Người dưng

Chia sẻ

Người dưng ơi, tôi gọi em như vậy
Nghĩa vợ chồng, em chẳng phải của tôi
Có chăng là chung một góc nhỏ thôi
Trong thẳm sâu ta đang cùng gìn giữ

Người dưng ơi, chưa bao giờ ta hứa
Đi cùng nhau cho tới tận lúc già
Nhưng ta biết những ngày tháng đã qua
Cùng hiểu hơn nghĩa của từ hạnh phúc.

Người dưng ơi, có điều này rất thật
Hình như là ta đã rất cần nhau
Chẳng nghĩ dài đến mãi những ngày sau
Hôm nay thôi ta đang là tri kỷ

Ngươi dưng ơi, đã cần nhau ta nghĩ
Sống vì nhau hơn cả sống cho nhau
Những đêm dài có khoảng cách nào đâu
Vẫn trong nhau dù hai đầu thao thức

Người dưng ơi, chỉ mấy ngày không gặp
Đã cồn cào như cái thuở đôi mươi
Có phải chăng không thể thiếu một người
Ta gọi là nửa của mình duyên đến

Người dưng ơi, chẳng có gì vĩnh viễn
Có được nhau, ta đã có đủ đầy
Giữa cuộc đời bề bộn những mượn vay
Ta nợ nhau một chữ tình thầm lắng

Người dưng ơi, chuyện của trời mưa nắng
Còn buồn vui là câu chuyện của mình
Ta trao nhau đầy đặn một chữ tình
Chỉ thế thôi, ta làm đôi tri kỷ

Người dưng ơi, nhiều đêm rồi tôi nghĩ
Dù thế nào, em vẫn chỉ người dưng
Nhưng trót rồi...
Tôi đang rất yêu em...
                                                       Lê Hoàng

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

LỜI BÌNH:
Trong cuộc đời mỗi người hình như đều từng gặp và từng nhớ đến một “người dưng” nào đó. Đó là người chẳng phải vợ chồng, chưa đến độ tình nhân thắm thiết, bâng quơ, dửng dưng mà lại sâu sắc, gây ấn tượng trong lòng nhau. Hẳn thế mà đã rất nhiều thi phẩm ra đời xoay quanh nhân vật trữ tình này. Nào là những: Người dưng của Y Phương; Người dưng của Lê Huy Mậu; Xin làm người dưng của Nguyễn Hà… Nhưng Người dưng của tác giả Lê Hoàng thật khác:

Người dưng ơi, tôi gọi em như vậy
Nghĩa vợ chồng, em chẳng phải của tôi
Có chăng là chung một góc nhỏ thôi
Trong thẳm sâu ta đang cùng gìn giữ

“Góc nhỏ” mà hai người “đang cùng gìn giữ” chính là “góc mật” mở ra câu chuyện thú vị trong bài thơ này. Suốt hành trình tám khổ thơ, tác giả đều mở đầu bằng một tiếng gọi tha thiết: “Người dưng ơi”- tiếng gọi vang lên trong tâm tưởng, mà cũng chính là nói với lòng mình. Chúng ta hãy cùng cảm nhận, đầu tiên là: “Người dưng ơi, chưa bao giờ ta hứa/ Đi cùng nhau cho tới tận lúc già”. Lời hứa hẹn chưa từng được thốt lên nhưng cùng thấu hiểu hơn về hạnh phúc. Một hạnh phúc âm thầm mà chỉ hai người thấu hiểu. Và rồi, người đàn ông đã phải thú thật:

Người dưng ơi, có điều này rất thật
Hình như là ta đã rất cần nhau
Chẳng nghĩ dài đến mãi những ngày sau
Hôm nay thôi ta đang là tri kỷ.

Một khoảng cách ngỡ xa xôi bất chợt được rút ngắn lại thành người “tri kỷ”, dù chỉ “như là” rất gần nhau nhưng đã cảm thấy ấm áp, bồi hồi. Bởi thế, tác giả đã tìm ra một chân lý trong tình cảm khó gọi tên:

Người dưng ơi, đã cần nhau ta nghĩ
Sống vì nhau hơn cả sống cho nhau
Những đêm dài có khoảng cách nào đâu
Vẫn trong nhau dù hai đầu thao thức

Cùng thao thức, cùng suy tư về một tình cảm kín đáo và bí mật. Câu thơ gợi cho chúng ta nghĩ đến một tình cảm éo le, ngang trái. Để rồi, chỉ vừa mới hôm nào không gặp đã thấy nhớ thương: “Người dưng ơi, chỉ mấy ngày không gặp/ Đã cồn cào như cái thuở đôi mươi”. Những cảm xúc như tuổi đôi mươi lại trở về đằm thắm, thiết tha…

Mọi cảm xúc cứ trôi đi như thế, những tưởng sẽ còn lãng đãng, phiêu du nhưng đến khổ kết thật bất ngờ:

Người dưng ơi, nhiều đêm rồi tôi nghĩ
Dù thế nào, em vẫn chỉ người dưng
Nhưng trót rồi...
Tôi đang rất yêu em...

Vừa mới đây thôi còn người dưng nhưng rồi người con trai đã thú nhận bằng một chữ “yêu”. Chữ “yêu” ấy làm sáng lên cả bài thơ. Tình yêu muôn màu và chưa bao giờ xưa cũ dù ở vào độ tuổi nào.

V.P

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.