Mừng ông qua tuổi 80
(PNTĐ) - Ngay khi vừa hết Tết Nguyên đán là tới sinh nhật ông nội tôi bước sang tuổi 80. Từ trong Tết, cả nhà đã bàn nhau sẽ tổ chức mừng thượng thọ cho ông thật tươm tất. Nhưng ông tôi không đồng ý, chỉ muốn làm mấy mâm cơm trong phạm vi nội bộ gia đình cho con sau về sum vầy. Ông nói làm thượng thọ to tốn kém tiền của con cháu, cũng phiền hà đến nhiều người.
Thế là hôm đó, các gia đình chúng tôi tề tựu, mỗi người một chân một tay cùng nấu cỗ, nhiều lúc còn tưởng như mới ngày 30 Tết. Mẹ tôi và các cô thống nhất không thuê người nấu mà tự làm để thể hiện tình cảm hiếu thuận với ông.
Đó là lần đầu tiên, tôi thấy ông nội mặc chiếc áo dài đỏ bằng vải gấm mà ông được bà con ở xóm biếu hồi trong Tết. Sau đó, chúng tôi lần lượt biếu quà cho ông gồm một bức tranh do tôi tự tay vẽ chân dung ông. Tôi là sinh viên năm thứ 3 Đại học Mỹ thuật, đã tập tành vẽ bao nhiêu người nhưng chưa từng nghĩ tới việc sẽ vẽ người thân của mình. Cho tới khi mẹ tôi gợi ý, tôi liền lấy một tấm ảnh của ông rồi hí hoáy vẽ mấy hôm liền.
Tôi muốn giữ bí mật để làm ông bất ngờ. Bức tranh hoàn thành, bố là khán giả đầu tiên khen đẹp và có thần thái. Quả nhiên, ông tôi rất xúc động, nói nhìn thấy tranh là thấy cháu ông đã trưởng thành. Rồi chúng tôi còn tặng ông hộp nhân sâm, với ngụ ý ông sẽ luôn khỏe mạnh, dẻo dai, sống trường thọ. Món quà này ông nhận và hứa sẽ cố gắng giữ sức khỏe để con cháu được vui.
Sau đó, chính ông đã khiến chúng tôi bất ngờ hơn khi chuẩn bị 10 tấm phong bao lì xì. Rồi ông lần lượt gọi từng con, cháu lên nhận quà ông thượng thọ. Ông nói, ông muốn chia phước cho con cháu và chúc cả đại gia đình sẽ luôn đầm ấm, an vui, các con công thành danh toại, các cháu học hành tấn tới.
- Là người chủ gia đình, ông chẳng có gì mong hơn là được thấy các thế hệ sau sẽ luôn phát triển. Có như thế mới giúp gìn giữ và xây dựng được nếp nhà vững chắc, ông tôi nói.
Buổi lễ thượng thọ ông đã giúp đem tới cho tất cả chúng tôi một cảm xúc thật đặc biệt. Đó là chúng tôi thấy tự hào về ông nội và đại gia đình của mình. Từ một gia đình nhỏ, nay chúng tôi đã trở thành một gia đình lớn, số thành viên tăng lên, nhưng vẫn rất hòa thuận, nền nếp. Ông tôi mỗi năm tuổi mỗi một cao, đôi lúc không còn được minh mẫn, giọng nói không còn sang sảng, đi lại có lúc cần tới con cháu dìu. Nhưng ông vẫn luôn là điểm tựa của gia đình.
Bố tôi và các chú, người là giám đốc, người đã được phong hàm giáo sư, tiến sĩ nhưng về tới nhà, thì vẫn là những đứa con nhỏ dại của ông, luôn hiếu lễ và chăm chú nghe lời dạy bảo của ông. Còn đàn cháu chúng tôi thì luôn hướng về ông với tất cả lòng thành kính, thấy ông giống như thần tượng của mình.
Ngày thượng thọ ông năm nay cũng chính là ngày chúng tôi tự hào về truyền thống của gia đình.