Ngôi nhà có bố mẹ

Lan Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng, mình vừa ra khỏi nhà thì mẹ đã nhắn tin hỏi: “Chiều nay con có về nhà ăn cơm không?”. Nhớ lại lịch hẹn với đám bạn tan làm sẽ đi ăn tối, cà phê chém gió, mình bèn nhắn tin lại: “Hôm nay con sẽ về muộn. Con không ăn cơm nhà”.

Mẹ sau đó nhắn tin dặn dò mình: “Con đi đường cẩn thận, bố mẹ sẽ đợi cửa con”. Mình không trả lời lại, còn mẹ cũng biết như vậy là tín hiệu mình đang bận làm việc nên thôi, không nhắn tin qua lại nữa.

Đến buổi trưa, đám bạn lại báo tin hoãn gặp nhau vì một đứa trong nhóm không đi được. Thế là mình “quay xe”, lại về nhà ăn cơm. Mình nhắn tin cho mẹ: “Con lại về ăn cơm, chiều mẹ nấu cơm cho con nhé”. Mẹ nhắn lại: “Không có con thì bố mẹ ăn qua quýt. Thôi thế con ăn gì để tý mẹ đi chợ”. Mình nhắn lại: “Gì cũng được, mẹ không phải cầu kỳ”.

Ngôi nhà có bố mẹ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Mình đã dặn mẹ vậy rồi mà đến 5 giờ chiều, mẹ lại nhắn tin nhắc mình nhớ về sớm ăn kẻo nguội. Thì ra, mẹ làm món cá lăng nướng mà mình rất thích. Trưa nay, nghe tin mình về ăn cơm, mẹ vội đi mua cá lăng rồi chế biến cho mình ăn. Với một đứa ham chơi như mình, một tháng chỉ ăn cơm với bố mẹ vài ba buổi thì việc mình chịu về ăn cơm nhà là một “sự kiện trọng đại”. Đó cũng là cơ hội để mẹ tranh thủ chăm sóc cho mình vì trong mắt mẹ mình rất xanh xao, gầy gò.

7 giờ tối, sau khi vượt chặng xa với 3 quãng bị tắc đường, người và xe như con cá cứ nằm im trên thớt ngáp ngáp trong dòng khói bụi, mình cũng về được tới nhà. Mình chưa cần bấm chuông thì bố đã ở trong nhà chạy ra mở cổng. Mình chào bố rồi phi xe thẳng vào sân, dựng chân chống cái oạch, nhảy ra khỏi xe và bước vào nhà. Bố mình từ cổng tiến tới, dắt xe máy vào bếp cho mình. Rồi bố nói với theo: “Con đi rửa mặt mũi chân tay, nghỉ ngơi một lúc rồi xuống ăn cơm. Mà đường hôm nay có tắc nhiều không con?”.
Đích thị là bố mình, chỉ cần nghe con gái than vãn hai ba lần là về nhà bị tắc đường là bố đã ghi nhớ. Từ lần sau, mối quan tâm của bố là đường có tắc không và mình có bị mệt mỏi không. Chẳng thế mà có lần, mẹ cứ phàn nàn về việc mình hay về muộn lại ít ăn cơm nhà nhưng bị bố gạt đi. Bố bảo mẹ cứ bắt mình phải về vào đúng giờ tan tầm nhưng đường tắc lắm, mẹ cứ để mình về muộn hơn chút để đi lại thuận tiện hơn.

Trong bữa cơm, quả như mình hình dung, mẹ nhận ngồi đầu nồi, mình biết mẹ có “âm mưu” là lèn cơm thật chặt để ép mình ăn nhiều. Mình vốn sợ béo nên lúc nào cũng chỉ ăn một bát cơm duy nhất. Trong khi đó, nếu đánh tơi chỗ cơm bị lèn trong bát mà mẹ xới cho mình thì cũng phải bằng hai bát. Bố thì cứ gắp cá nướng cho mình ăn, bảo ăn cá tốt cho sức khỏe. Xong bữa, bụng mình no lặc lè, định bê mâm cơm đi rửa thì mẹ bảo để đấy mẹ làm cho. Mẹ ở nhà cả ngày, có mỗi mấy việc rửa bát, quét nhà, nấu cơm. Rồi mẹ giục mình nghỉ ngơi để mai còn đi làm.

Ngôi nhà có bố mẹ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Bố đang xem trận bóng đá có vẻ rất gay cấn, liền đưa cho mình cái điều khiển, nhường cho mình xem chương trình tivi nào mình thích. Hồi còn nhỏ, mình rất đanh đá, thường “độc chiếm” tivi không cho bố mẹ xem. Bây giờ thì mình đã hiểu chuyện hơn, nên thường không chuyển kênh khác mà nán lại ngồi xem bóng đá cùng bố dù mình chẳng hiểu gì. Đơn giản vì mình thích cảm giác ở bên bố, nhìn bố hãy còn khỏe mạnh minh mẫn trước màn hình tivi như thế.

Các bạn liệu có muốn hỏi cuộc sống của mình như thế nào? Mình có hạnh phúc không? Mình xin trả lời là có. Gia đình mình không giàu, ngôi nhà bố mẹ và mình đang ở đã có tuổi đời gần 40 năm, xây từ khi bố mẹ mới cưới nhau và mình còn chưa ra đời. Nhưng, ngôi nhà có bố mẹ ấy lại là chỗ dựa vững chắc cho mình. Chỉ cần nghĩ tới bữa cơm mẹ nấu, hình ảnh bố mở cổng, dắt xe cho mình, cả những lời hỏi thăm ân cần của bố mẹ là mình thấy thật ấm áp ở trong lòng.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.