Người bạn 4 chân

Trâm Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đang ngồi “sầu não” vì trời mưa gió, cửa hàng quần áo không có khách, bỗng Phương Linh nhận được tin nhắn của bố: “Con ơi, có con cún này lạc từ đầu hè không ai nhận này. Bố muốn liên hệ với trạm cứu hộ chứ nhìn nó tội quá”.

Phương Linh khá bất ngờ vì tin nhắn đó của bố. Ngoài những dòng tin còn kèm thêm bức ảnh và thông tin về một chú chó nhỏ trông rất đáng thương. Cũng đang nuôi chó con trong nhà, nên Phương Linh có sẵn một số mối quan hệ để giúp chú chó kia có một mái ấm. Cô bấm máy ngay để hỏi. Sau khi đã xác nhận sẽ có người giúp, Phương Linh nhắn ngay cho bố: “Có bạn ở trạm cứu hộ nói sẽ liên hệ để qua xem ngay ạ. Có gì bạn ấy sẽ báo ngay, bố yên tâm nhé!”.

Trước đây, bố Phương Linh không hề yêu quý các chú chó như thế. Nhưng rồi, mọi thứ đã dần dần thay đổi kể từ khi Phương Linh mang về nhà một chú chó để nuôi, đặt tên là Lắc...

Những ngày đầu, cả nhà, nhất là bố chưa hề quen với “thành viên mới”. Lắc - chú chó nhỏ cũng chưa có thiện cảm ngay với ông chủ gần như suốt ngày vắng nhà tới tối muộn mới về. Lắm hôm 11, 12 giờ đêm, khi bố khẽ khàng mở cửa nhà để tránh mấy mẹ con tỉnh ngủ thì chú chó nhỏ sủa ầm ĩ lên. Có hôm bố còn dang dở việc, về nhà khi vẫn còn nhiều phiền muộn, bực bội, tiếng sủa của Lắc, rồi nó quấn lấy chân lại vô tình làm bố bực mình.

Người bạn 4 chân - ảnh 1
Ảnh minh họa

Mẹ Phương Linh dễ quen và yêu quý Lắc nhanh hơn bố. Mẹ may quần áo và hay cho Lắc ăn. Mẹ bảo Linh, “có thêm nó trong nhà, mẹ thấy vui hơn, cũng học được tính nhẫn nại, bình tĩnh hơn mỗi khi nhà cửa lanh tanh bành”. Vì thế, cuối tuần, cả nhà cùng nhau đi ăn sáng, uống cà phê, đều dẫn Lắc đi thay vì nhốt trong nhà. Đó cũng là dịp bố được thoải mái gần chú chó nhỏ hơn.

Kể từ khi nuôi Lắc trong nhà, bố Phương Linh bắt đầu biết được và quan tâm nhiều hơn tới các Trạm cứu hộ chó mèo. Bắt gặp các bài đăng trên facebook kêu gọi hỗ trợ tìm chủ cho chó mèo hoang, hay là giải cứu chúng khỏi bạo lực... bố lại nhắn ngay cho Phương Linh xem, rồi còn ủng hộ tiền tới các trạm cứu hộ nữa. Có khi ngay trong bữa cơm gia đình, bố cũng mang chuyện về đối xử với động vật ra để bàn luận.

Dịp lễ vừa rồi, cả nhà cùng nhau đi chơi nhà họ hàng, dắt theo cả Lắc đi. Trong lúc đang chờ bố đánh xe về, Lắc mải chơi, nhảy khỏi vòng tay Phương Linh rồi chạy qua đường. Lúc ấy đường đông, chỉ vài cái xe ôtô đi ngang qua là Phương Linh đã mất dấu Lắc. Hoảng hồn, cô dáo dác chạy quanh khu vực đó để hy vọng tìm được chú chó nhỏ. Nhưng nhanh quá, bóng chú chó chẳng còn. Phương Linh cố giữ bình tĩnh nhưng cũng không biết làm cách nào để tìm được Lắc. Chính trong lúc ấy, bố đã nhanh chóng nhờ các gia đình xung quanh đó cho xem nhờ camera để ghi lại hình ảnh lúc Lắc bị mất dấu. Sau đó, khi có được hình ảnh, video rồi, Phương Linh đăng chúng lên các hội nhóm trên facebook để nhờ mọi người chia sẻ thông tin, giúp đỡ tìm kiếm. Đó cũng là lần đầu tiên mà bố Phương Linh – người chỉ đăng lên facebook những thông tin to lớn lại đăng một bài viết tìm chó lạc.

Sau 2 ngày, thông tin về Lắc đã có. Thì ra, một người phụ nữ đi xe máy ngang qua đúng lúc Lắc đang chạy qua đường, về hướng của cô. Cô tưởng đó là một chú chó bị bỏ rơi, đi lạc, nên đã bế lên và đưa về nhà mình. Vô tình đọc được bài viết tìm chó trên facebook, so sánh trong ảnh thì đúng là chú chó mình đã nhận về, cô liên lạc với Phương Linh để trả. Hai bố con Linh đến tận nhà người phụ nữ đó để nhận lại Lắc, lòng vui khôn xiết.

Từ lúc nào, ông bố tưởng chừng khó tính, xa lánh động vật của Linh đã thân thiết hơn với Lắc. Thậm chí, bố con coi Lắc như người bạn 4 chân của mình. Lần nào cả nhà đi đâu, dù chỉ một lúc thôi là về, bố cũng đề xuất phải mang cả Lắc theo. Bố cũng trở thành “người báo tin” nhanh chóng – kịp thời cho Linh về những ca bạo hành chó mèo ở khắp nơi để con gái có thể làm điều gì đó bảo vệ chúng.

Và nhờ có Lắc, mà hai bố con càng ngày càng hiểu nhau, gần nhau hơn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

(PNTĐ) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác bình đẳng giới, không ngừng thúc đẩy vai trò, quyền lợi và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc nâng cao quyền bình đẳng giới cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội, không ít cá nhân còn phát huy vai trò của họ trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đất lành

Đất lành

(PNTĐ) - Thoan vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, khi vợ chồng cô được mời bạn bè, hàng xóm tới tân gia. Căn nhà nhỏ thôi, nhưng là mồ hôi nước mắt và tâm huyết hàng chục năm cố gắng của cả hai vợ chồng...
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Sau những lời khó nghe

Sau những lời khó nghe

(PNTĐ) - Mẹ chồng Phương khó tính, hay chê bai và ít khi thể hiện cảm xúc. Nhưng sau những lời góp ý lạnh lùng ấy, cô nhận ra một điều: Yêu thương đôi khi không cần phải nói ra, mà thể hiện qua những hành động nhỏ mỗi ngày.