“Nàng Thoại Khanh” thời hiện đại

Chia sẻ

Ánh là nàng dâu của bà Bình nhưng ai cũng ngỡ đó là mẹ con ruột. Bởi từ khi hai mẹ con về ở khu chung cư mới này thì chưa từng thấy Mạnh, chồng Ánh về lần nào.

Nhìn cảnh nàng dâu ân cần chăm mẹ chồng: Sáng cơm cơm cháo cháo, chiều đưa mẹ đi dạo, rồi hướng dẫn mẹ tập tành, lúc nào cũng rủ rỉ cùng nhau… khiến mọi người ngạc nhiên. Ánh được gọi là “nàng Thoại Khanh” thời hiện đại.

Bà Bình tên thật là gì thì từ khi bà ở khu phố chợ làng Phùng đã chẳng ai biết, chỉ biết đó là tên chồng bà. Những ngày đầu ẵm cu Mạnh từ quê lên Hà Nội buôn thúng bán mẹt cái rau cái cỏ và ở tạm trong khu nhà cho thuê ban đêm, người ta đã quen gọi bà như vậy. Ánh là con bà bán hoa quả gần chỗ mẹ con bà Bình ngồi nhờ bán rau. Hằng ngày mẹ con bà Bình lo việc nhặt rau theo yêu cầu của bà Uyên, mẹ Ánh. Từ những ngày đó, Ánh và Mạnh đã quen biết nhau.

Mẹ con bà Bình tuy nghèo khó nhưng tính tình ngay thật, chăm chỉ làm lụng lại nhanh ý biết việc nên ngoài hai buổi chạy chợ rất đắt khách bà Bình đi làm thêm bằng việc lau dọn nhà. Rồi dần dần, bà được người ta tin quý, cho thuê một mé hiên chung và tối được ngủ lại trên gác xép. Khi chủ tiệm về nhà, hai mẹ con bà vừa dọn hàng giúp người ta và kiêm chân bảo vệ. Mạnh hay lam hay làm từ nhỏ, nhanh nhẹn, khỏe mạnh và được mọi người tin yêu. Hai mẹ con bà Bình cứ thế ngày một đi lên. Họ thuê được cửa hàng riêng bán rau cỏ kiêm các loại hàng tạp hóa lặt vặt. Mạnh gom vốn bán thêm các loại khóa, ổ điện, rồi đi học về điện nước. Căn nhà thuê của hai mẹ con bà Bình chẳng thiếu thứ gì: nào là vô tuyến, tủ lạnh, máy giặt, cả điều hòa… tất cả đều là đồ những gia đình khá giả mà bà đến lau dọn nhà thuê họ quý mến khi thay mới đã cho bà. Mạnh học về điện nước nên cái gì mẹ được cho mà có thể sửa sang, tân trang lại để bán cậu cũng làm và khách hàng ngày một đông.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Do nhiều năm lam lũ vất vả, bà Bình hay bị ốm đau quặt quẹo, lưng cứ sụn cả xuống. Mạnh thương mẹ nên càng chăm chỉ làm việc nhiều hơn. Rồi hai mẹ con bà Bình cũng dành dụm và được người quen mách cho mua được một căn chung cư giá rẻ. Tuy vậy, để chờ chung cư hoàn thiện vẫn còn phải đóng nhiều đợt tiền. Bà Uyên, mẹ Ánh vốn sẵn thiện cảm với mẹ con bà Bình, lại thấy Mạnh càng lớn càng điển trai, giỏi giang nên ướm lời muốn gả Ánh cho Mạnh. Bà Bình thương con, thấy Ánh từ nhỏ con nhà khá giả mà không chê bôi mẹ con bà, vẫn quý mến Mạnh, thường lén cho Mạnh món đồ chơi này, món quà vặt kia thì trong lòng đã ước ao rồi. Khi bà Uyên ướm lời, cả hai mẹ con bà Bình đều ngỡ ngàng và thuận ý.

Đám cưới được diễn ra sau đó một năm khi đôi trẻ được tạo điều kiện hẹn hò, tìm hiểu nhau. Sau đó, nhờ mối quen biết của gia đình vợ, Mạnh đi lao động xuất khẩu. Ở nhà chỉ còn mẹ chồng nàng dâu. Ánh thuê một cửa hàng bán quần áo bên dưới nhà, vừa bán tại chỗ, vừa giao hàng qua mạng. Bà Bình vốn ốm yếu, không còn sức làm việc gì nên chỉ ở trên nhà quanh quẩn xem phim và trồng mấy giò cây cảnh cho vui mắt.

Hằng ngày, trước khi xuống bán hàng, Ánh dậy sớm nấu cơm, nấu cháo, hôm thì làm miến lươn, hôm kỳ cạch luộc ngan làm bún, hôm hì hụi nấu phở cứ thơm nức cả khu làm ai cũng hỏi han, trêu đùa. Làm bữa sáng xong còn chuẩn bị cả bữa trưa để mẹ ăn. Chiều tối, khi dọn hàng xong, Ánh về nhà đưa mẹ xuống đường đi dạo hoặc vào khu khuôn viên của chung cư tập thể dục. Hai mẹ con cứ rủ rỉ với nhau, ai cũng nức nở khen bà Bình tốt phước. Bà Bình không ngần ngại bày tỏ chân thành hoàn cảnh và tình cảm của mình dành cho con dâu.

Câu chuyện về nàng Thoại Khanh khi xưa đẹp người đẹp nết, thông minh nhân hậu đã lui vào dĩ vãng nhưng khi nhìn vào đời sống của mẹ con bà Bình ai cũng phải liên tưởng và nhớ về câu chuyện cũ. Tuy không còn cảnh xẻo thịt nuôi mẹ hay móc mắt cho Ác Thần để cứu mẹ như Thoại Khanh, nhưng thấy Ánh suốt ngày chăm lo cho mẹ chồng, mải mê kiếm tiền thuốc thang cho mẹ quên cả tuổi thanh xuân, không chơi bời với ai, chẳng có lúc nào gặp bạn bè, không tơ hào bồ bịch đợi chồng đi làm ăn xa trở về thì ai cũng phải tấm tắc khen.

Cuộc sống vốn nhiều “cơ hội” để thay đổi, thách thức đời sống luôn kề cận và nguy cơ tan vỡ gia đình ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các khu đô thị hiện đại. Vậy mà giữa đất Hà thành này vẫn có những người con dâu như Ánh nên nhiều bà nhiều bác lại lấy làm chạnh lòng, hay mang Ánh ra kể như một tấm gương ngầm răn con dâu. Những câu chuyện rắc rối bắt đầu nảy sinh khi chị em bạn cùng tuổi với Ánh bắt đầu qua lại tiệm quần áo săm soi, xét nét cô. Người khen khuôn mặt xinh nhưng ngực lép người chê: “Giọng nói thành thị mà vẫn bị lẫn “nờ cao” với cả “lờ thấp”...”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ban đầu, Ánh không để ý, thấy mọi người giới thiệu là cùng khu nhà hay cùng tầng cô cảm thấy rất vui. Nhưng dần dần một vài chị thể hiện nói bóng nói gió, nói ý nói tứ chuyện đàn bà con gái thời nay làm gì có ai mà vừa chớm chuyện chăn gối với chồng đã phải xa mà không tòm tem anh này anh nọ; không “làm chuyện ấy” thì chỉ héo hon vàng úa chứ ai cứ xinh mởn xinh mơn như vậy. Ánh định tìm cách nhẹ nhàng trò chuyện, giãi bày chị em gái với nhau nhưng thấy ai nấy đều chỉ cố tình làm Ánh tổn thương chứ không có thiện chí làm bạn, nên Ánh cảm thấy chán nản.

Bà Bình thấy con dâu buồn buồn gặng hỏi mấy lần Ánh tìm cách lảng tránh. Nhưng rồi bà cũng tìm ra nguyên nhân nhờ mấy bà bạn đi chợ gọi tới mách chuyện. Đúng là chẳng có cái kim nào trong bọc mà không có ngày tòi ra. Vậy là bà tìm cách săn sóc con dâu rồi gợi chuyện cho Ánh trút hết bầu tâm sự. Ánh ấm ức lâu ngày, biết mẹ đã rõ nên nói một tràng dài. Chưa khi nào bà Bình thấy con dâu nói nhiều và ức chế đến thế. Bà nhẹ nhàng nói: “Mẹ hiểu sự nhẫn nhịn và hy sinh của con. Mẹ đã từng đi qua những ngày tháng nhớ bố thằng Mạnh tới cồn cào không thể chịu đựng nổi. Mẹ biết con có nỗi khổ của mình. Các con vừa bén hơi đã phải xa nhau mà con cứ đằng đẵng đợi chờ. Bây giờ lại thêm những bực dọc không đâu thế này”.

Ánh nhìn mẹ trìu mến: “Con đã định không nói với mẹ, sợ mẹ lại suy nghĩ. Nhưng giờ mẹ biết rồi, mẹ đừng nghĩ mà mệt. Con chỉ cần mẹ con mình khỏe mạnh. Con chỉ cần mẹ tin con. Người ta càng đố kỵ ganh ghét với con là người ta đang ngầm công nhận con hơn người ta rồi. Nhưng hơn, kém như thế con cũng không màng, con chỉ lo khi anh Mạnh về con lại kém sắc không duyên thôi”. Nói rồi, gương mặt Ánh ửng hồng trong ánh điện sáng trong. Bà Bình trào dâng trong lòng niềm xúc động. Bà nhìn con dâu, thầm cảm ơn trời phật đã phù hộ cho mẹ con bà có được nàng dâu hiếu thuận, đáng yêu.

BẠC KHAO LAN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.