháng Giêng mưa như cỏ/ Non xanh đến tận trời/ Trước vô cùng năm tháng/ Thơ mình - sương khói thôi”. Được mùa xuân thanh lọc tâm trí, nhà thơ nhận thấy cái hữu hạn của cuộc đời và của thơ mình. Điều đáng chú ý trong bài là điệp ngữ “Tháng Giêng mưa” (3 lần) đều ở đầu các khổ thơ và hình tượng mưa có sự vận động từ: Tháng Giêng mưa ngoài phố/ Mưa như là sương thôi tả đặc trưng mưa xuân xứ Bắc; đến Nỗi niềm mưa xót rơi gợi tả nỗi niềm riêng có những lúc đắng xót của thi nhân.

Tiếp sau là hình ảnh mưa trên tóc rồi “Theo giọt mưa cầu phúc” và “Mắt mưa em lúng liếng” đến hình ảnh so sánh “Tháng Giêng mưa như cỏ”. Tất cả hòa quyện như một bản nhạc nhẹ du dương giúp người đọc cảm nhận được là nét đặc trưng không nơi nào có được của mưa tháng Giêng xứ Bắc Việt Nam.

Bài thơ là một nỗi buồn đẹp, là tiếng lòng thi nhân thiết tha với mưa tháng Giêng, lan tỏa đến chúng ta tình yêu cuộc đời, con người và quê hương đất nước.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tự chủ là sống có trách nhiệm

Tự chủ là sống có trách nhiệm

(PNTĐ) - Trung ương Hội LHPN Việt Nam xác định nội hàm của người phụ nữ thời đại mới hiện nay là Tri thức - Đạo đức - Sức khỏe - Trách nhiệm. Trong đó, riêng yếu tố “Trách nhiệm” được làm rõ, không phải là trách nhiệm chung chung, mà là trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng. Người phụ nữ hiện đại có định hướng bản thân và tự lập thì trước hết phải có trách nhiệm với mình.
Để phụ nữ hiện đại tỏa sáng thời công nghệ số

Để phụ nữ hiện đại tỏa sáng thời công nghệ số

(PNTĐ) - Chủ đề toàn cầu của ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay là “DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới” và hưởng ứng chủ đề ưu tiên của Khóa họp lần thứ 67 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ của Liên hợp quốc (CSW67) “Đổi mới, công nghệ và giáo dục trong thời đại kỹ thuật số để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”. Điều này cho thấy chuyển đổi số với tiềm năng lớn, được tin rằng sẽ trở thành một “động lực thay đổi” quan trọng đối với bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ.
Một giấc mộng dài

Một giấc mộng dài

(PNTĐ) - Suốt mấy năm nay, chưa ngày nào Thùy thôi nhớ về người ấy. Một mối quan hệ không thể gọi thành tên, mà sao lúc nào cũng làm cô day dứt, khát khao được một lần quay trở lại.