Nên tiếp tục yêu thương hay mặc kệ?

Chia sẻ

Người đàn ông trẻ, dẫn theo người mẹ già, lặn lội từ một huyện xa của thành phố tới văn phòng tư vấn tâm lý chỉ để hỏi “nên tiếp tục yêu thương hay mặc kệ” một cô gái, vốn được bà cụ nhận làm con nuôi từ ngày cô bé còn đỏ hỏn, nay đã hai mươi bốn tuổi, đã kết hôn năm trước và giờ đã ly hôn, nhưng không biết sống ở đâu…

Người phụ nữ ấy năm nay mới 65 tuổi. Vừa ngồi xuống ghế, bà đã lấy khăn tay lau mặt, chấm nước mắt và tâm sự: “Buồn lắm chú ơi. Tôi có 3 thằng con trai, trời cho đều khỏe mạnh, đều có vợ con đàng hoàng, có công ăn việc làm tử tế, các cháu cũng ngoan ngoãn, có nếp, có tẻ. Vậy mà có mỗi “mụn con gái nuôi” lại vất vả trăm đường. Gọi là con nuôi, nhưng thật tâm vợ chồng tôi coi cháu còn hơn con đẻ. Các anh của nó có vợ con rồi, vậy mà đứa nào cũng thương em, lo cho em, thậm chí còn giấu vợ để giúp đỡ em gái. Vậy mà từ năm ngoái đến giờ, nó làm khổ tôi quá. Hôm nay mẹ con tôi đi tìm mà cũng không biết nó sống ở đâu nữa. Rõ khổ…”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Người đàn ông trẻ, con trai bà cụ, là anh trai út của cô gái tâm sự tiếp:

… Cách đây hơn 24 năm, một buổi sáng mẹ tôi dậy sớm đi chợ, mở cổng ra thì thấy có một đứa trẻ sơ sinh bị vứt bỏ ở đó. Năm ấy mẹ tôi cũng đã hơn 40, đã có ba người con trai, tôi là út cũng đã 9 tuổi. Ngày trước không có các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi như bây giờ, cũng không có facebook, zalo, nên thật sự mẹ tôi bối rối với việc này. Không lẽ người ta đã cố tình để ở cổng nhà mình rồi mà mình lại mặc kệ, bỏ đi. Trao đổi với bố, bố tôi bảo cứ mang nó vào nhà, cho nó uống tạm tí sữa, nước cháo, nếu có ai hiếm muộn xin thì cho người ta, nếu không ai xin, nghĩa là “trời cho” mình, để mà nuôi, thêm đứa con gái cũng tốt. Được sự gợi mở của bố tôi, mẹ tôi đã nhận nuôi em gái ấy mà không có ý định tìm người hiếm muộn để cho.

Em gái rất xinh, nhưng cũng rất cá tính. Hồi còn nhỏ, mỗi khi nó không đồng ý điều gì là khóc vật ra, ăn vạ cả tiếng, bao giờ đạt được điều nó mong muốn mới thôi. Chúng tôi đều là con trai, lại đã khá lớn rồi, nên nó được chiều chuộng nhất nhà.

Học xong lớp 12, em gái tôi nghỉ học, theo bạn ra làm công nhân ở khu công nghiệp. Bố mẹ tôi cũng lớn tuổi rồi, nên em có ý thức tự lập cũng tốt. Ba anh em tôi đều xây dựng gia đình, ở riêng, chỉ có tôi là út, làm nhà sát nhà bố mẹ để tiện chăm sóc. Đi làm được khoảng nửa năm thì em gái tôi dẫn một bạn trai về giới thiệu với bố mẹ tôi là “người yêu”. Em gái tôi khoe cậu ấy là nhà con một, bố mẹ làm nông, ở sát khu công nghiệp, nên sinh sống chính bằng nghề cho thuê nhà trọ. Bố mẹ cậu ấy xây khoảng 20 gian nhà cấp bốn, mỗi gian cho từ 2 đến 3 công nhân thuê ở chung. Bản thân cậu ấy cũng mới học xong lớp 12, không nghề nghiệp gì, nhưng ở nhà phụ giúp bố mẹ quản lý nhà trọ, nhắc nhở đòi nợ. Tóm lại, cậu ấy thuộc dạng “không cần làm cũng có ăn”. Em gái tôi và cậu ấy quen nhau ở quán ăn, gần nhà cậu ấy. Cuối năm ấy em gái tôi nói với bố mẹ rằng gia đình nhà trai muốn đến thăm gia đình, thưa chuyện và xin cưới. Thấy em gái gần 20 tuổi, lại đã đi làm công nhân, nghĩa là cũng trưởng thành, lại có người mong muốn cưới hỏi tử tế như vậy, nên bố mẹ tôi đồng ý đón tiếp nhà trai. Đám cưới diễn ra thuận lợi. Cả gia đình thở phào, mừng cho em gái tôi từ nay “yên bề gia thất”, bố mẹ tôi cũng yên lòng khi thấy con đã trưởng thành!

Lấy chồng xong, em gái tôi bỏ làm công nhân, ở nhà phụ giúp mẹ chồng việc nhà. Rảnh rỗi, em ôm điện thoại, kết bạn, giao lưu. Cưới nhau một năm mà không thấy em gái có thai, gia đình chồng đã nhắc, nhưng chuyện ấy là chuyện riêng của hai em, chúng tôi không tiện hỏi khi chúng không trao đổi, xin ý kiến. Một thời gian sau, bố mẹ chồng em gái tôi mời bố mẹ tôi đến chơi, tiện thể “báo cáo” tình hình ăn ở, sinh hoạt của em gái tôi. Họ tố cáo rằng em gái tôi lười làm, không biết việc nhà, không quan tâm tới mọi người trong gia đình, nghiện điện thoại, suốt ngày chat chít, hẹn hò. Em rể tôi cũng tố cáo vợ hay có các mối quan hệ hẹn hò ở bên ngoài, nhắn tin mùi mẫn, xưng hô vợ chồng, có hôm em rể tôi còn bắt gặp em gái gửi “ảnh thiếu vải” cho một người quen trên mạng. Sau khi nắm được tình hình, bố mẹ tôi chỉ biết xin lỗi gia đình bên ấy, mong gia đình bỏ qua vì em gái còn “trẻ người non dạ”, cũng mong gia đình cứ “thẳng tay dạy dỗ”. Gia đình tôi cũng tư vấn riêng cho cậu em rể rằng nếu vợ chồng sớm có em bé, cô em tôi sẽ mang thai, sinh con, bận rộn, sẽ phải học cách làm người lớn, không còn thời gian rảnh rỗi để làm những việc vớ vẩn, linh tinh…

Ba tháng sau, gia đình tôi được gọi đến để gia đình bên ấy “giao trả” con gái, bởi cô ấy đã mắc lỗi tầy đình. Hoá ra, lang thang trên mạng xã hội, em gái tôi đã quen với một cô gái “tom boy”, tức là một cô gái, nhưng có tính cách, lối sống như một người con trai và luôn luôn nhận mình là con trai. Cậu ta, thật ra là “cô ta” hay tìm kiếm những cô gái trẻ, xinh, nữ tính để làm quen, kết bạn, tán tỉnh. Cô ta cắt tóc ngắn như con trai, mặc quần âu kiểu con trai, mặc áo sơ mi con trai, đội mũ lưỡi trai quay ngược lưỡi lại đằng sau, nhìn bề ngoài thì đúng là một chàng trai thực sự. Qua theo dõi, em rể tôi cũng tưởng đó là chàng trai và vợ mình ngoại tình với “cậu đó”. Cài đặt phần mềm định vị, theo dõi vợ, em rể tôi phát hiện đó là một “cô gái đội lốt đàn ông”, và em gái tôi đã có quan hệ tình cảm như vợ chồng với cô gái đó. Khi bị bắt quả tang, cả em gái tôi và “cô gái kia” đều cúi đầu xin lỗi em rể tôi, đồng thời khẳng định họ yêu nhau thực sự, muốn sống với nhau trọn đời.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sau vụ ấy, em gái tôi ly hôn.

Suốt hai năm sau ly hôn tới nay, em tôi sống lang thang với “thằng bồ” ấy, nay đây mai đó. Nhưng khổ nhất là em tôi không được nhắn tin, gọi điện trực tiếp với bố mẹ và các anh, mà người liên hệ chính là “con bé kia”. Nó nhắn tin thiếu tiền, muốn xin bố mẹ và các anh ít tiền để mua một số thứ trước khi đi làm ở “công ty mới”. Nó cho tài khoản, bố mẹ và cả tôi nữa đã gửi tiền vào tài khoản ấy. Được một thời gian, giọng “cái thằng ấy” gọi điện cho mẹ tôi, nịnh nọt, năn nỉ, mong bà cho chúng nó “vay ít tiền” để đưa nhau vào Nam tìm kiếm việc làm, chứ ở ngoài này khó sống. Mẹ tôi trả lời rằng chỉ cho tiền khi chính em gái tôi gọi điện, chứ không thông qua người khác. Thế là em gái tôi cũng gọi điện, nói vài câu, chủ yếu mong mẹ gửi cho tiền. Nhận tiền rồi, chúng chưa kip đi đâu thì… dịch Covid-19 xảy ra. Suốt trong năm qua, chúng tôi tốn kém không biết bao nhiêu tiền gửi cho em gái và “con bồ của nó”, lý do vì dịch Covid-19, nên không thể kiếm việc làm, cũng không thể vào Nam, lại phải sống trong nhà thuê ở Hà Nội, phải ăn uống, sinh hoạt đắt đỏ…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Niềm tin đã cạn, tình thương đã vơi, hy vọng đã bớt, lòng tốt cũng giảm dần, tiền bạc cũng tốn kém, tương lai không thấy điều gì sáng sủa. Đó là lý do hai mẹ con người đàn ông trẻ đến văn phòng tư vấn tâm lý, mong nhận được một hướng giải quyết về hoàn cảnh của gia đình mình.

Mọi chuyện đã qua, có trách móc, có phân tích cũng không thay đổi được thực trạng nữa. Cô gái đã là người công dân trưởng thành, có quyền và chịu trách nhiệm về lối sống của mình. Chúng tôi, những người làm tư vấn, quan tâm và bảo vệ quyền lợi và lợi ích của khách hàng, của thân chủ, những người đã đến với chúng tôi.

Chúng tôi nhắc nhở gia đình tạm dừng mọi sự cứu tế khi không thấy minh bạch và cần thiết. Cô con gái và “người tình” của cô ấy phải tự kiếm sống bằng sức lao động của chính mình. Đặc biệt, việc cô gái sống một cách bí ẩn, nhắn tin, gọi điện xin tiền một cách không rõ ràng… đang có dấu hiệu lừa đảo. Gia đình cần ghi âm các cuộc điện thoại mà cô gái kia gọi đến, lưu giữ tin nhắn, số điện thoại, tài khoản ngân hàng mà cô gái đã yêu cầu gửi tiền vào đó để làm bằng chứng, hỗ trợ các cơ quan điều tra khi cần thiết. Gia đình cũng cần nói cứng rắn với cô gái và bạn cô ấy rằng họ không thể tiếp tục nhận được tiền nữa, nhưng nếu quá khó khăn, họ có thể trở lại gia đình để được cưu mang… trong tình yêu thương, đùm bọc của cha mẹ và người thân!

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.