Năm mới sang, nôn nao nhớ hơi ấm quê nhà

Bài và ảnh: Ngọc Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tuy mới đến Tết dương lịch, nhưng ở nơi đất khách cách quê người xa nửa vòng trái đất này lại là thời gian để những người xa quê khắc khoải nhớ về gia đình, nhớ Tết quê hương. Đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Thu Thủy, sống ở Tiểu bang Washington (Mỹ) trong những ngày đầu năm mới.

Theo chồng sang sinh sống ở Tiểu bang Washington đã 13 năm, nhưng năm nào cũng vậy, trong sáng đầu tiên của kỳ nghỉ Tết dương lịch, chị Nguyễn Thị Thu Thủy cũng dậy sớm để đến khu chợ người Việt ở Mỹ mua sắm đồ chuẩn bị cho cả nhà đón năm mới. Năm nay, Tết dương lịch rất gần với Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc nên chị muốn vừa đi mua đồ ăn mừng năm mới, vừa tìm mua cành mai về chơi Tết sớm. Chị chia sẻ: Mỗi khi sum họp năm mới đến, gia đình quây quần tôi lại kể cho các con nghe về những ngày Tết xưa được ăn ngon, mặc đẹp, dù có những câu chuyện bọn trẻ đã thuộc làu làu. 

Chị bảo: Ngày xưa bố tôi hay nói “Cứ có quất, có đào là Tết”, mỗi khi ông mua cây quất, cây đào hay cành mai về nhà. Có lẽ vì thế mà khi xa quê tôi vẫn nhớ câu nói đó và năm nào cũng đi mua cành mai sớm trưng trong nhà. Mỗi khi ngắm nhìn những cánh hoa mai khoe sắc vàng tươi rực rỡ, lòng tôi lại bồi hồi, thổn thức, da diết nhớ về những cái Tết ấm áp nơi quê nhà. Chị kể, dù ngày xưa nhà có khó khăn đến mấy thì đến gần Tết, bố mẹ chị cũng cho anh em mỗi đứa vài ba đồng để tiêu Tết. Cái chợ làng con con ven đô nơi chị sống cứ vào dịp Tết là cả một thiên đường với chị. Ngày đó, háo hức đi chợ Tết, chị cả đêm trằn trọc mãi mới ngủ được, rồi sáng sớm lũ trẻ đã í ới gọi nhau đi chơi chợ.

Năm mới sang, nôn nao nhớ hơi ấm quê nhà - ảnh 1
Chị Thủy (thứ 3 từ trái sang) cùng bạn bè đón chào năm mới trên đất Mỹ

Trời rét, bọn trẻ thú vị nhất là khi bước qua những hàng bán đồ ăn. Mùi nước dùng ngào ngạt vừa béo ngậy vừa thơm lừng bốc lên khiến cho bất kỳ ai đi ngang cũng phải ứa nước bọt. Riêng với anh em nhà chị, được ngồi vào quán ăn hàng giữa phiên chợ Tết là niềm ao ước của cả một năm trời. Ngoài quán ăn thì những hàng bán quần áo cũng là nơi tập trung đông người nhất, đặc biệt là bọn trẻ con. Cả năm mới được mua quần áo mới cơ mà. Khuôn mặt, ánh mắt, đứa nào đứa nấy háo hức, long lanh, xúng xính thử những bộ ưng ý nhất để diện Tết. 

Nhớ nhất là chợ hoa ngày Tết xưa, dù chỉ tập trung ở bãi trống ven đê nhưng cũng đủ đầy các loại cây cảnh. Nào là những cây quất vàng tươi sai trĩu trịt, những cành đào phai, bích đào hoa kép đỏ thẫm rồi các loại hoa hồng, cúc, thược dược... rực rỡ một vùng. Chợ xưa còn có những hàng bán pháo đủ loại, người bán kẻ mua đốt thử, tiếng nổ inh tai, mùi khói pháo bay lên nồng nặc cộng với tiếng hò reo của bọn trẻ con làm cả đoạn đê sông rộn ràng náo nhiệt. Ở một góc chợ, người ta bày bán đủ các loại tranh màu và câu đối Tết, nhiều và đẹp nhất vẫn là tranh mâm ngũ quả, tranh gà và cá chép. Ấy vậy nhưng bọn trẻ con như chị thì chả bao giờ nhìn đến hàng đó mà chỉ chen chân qua các hàng quần áo, đồ chơi, đặc biệt là xem các nghệ nhân nặn tò he cho tới lúc tan chợ, ra về mỗi đứa trên tay hí hửng nâng niu một con gà đất hay cái còi nhựa vừa đi vừa thổi inh ỏi cả con đường.

Năm mới sang, nôn nao nhớ hơi ấm quê nhà - ảnh 2
Phụ nữ Việt Nam giữ gìn văn hóa truyền thống trong tà áo dài 

Nhớ Tết quê hương, chị lại nhớ năm nào khi đến chiều Ba mươi Tết, mẹ chị lại đặt lên bếp cạnh nồi bánh chưng đang sôi ùng ục trên than đỏ rực một nồi nước đun lá mùi già dùng chung cho cả nhà tắm để giũ bỏ mọi điều phiền muộn của năm cũ, đón chào năm mới thật sạch sẽ, may mắn. Hương lá mùi già quyện với lá sả, lá hương nhu, lá chanh tạo nên một mùi thơm thật nồng nàn và ấm áp. Đến giờ, dù đã xa quê hơn 10 năm, chị vẫn cảm thấy như mùi hương nồng ấm đó quanh quất đâu đây. 

Rồi chị nhớ bữa cơm Tất niên chiều Ba mươi Tết. Cả nhà vừa ăn cơm vừa trò chuyện, thật đúng là “vui như Tết”. Tối Ba mươi cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng chờ đón Giao thừa. Đến sáng mùng Một, khi chị thức dậy thì bố mẹ đã làm xong mâm cỗ cúng đầu năm. Đĩa xôi gấc mẹ đồ để cạnh chú trống choai hôm trước còn gáy te te giờ đã ngậm cành hoa dâng lên ông bà, tiên tổ. Trong làn khói nhang nghi ngút, sau khi làm lễ xong, bố chị bao giờ cũng bảo các con cầu xin các cụ phù hộ cho năm mới được nhiều sức khỏe và học hành tiến bộ.

Năm mới sang, nôn nao nhớ hơi ấm quê nhà - ảnh 3
Cùng gia đình, bạn bè ở Mỹ gói bánh chưng đón Tết

Trong không khí mùa Xuân, mùi hương trầm cùng mùi thức ăn, mùi thơm của các loại hoa cắm trong nhà tạo nên một hương thơm trầm ấm, linh thiêng. Cái mùi đặc trưng của những ngày Tết ấy vẫn bay về trong tiềm thức của chị mỗi lần năm mới sang nơi xa xứ. Với chị, cho dù cuộc sống ở nơi đất khách quê người có khắc nghiệt, có thực tế đến mấy thì vẫn luôn nhớ và dạy con cháu giữ lối sống ân tình, giữ được đạo hiếu biết ơn dòng họ, tổ tiên. Và cứ mỗi dịp lễ, tết, chị lại dạy con gói bánh chưng, dọn dẹp trang trí nhà cửa, chị cũng muốn được tự tay chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên, tự tay lựa những cành mai, cành đào để trưng Tết.  

Tối qua gọi điện về thăm bố, bố bảo “Tết này về nhà con nhé”, lòng chị lại rưng rưng. Nhiều năm rồi với nhiều lý do chị chưa về đón Tết cùng gia đình. Cuộc sống quay cuồng nơi đất khách quê người và năm nay chị cũng chưa thể về. Bởi vậy, dù mới là Tết dương lịch nhưng chị đã “thêm” Tết, hì hụi chế biến, nấu nướng những món ăn của quê mình trong những ngày nghỉ này và dịp Tết Nguyên đán sắp tới cho chồng, cho con thưởng thức. Chị cũng sẽ cùng các con trang trí cây đào, cây mai, gói bánh chưng để vơi đi nỗi nhớ quê và để cả gia đình đều cảm nhận được không khí ấm áp của Tết quê hương đã đến thật gần, dù năm nay... vẫn phải xa quê. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.