Người đàn bà đang yêu

NGUYỄN THỊ THIỆN
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Có lẽ mai sau sẽ tự cười mình
Đa cảm thế làm sao sống nổi
Đau nỗi đau của người cùng giới
Buồn cái buồn của người đàn bà đang yêu
Giữa mênh mông tuyết trắng một chiều
Tôi sững sờ nghe bài hát ấy
Giọng nữ ca sỹ ôi sao tha thiết vậy
Để phụ nữ các màu da rưng rưng
Sao không phải là các cô gái trắng trong
Hát với tình yêu đầu mới mẻ
Người đàn bà đang yêu kia cũng đã từng làm mẹ
Đã từng bị bỏ rơi, đã từng bị dối lừa
Nhưng bài hát về tình yêu kia vẫn rất thiết tha
"Người đàn bà đang yêu" do một người đang yêu hát
Tôi nhìn trong long lanh khóe mắt
Những giọt lệ chứa chan, hạnh phúc dâng trào
Giọng nữ ca sĩ bất ngờ vút cao
Nơi ấy có phải người đàn bà đang yêu đã gặp người mình yêu nhất
Hạnh phúc không chỉ dừng ở nỗi niềm khao khát 
Hạnh phúc không viển vông, hạnh phúc chẳng dễ tìm!
Như con chim Khảm Khắc kêu hoài
Đốt cháy cả một thời trẻ dại
Người đàn bà nuôi con, người đàn bà gặt hái
Người đàn bà lại yêu sau những đau khổ của mình.

                                                                  Matxcơva đêm 29/1/86
                                                                  Nguyễn Thị Hồng Ngát

Người đàn bà đang yêu - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

LỜI BÌNH:
Bài thơ “Người đàn bà đang yêu”  của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát ra đời sau khi cuộc hôn nhân lần đầu của chị bị đổ vỡ. Vừa chia tay người chồng đầu tiên xong, chị đành xa các con, gửi con cho bà nội các cháu chăm sóc giúp vì có giấy triệu tập đi học ở nước ngoài – Liên Xô (cũ). Cuộc sống chật vật khiến chị không lúc nào quên việc phải tranh thủ đi làm thêm lấy tiền gửi về nhà nuôi ba con nhỏ đang trứng gà trứng vịt. Thời điểm ấy là tháng 1/1986, cuộc sống của dân mình, nhất là cán bộ công chức còn đầy gian nan thiếu thốn. Thơ ra đời trong hoàn cảnh ấy, tâm trạng của chủ thể trữ tình hẳn sẽ “như con chim sau lần bị nạn sợ cành cây cong”, dễ  bi quan, buồn chán. Vậy mà, như chính tác giả tâm sự: Hồng Ngát đã từng nghe một lần bài “Women in love” (Người đàn bà đang yêu) qua băng đĩa ở Việt Nam, chị đã rất thích. Đến Matxcơva, giữa mênh mông tuyết trắng của đất nước Lê-nin vĩ đại, chị được nghe trực tiếp ca sỹ nước ngoài trình bày nên càng ngấm hơn giai điệu và ca từ tuyệt vời của bài hát. Nhạc phẩm đã gợi hứng cho bài thơ cùng tên của chị ra đời để lan tỏa đến với mọi người. 

Thi phẩm mở đầu thật bất ngờ, khơi gợi tâm thế độc thoại. Nhà thơ tự hỏi mình về sự đa cảm và nỗi đau buồn “Có lẽ mai sau sẽ tự cười mình/ Đa cảm thế làm sao sống nổi/  Đau nỗi đau của người cùng giới/ Buồn nỗi buồn của người đàn bà đang yêu”. Thiên về tự sự, nhà thơ giới thiệu rõ hoàn cảnh không gian cảm nhận giọng ca và bài hát “Giữa mênh mông tuyết trắng một chiều/ Tôi sững sờ nghe bài hát ấy/ Giọng nữ ca sỹ ôi sao tha thiết vậy/ Để phụ nữ các màu da rưng rưng”. Âm nhạc là loại hình nghệ thuật có quyền năng tuyệt vời, là nhịp cầu kết nối kỳ diệu, vượt qua mọi rào cản về địa lý, chủng tộc và ngôn ngữ để nhân loại gần nhau, khiến mọi trái tim người nghe đều “rưng rưng” xúc động cùng  bài hát.

Điều kỳ lạ ở chỗ, thông thường  phải là “Thầy giáo già, con hát trẻ” mới được đề cao và coi trọng, nhưng ca sỹ trình bày nhạc phẩm ở đây “không phải là các cô gái trắng trong/ Hát với tình yêu đầu mới mẻ” mà  lại là “Người đàn bà đang yêu kia cũng đã từng làm mẹ / Đã từng bị bỏ rơi, đã từng bị dối lừa”. Như con tằm chăm chỉ nhả tơ vàng óng, chỉ có vốn sống phong phú là sự trải nghiệm từ chính cuộc đời mình, ca sỹ mới thể hiện bài hát giàu xúc cảm và đến được trái tim người nghe. Lời thơ và ca từ cùng giai điệu của bài hát có sự gặp gỡ và cộng hưởng kỳ diệu: “Nhưng bài hát về tình yêu kia vẫn rất thiết tha/ "Người đàn bà đang yêu" do một người đang yêu hát/ Tôi nhìn trong long lanh khóe mắt/ Những giọt lệ chứa chan, hạnh phúc dâng trào”.

Cao trào cảm xúc trong lời hát của ca sỹ đã gặp gỡ cùng sự thăng hoa xúc cảm của người nghe tạo nên sự cộng hưởng của những tâm hồn đồng điệu: “Giọng nữ ca sĩ bất ngờ vút cao/ Nơi ấy có phải người đàn bà đang yêu đã gặp người mình yêu nhất/ Hạnh phúc không chỉ dừng ở nỗi niềm khao khát/ Hạnh phúc không viển vông, hạnh phúc chẳng dễ tìm!”. Những câu thơ thăng hoa trong niềm cảm xúc bay bổng tràn đầy thi hứng lãng mạn cho thấy có sự gặp gỡ tâm hồn giữa tác giả bài hát, ca sỹ và nhà thơ. Quả là duyên kỳ ngộ! Ở đời mấy khi có được những giờ phút hạnh phúc tuyệt vời như thế? Tâm hồn con người như được thanh lọc cho trong sạch hơn để sống có ý nghĩa hơn. Khổ thơ cuối của bài, nhà thơ mượn tiếng kêu của đôi chim Khảm Khắc - con trống và con mái luôn đi tìm bạn cho có đôi -  tha thiết gọi nhau giữa sâu thẳm rừng đêm, tác giả kết thúc ở nỗi buồn lắng đọng suy tư về tình yêu và nhân thế: “Như con chim Khảm Khắc kêu hoài/ Đốt cháy cả một thời trẻ dại/ Người đàn bà nuôi con, người đàn bà gặt hái/ Người đàn bà lại yêu sau những đau khổ của mình”. 

Khổ thơ nói riêng và cả bài thơ đã cho thấy chủ thể trữ tình tuy đã gặp phải  những sóng gió, thác ghềnh trong hôn nhân nhưng tâm hồn vẫn khao khát một tình yêu đích thực, vẫn tràn đầy niềm tin ở tương lai. Thông điệp của nhà thơ muốn gửi tới mọi người qua bài thơ là: Cuộc đời sẽ còn nhiều điều tốt đẹp nếu chúng ta biết bỏ qua quá khứ buồn đau, biết yêu thương, chắt chiu, nhen nhóm, gìn giữ tình yêu từ những điều nhỏ nhoi, bình dị cho dù đã có những đổ vỡ. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.