Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng trước kết hôn

Chia sẻ

Câu hỏi:

Vợ chồng tôi kết hôn năm 2014. Tài sản sau khi cưới nhau chỉ có hơn trăm triệu đồng, là tiền mọi người mừng và bố mẹ hai bên cho làm vốn. Nhà cửa, tài sản hiện đều do hai vợ chồng tích cóp mà có. Mới đây, một người đến đòi khoản tiền cả gốc và lãi hơn 300 triệu đồng vợ tôi nợ họ từ khi còn là sinh viên và tất nhiên là trước khi lấy tôi. Vợ tôi giải thích đó là số tiền vợ tôi vay để giúp bạn đi học ở nước ngoài, nhưng người này không về nước và không thể liên lạc được. Vậy xin hỏi chúng tôi có bắt buộc phải trả khoản nợ này hay không?

Vũ Văn Việt (Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Trả lời

Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.

Từ thông tin của bạn có thể thấy, tài sản mà vợ chồng bạn hiện có sau khi cưới là tài sản chung của vợ chồng bạn, bao gồm cả khoản tiền hơn trăm triệu bố mẹ hai bên cho làm vốn. Bởi lẽ, số tiền này hai vợ chồng bạn được bố mẹ hai bên tặng cho chung.

Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Khi định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp như bất động sản, động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Theo Điều 37 của Luật này, vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

“1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan”.

Căn cứ quy định nêu trên, về nguyên tắc vợ chồng bạn chỉ có nghĩa vụ chung về tài sản nếu nghĩa vụ đó phát sinh từ giao dịch do vợ chồng bạn cùng thỏa thuận xác lập hoặc nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm.

Khoản nợ mà vợ bạn vay của người khác trước khi hai bạn kết hôn được xác định là nghĩa vụ riêng về tài sản của cô ấy. Cụ thể, nội dung này được quy định tại Điều 45 của Luật này như sau:

“1. Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

2. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng”.

Tóm lại, trả khoản nợ hơn 300 triệu là trách nhiệm riêng của vợ bạn. Trách nhiệm này có thể được thực hiện bằng tài sản riêng của cô ấy, bao gồm phần của cô ấy trong tài sản chung của vợ chồng. Ví dụ, vợ chồng bạn có thể nghiên cứu quy định tại Điều 38 của Luật này để chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Đó là:

“1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này”.

Lưu ý, việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp như: Làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ như nuôi dưỡng, cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại, trả nợ cho cá nhân, tổ chức, nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước…

Tóm lại, quy định của pháp luật rất cụ thể, minh bạch về tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng và nghĩa vụ có liên quan. Tuy nhiên, quan hệ hôn nhân gia đình là quan hệ đặc biệt dựa trên tình cảm, yêu thương, gắn bó, chia sẻ giữa các thành viên với nhau. Do đó, chúng tôi cũng mong muốn vợ chồng bạn có thể lựa chọn phương án tối ưu để giải quyết khoản nợ này một cách phù hợp nhất.

Luật sư: HỒNG HẢI

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.