Mùa xuân sông hát

Kiều Xuân Quỳnh
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Dũng bước chậm trên bờ đập thủy điện nơi thượng nguồn sông Đà. Ánh sáng từ phía nhà máy hắt xuống dòng sông mờ ảo như ánh trăng loang trên mặt nước. Đêm núi rừng sâu thẳm, tiếng côn trùng, muông thú vọng về hòa vào tiếng sông.

Trong đêm, Dũng nghe dòng sông như đang hát bằng tiếng sóng vỗ vọng trong gió miền non cao. Năm nay, Dũng trực Tết, đón mùa xuân với núi rừng. Ca trực ngày cuối năm chộn rộn trong lòng Dũng nhiều cảm xúc với dòng sông Dũng gắn bó từ lúc sinh ra.

*
Ngày ấy, gia đình Dũng sống trong gian nhà tập thể trên công trường xây dựng thủy điện Hòa Bình. Những ngày cuối tuần, mẹ thường đưa hai chị em Dũng qua cầu phao, sang bên kia sông chơi với bố. Bên ấy, bố mượn vỉa hè trước nhà người bạn mở quán sửa xe đạp. Gọi là quán nhưng chỉ là miếng bạt căng lên mấy thân cây che nắng mưa. Dưới gốc cây cạnh đường dựng tấm bảng gỗ cùng vài chiếc lốp xe hỏng. Trong quán, bố móc chiếc võng cùng ấm chè để khách ngồi đợi. Những lúc không có khách chị em Dũng thường tranh nhau nằm võng. Cuộc tranh giành kết thúc không rõ thắng bại nên chị em Dũng cùng nằm trên chiếc võng đầu ngả về hai phía.

Chị Hương thường nhìn về hàng quần áo phía cổng chợ. Chị khen chiếc váy trắng đẹp như váy công chúa trong đêm dạ hội. Chiếc áo hồng sẽ tuyệt vời hơn nếu thắt nơ trên mái tóc... Rồi chị chạy vào hàng đồ chơi. Chị nâng chiếc chong chóng xoay tròn trong gió. Chị bế con búp bê như ru con ngủ... Cho đến khi mẹ dắt tay chị về quán sửa xe, chị vẫn không muốn buông con tò he trên tay. Nhiều lần chị Hương đòi mua nhưng mẹ chỉ an ủi chị "học giỏi sẽ được thưởng". Chị không dám đòi bố mua vì có lần bố vụt chị vài chiếc roi tre khi chị không chịu trả lại con búp bê cho cô bạn nhà bên. Dũng biết chị rất thích những thứ ấy nhưng lương công nhân của bố mẹ chẳng dư giả để mua sắm cho những điều không cần thiết. Gia đình Dũng vẫn ăn cơm độn sắn nấu trên bếp củi. Sống ở nơi xây dựng thủy điện nhưng chị em Dũng vẫn học bài dưới anh đèn dầu. Từ ngày bà nội đổ bệnh, bố mẹ bảo phải tiết kiệm chi phí sinh hoạt nên chị em Dũng không còn nhắc đến quà bánh mỗi khi mẹ đi chợ về. Cuối năm mẹ đưa hai chị em đến chợ, chọn cho hai chị em chiếc quần đen áo trắng, diện Tết xong rồi mặc đi học.

Mùa xuân sông hát - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Dũng thích nhìn lên phía bức tường khổng lồ ngăn dòng sông nối hai ngọn núi. Dũng tưởng tượng bức tường ấy như cánh tay Sơn Tinh đang dời núi ngăn dòng nước giận dữ của Thủy Tinh. Dũng cười, thầm nghĩ, tại sao Vua Hùng không yêu cầu lễ vật là: trứng rùa, thịt ba ba, tôm hùm hay cua hoàng đế... Phải chăng lễ vật của Thủy Tinh không hợp khẩu vị của Vua Hùng? Nếu lợi thế lễ vật nghiêng về Thủy Tinh, Sơn Tinh có đủ bao dung để vị tha cho những ân oán truyền đời?

Có lần, Dũng được bố đưa đến bức tường nơi bố làm việc trên chiếc xe ca. Người trong đội thi công gọi bức tường khổng lồ là đập tràn. Họ bảo rằng mai sau khi vận hành đập tràn sẽ kỳ diệu hơn cả phép thần của Sơn Tinh. Phía những dãy núi kia sẽ là lòng hồ rộng lớn, thuyền bè có thể ngược dòng về miền biên viễn.

Mọi người nói chuyện mai sau nên Dũng chưa nhìn thấy điều kỳ diệu. Dũng đi từ bờ bên này sang phía bên kia chỉ thấy bê tông nham nhở, sắt thép chỏng chơ cùng xe cộ máy móc đang hoạt động. Những người công nhân miệt mài với công việc của mình như bầy ong đàn kiến chăm chỉ. Dũng ngước lên gọi khi thấy bố đeo dây an toàn hàn mối ghép trên cao. Nhưng khoảng cách quá xa để bố nghe tiếng gọi.

Dũng thấy thương bố quá! Mùa hè bỏng rát mà bố vẫn phơi nắng làm việc. Nắng như thiêu đốt mà không thể hong khô mồ hôi trên áo bố.

Sau giờ làm bố lại bận rộn với quán sửa xe. Bố sửa xe cho người ta nhưng mẹ vẫn phải mượn xe hàng xóm để đi chợ. Phiên chợ của những người công nhân chỉ giản đơn lạc trứng rau dưa. Những thứ đồ ăn chỉ cần vài phút chế biến thế mà ai cũng vội vàng. Sau khi từ công trường về mẹ cũng hòa chung vào nỗi tất bật để chuẩn bị bữa cơm cho cả gia đình. Những hôm làm ca sáng, mẹ nhờ hàng xóm mua sẵn thức ăn để chị Hương nấu cơm. Hai chị em ăn cơm xong, Dũng lại xách cặp lồng cơm sang sông đến quán sửa xe của bố.

Buổi trưa nằm võng, Dũng nhắm mắt mơ màng trong gió nghĩ về dòng Đà giang.

Dòng sông kết nối những lứa đôi cho bố mẹ gặp nhau. Dòng sông chưa thắp lên dòng điện nhưng thắp sáng lòng người đến từ khắp những vùng quê. 

Bố mẹ Dũng cũng từ một miền quê thoát ly đến đây. Dịp nghỉ hè bố thường nghỉ phép đưa hai chị em về thăm quê. Quê nội là một bán đảo nên Dũng cảm thấy không quen với vị mặn mòi của biển. Dũng thích sóng sông êm đềm không ào ạt như sóng biển. Về quê vài ngày Dũng lại đòi bố đưa về với dòng sông. Bố an ủi vỗ về nỗi nhớ nhà trong lòng Dũng: "Biển cả là nơi hợp nhất của những dòng sông nên sóng biển bao la hùng vĩ, ồn ào hơn vì gom góp trăm ngàn con sóng nhỏ". Bố đưa hai chị em Dũng đến thăm cánh đồng muối trắng của những người họ hàng. Bố bảo diêm dân cũng nhọc nhằn, lam lũ như nông dân nên vùng quê này nhiều người thoát ly đi làm công nhân. Giờ đây trong dòng họ chỉ còn một số nhà làm muối để giữ nghề. Nắng trên đồng muối cũng gay gắt như bố làm việc ngoài công trường khiến Dũng cảm thấy thương những phận đời mưu sinh. 

Mùa xuân sông hát - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Xế chiều mặt trời bung những tia nắng cuối cùng, vài ba người mặc quần áo bảo hộ dắt xe vào quán vá săm. Dũng nghe họ nói chuyện sắp chuyển công trình khi hạng mục thi công sắp hoàn thành. Họ lo lắng đến mái trường cho con đi học.

Họ thở dài, nhìn xuống dòng sông nhờ cát trắng buông bỏ lo âu. Nghe họ nói chuyện, trong đôi mắt bố cũng thảng thốt sự lo nghĩ. Mấy hôm nay, bố mẹ thường nói chuyện về việc chuyển công trình. Bố hỏi mẹ bằng giọng trầm buồn, lo lắng khi nghe người đồng nghiệp nói công trình mới không có trường học. "Hay là đưa hai chị em về quê học?".
Mẹ vuốt mái tóc hai chị em Dũng trả lời: "Nếu gia đình phải xa nhau thì thà bỏ nghề về quê làm ruộng để được sống gần nhau".

*
Hơn hai mươi năm trôi qua. Ký ức về dòng Đà giang ùa đến trong suy nghĩ của Dũng như nhịp sóng vỗ. Hồi ấy, lúc chuyển nhà, bố xếp bộ đồ nghề sửa xe rồi mang theo vào công trình Tây Nguyên. Ở đó, bố cũng mở quán sửa xe gần chợ. Buổi trưa Dũng lại mang cơm đến cho bố như hồi thơ bé. Nhưng nơi ấy không nghe tiếng sóng chỉ có tiếng ồn ào bán mua trong mùi tôm cá tanh nồng.

Bữa cơm chiều đông đủ thành viên, gia đình Dũng thường nhắc về dòng sông chia cách đôi bờ thị xã. Mẹ bảo con người có thể chia cách nhau bằng vị trí địa lý nhưng tấm lòng thì chẳng hề cách xa. Đêm muộn mẹ thường viết những lá thư cho người thân bạn bè. Trong thư mẹ gửi cả những tấm ảnh chụp gia đình để đánh dấu những đổi thay. Bố nhờ mẹ hỏi những người ở phố còn nhớ người thợ sửa xe bên sông. Chị Hương thường kể với Dũng về giấc mơ thấy mình mặc váy công chúa, thắt nơ hồng lạc vào đêm dạ hội. Dũng thắc mắc với chị, nếu không theo nếp xưa "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy" trái tim Mỵ Châu sẽ lựa chọn tình yêu cao như núi hay thẳm sâu như biển. Nếu chị là Mỵ Nương chị có rung động với món quà là chuỗi vòng ngọc trai tinh hoa miền biển. 

Câu hỏi mang ra từ miền cổ tích theo chị em Dũng lớn lên. Thế rồi công trình nơi miền Tây Nguyên hoàn thành, gia đình Dũng trở về xây dựng những thủy điện tiếp theo trên sông Đà. Lần này gặp lại, sông Đà hiền hòa không còn những mỏm đá, ghềnh thác cheo leo trong dòng nước xiết. Năm thủy điện bậc thang được xây dựng biến dòng sông hung dữ thành những lòng hồ bình lặng. Lần này Dũng nói với chị Hương, lòng hồ như ngưng chứa ngàn vạn giọt nước mắt của Thủy Tinh, sau cuộc tranh giành thất bại. Có thể dưới đáy hồ còn thất lạc chuỗi vòng ngọc trai.

Giờ đây, bố mẹ đã về quê an dưỡng tuổi già, chị gái theo chồng xuống phố chỉ còn mình Dũng ở lại với núi rừng. Thủy điện Lai Châu nơi Dũng làm việc là thủy điện bậc thang cao nhất trên dòng sông Đà. Sau đêm Giao thừa, nơi đây sẽ đón những dòng nước đầu tiên của năm mới. Trong lòng Dũng đan xen cảm xúc bồi hồi, thương nhớ. Bởi Dũng là người sẽ vận hành đóng mở những cánh van điều tiết sự thuận hòa của dòng nước. 
Dũng vào phòng giao ca. Cậu đồng nghiệp trẻ bắt tay Dũng, chúc cho ca trực đầu năm suôn sẻ. Cậu khoe về khu tập thể sẽ gọi điện để người yêu cùng sẻ chia cảm xúc của mình lần đầu tiên đón Tết xa gia đình. Dũng vỗ nhẹ lên vai cậu như tiếp thêm nghị lực để cậu vững tâm với nghề. 

Bên ngoài gió trộn tiếng sóng, va vào vách núi, len qua tán lá rừng thầm thì trong câu chuyện của hai người. Dũng bảo đó là lời sông hát trong đêm mùa xuân.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.