“Ngại” đi khám vì sợ... mang tiếng

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Lo sợ sẽ phát hiện ra bệnh lý, e ngại tốn thời gian tiền bạc, chưa hiểu rõ lợi ích, sợ người khác dị nghị... là một số lý do khiến các cặp đôi chần chừ khi quyết định đi khám sức khỏe trước khi bước vào đời sống hôn nhân.

Nhiều trở ngại tâm lý

Sắp bước vào hôn nhân, nhưng cặp đôi L – Q (Hà Nội) vẫn chưa thống nhất được một số vấn đề chung, trong đó có việc khám sức khỏe trước hôn nhân.

L cho biết, do muốn chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo, trong đó có cả vấn đề sức khỏe để sẵn sàng có con sau khi cưới, nên cô ngỏ ý muốn cả hai đi khám sức khỏe tiền hôn nhân. Thế nhưng, Q - người yêu cô lại tự ái và cho rằng, đang khỏe mạnh tại sao phải đi khám?

Q và L yêu nhau được hơn 2 năm và dự kiến sẽ kết hôn vào cuối năm nay. Hai bên gia đình cũng đã định ngày dạm ngõ, ăn hỏi và ngày cưới. Do L đã hơn 30 tuổi, còn Q 33 tuổi, nên cả hai đều xác định có con ngay sau khi cưới. Thế nhưng, thuyết phục bằng cách nào, Q vẫn từ chối đến bệnh viện khám vì cho rằng, anh đang rất khỏe mạnh, không việc gì phải khám. Thậm chí, Q còn đặt nghi ngờ L không tin tưởng mình nên mới yêu cầu anh ấy đi khám.

Không chỉ có L - Q mà còn rất nhiều cặp đôi khác vẫn còn e dè khi nhắc đến việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đặc biệt là nam giới khi bước vào hôn nhân, họ vẫn cho rằng bản thân không có bệnh thì không phải đi khám làm gì.

“Ngại” đi khám  vì sợ... mang tiếng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Như chị L.T ở Vĩnh Phúc, do có dự định kết hôn vào năm 2024, chị T đề cập với người yêu đi khám sức khỏe tiền hôn nhân thì bạn đời cho rằng, không cần thiết, vì sức khỏe tổng quát của cả hai vẫn tốt. Anh M – người yêu chị T còn nói: Mỗi năm cơ quan đều khám sức khỏe tổng quát, các chỉ số đều tốt, sao còn phải mất tiền để khám lại? Hay: Người ta cứ tưởng mình có vấn đề gì mới phải đến bệnh viện khám.

Trước đây, chị K (Hưng Yên) cũng thường xuyên đi khám phụ khoa và được chẩn đoán đa nang buồng trứng. Bác sĩ khuyên chị nên kết hôn sớm, sau đó điều trị sớm để tăng khả năng có con. Trước khi kết hôn, chị K cho biết, vợ chồng chị đã tiêm đầy đủ các loại văc-xin để phòng bệnh, tuy nhiên không khám tiền hôn nhân. Theo chị K, lúc đó chị chỉ nghĩ, chỉ cần tiêm vắc-xin là đủ. Còn bản thân chị bị đa nang buồng trứng thì cứ báo với chồng sắp cưới, còn chồng không có vấn đề gì về nam khoa thì không sao. Song, sau này, chị mới biết, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân còn kiểm tra về chất lượng tinh trùng của người chồng, kiểm tra gen, nhóm máu, yếu tố di truyền có ảnh hưởng đến thai nhi không…

Hay như anh K (34 tuổi) sau 5 năm kết hôn vẫn chưa có con dù không sử dụng các biện pháp tránh thai. Đến bệnh viện thăm khám, các bác sĩ phát hiện số lượng tinh trùng của anh K rất ít, chất lượng yếu. Nếu đến khám trước khi kết hôn, tình trạng của anh có thể cải thiện và vợ chồng anh không lãng phí 5 năm mong con.

Tiền đề cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc

Sau khi được người quen hướng dẫn, chị H (Hà Nội) thuyết phục được người yêu đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe trước khi cưới. Tại bệnh viện, qua thăm khám và các xét nghiệm, chị H phát hiện mình bị u nang buồng trứng. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng có thai tự nhiên. May mắn phát hiện sớm nên chị H đã được điều trị kịp thời. Hiện chị và người yêu đã kết hôn, đang chuẩn bị đón đứa con đầu lòng.

Trên thực tế, còn rất nhiều bạn trẻ vẫn đang thiếu kiến thức trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cũng như thờ ơ với việc khám sức khỏe trước khi kết hôn. Vẫn còn rất nhiều bạn trẻ cho rằng, trước khi cưới mà lôi nhau đi khám sức khỏe sinh sản là không tin tưởng nhau hoặc sợ đối phương bị “vấn đề gì” mới phải khám. Thậm chí, nhiều người vẫn nghĩ khám tiền hôn nhân là khám phụ khoa, nam khoa. Nhiều cặp đôi bận rộn không có thời gian, hoặc không dư giả tài chính nên không ưu tiên khám sức khỏe tiền hôn nhân. Thậm chí, nhiều cặp đôi lo sợ sẽ phát hiện ra bệnh lý nào đó, do đó họ cảm thấy căng thẳng khi đề cập đến vấn đề khám tiền hôn nhân.

Tiền hôn nhân là giai đoạn lúc một người bắt đầu có khả năng sinh sản tới khi người đó kết hôn. Giai đoạn này bao gồm cả đối tượng trẻ vị thành niên khi đã bắt đầu có khả năng sinh sản, đến những người lớn tuổi hơn (thậm chí vào 30 - 40 tuổi) mà chưa từng kết hôn. Đây đều là các đối tượng cần được quan tâm tới những vấn đề liên quan tới việc chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân.

“Ngại” đi khám  vì sợ... mang tiếng - ảnh 2
Ảnh minh họa

Trong thực tế hiện nay, nhiều cặp đôi thường chỉ bắt đầu đi khám sức khỏe tiền hôn nhân khi sắp kết hôn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, các cặp đôi hoàn toàn có thể đi thăm khám sớm hơn để giúp sàng lọc các vấn đề về sức khỏe. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, tốt nhất các cặp đôi nên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân tối thiểu khoảng 3-6 tháng trước khi kết hôn để có nhiều thời gian chuẩn bị hơn.

Ngày nay, khám tiền hôn nhân được xem là hoạt động cần thiết đối với các bạn trẻ hiện đại. Bởi việc làm này giúp cho các cặp đôi chuẩn bị kết hôn có thể bước vào đời sống vợ chồng với nhau một cách tự tin với lối sống tình dục an toàn, sẵn sàng chào đón những “thiên thần nhỏ” khỏe mạnh. Đặc biệt, đối với những người vốn chưa có nhiều kinh nghiệm trong đời sống tình dục trước đó, việc khám tiền hôn nhân và nhận được sự tư vấn phù hợp của bác sĩ sẽ giúp cho các bạn trẻ chuẩn bị kiến thức, tâm lý đúng để sẵn sàng bước vào đời sống vợ chồng. Qua đó tránh được những rắc rối trong sinh hoạt đời sống tình dục và các bệnh tật xuất hiện liên quan tới sinh sản hoặc đề phòng xuất hiện hậu quả của các bệnh tật có từ trước gây ảnh hưởng tới việc sinh con/thai nghén.

Đối với các cặp đôi đang muốn có con, hoạt động khám tiền hôn nhân chính là sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình sinh con và sức khỏe của thai nhi. Khám tiền hôn nhân còn giúp bạn phát hiện và điều trị sớm một số bệnh tật có thể gây ảnh hưởng tới vấn đề tình dục, mang thai, cũng như sinh đẻ về sau.

Với các bà mẹ tương lai nếu mong muốn có con sớm nhất thì cũng cần hiểu rõ về những vấn đề liên quan đến việc sinh nở như: Tiêm vắc xin, bổ sung khoáng chất, chế độ dinh dưỡng sao cho hợp lý nhằm chuẩn bị điều kiện sức khỏe đầy đủ để mang thai và sinh con một cách an toàn. Ngoài ra, điều này cũng một phần giúp phụ nữ kiểm soát sự mang thai, thời điểm có con và số lượng con cái một cách tốt nhất.

BSCKII Phạm Thuý Nga, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản và nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằng quan niệm không khám sức khỏe trước hôn nhân là quá lạc hậu. “Hiện giờ, các bạn trẻ đưa nhau đi khám tiền hôn nhân rất nhiều, vì họ hiểu lợi ích mà khám tiền hôn nhân mang lại cho họ.

“Với các bạn trẻ sắp bước vào cuộc sống hôn nhân phải truyền thông cho các bạn hiểu được lợi ích của việc khám tiền hôn nhân nói chung và sàng lọc các bệnh di truyền nói riêng. Nếu như các cặp đôi mang gen hoặc mắc bệnh di truyền sẽ được các bác sĩ tư vấn để hiểu hơn về khả năng sinh ra con dị tật, cũng như được tư vấn để áp dụng các công nghệ hiện đại, đảm bảo không sinh ra con mang bệnh di truyền. Còn đối với tất cả các bạn trong lứa tuổi sinh sản, khi có thai cũng nên đến bác sĩ chuyên khoa để quản lý thai nghén. Nếu trong quá trình quản lý thai có vấn đề gì, các bác sĩ sẽ tư vấn các biện pháp sàng lọc và chẩn đoán trước sinh để tránh sinh ra những em bé dị tật” - BSCKII Phạm Thuý Nga cho biết.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.