Mùi quê

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tuổi thơ của chúng tôi gắn liền với cá diếc kho tương dậy mùi mắm mằn mặn, chua chua. Thậm chí bây giờ, đi ngang qua đâu đó, bất chợt thấy mùi cá kho đôi khi còn giật mình, cứ tưởng đang được về lại quê.

Mà cũng thật lạ, quê tôi có bao nhiêu là mùi vị. Nào mùi rơm rạ, mùi đất, mùi sông… nhưng với chị em tôi, mùi quê tuyệt nhất là cá diếc kho.

Có lẽ cũng bởi, hồi nhỏ nhà tôi nghèo, mẹ hay kho cá nhưng chỉ dám mua cá diếc để kho. Mẹ biết là cá nhiều xương nên luôn kho thật nhừ để trẻ con cũng ăn được xương mà không sợ bị hóc. Chỉ vào dịp đặc biệt như năm mới mẹ mới “dũng cảm” mua cá trắm đen to chắc thịt về kho cùng thịt mỡ. Mẹ làm sạch cá, trải một lớp giềng bên dưới rồi xếp cá lên xen cùng thịt ba chỉ. Sau cùng mẹ chan nước đường pha mắm, ớt… đã được mẹ pha chế cầu kỳ. Nước ban đầu nhàn nhạt, nhưng càng kho lâu càng sánh quện, đến khi được thì vừa miệng vô cùng. Nồi cá mẹ kho có thể ăn lai rai từ trong Tết ra ngoài Tết.

Mùi quê - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ấy thế nhưng, dù cá trắm mẹ kho thuộc loại “tuyệt đỉnh” nhưng trẻ con chúng tôi vẫn nhớ lắm mùi cá diếc kho tương. Mẹ bảo: “Kho cá trắm mới tốn tiền, chứ cá diếc thì đơn giản. Nhưng mà trong dịp năm mới, người ta ăn cá trắm kho chứ ai ăn cá diếc”. Nhưng với chúng tôi, chẳng có một nguyên tắc nào là đầu xuân năm mới phải ăn món gì, chỉ cần thích là được. Thích đến nỗi, đến bữa, chỉ cần mang đĩa cá diếc kho tương ra là cả nhà có thể “đánh bay” cả nồi cơm nóng. 

Bây giờ, chị em tôi đều đã lập gia đình, có con. Ra ngoài đường, nhiều bạn trẻ còn gọi tôi là cô xưng cháu. Mà cũng đúng, đứa con nít ngày nào thích ăn cá diếc giờ đầu đã hai thứ tóc, tuổi ngoài 40 thì chẳng gọi cô là gì. Ngôi nhà ở quê, từ 10 năm trước, mẹ cũng đã bán để dọn lên thành phố ở gần các con. Do chồng tôi đi làm việc ở nước ngoài, nên tôi đón mẹ về sống cùng. Phần vì để tôi được gần mẹ, các con tôi được gần bà ngoại, phần vì mẹ tôi cũng muốn phụ đỡ tôi việc nhà cửa. 

Ở tuổi gần 80, mẹ còn khỏe mạnh minh mẫn nên vẫn túc tắc đi chợ được. Mẹ tôi tấm tắc khen ở phố mà vẫn có khu chợ dân sinh hệt như quê, cái gì cũng có. Những món ăn mẹ nấu qua hàng chục năm vẫn không suy chuyển hương vị. Duy chỉ có món cá diếc kho tương là mẹ không còn kho nữa. Là bởi ở chung cư, kho một nồi cá dậy mùi tương thật không dễ dàng gì. Mùi cá có thể khiến các nhà hàng xóm khó chịu, rồi còn ám vào đồ đạc, luẩn quẩn trong phòng dễ vài ngày không thoát ra được. Mẹ cũng bảo ngày trước ở quê, có bếp than, bếp củi có thể đun cá cả ngày tới nhừ xương. Còn ở chung cư, kho cá trên bếp ga, bếp từ thì… “một tiền gà, ba tiền thóc”.

Dẫu vậy, tôi vẫn luôn nhớ lắm mùi cá diếc kho tương của mẹ. Thi thoảng nhớ quá, tôi vào siêu thị mua lấy một hộp về ăn. Nhưng vẫn không thấy  ngon và đúng vị cá kho của mẹ đã ăn sâu vào ký ức tuổi thơ của chị em tôi.

Mùi quê - ảnh 2
Ảnh minh họa

Hàng năm, cứ sau Tết là tôi lại đưa mẹ về quê chơi, thăm họ hàng, mẹ bảo để mẹ được ăn “Tết muộn”. Năm nay, vì tôi có việc bận nên mẹ tự bắt xe buýt tự về quê. Tới nơi, mẹ gọi điện lên, nói mấy cô chú giữ mẹ ở lại quê chơi mấy hôm, tranh thủ lúc không có con gái “hộ tống”. Tôi cũng muốn mẹ có phút giây sum vầy bên họ hàng nên vui vẻ đồng ý.

Khi trở lại nhà, mẹ đùm đùm nắm nắm nào gạo nếp, đậu xanh, chuối, bưởi… đều là cây nhà lá vườn mà họ hàng ở quê gửi lên để nhà tôi chuẩn bị thắp hương Rằm. Nhưng đặc biệt hơn, mẹ cẩn thận mở trong túi vải, lấy ra một chiếc niêu đất lớn, bên trong đựng đầy cá diếc kho tương thơm phức. Mẹ bảo, tranh thủ về quê có không gian, mẹ đi chợ, kho nồi cá mang lên vì biết mấy đứa thèm cá diếc. Rồi mẹ gọi cho các chị, dặn tối qua mẹ chia cho ít cá diếc đã kho mang về ăn.

Nhìn nồi cá của mẹ mà tôi thấy mình bé lại. Vị quê đã về chính trong ngôi nhà của tôi chứ không còn phải “hóng” mùi quê bất chợt trên phố. Cũng là bởi nồi cá mang theo tất cả tuổi thơ thân thương của mấy chị em, cả hình ảnh, bóng dáng tảo tần và sự đảm đang của mẹ tôi trong đó. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.