Nét đẹp ở “làng tiến sĩ”

Bài và ảnh Mạnh Sơn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nằm phía dưới chân cầu Thăng Long, làng Đông Ngạc thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội luôn là điểm đến hấp dẫn bởi nét cổ kính. Đồng thời Đông Ngạc còn được gọi là “làng Tiến sĩ” do có nhiều vị tiến sĩ Hán học và Tây học.

Làng Đông Ngạc đậm chất cổ kính

Từ chân cầu Thăng Long rẽ trái, du khách sẽ đến làng cổ Đông Ngạc có tên nôm là Kẻ Vẽ. Ấn tượng đối với du khách là hầu hết những chiếc cổng làng, cổng ngõ ở Đông Ngạc đều xây dựng hình bút tháp. Trên các cổng của các ngôi nhà cổ đều khắc chữ Hán Nôm. Trong các nhà thờ của các dòng họ đều có các bức hoành phi câu đối, thể hiện rõ tinh thần hiếu học của người dân Đông Ngạc.

Làng Đông Ngạc còn được gọi là “làng Tiến sĩ” do có nhiều vị tiến sĩ Hán học và Tây học được sinh ra tại đây. Câu ca: “ Đất Kẻ Giàn - Quan Kẻ Vẽ” chính là bày tỏ niềm tự hào của các dòng tộc đều có người đỗ đạt đóng góp nhiều công lao trong các lĩnh vực văn hóa, dịch thuật, quân sự, xã hội học… ở các thời kỳ lịch sử. Theo thống kê chưa đầy đủ, làng Đông Ngạc hiện nay có trên 1.000 học vị từ cử nhân đến tiến sĩ. Truyền thống hiếu học, học giỏi, đỗ cao của làng không chỉ có ở thời phong kiến mà được gìn giữ và tiếp tục phát huy cho đến tận hôm nay. Để khuyến khích việc học tập, hầu hết các dòng họ trong làng, đặc biệt là các dòng họ lớn như: Phạm, Phan, Đỗ, Nguyễn và Hoàng đã thành lập quỹ khuyến học, khen thưởng cho các em có thành tích xuất sắc.

Nét đẹp ở “làng tiến sĩ” - ảnh 1
Nét cổ kính đình làng Đông Ngạc.

Du khách đi trên đường từ cổng chính, các cổng phụ hay vào các ngõ nhỏ đều có thể cảm nhận được nét cổ kính của làng Đông Ngạc, nổi bật nhất ở làng Đông Ngạc còn bảo tồn, lưu giữ nét cổ kính của các di tích. Đông Ngạc hiện có 32 di tích gồm: Đình, đền, chùa, văn chỉ, miếu, di tích cách mạng kháng chiến, nhà thờ họ và rất nhiều kiến trúc cổ. Tiêu biểu phải kể đến đình Đông Ngạc, chùa Tư Khánh, nhà thờ họ Đỗ, nhà thờ họ Phan và Văn chỉ Đông Ngạc.

Đình Đông Ngạc (đình Vẽ), một ngôi đình có quy mô to lớn, nhiều hạng mục với các thành phần kiến trúc cổ kính và chuẩn mực đã tồn tại từ thế kỷ XVII. Theo tấm bia trong đình có niên đại Dương Hòa nguyên niên (1635) cho biết: Đình được xây dựng lại trên nền đất cũ, sau đó đến năm Mậu Tuất (1781) có tu sửa thêm. Đình tiếp tục được trùng tu dưới thời Lê Cảnh Hưng và thời Minh Mạng.

Đình thờ 3 vị thần tượng trưng cho Thiên - Địa - Nhân. Ngoài ra, Đình còn thờ Tiến sĩ Phạm Quang Dung, người làng có công đứng ra trùng tu đình năm 1718 và Phạm Thọ Lý, người đã cung tiến đất làm đình lần đầu năm 1635. Đình Đông Ngạc là một tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh. Qua Nghi môn ngoài vào nghi môn trong có 3 cửa thông suốt. Hai bên hành lang mỗi dãy bảy gian.

Đại đình có hai Bái đường nội và ngoại, mỗi lớp chín gian. Trung cung ba gian và Hậu cung ba gian. Nổi bật ở Bái đường có hai đôi hạc bằng đồng cao 2m cùng bộ ngũ sự (đỉnh, nến, bình hương…) cũng bằng đồng. Phía ngoài có đôi hạc gỗ cao 3m trông uy nghi, lộng lẫy. Những đồ gỗ chạm khắc tinh xảo có ba bộ kiệu bát cống, một bộ đòn rồng, một long đỉnh. Tại đây, cũng có biểu tượng người cầm bút và cầm vòng lửa tượng trưng cho truyền thống văn hiến và khoa cử, tất cả đều sơn son thếp vàng rực rỡ.

Một bình gốm nền đỏ vẽ tranh sơn thủy nhiều màu dùng đựng nước sông Hồng rước về lễ thánh. Nhà bia còn lưu giữ 7 tấm bia đá, có tấm cao 1,8m, rộng 1m, đặt trên lưng rùa. Đặc biệt trong đình còn lưu giữ bộ tranh sơn mài trên ván gỗ, diềm viền quanh vẽ các hình trang trí hoa lá gồm 16 bức minh họa cho 16 chữ Hán theo kiểu liên hoàn: Bách, Cốc, Phong, Đăng, Vạn, Niên, Kỳ. Phúc, Chúc, Thọ, Thánh, Hoàng, Tư, Dân, An, Thái. Phía dưới có 8 bức tranh vẽ trên giá gỗ theo 8 chủ đề thể hiện các tầng lớp trong xã hội xưa là: Ngư, Tiều, Canh, Mục, Sĩ, Nông, Công, Thương. Nét vẽ tinh, mảnh dùng nhiều nét vàng trên nền sơn đỏ tươi, dưới mỗi bức tranh là bài thơ thất ngôn bát cú.

Nét đẹp ở “làng tiến sĩ” - ảnh 2
Đường vào làng Đông Ngạc

Ngoài đình cổ, các di tích như chùa Tư Khánh, Văn chỉ Đông Ngạc và những ngôi nhà cổ… ở làng Đông Ngạc, trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử cho đến hôm nay vẫn bảo tồn, lưu giữ được những nét kiến trúc cổ, được đụng chạm khéo léo, kỳ công cùng những bảo vật như: Tượng, bia, cột gỗ, hoành phi, câu đối, các hương án, giường thờ, bộ kiệu, vật dụng để tế lễ… góp phần tạo nên giá trị và dấu ấn của làng cổ Đông Ngạc.

Ngoài ra, làng Đông Ngạc hiện còn có trên 100 ngôi nhà cổ có thời gian xây dựng trên 100 năm, trong đó nhiều ngôi nhà gỗ được đục chạm công phu, bảo tồn nguyên trạng.

Những giá trị văn hóa độc đáo

Nét văn hóa nổi bật trước hết là lễ hội đình làng Vẽ tổ chức vào tháng Hai âm lịch hàng năm, diễn ra trọng thể, trang nghiêm. Chính lễ ngày 10 tháng Hai âm lịch, bốn cỗ kiệu nối tiếp nhau rước nước từ sông Hồng, rồi rước hương án, long đình. Chân kiệu gồm 120 chàng trai, cô gái, áo màu rực rỡ, đi đứng nhịp nhàng theo hiệu trống, chiêng, tù và. Đồ tế lễ là thủ lợn, xôi, gà, hoa quả.

Trong số các nghi lễ diễn ra trong ngày lễ có tục dâng lễ vật bằng những cây mía tím, lá còn xanh nguyên. Đám rước đi từ đình qua đê, rẽ vào chùa Tự Khánh rồi quay về, đoàn rước dài chừng 1.000m. Lễ rước sẽ có rất đông người dân Đông Ngạc, người dân lân cận và khách thập phương tham dự. Xưa vào đám của lễ hội có hát ca trù, ngoài các trò chơi như đấu cờ người, chọi gà, đánh đu, bịt mắt bắt dê… còn có thả thơ. Đến nay, các trò chơi dân gian vẫn còn được lưu giữ.

Nét đẹp ở “làng tiến sĩ” - ảnh 3
Cổng số 3 vào làng Đông Ngạc.

Ngoài nổi tiếng về truyền thống hiếu học, làng cổ Đông Ngạc còn là cái nôi của nhiều nghề thủ công truyền thống khác như nghề làm quang gánh, nghề mây tre đan, nặn nồi đất… và đặc sản “giò Chèm, nem Vẽ” ngon nổi tiếng.

Đến với làng cổ Đông Ngạc du khách ngoài việc tìm hiểu nét đẹp của các di tích, công trình kiến trúc cổ, những ngôi nhà cổ cùng nét rêu phong cổ kính của những ngõ nhỏ, cổng làng, tường nhà, khi mùa xuân đến, về đây du khách còn được tham dự và tìm hiểu thêm về nét đẹp của lễ hội truyền thống đình Đông Ngạc và lễ hội đình Liên Ngạc, đình Nhật Tân… mang bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo theo nghi thức cung đình trang trọng.

Đến với làng cổ Đông Ngạc, du khách có thể đi bộ hoặc đi xe đạp để tận hưởng không khí trong lành, khám phá, tìm hiểu nét đẹp của làng cổ Đông Ngạc được lưu giữ, bảo tồn qua năm tháng. Sau hành trình du khách có nhu cầu sẽ được thưởng thức các món ăn dân dã mang đậm dấu ấn của Hà thành, của vùng quê Bắc Bộ như: Canh cua, cà pháo, cá bống…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.