Ngày sum họp

THÁI ANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hôm đó, trong zalo của đại gia đình tôi hiện lên tin báo: “Ngày… tháng…, hai nhánh gia đình ông già và ông trẻ gặp mặt. Người già trên 70 tuổi được miễn phí. Các cháu từ 6 tuổi trở lên mỗi người đóng góp 300.000 đồng. Ai tham gia đăng ký và đóng góp”.

Một lát sau, mọi người đăng ký gặp mặt rất rôm rả. Đặc biệt, có 2 gia đình các bác ở Mỹ cho biết cũng sẽ bay về Việt Nam để tham gia họp gia đình. “Lá rụng về cội, năm nào đi được là đi, chỉ sợ sau này sức khỏe không cho phép thì đành chịu. Lần này, bác sẽ cho các cháu chắt về để nhận họ hàng”, một bác viết. 

Ai trong đại gia đình chúng tôi cũng đều trân trọng hướng về ngày họp gia đình như vậy. 5 năm rồi, đại gia đình tôi mới có cơ hội được gặp nhau. Bình thường, cứ 3 năm là chúng tôi họp mặt một lần nhưng hai năm qua do dịch Covid-19 mà kế hoạch bị lui lại.

Quy định định kỳ họp mặt con cháu bắt đầu từ sáng kiến của ông nội tôi. Hồi đó, bố tôi và các cô chú đều lần lượt thoát ly lên thành phố, ở quê chỉ còn lại mình ông bà tôi. Thi thoảng, bố mẹ tôi về thăm ông bà thì cô chú tôi lại vừa từ quê lên. Mỗi người đi vào một dịp nên chẳng ai gặp ai. Lúc lên thành phố thì anh em bận rộn mưu sinh, tiếng là ở gần nhưng cũng ít qua lại nhà nhau được. Thế là ông tôi quyết định, cứ vào Chủ nhật tuần cuối cùng của mỗi quý, ông bà mở tiệc đón tất cả con cháu về. Còn giữa khoảng thời gian đó, nhà ai có điều kiện qua lại quê thì cứ chủ động. Hồi đó, việc gặp mặt chỉ diễn ra trong quy mô nhỏ vì số thành viên trong gia đình tôi chưa nhiều. Ngoài ông bà có bố mẹ tôi, các cô chú và chúng tôi, một đàn trẻ con lít nhít.

Ngày sum họp - ảnh 1
Ảnh minh họa

Sau đó, qua thời gian, chúng tôi lớn dần, có người yêu và có người đã lập gia đình rồi sinh con. Từ hai người là ông bà tôi nay con cháu đã lên tới 25 người, tính cả dâu, rể. Nhưng vẫn đều đặn 1 quý một lần, chúng tôi lại cùng về quê. Cả nhà ngồi ăn cơm từ trong nhà ra tận ngoài sân, cười nói rôm rả.

Dưới ông tôi còn một em trai. Nhánh con cháu của ông trẻ cũng rất đông. Một lần, ông tôi quyết định ngoài họp mặt con cháu “nội bộ gia đình” thì cứ 3 năm sẽ có thêm buổi họp cả “nhánh ông già và ông trẻ”. Mục đích là để cho anh em, con cháu trong dòng họ ở các thế hệ nhận mặt nhau.

  Ít lâu sau, ông bà tôi mất, ông bà trẻ cũng qua đời. Thế nhưng, theo nếp của ông bà để lại con cháu chúng tôi vẫn duy trì nề nếp họp gia đình. Trước đây, mỗi lần họp mặt là mấy cô bác ở gần rất vất vả vì phải lo đi chợ, chuẩn bị cỗ bàn. Công nghệ chưa phát triển, việc liên lạc cũng gặp nhiều khó khăn. Bố tôi có khi phải dành ra mấy ngày chỉ để gọi điện thông báo, rồi lại gọi để kiểm tra lại thông tin. Nhưng nay nhờ có hệ thống mạng xã hội, zalo… chỉ cần một cái “up” là con cháu hai nhánh đều nhận được. Chúng tôi thông báo rõ ràng từng suất đóng góp và sau đó dùng kinh phí thu được đặt cỗ ở ngoài nhà hàng. Đến giờ, anh em chỉ việc đến điểm hẹn nên không ai phải vất vả nấu nướng, dọn dẹp nữa. 

Chúng tôi nhận thấy trong thời buổi @, đây đó vẫn có nỗi lo cấu trúc gia đình sẽ trở nên lỏng lẻo hơn, các thành viên sẽ gần nhau hơn trên thế giới ảo mà xa nhau ở thế giới thật. Nhưng với chúng tôi lại khác, nền tảng gia đình vẫn rất bền vững. Ở đó, anh em con cháu vẫn luôn gắn kết với nhau, chia sẻ vui buồn được với nhau. Các con, cháu thế hệ sau vẫn luôn nhớ trên mình còn có ông, bà, các bác, cô, chú. Còn các ông bà thì vẫn dõi theo được sự phát triển của các con, cháu.

Tôi thầm cảm ơn ông bà tôi khi còn sống đã nhìn ra vai trò của gia đình và giúp chúng tôi gần nhau qua những buổi sum họp như thế. Anh em từ khắp nơi đổ về, gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Chúng tôi thấy mình già đi, nhưng các con cháu thì lớn rất nhanh và truyền thống gia đình thì cứ thế được tiếp nối.

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.