Nàng dâu “thợ”

Hải Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thẳng thừng ra mà nói, trong thâm tâm, bà Bình chỉ tự hào về hai trong số ba người con trai của mình. Chuyện bà đang ở cùng với vợ chồng người con trai còn lại, bà nghĩ chỉ là vấn đề thời gian, vì sớm muộn gì hai con trai kia cũng sẽ đón bà về sống cùng mà thôi.

Cái suy nghĩ ấy tưởng lạ lùng mà hóa ra không phải. Vợ chồng bà Bình từ xưa tới giờ vốn là gia đình được phố phường tôn trọng, kính nể. Ông bà có ba người con trai, trong đó anh con trai cả và con trai út đều là cán bộ, nhưng lại lập nghiệp rồi lập gia đình xa nhà. Người con trai thứ hai là anh Sơn thì không giống anh cả và em trai của mình. Anh là một thợ xây, dầm mưa dãi nắng theo các công trình. Sự lệch pha đó là lý do khiến bà Bình không tự hào về anh. Với hai ông bà, bộ đồ bảo hộ lao động của con trai là thứ gì đó động chạm tới truyền thống gia đình, và vì vậy mà dù ở cùng nhau nhưng cứ hễ ngồi ăn cùng mâm cơm là y như rằng, anh Sơn và bố mẹ lại cãi nhau vì một điều gì đó.

Ba anh em lập gia đình với những người vợ có ngành nghề tương ứng. Bà Bình từng bĩu môi, rằng “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” khi Sơn nói anh muốn lấy Thúy - cô bạn gái đã yêu từ ngày cấp 3 (hiện là một thợ may), làm vợ. Thay vì khuyên nhủ, hoặc động viên con, bà Bình thẳng thừng, “tôi cũng biết là anh chị chẳng có tiền bạc gì đâu, nên tôi sẽ cho anh chị ở nhờ nhà này, rồi hàng tháng đóng góp phí sinh hoạt chung”. Bao nhiêu bực dọc, khinh khỉnh con dâu chỉ là thợ, bà mang đi kể hết với hai nàng dâu cán bộ, ngầm khẳng định một liên minh đoàn kết.

Nàng dâu “thợ” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ngày tháng trôi đi và Thúy sống cùng mẹ chồng, cùng với tư tưởng chưa bao giờ coi trọng con dâu là thợ may của bà. Kể cả khi, sau nhiều năm nỗ lực làm việc và nâng cao tay nghề, Thúy đã tự mở được cửa hàng may của riêng mình, không còn phải đi làm thuê nữa. Cô nhớ mãi hôm ấy, khi cô vui mừng khoe với mẹ chồng, rằng từ giờ con không phải đi miệt mài từ sáng tới tối nữa, làm việc tại nhà sẽ có thời gian chăm sóc bố mẹ, để anh Sơn đi xây ở xa không phải lo lắng cho ông bà… Thì đáp lại cô chỉ có ánh nhìn lạnh nhạt của bà, “anh chị cứ tự lo cho thân mình đi là được”. Với bà, dù có là đi làm thuê hay đã thành chủ, thì cái tiếng lách cách, loẹt xoẹt của chiếc máy may vẫn là điều gì đó rất khó chịu, kém cỏi.

Vợ chồng hai người con trai cả và út mỗi năm chỉ về được đôi dịp, là Tết và một kỳ nghỉ dài khác. Cứ mỗi lần ấy, Thúy chẳng khác gì ôsin trong nhà. Bà Bình không cho hai nàng dâu cán bộ phải nhúng tay vào việc gì, mọi việc như chợ búa, nấu nướng ngày ba bữa, dọn dẹp đều một tay Thúy làm hết. Việc cửa hàng thì bận, nhưng cô biết phận mình có kêu oan cũng chẳng được mẹ chồng để tâm. Cũng may, Thúy được chồng ở bên động viên, “em chịu khó vì anh, rồi có ngày mẹ sẽ hiểu”.

Rồi ông Bình mất. Kể từ dạo ấy, căn nhà đìu hiu hẳn. Lắm lúc khi vợ chồng Thúy - Sơn đi làm, các con đi học, chỉ còn một mình bà Bình, cứ lững thững đi ra đi vào, ánh mắt xa xăm. Những ngày đầu ông Bình mới đi, bà còn chẳng thiết ăn cơm, Thúy phải nấu cháo, rồi dặn con nịnh bà ăn một chút. Cô cũng hy vọng, những lúc này, khi bà yếu đuối như thế sẽ dựa vào các con, rồi tình cảm mẹ con xích lại gần hơn. Điều đó đúng - nhưng không phải với cô.

Nhiều lần Thúy thấy mẹ chồng cứ bấm điện thoại rồi dường như đầu dây bên kia chẳng ai nghe, hoặc chỉ nghe chóng vánh. Cô biết là mẹ chồng mình gọi điện cho chị dâu và em dâu mình. Có lần nghe được cuộc nói chuyện, cô thấy mẹ chồng thở than rằng, bà muốn vào chơi nhà các con, vì nhớ con, nhớ cháu. “Ở nhà với vợ chồng thằng Sơn chán lắm”, bà bảo vậy. Nhưng mãi, sau bao nhiêu cuộc gọi như thế, cũng chẳng thấy có anh em nào về đón bà vào chơi. Ai cũng kêu bận, người anh cả thậm chí còn bực mình với bà: “Bà chán chúng nó thì cứ mắng thẳng mặt chúng nó ấy!”.

Ông Bình ra đi đã hơn 1 năm. Bà Bình ngày càng héo hon. Một cuộc họp gia đình dã diễn ra mà Sơn là người đề xuất. Anh gọi cho anh trai và em trai mình trở về và gần như van xin: “Anh và chú có thể đưa bà vào chơi vài hôm cho khuây khỏa được không? Bà không hợp vợ chồng nhà em, chúng em có làm thế nào cũng không cho bà vui được…”.

Nàng dâu “thợ” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Bà Bình được thỏa nguyện vọng. Hai con trai mà bà tự hào giao ước, mỗi bên sẽ nuôi bà 1 - 2 tuần rồi chuyển cho người kia. Bà Bình chỉ chờ có vậy, nhanh nhanh chóng chóng sắm sửa đồ đoàn, quần áo. Bà nghĩ tới cảnh được lên ở trung tâm thành phố, ở nhà chung cư hiện đại mà càng thêm phấn khởi, thấy người khỏe hẳn ra. Nhưng thực tế đâu có vậy.

Lên thành phố, nhà anh cả cũng như nhà anh út, đi vắng suốt ngày, bỏ bà ở nhà một mình với 4 bức tường. Sau vài hôm như thế thì bà được giao thêm việc là đưa đón các cháu và cơm nước cho chúng nó. “Lâu nay ở với cái Thúy mình có phải làm gì đâu”, bà trộm nghĩ, nhưng không dám cãi lại con, lại ừ ừ đồng ý ngay. Công việc đưa đón với cơm nước cho lũ trẻ đâu có nhàn, với bà già hơn 70 tuổi thì mệt phờ râu ra ý chứ. Cái nhịp điệu ấy cứ quay vòng từ nhà anh cả sang nhà anh út.

Bà bắt đầu thấy… nhớ nhà. Bà nhớ cái khoảng sân rộng rãi, thoáng mát mà sáng nào Thúy cũng dậy sớm quét sạch sẽ để bà đi bộ cho khoan khoái. Nhớ cái cảnh hai đứa cháu nội con của Thúy - Sơn trước giờ đi học đều ra chào bà rất lễ phép rồi cắp sách đến trường. Bà nhớ những bữa cơm được con dâu thợ may chuẩn bị tươm tất, và dù có không ưa Thúy, bà vẫn phải thừa nhận cô nấu rất hợp khẩu vị bà. Bà nhớ sự an nhàn, thư thái ở nhà mình, chứ không phải xô bồ, vội vã, tới mức có những hôm, bà chẳng nghe được giọng các con của mình, vì đứa thì đi công tác, đứa thì có bà ở nhà trông con rồi nên xách vali đi du lịch. Và có ở rồi mới biết, bà chẳng hợp hai nàng dâu cán bộ chút nào. “Các chị ấy nhiều chữ hay sao mà tôi không nói lại được, rồi thành mẹ con chẳng mấy khi nói chuyện với nhau” - bà thầm thì trước bàn thờ ông…

Tròn một vòng quay từ nhà anh cả sang nhà chú út, bà xin các con cho về quê. Không khí nhẹ hẳn đi, nhẹ cho cả bà và nhẹ cho cả hai anh. Bà sẽ lại trở về nhà mình, nơi có bóng dáng ông Bình - dù ông đi rồi nhưng vẫn còn đó trong từng kỷ niệm, có vợ chồng anh Sơn - dù quần quật làm việc nhưng chân tình và hiểu ý bà. Và có cả tiếng máy may, lạch cạch, loẹt xoẹt, của nàng dâu “thợ” - điều từng làm bà rất khó chịu nhưng lại là âm vang bà muốn nghe nhất lúc này.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

(PNTĐ) - Khám sức khỏe tiền hôn nhân là hình thức sàng lọc quan trọng giúp phát hiện kịp thời và điều trị sớm các căn bệnh tiềm ẩn gây ảnh hưởng việc sinh đẻ, góp phần cải thiện giống nòi, nâng cao chất lượng dân số, giúp xây dựng cuộc sống gia đình bền vững.
Hạnh phúc suýt đánh rơi

Hạnh phúc suýt đánh rơi

(PNTĐ) - Đối với những người vợ yêu gia đình, yêu chồng, yêu con chính là lẽ sống của họ. Song, sự hy sinh không mong đáp đền đó lại ít khi nhận được sự thấu hiểu của người đầu gối, tay ấp sẽ khiến tình yêu dần phai nhạt.