Năm đó con thi trượt

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mấy ngày hôm nay, trên mạng xã hội đăng tải thông báo tìm con của một bà mẹ. Trong thông báo ấy, bà mẹ chia sẻ con gái chị vừa tham gia kỳ thi nhưng kết quả đạt được không như mong muốn nên đã bỏ ăn và bỏ đi mấy ngày rồi chưa về…

Cuối thông báo, người mẹ khẩn thiết mong cộng đồng ai thấy con chị ở đâu thì báo tin cho chị biết. Chị cũng gửi lời nhắn đến con rằng, chị chỉ cần con trở về an toàn. Việc con thi đỗ hay trượt không quan trọng.

Đọc dòng thông báo của chị, tôi thầm cầu mong con của chị đừng làm điều gì dại dột và sẽ sớm được trở về trong vòng tay yêu thương của mẹ và gia đình. Hơn bao giờ hết, tôi rất hiểu cảm giác lo lắng tột độ của chị. Bởi cách đây 3 năm, tôi cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Năm đó, con tôi thi vào lớp 10. Trước đó, cháu học ở một lớp chọn của một trường điểm trong thành phố. Khi thông báo kết quả, cháu là học sinh duy nhất trong lớp không đỗ nguyện vọng 1 mà chỉ đủ điểm vào học ở trường theo nguyện vọng 2. Đó là ngôi trường xếp hạng ở mức “bình bình”, theo đánh giá của các bà mẹ.

Năm đó con thi trượt - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thực sự lúc đó tôi rất thất vọng khi biết kết quả thi của con. Biết con không thuộc diện học hành quá giỏi giang, nhưng, tôi vẫn tin con được học ở một môi trường giáo dục tốt, về nhà có bố mẹ hết lòng chăm bẵm, tạo điều kiện tối đa thì con không thể thua kém bạn bè được. Với học sinh tốt nghiệp THCS, việc vào được một trường THPT công lập top đầu được cho là rất quan trọng. Ngôi trường đó sẽ góp phần quyết định sau này con có vào được trường đại học top đầu hay không.

Tối đó, tôi trở về nhà, đem theo gương mặt buồn rười rượi. Cả nhà tôi ăn cơm trong im lặng. Ở nhà bên, có một cậu bé cũng bằng tuổi con tôi bị trượt cả hai nguyện vọng. Bố mẹ cháu chỉ ước ao giá như con đỗ vào nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 thôi đã là mừng lắm rồi. Nhưng với mẹ con tôi, nguyện vọng 2 lại không phải là đích đến.

Sáng hôm sau, tôi đến cơ quan, trong đầu thầm nghĩ mình sẽ phải nói gì với đồng nghiệp khi họ hỏi thăm kết quả thi của con tôi. Áp lực lại càng tăng lên khi con một cô nhân viên cấp dưới của tôi vừa đỗ vào trường trọng điểm quốc gia. Là trưởng phòng, hàng ngày, tôi vẫn chỉ đạo cấp dưới làm việc. Nhưng nếu nói về việc dạy con, giờ đây tôi đã thua họ. Thật đúng là “dao sắc không gọt được chuôi”.

Tôi vừa ngồi vào bàn làm việc, trong đầu vẫn còn đang hỗn loạn tìm cách ứng biến với đồng nghiệp thì nhận được điện thoại của mẹ gọi tới. Bà hốt hoảng kể cho tôi biết con tôi có nhiều biểu hiện “lạ lắm”. Cháu đã gọi sang cho bà, khóc xin lỗi vì đã làm cho gia đình thất vọng khi không thể đỗ theo nguyện vọng 1. Cháu tự trách mình thật vô dụng. Rồi cháu hỏi cháu không còn trên đời nữa thì bà nghĩ sao?

Năm đó con thi trượt - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nghe bà kể như vậy, nghĩ đến vào mùa thi thường xuất hiện những câu chuyện đau lòng khi sĩ tử hỏng thi tự vẫn, tôi vội nhờ hàng xóm sang canh chừng con giúp vì lúc đó con chỉ ở một mình. Đồng thời tôi nhanh chóng về nhà với con. Đi trên đường, nước mắt tôi chảy ròng ròng. Hơn bao giờ hết, tôi thấy tính mạng của con đáng quý hơn mọi thứ trên đời. 

Rất may cho tôi là con gái tôi nhút nhát, cháu chưa dám làm điều gì dại dột mà chọn cách tâm sự với bà ngoại trước. Nhờ đó bà đã kịp thời “bắt sóng” để cảnh báo cho tôi. Tối đó, tôi ngồi nói chuyện để con gỡ bỏ hết những suy nghĩ tiêu cực trong lòng. Tôi nói với con khó khăn nào cũng có cách giải quyết và chúng tôi có nhiều con đường để bước vào tương lai. Thi trượt trường điểm không phải là con đã mất hết tất cả. Sau đó, tôi hỏi con vì sao con lại nghĩ tới cái chết như vậy trong khi tôi chưa từng đánh, mắng con?
Con tôi trả lời: Con rất hiểu tôi thương con như thế nào nhưng đôi khi cũng chính thái độ của tôi lại trực tiếp đẩy con tới chỗ chán nản, tuyệt vọng. Đó là cách tôi giữ im lặng và thở dài thườn thượt khi nghĩ về kết quả thi của con. Là thi thoảng tôi lại thốt lên những câu so sánh khi nghe tin những đứa trẻ khác đỗ trường này, lớp nọ: “Sao con nhà người ta giỏi thế còn con mình thì… ”. Là cách tôi né tránh, không muốn nói cho mọi người xung quanh biết là con đã thi đạt kết quả như thế nào. 

- Mẹ không mắng con, nhưng thái độ của mẹ lại nói lên tất cả, con tôi đáp.

Đúng là nhiều khi, người lớn lại đang dồn áp lực lên con trẻ một cách vô hình. Chúng ta không nói ra nhưng con trẻ đủ thông minh và nhạy cảm để biết bố mẹ đang cảm thấy thế nào. Để rồi chỉ khi xảy ra sự việc đáng tiếc, chúng ta mới vô tình nhận ra mình đã rất sai…

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.