Nghĩ tới ngày mai

Vũ Thị Huyền Trang
Chia sẻ

(PNTĐ) - Có những ngày Miên chìm nghỉm trong mớ kí ức ăm ắp về chồng. Tưởng như chẳng thể gượng dậy được nếu như không có cái đạp của đứa con trong bụng và tiếng bé Gạo kêu “con đói quá”...

Hai mẹ con Miên trải chiếu trên sân thượng nằm ngó những đám mây bã bừa trôi trên giàn mướp đắng. Sân thượng lộng gió thổi nguội đi cái nóng còn sót lại trên nền gạch. Miên trải chiếu nằm ở đó nhìn cây lá lao xao. Bé Gạo chạy loanh quanh tìm kiếm những bông hoa lấp sau bụi lá, thỉnh thoảng lại reo lên khe khẽ “mẹ ơi, đẹp chưa này”. Mấy bông hoa hồng cổ càng nắng càng đỏ tươi vươn ra giữa khoảng không. Ngạo nghễ và mãnh liệt. Mỗi lần đi đâu đó về gần đến nhà Miên thường men theo cái màu đỏ ấy. Vài con bọ dừa bay trên mái tôn loẹt xoẹt vừa rơi xuống đất, phơi cái bụng nhìn trời. Vài sợi rơm rơi trên nền sân, chắc lại có chú chim nào đó mới tìm về làm tổ. Trên mái tôn, đôi chim câu quấn quýt nhau khiến Miên thấy chạnh lòng. Đến chim còn có đôi mà sao Bảo lỡ bỏ mẹ con Miên lúc bụng mang dạ chửa. Nghĩ đến đó thôi nước mắt Miên đã chảy nhạt nhòa…

Tụi Miên nghèo, lấy nhau xong Bảo đi xuất khẩu lao động nước ngoài biền biệt sáu năm. Miên ở nhà mang bầu bé Gạo rồi sinh con khi không có chồng bên cạnh. Bảo thường nói vui “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Nhưng Miên biết anh cũng khổ tâm nhiều. Có lần Bảo vừa nói chuyện với con vừa lén quay đi lau nước mắt. Kiếm được đồng tiền ở xứ người đâu có dễ. Vì để có tiền mua đất xây nhà, Bảo đã bán sức khỏe của mình cho những ngày làm tăng ca liên tục trong nhà máy. Lệch múi giờ nên ngay cả những cuộc gọi điện về nhà cũng hiếm hoi hơn. Miên ở nhà tự mua đất, lo toan việc xây nhà. Có lúc mệt mỏi đến nỗi tưởng chẳng chịu đựng nổi khi không có bàn tay người đàn ông ở bên cạnh đỡ đần. Nhưng chỉ cần vịn vào ý nghĩ một ngày gần nhất Bảo về, vợ chồng con cái sẽ được sớm tối quây quần là Miên lại có thêm động lực.

Nghĩ tới ngày mai - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

 Rồi thì Bảo về thật, khi bé Gạo tròn sáu tuổi. Bữa ấy nhà cũng gần hoàn thiện, lớp sơn vừa kịp khô, những khóm hoa trồng trước sân nhà đã kịp nở bông. Gạo òa vào lòng bố vừa vui mừng, vừa bỡ ngỡ. Con bé bện bố đến mức không rời nhau nửa bước. Vẫn còn nợ nần, gia đình bên nội khuyên Bảo nghỉ ngơi rồi đi thêm vài năm nữa nhưng Bảo bịn rịn không muốn rời xa vợ con nên quyết định xin việc trong khu công nghiệp cách nhà hơn chục cây số. Hàng ngày đi làm về, Bảo tự tay lắp nốt những cánh cửa trong nhà. Tự tay đóng cho con vài món đồ chơi bằng gỗ. Cùng con trồng vài cây xanh hẹn nhau mùa hoa mùa quả. Cùng đóng chuồng nuôi gà. Cùng xây bể thả cá. Chiều nào Miên cũng thích đứng trong bếp nấu nướng, nhìn qua cửa sổ thấy hai bố con lúi húi ngoài vườn. Đã có những bữa cơm có bát canh rau của hai bố con trồng, có trứng của mấy con gà mái bắt đầu biết đẻ. Miên mang bầu lần hai, là một bé trai. Khỏi phải nói Bảo vui biết chừng nào. Buộc thêm dây phơi ở trước nhà trong lúc mường tượng ra không lâu nữa quần áo, tã lót trẻ con sẽ bay phấp phới. Đổ thêm đất tôn nền sân để sau này đứa nhỏ tập bò từ nhà ra sân cũng không sợ ngã. Bảo chỉ tay ra góc vườn bảo vợ:

- Mấy hôm nữa anh sẽ trồng ít rau diếp cá, vài khóm hẹ, luống tía tô. À! Cả cây quất nữa em à. Mấy thứ đó rất cần thiết khi trong nhà có trẻ con.

- Vườn còn rộng, anh tính xem nên trồng những cây gì?

- Em yên tâm. Em chỉ việc khỏe mạnh sinh con. Việc trồng cây cứ để anh lo. Anh tính cả rồi. Chỗ kia anh sẽ kiếm một cây cau lùn trồng. Ngay bên cạnh sẽ cho một dây trầu leo lên. Chỗ kia anh trồng một rặng na. Chỗ kia đổ mấy cái cột bê tông trồng thanh long. Rặng rào anh trồng chè tất. Vừa tắm cho con, vừa đun nước uống. Mà lá chè còn tốt để phụ nữ đun rửa vệ sinh. Vẹn cả mấy đường. À, nhất định phải trồng mấy dây mướp đắng. Loại ấy mà đun nước tắm cho con là nhất, mát lắm. Đã vậy còn nấu được khối món ngon: Mướp đắng xào trứng, mướp đắng nhồi thịt. Em thấy anh tính hay không?

Miên cười hạnh phúc khi thấy chồng mua về những cây giống đầu tiên. Hạnh phúc nhìn bé Gạo háo hức dành tiền đút lợn để sau này mua sữa cho em. Hạnh phúc khi vài người bạn thân chưa gì đã mua đủ thứ: Bình sữa, quần áo, tã lót… cho em bé. Cuộc sống tuy vất vả nhưng đầy ắp tiếng cười. Hạnh phúc đang hiện hữu mỗi ngày có ai ngờ Bảo đã ra đi mãi mãi. Sáng ấy như mọi khi, Bảo chở bé Gạo đến trường rồi vội vã đi làm. Trước khi đi còn hứa chiều về sẽ ghé qua dốc huyện mua cho hai mẹ con quả sầu riêng. “Đắt lắm mua làm gì anh ơi. Để tiền đó mua sữa cho con”. Bảo tặc lưỡi: “Chỉ cần vợ anh thích thì đắt mấy cũng mua. Ăn cho mẹ cho con đừng có tiếc tiền. Tiền mua sữa cho con đã có bố lo”. Trưa đó lúc đang thái rau nấu cơm, tự nhiên Miên thấy đau nhói trong tim. Trượt tay, con dao sắc cứa vào ngón tay Miên, bật máu. Ngay sau đó điện thoại reo vang, nhận cuộc gọi từ số Bảo nhưng giọng một người lạ vang lên: “Người nhà chị bị tai nạn ở khúc cua dốc huyện, đã đưa đi cấp cứu trên bệnh viện đa khoa”. Lúc Miên đến nơi thì tim Bảo vừa ngừng đập. Nỗi mất mát ập đến quá nhanh khiến Miên cứ ngỡ nó chỉ là một cơn ác mộng. Rằng tí nữa Bảo sẽ đi làm về, bé Gạo chạy ra đỡ quả sầu riêng gai chi chít. Vẫn như mọi khi, Bảo ra riếng vục nước rửa mặt rồi hỏi vợ nấu món gì mà thơm thế? Anh đói bụng lắm rồi. Lúc đi qua chỗ Miên ngồi anh sẽ cúi xuống xoa xoa bụng vợ hỏi: “Em bé hôm nay ở nhà có ngoan không? Có chịu khó đạp không? Đạp nhiều là vợ của bố mệt đấy nhé cu con”. Tất cả như vẫn đang diễn ra trước mắt. Miên nhìn đâu cũng thấy bóng dáng chồng. Từ bậc hè, góc sân, mảnh vườn, xó bếp. Cái dáng chồng ngồi bóc hành cho vợ nấu cơm, mắt cay xè vẫn cười tươi. Dáng chồng ngồi sửa đồ chơi, bàn học cho con. Dáng chồng cặm cụi làm giàn cho mấy khóm mướp đắng ngoài vườn, vừa làm vừa hát.

Nghĩ tới ngày mai - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Có những ngày Miên chìm nghỉm trong mớ kí ức ăm ắp về chồng. Tưởng như chẳng thể gượng dậy được nếu như không có cái đạp của đứa con trong bụng và tiếng bé Gạo kêu “con đói quá”. Miên như bừng tỉnh, vội lau nước mắt, dậy vào bếp nấu cơm. Miên phải tiếp tục sống thật tốt để chăm lo cho các con, để Bảo ở thế giới bên kia được yên lòng. Miên nhìn ra ngoài vườn thấy cỏ đã mọc tốt um. Giàn mướp đắng đã ra đợt quả đầu tiên tự lúc nào mà mà giàn leo còn đang làm dở. Bụng bầu tháng thứ tám đã nặng nề. Nhưng Miên thấy cứ nằm hoài càng nghĩ ngợi sinh bệnh nên ra vườn làm nốt vài việc Bảo chưa kịp làm xong. Bón phân cho mấy gốc mít, gốc na. Nhổ cỏ đến đâu vườn quang đến đó. Khi bắc nốt giàn cho mướp đắng leo nước mắt Miên cứ thế ứa ra. “Mướp ra sai quả lắm, Bảo ơi. Chờ quả già em sẽ hái thái nhỏ mang phơi dành để tắm cho con dần cho mát”. Không chỉ mướp đắng mà dây dưa hấu cũng bắt đầu ra quả. Bé Gạo thích thú với thành quả của mình với bố. Hôm nào đi học về cũng chạy ra vườn chóp xem quả lớn từng nào rồi chạy vào khoe mẹ:

- Mẹ ơi, dưa lớn nhanh như thổi. Mới hôm nào quả to bằng quả đấm mà hôm nay đã gần bằng con lợn vừa mới đẻ rồi mẹ ạ. Sắp được hái rồi.

- Chắc là gái mẹ thèm dưa hấu nhà trồng lắm rồi nhỉ?

- Con không thèm. Con muốn dưa già hái để thắp hương cho bố. Chắc là bố sẽ vui.

Miên ôm con vào lòng, ai đó nói những đứa trẻ hiểu chuyện thường khiến người khác đau lòng. Gạo là đứa bé mạnh mẽ, từ lúc bố mất lúc nào cũng cố gắng làm chỗ dựa cho mẹ. Gạo không khóc đòi bố. Ngay cả việc nhớ thương bố con bé cũng ít thể hiện ra ngoài chắc vì sợ mẹ buồn. Gạo thường mon men lại gần, vạch áo hôn lên bụng bầu rồi thủ thỉ:

- Em ơi. Chị thơm em này. Em đang làm gì thế? À, em đang mút tay đấy à? Có ngon không? Kìa mẹ! Mẹ có thấy em vừa máy không? Đấy là cách em trả lời con đấy.

- Em ra đời, không có bố, con sẽ vất vả nhiều hơn đấy.

- Con không sợ vất vả đâu. Lúc còn sống bố vẫn dặn con sau này phải giúp mẹ chăm em. Con lấy tã bỉm cho mẹ. Con trông em lúc mẹ đi chợ, nấu cơm. Con cũng có thể phơi quần áo, lấy quần áo giúp mẹ. Dây phơi cao quá thì con bắc cái ghế. Ghế gỗ bố đóng chắn chắn lắm mẹ đừng có lo.

- Ba mẹ con mình sẽ ổn thôi, con nhỉ?

Gạo dụi đầu vào lòng mẹ hít hà. Ngoài vườn nắng đã tắt dần. Gió từ cánh đồng thổi vào mát rượi. Lòng Miên bỗng nhiên thấy nhẹ nhõm hơn khi nghĩ đến ngày mai. Bất chợt, mấy mẹ con Miên cùng nhìn ra khoảng vườn nơi những quả mướp đắng đang đung đưa trước gió…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Trong nhà không tố, pháp luật làm sao xử?

Trong nhà không tố, pháp luật làm sao xử?

(PNTĐ) - Pháp luật hiện hành có những quy định và chế tài xử phạt để bảo vệ hôn nhân và gia đình. Theo đó những người vi phạm chế độ một vợ một chồng sẽ bị xử phạt nghiêm minh. Tuy nhiên trong thực tế, việc xử phạt hành vi vi phạm này vẫn chưa được sát sao và triệt để chỉ vì tâm lý chấp nhận và ngại tố cáo của người trong cuộc. Chính điều này đã dẫn đến kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Để học đường không còn bạo lực

Để học đường không còn bạo lực

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ, trẻ em, gia đình và cộng đồng về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, xây dựng trường học không bạo lực, xây dựng môi trường Thủ đô bình đẳng, an toàn, thân thiện với phụ nữ, trẻ em.
Dạt dào những thanh âm đẹp ngợi ca Hà Nội

Dạt dào những thanh âm đẹp ngợi ca Hà Nội

(PNTĐ) - Rất nhiều các đêm nhạc đã và đang được tổ chức chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) tạo nên không khí sôi động cho đời sống nghệ thuật. Nhiều chương trình được đánh giá chất lượng, với sự quy tụ của những ngôi sao hàng đầu đã góp phần tái hiện những ngày tháng lịch sử giải phóng Thủ đô, khắc họa vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn của Hà Nội…