Người chuyển giới gặp khó khăn, kỳ thị do... thiếu luật?

QUỲNH NHƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Năm 2015, cộng đồng người chuyển giới Việt Nam như vỡ oà khi Bộ luật Dân sự thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có một bộ Luật nào đảm bảo những quyền lợi và nghĩa vụ của người chuyển giới.

Khao khát được sống đúng với giới tính thật!

Hiện nay, Việt Nam chưa có số liệu chính thức về người chuyển giới, nhưng con số ước tính của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE), có khoảng 500 nghìn người tự nhận giới tính của bản thân không trùng với giới tính bẩm sinh.

Được sống đúng với giới tính của bản thân luôn là khát khao của mỗi người song lại là một cản trở rất lớn với người chuyển giới khi họ phải đứng giữa lằn ranh của sự đánh đổi. Thực tế, nhiều người vì khao khát được sống đúng với giới tính thật của bản thân đã sang nước ngoài để thực hiện phẫu thuật chuyển giới “chui”, số khác thì đến các cơ sở thẩm mỹ trong nước thực hiện phẫu thuật chuyển đổi một số bộ phận trên cơ thể.

Mặc dù người chuyển giới được các bệnh viện nước ngoài xác nhận đã chuyển giới thành công nhưng khi về lại Việt Nam thì việc thay đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân lại không thực hiện được hoặc việc thay đổi họ tên phù hợp với bề ngoài cũng còn rất “gian nan”.

Cứ tưởng chuyển giới thành công là bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời để được sống đúng với giới tính thật của mình, nhưng một số người lại rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” vì bề ngoài là nữ nhưng giấy tờ lại là nam hoặc ngược lại.

Trải qua 5 lần phẫu thuật với vô vàn đau đớn, V.H (32 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh) đã chuyển đổi giới tính thành công, có được thân hình nữ giới xinh đẹp. Thế nhưng, về nước, H cầm trên tay tờ giấy xác nhận của bệnh viện đã chuyển giới thành công đến cơ quan chức năng yêu cầu được chuyển đổi giới tính, nhưng đều bị từ chối. Thậm chí, cô muốn đổi tên sang nữ để phù hợp với ngoại hình cũng rất khó khăn. “Tôi đã có 1 tuổi thơ đầy nước mắt, bị bạn bè trêu chọc, xa lánh, bị bố mẹ chì chiết, bạo lực, ép thành một người đàn ông thực thụ, chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau vì giới tính của mình, rồi ly hôn… Tôi tưởng như mình gục ngã, không vượt qua được. Nhưng rồi, được một người chị vực dậy tinh thần, tôi đã qua Thái Lan chuyển đổi giới tính” – H nói.

Người chuyển giới gặp khó khăn, kỳ thị do...  thiếu luật? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, quản lý Chương trình hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm hỗ trợ Sáng kiến phát triển Cộng đồng (SCDI), hiện không có số liệu cụ thể về người chuyển giới ở Việt Nam. Nếu theo ước tính theo nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ người chuyển giới là từ 0.3% đến 0.5% dân số thì ước tính Việt Nam có khoảng 480.000 người chuyển giới.

Người chuyển giới gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống như: Bị kỳ thị và phân biệt đối xử, bị từ chối các cơ hội việc làm do kỳ thị và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới. Do đó, chỉ có một số ít người chuyển giới nữ được nhận vào các công ty hay cơ quan nhà nước, trong khi rất nhiều trong số họ phải hành nghề bán dâm. Nhiều phụ nữ chuyển giới trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục và bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, phụ nữ chuyển giới còn là nạn nhân của ép buộc tình dục và bạo lực tình dục... 

“So với các nhóm đồng tính nam, đồng tính nữ và song tính, người chuyển giới có khả năng bị từ chối cơ hội việc làm cao hơn gấp ba lần. Họ đồng thời bị phân biệt đối xử trong việc trả lương và tạo cơ hội thăng tiến. Ở trường học, học sinh là người chuyển giới bị ép mặc đồng phục mà họ không muốn mặc, họ bị giáo viên ép thay đổi kiểu tóc, giọng nói và hành vi cơ thể. Học sinh chuyển giới dễ dàng trở thành nạn nhân của bạo lực, bắt nạt học đường hơn cả. Hầu hết người chuyển giới cho biết họ gặp khó khăn trong việc sử dụng nhà vệ sinh công cộng…” – bà Nguyễn Thị Kim Dung cho biết.

Bên cạnh đó, người chuyển giới còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hầu hết các dịch vụ dành cho người chuyển giới hiện chưa được pháp luật cho phép, khiến cho việc đánh giá chất lượng và sự an toàn của các dịch vụ này rất khó khăn. Hiện ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có một vài trung tâm tư vấn hiện cung cấp dịch vụ dành cho khách hàng là người chuyển giới; tuy nhiên, chi phí cho các dịch vụ này thường rất cao. Hầu hết những người đã phẫu thuật cho biết họ gặp vấn đề với giấy tờ tùy thân do ngoại hình trở nên khác biệt so với hình ảnh trong các giấy tờ này…

Người chuyển giới gặp khó khăn, kỳ thị do...  thiếu luật? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cần được hỗ trợ về chính sách và khung pháp lý

Quyền được chuyển đổi giới tính đã được ghi nhận tại điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản luật chuyên ngành quy định chi tiết. Người chuyển giới tại Việt Nam vẫn phải đi nước ngoài để thực hiện các can thiệp y học để chuyển đổi giới tính hoặc thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bất hợp pháp tại Việt Nam. Từ đó gây ra nhiều hệ lụy về vấn đề sức khỏe, tính mạng. 

Bà Kim Dung cho rằng, cần thiết phải có Luật Chuyển đổi giới tính để người chuyển giới được thừa nhận một cách hợp pháp bản dạng giới của mình, từ đó tránh được sự kỳ thị và phân biệt dựa trên bản dạng giới. Điều này giúp họ có thể tiếp cận với y tế, giáo dục, việc làm và các dịch vụ thiết yếu khác, tránh các rủi ro về sức khỏe như đã nêu ở trên và có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

Hiện Bộ Y tế đang trong quá trình dự thảo hồ sơ xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính nhằm bảo đảm cho người có nhận diện giới khác giới tính hiện có được sống đúng với giới tính mà họ mong muốn; bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp và sự bình đẳng cho người chuyển đổi giới tính. Trên cơ sở tôn trọng sự đa dạng về giới và quyền con người, Luật Chuyển đổi giới tính sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch để hỗ trợ người chuyển giới có được cuộc sống như những công dân khác như được chăm sóc y tế, phẫu thuật chuyển đổi giới tính, thay đổi hộ tịch, hòa nhập với gia đình, cộng đồng và xã hội; tiến tới xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử, bạo lực...

Người chuyển giới gặp khó khăn, kỳ thị do...  thiếu luật? - ảnh 3

Tuy nhiên, bà Kim Dung cho rằng, khó khăn lớn nhất là dự thảo Luật chưa được Bộ Y tế trình Chính phủ và Quốc hội mặc dù đã gần 7 năm kể từ khi người chuyển đổi giới tính được thừa nhận vào năm 2015 trong Bộ luật Dân sự sửa đổi. Bên cạnh đó, hiểu biết của công chúng còn chưa đầy đủ về người chuyển giới nên có thể việc trình dự thảo Luật sẽ gặp phải những ý kiến trái chiều từ công chúng và các cơ quan, tổ chức. 

Thời gian qua, người chuyển giới và các tổ chức xã hội đã tham gia vào nhiều hoạt động; đóng góp có ý nghĩa vào Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính và các văn bản dưới luật, đảm bảo phản ánh được quyền và nhu cầu của người chuyển giới; thực hiện các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết của công chúng, báo chí, trường học… về đa dạng tính dục, quyền và nhu cầu hợp pháp của người chuyển giới; hỗ trợ và kết nối các đơn vị cung cấp dịch vụ về tâm lý, y tế và pháp lý, giúp họ chuẩn bị cho việc cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu cộng đồng ngay sau khi Luật được ban hành; hỗ trợ các trường Đại học, giúp họ nâng cao hiểu biết về đa dạng tính dục, về người chuyển giới và từ đó lồng ghép vào trong chương trình giảng dạy…

“Chúng tôi mong dự thảo Luật được trình càng sớm càng tốt để người chuyển đổi giới tính dược thừa nhận một cách chính thức về mặt pháp luật, từ đó tiếp cận được với các dịch vụ y tế, pháp lý và tâm lý cũng như các dịch vụ thiết yếu khác theo nhu cầu. Người chuyển giới đang mong muốn các điểm mới trong dự thảo nhận được sự ủng hộ của công chúng, mong muốn Dự thảo tiếp tục lấy ý kiến của cộng đồng và được trình vào kỳ họp Quốc hội tháng 10 năm 2022 hoặc năm 2023” – bà Kim Dung hy vọng.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.