Ngày mai cháu lấy chồng
“Sao bà để nhà cửa bừa bãi thế này? Bà nó đâu? Có mỗi việc dọn dẹp mà không xong”. Nghe ông lớn tiếng ngoài phòng khách, bà tôi vội từ trong bếp chạy ra, luống cuống bị trượt ngã sõng xoài trên sàn. Và rồi bà bị rạn xương, phải bó bột mất mấy tuần.
Mà kỳ thực, không phải là bà tôi để nhà cửa bừa bãi. Tính bà vốn cẩn thận, ưa sạch sẽ nên đồ đạc trong nhà tôi luôn sáng bóng. Trong mắt tôi, bà đúng là một bà Tấm chính hiệu vì chẳng bao giờ ngơi nghỉ chân tay. Vậy mà, ông vẫn chẳng bằng lòng, còn hay nạt nộ bà nữa. Cái chén nước ông uống dở để trên bàn, giờ lại thành lỗi của bà không dọn rửa.
Tôi nhiều lúc thấy bất bình thay cho bà. Tôi không hiểu vì sao, bà lại có thể chịu đựng một người chồng gia trưởng như vậy. Đúng là ông cũng có công sức đi làm vất vả kiếm tiền nuôi gia đình, tạo dựng cơ ngơi cho con cháu thụ hưởng. Nhưng, không có nghĩa là ông luôn coi bà đứng dưới mình.
Ảnh minh họa
Bà tôi chắc hẳn cũng buồn vì cách ứng xử của ông lắm. Song, bà chẳng bao giờ phản ứng lại. Thậm chí, khi chỉ có mấy bà cháu với nhau ở nhà, chúng tôi ra sức động viên để bà có thể nói ra những tâm tư trong lòng, bà đều gạt đi, bảo ông vậy thôi chứ tốt tính lắm. Không có ông làm chủ thì gia đình làm sao được như hôm nay, các con đều trưởng thành, các cháu thì ngoan ngoãn. Rồi bà thì thào dặn chúng tôi phải thương kính, không được làm gì để ông phiền lòng. “Ông nói gì các cháu đều phải nghe vì ông là lớn nhất trong nhà, biết chưa?”.
Cũng vì vậy mà ngay cả khi bà bị ngã do “chưa kịp rửa cái chén uống nước của ông”, bà cũng coi đó là lỗi của mình. Việc lớn việc nhỏ trong nhà, bà tôi đều làm hết chứ không bao giờ dám chia sẻ với ông. Khi ông giận, bà tôi thường chọn cách im lặng. Ông mà vui thì bà cũng vui theo. Mấy chục năm sống với ông, bà gần như không đi đâu xa mà không có ông đi cùng. Bà luôn lo lắng không có bà ở cạnh thì lấy ai chăm sóc cho ông. Mỗi ngày, bà đều nấu những món ăn mà ông thích, bà ăn miết rồi cũng thấy ngon. Còn những món bà rất thích nhưng không hợp khẩu vị ông, bà sẽ không bao giờ nấu nữa. Ngay cả cách ăn mặc của bà, màu nào, kiểu nào cũng để chiều theo gu thẩm mỹ của ông tôi. Với bà, đó là cách ứng xử của một người vợ để giữ bình an trong gia đình.
Năm 23 tuổi, tôi có bạn trai. Sau đó ít lâu thì gia đình tôi mời anh về ăn cơm. Cơm nước nấu xong, tôi liền nhờ anh xuống bếp bê mâm lên nhà. Chỉ vậy thôi mà sau khi anh về, bà góp ý tôi từ sau không được làm như vậy. Rằng phụ nữ không được để chồng phải nhúng tay vào việc bếp núc. Bà còn dặn tôi sau này kết hôn, phải biết tôn trọng chồng. Dù chồng có nói sai thì cũng không được cự nự. Phụ nữ là phải biết hy sinh cho chồng con, biết nhún nhường đứng ở phía sau. “Cháu lo thăng tiến ít thôi, để còn dành thời gian cho gia đình. Làm vợ là phải biết vun vén, đảm đang nữ công gia chánh, biết chưa?”.
Tôi biết, thật khó để có thể thay đổi quan niệm ở bà tôi, một người năm nay đã ngoài 80 tuổi. Tôi vẫn sẽ luôn yêu quý và nghe lời bà dặn. Nhưng, tôi sẽ không chèo lái gia đình mình như cách của bà. Tôi sẽ học bà ở sự toàn tâm, toàn ý lo cho gia đình, biết tề gia nội trợ vì đúng là người phụ nữ mà đảm đang, khéo léo thì chồng con được nhờ. Nhưng, tôi không cam chịu, chấp nhận tư tưởng lạc hậu kiểu “chồng chúa, vợ tôi”. Người vợ cũng cần được chồng tôn trọng, được sống với cả sự khác biệt với chồng, được nói lên suy nghĩ quan điểm của mình, được làm điều mình thích. Với tôi, hạnh phúc là phải được vun vén từ cả hai phía. Vợ và chồng đều cùng có quyền và trách nhiệm với nhau trong gia đình.
Tôi kể lại điều này với chồng tương lai, anh cũng nhất trí với tôi. Anh bảo chúng tôi được học tập, đi đây đi đó nên tư tưởng, cách nhìn cũng khác nhiều với ông bà ngày xưa. Và anh tin sẽ cùng tôi xây dựng hôn nhân hạnh phúc, tiến bộ, bình đẳng.
TRẦN HUYỀN PHƯƠNG