Nhà giáo, nghệ sĩ nhân dân Thái Thị Liên:

Người mẹ của những thanh âm vĩ đại

Đào Vũ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cuộc đời của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nhà giáo Nhân dân (NGND) Thái Thị Liên, mẹ NSND Đặng Thái Sơn, được kể như một huyền thoại với những ly kỳ của số phận, sự hồn nhiên nghệ sĩ và trái tim người mẹ Việt vĩ đại.

Bà vừa tạm biệt cõi nhân gian để dạo bước phong vân theo tiếng đàn ở cõi thiên thai ở tuổi 106. 

Cuộc đời truân chuyên của nữ nghệ sĩ tài năng 

NSND Thái Thị Liên sinh năm 1918 trong một gia đình danh giá có 7 người con tại Chợ Lớn (Sài Gòn xưa). Bà đã làm quen với cây đàn piano từ lúc 4 tuổi và sang Pháp du học, thi đỗ vào trường Conservatoire Paris. Tại Pháp, bà gia nhập Liên đoàn phụ nữ Dân chủ thế giới.

Những ngày ở Pháp, bà đã gặp và kết hôn với ông Trần Ngọc Danh, lúc đó là Trưởng đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Pháp. Ông Trần Ngọc Danh - đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên - từng tốt nghiệp Đại học Phương Đông (Liên Xô cũ) chính là em ruột của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. 

Năm 1948, bà Thái Thị Liên theo chồng chuyển đến sống tại Praha (Tiệp Khắc cũ). Bà là người Việt Nam đầu tiên có bằng đại học tại Nhạc viện danh tiếng Praha. Sau khi sinh con gái đầu lòng Trần Thu Hà (sinh năm 1949), bà cùng chồng về sống ở chiến khu Việt Bắc.

Bà dạy ký xướng âm cho đoàn văn nghệ, đôi khi chỉ huy dàn hợp xướng. Chồng bà, ông Trần Ngọc Danh nhà cách mạng lão thành - nhiều năm bị thực dân Pháp bắt đi tù ở Côn Đảo qua đời vì bệnh lao khi bà mang thai đứa con thứ hai là Trần Thanh Bình.

Rồi bà sinh con vào những ngày mùa xuân, cũng lầm lũi một mình khi người bệnh đều được gia đình đón rời nhà thương về nhà đón Tết. Riêng bà, một nách hai con, một mình tự vui buồn gắng gượng.

Người mẹ của những thanh âm vĩ đại - ảnh 1
NSND Thái Thị Liên bên phím đàn ở tuổi 100

Nghệ sĩ Thái Thị Liên cùng nhạc sỹ Lưu Hữu Phước là những nghệ sĩ sang Thượng Hải thu thanh những đĩa nhạc đầu tiên của Việt Nam. Năm 1955, bà cùng 7 nghệ sĩ (Tạ Phước, Lê Yên, Tô Vũ, Doãn Mẫn, Vũ Đức Tuân…) lập nên trường âm nhạc Việt Nam (Sau này là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Bà trở thành Chủ nhiệm khoa Piano đầu tiên của Nhạc viện cho đến khi nghỉ hưu (năm 1980). Bà cũng là một trong những người đầu tiên có mặt ở Đoàn Ca múa nhạc Nhân dân Trung ương (tiền thân của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam).

Sau khi chồng chết, bà đến với nhà thơ Đặng Đình Hưng trong lúc cả hai đều đã có con riêng. Họ gắn bó với nhau bằng sự thấu hiểu của hai con người cùng chung một số phận của sự đứt gãy. Lúc đầu, bà định không sinh thêm con để có thể toàn tâm, toàn ý chăm sóc cho con cái riêng của hai người. Nhưng, bằng sự động viên của ông Đặng Đình Hưng, bà sinh thêm Đặng Thái Sơn năm 1958. Bà đã hết mình chăm lo, nuôi nấng, dạy dỗ ba người con của mình và người con riêng của nhạc sỹ Đặng Đình Hưng. Sau này cả Trần Thu Hà, Đặng Thái Sơn và Đặng Hồng Quang (người con riêng của nhạc sỹ Đặng Đình Hưng) đều trở thành những nghệ sỹ Piano nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.

Thế nhưng, cuộc hôn nhân như một con sóng biển. Một ngày kia bỗng xáo động mạnh mẽ bởi vì tính cách có quá nhiều điểm khác biệt. Đấy là NSND Đặng Thái Sơn kể vậy. Nhưng, ông cũng không quên nói rằng, trong sự đứt gãy đó, có lý do để hợp thức điều kiện cho ông đi du học Liên Xô. Với một người phụ nữ đã nếm trải dở dang lại có những đứa con, có lẽ, bà Liên đã phải nuốt nước mắt, hy sinh để mang đến cho con cơ hội tốt nhất. Cho đến bây giờ, NSND Đặng Thái Sơn vẫn nhớ như in tờ giấy ly hôn của cha mẹ năm 1976 với số tài sản ít ỏi không đủ để chia cho nhau. Nhưng thể hiện rất rõ nội dung bà có trách nhiệm nuôi dưỡng con trai Đặng Thái Sơn. 

Người mẹ của những thanh âm vĩ đại - ảnh 2
Các thế hệ học trò trường nhạc mừng thọ nghệ sĩ, Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên. Ảnh: Từ Ngọc Lang

Người mẹ vĩ đại của những đứa con tài năng

Là một nghệ sĩ tài danh nhưng theo lời kể của NSND Đặng Thái Sơn, bà Thái Thị Liên đại diện của sự ngây thơ với đời sống. Nhưng cũng hết sức can trường. Khi chồng “gặp nạn” nhân văn giai phẩm, gia đình rơi vào khó khăn, ông Đặng Đình Hưng mất việc, bà chính là người gồng gánh nuôi con, động viên chồng bằng đồng lương ít ỏi. Bà là con số không tròn trĩnh về mặt giao tiếp xã hội. Dường như, tinh hoa đều dành hết cho nghệ thuật và chăm sóc con cái. Yêu thương và cần mẫn. Sau khi ly hôn, bà trở lại Sài Gòn với suy nghĩ trở về với quê hương, nơi người dân sống hiền lành và hào hiệp, không một than phiền hay đòi hòi.

Tuy nhiên, ngày trở lại bà phải sống nhờ nhà của người bạn thời thơ ấu trong nhiều năm, nuôi con bằng đồng lương giáo viên dạy nhạc ít ỏi. Trong sự khó khăn ấy, bà vẫn luôn dạy các con tình yêu với nghệ thuật. Nhưng không áp đặt lên sở nguyện của các con, chỉ có một định hướng, đã theo là phải chăm chỉ và phải là người giỏi. 

Kể về mẹ, TS Trần Thanh Bình nói, "Mẹ tôi là một người Tây học hoàn toàn, nhưng từ nhỏ đã được nuôi dưỡng trong một gia đình truyền thống nên rất am hiểu truyền thống của người Việt Nam. Mẹ tôi là người yêu thích nghệ thuật phương Tây, khuyến khích các con tình yêu nghệ thuật, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, bà dạy chúng tôi cách thức làm người sống ngay thẳng, khí khái, đàng hoàng, trung thực, biết thương người, tránh xa mọi bon chen, xa lạ với mọi sự phù phiếm”. 

Người mẹ của những thanh âm vĩ đại - ảnh 3
NSND Thái Thị Liên và con trai NSND Đặng Thái Sơn

Mà cũng chẳng thể phù phiếm được khi mọi tình yêu, thời gian và tâm trí, người phụ nữ ấy đâu màng đến bản thân. Nói như NSND Đặng Thái Sơn, mẹ chính là người có ảnh hưởng lớn nhất đến con đường nghệ thuật của ông. Bà lặng lẽ đứng ở cạnh, uốn nắn và động viên, chỉnh cả tư thế ngồi trên ghế khi biểu diễn của con. Bà chính là người thầy đầu tiên của ông suốt 11 năm trước khi sang Liên Xô học. Từ khi 4 tuổi sang Ba Lan thi, mẹ đã theo ông để phiên dịch, uốn nắn. Suốt nhiều năm, bà Thái Thị Liên theo con trai rong ruổi khắp nơi trên thế giới, bên con trong các cuộc biểu diễn và đồng hành cùng con trong mọi mặt đời sống.

Cho đến khi bước sang tuổi 90, bà mới không chăm lo cho con từng bữa ăn và theo sát con trong những cuộc biểu diễn.

Trước đây, trả lời phỏng vấn một tờ báo, NSND Đặng Thái Sơn nói: "Trước đây, mẹ tôi đã giúp tôi rất nhiều, nhưng nay mẹ tôi đã ngoài chín mươi tuổi, nên mình phải biết làm nhiều thứ, thế nên tôi cũng biết đi chợ, mua các thức ăn, đồ uống… Mẹ tôi cũng là người rất thích nhạc Chopin, khi còn đi sơ tán trong những đêm yên tĩnh, trong bóng tối, mẹ tôi chơi đàn dưới ngọn đèn dầu, tôi nghe và yêu thích từ đấy.

Cho đến Concour Chopin năm 1970, mẹ tôi mới được mời làm khách tham dự, nhờ chuyến đi ấy của mẹ mà tôi mới có sách, có đĩa để học… Hai mẹ con chúng tôi luôn ở bên nhau, trong suốt quãng đời vừa qua của mình, cho đến giờ tôi mới chỉ xa mẹ một lần 3 năm khi tôi ở bên Nga…". 

Nghệ sĩ Thái Thị Liên gắn bó cả đời gắn với cây đàn, hạnh phúc và bi thương đều thầm thì kể với phím dương cầm. Trước khi mất, bà vẫn giữ thói quen chơi đàn hàng ngày. Ngón tay lướt trên bàn phím ở tuổi 100 vẫn khiến bao trái tim rung động. Năm 2020, khi đang ở tuổi 103, bà vẫn từ Canada cùng con về nước biểu diễn trong chương trình Quê hương mùa đoàn tụ.

Cuộc biểu diễn của hai thế hệ thiên tài để lại biết bao xúc động. Chỉ cách đây ít hôm, cháu ngoại của NSND Thái Thị Liên, nhạc sĩ Quốc Trung còn đăng ảnh gia đình sum vầy ngày Tết. Giờ bà đã là người tri thiên mệnh, kiêu hãnh bước đi vì di sản để lại cho đời đáng quý biết bao. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.