Nghệ thuật hát ca trù ở làng Ngãi Cầu

Bài và ảnh: Nguyễn Lan Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Được mệnh danh là ngôi làng ca trù nổi tiếng trên đất Bắc, các nghệ nhân ở làng Ngãi Cầu thuộc địa phận xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội đang cố gắng gìn giữ, duy trì và phát triển loại hình âm nhạc dân gian rất độc đáo này.

Hát ca trù là một loại hình âm nhạc dân gian đặc sắc rất phổ biến ở Đồng bằng Bắc Bộ có nguồn gốc từ phong tục hát cửa đình. Loại hình âm nhạc dân gian này đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc UNESCO công nhận là "di sản vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại" vào năm 2009.

Ngãi Cầu là một ngôi làng cổ tại Việt Nam, được cho là đã có từ thời Lý. Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã từng đặt đại bản doanh tại Ngãi Cầu khi kéo đại quân ra bao vây thành Đông Quan. Hiện nay, ngôi làng vẫn còn lưu giữ nhiều nét của một làng cổ với quần thể đình, chùa, lễ hội và hát ca trù,- một bộ môn nghệ thuật lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt.

Nghệ thuật hát ca trù ở làng Ngãi Cầu - ảnh 1
Làng Ngãi Cầu

Không ai rõ ca trù có từ bao giờ, nhưng có một giai thoại kể rằng nó được khai sinh bởi Đinh Dự, con trai công thần Lam Sơn và công chúa Đường Hoa. Vì vậy ca trù có nguồn gốc nửa nhân nửa thần, linh thiêng mà cao quý. Ca trù là dạng nghệ thuật biểu diễn dùng nhiều thể văn chương như: Phú, truyện, ngâm, nhưng thể văn chương phổ biến nhất là hát nói và hát kể. Trong lối hát ca trù có nhiều loại như: Dâng hương, giáo trống, gủi thư, thét nhạc. Trong đó hát nói là lối thông dụng và có tính văn chương lý thú nhất. Lời hát của thể cách hát nói được thăng hoa thành nguồn cảm hứng bất tận.

Một chầu hát ca trù có ba thành phần chính gồm: Đào, kép và quan viên. Đào hay còn gọi là ca nương là ca sĩ nữ vừa hát vừa sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp. Kép là nhạc công nam chơi đàn đáy phụ hoạ theo tiếng hát. Nhạc công đàn đáy có lúc hát thể cách, hát sử và hát giai, vừa đàn vừa hát. Quan viên là người thưởng ngoạn đánh trống chầu chấm câu và biểu lộ cảm xúc qua tiếng trống.

Không gian trình diễn ca trù có phạm vi tương đối nhỏ. Đào hát ngồi trên chiếu ở giữa. Kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên. Trên chiếu hát, ca nương là tâm điểm thu hút sự chú ý của người nghe nhưng thực tế họ chỉ là học trò của kép đàn. Mỗi làn điệu có nét đặc trưng và độ khó khác nhau. Các ca nương học hát ca trù đều phải học thuộc ca đàn, chủ yếu học truyền miệng.

Với những môn nghệ thuật khác như Chèo, Huế, Quan họ, Hát văn, Xẩm có thể học qua băng đĩa nhưng với ca trù người học buộc phải được truyền nghề mới có thể nắm bắt được qui luật và những bí quyết này.

Ca trù vừa là loại thanh nhạc, vừa là loại khí nhạc nên chứa đựng một ngôn ngữ âm nhạc tế nhị, tinh tế. Ca nương phải có giọng thanh, cao và vang, khi hát phải biết ém hơi, nhả chữ và hát tròn vành rõ chữ, biết nảy hạt (đổ hột), đổ con kiến. Ca nương vừa hát, vừa gõ phách. Phải biết rành 5 khổ phách cơ bản, đánh lưu không, tiếng phách phải chắc và giòn, lời ca và tiếng phách phải ăn khớp với nhau.

Kép đàn dùng đàn đáy phụ họa. Bản đàn không nhất thiết phải đi theo bài hát, vì phải theo khổ đàn, nhưng khổ đàn, khổ phách và tiếng ca phải hợp nhau, hài hòa nhuần nhuyễn. Có những cách đàn ca chân phương theo lề lối hay sáng tạo và bay bướm. Quan viên cầm chầu, tiếng trống chầu vừa để chấm câu khi tham gia vào cuộc diễn tấu, nhưng có tính chất phê phán, khen chê đúng chỗ, để khích lệ ca nương, kép đàn, giúp cho thính giả biết được đoạn nào hay. Đó cũng là một cách giáo dục âm nhạc trong cách nghe.

Làng Ngãi Cầu đã có rất nhiều giọng hát ca trù nổi tiếng, đặc biệt là Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc. Sau khi bà Nguyễn Thị Chúc qua đời con cháu bà và các nghệ nhân khác của làng vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của câu lạc bộ ca trù. Được thành lập vào năm 1993, câu lạc bộ ca trù Ngãi Cầu vẫn duy trì sinh hoạt đều đặn tại căn nhà cổ của Nghệ nhân Bùi Thế Kiên.

Với mong muốn truyền dạy môn nghệ thuật đặc sắc của làng cho thế hệ trẻ, Nghệ nhân Bùi Thế Kiên đã mở những lớp ca trù miễn phí vào những dịp hè. Vì những đóng góp của mình trong bảo vệ và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian này, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân vào năm 2022.

Nghệ thuật hát ca trù ở làng Ngãi Cầu - ảnh 2
Biểu diễn ca trù ở làng Ngãi Cầu

Hàng năm cứ vào ngày hội làng, mồng 8, mồng 9 tháng Giêng âm lịch, câu lạc bộ ca trù lại trải chiếu hát tại sân đình. Hát cửa đình là hình thức sinh hoạt ca trù phục vụ cho nghi lễ thờ thánh thần ở các đình làng hay miếu thờ. Có thể nói hát cửa đình vừa là cỗ tinh thần để cúng thành hoàng làng, cũng là một món ăn tinh thần của quần chúng, từ lâu đã trở thành nghi lễ tôn giáo tin ngưỡng dân gian đặc sắc.

Đến với đêm hát cửa đình của câu lạc bộ ca trù làng Ngãi Cầu, khán giả được lắng nghe âm sắc trầm, đục của tiếng đàn đáy, nhịp phách giòn vang và ca từ réo rắt lan tỏa của các ca nương. Giọng ca vang lên, nghe xa xôi như thứ phù vân chốn Kinh kỳ. Những âm thanh đã truyền lại qua biết bao thế hệ, những cung bậc như thách thức thời gian, thách thức những thể loại âm nhạc du nhập. Nó cứ văng vẳng thế khiến người nghe như bị cuốn vào một dòng chảy tinh khiết, xa xôi…

Là một loại hình nghệ thuật truyền miệng, không có gam nốt, nên việc truyền dạy và lưu giữ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vì sẵn có truyền thống, nên nơi đây đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân, đào nương, nhạc công ca trù nổi tiếng cả nước như: Nguyễn Thị Chúc, Bùi Thế Kiên, Phó Thị Kim Đức, Phạm Thị Huệ, Nguyễn Khánh Linh… Nối gót những thế hệ đi trước, giờ đây, ở Ngãi Cầu, những ca nương nhí chưa đến 10 tuổi vẫn hăng say tập luyện bằng chính niềm đam mê xuất phát từ trái tim, hứa hẹn là thế hệ kế cận, nhiều triển vọng, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy truyền thống của vùng đất ca trù...

Trong thời đại hiện nay khi mà nhiều dòng nhạc mới, dòng nhạc nước ngoài đã và đang du nhập mạnh mẽ vào nước ta thì ở Ngãi Cầu các bạn trẻ vẫn tiếp tục học hát ca trù. Điều đó khẳng định rằng cho dù bên ngoài tràn ngập pop, rock, Kpop thì với họ ca trù vẫn là thứ âm nhạc không thể nào thay thế. Và việc học ca trù với giới trẻ ở đây như một cách thể hiện tình yêu, trách nhiệm với quê hương Ngãi Cầu và dân tộc.

Ca trù hay là thế, đây là loại hình âm nhạc thanh tao, lịch lãm của người Kinh kỳ xưa. Ca từ, giọng hát hòa cùng âm thanh của các nhạc khí: Phách, đàn đáy, trống chầu làm mê say lòng người. Đến với đêm hát ca trù của làng Ngãi người nghe như được hưởng trọn vẹn cái thanh tao của một không gian văn hóa truyền thống để quên đi cái xô bồ của cuộc sống hiện đại mà phiêu cùng câu hát.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.