Người mẹ kế

Mai Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày Hòa sinh ra được 2 tháng thì mẹ đã qua đời vì mắc bệnh nặng. Bố Hòa sau gần 4 năm vất vả “gà trống nuôi con” đã đưa về một người phụ nữ và kêu Hòa gọi là mẹ, để từ đó cho đến sau này, mọi điều mà Hòa có được đều là nhờ một tay mẹ kế mang lại.

Hòa sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Theo lời kể của mọi người, thời điểm mẹ sinh Hòa khi đó cũng đã ngoài 30 tuổi. Khi mang thai Hòa mẹ đã bị mắc bệnh, song một phần vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, một phần mẹ muốn Hòa được an toàn, nên mẹ giấu bệnh không chữa trị. Đến khi sinh Hòa ra, sức khỏe của mẹ ngày càng giảm sút, rồi không thể gắng gượng, mẹ bỏ bố con Hòa ra đi. 

Giỗ vợ năm thứ 3 xong, thương con còn nhỏ dại, một mình vừa lo kinh tế, vừa chăm con gặp nhiều khó khăn nên bố Hòa nên duyên với một phụ nữ lỡ thì ở làng bên. Người đàn bà ấy cũng có gia cảnh khó khăn nên cảm thông với bố Hòa. Bà ít nói nhưng rất hiền hậu và tốt bụng, yêu thương, chăm sóc Hòa như con của mình bởi vì bà không còn khả năng sinh nở.

Vậy là từ ngày Hòa lên ba, vào mỗi mùa đông giá rét mẹ kế luôn dậy sớm và đem quần áo của Hòa sưởi ấm trên bếp lò để khi Hòa dậy sẽ có quần áo ấm mặc đi học. Mỗi đêm hè nóng bức, mẹ kế thức đêm quạt cho Hòa ngủ. Được mẹ kế chăm sóc yêu thương từ nhỏ nên Hòa không có cảm giác là ở cùng mẹ kế. Cho đến ngày Hòa lớn lên, dù Hòa gọi là mẹ nhưng mẹ kế tôn trọng sự riêng tư trong lòng của Hòa nên bảo Hòa gọi mẹ kế là dì và xưng con.

Người mẹ kế - ảnh 1
Ảnh minh họa

Cuộc sống êm đềm cứ thế trôi đi cho đến khi Hòa học lớp 6 thì bố Hòa qua đời sau khi phát hiện mắc ung thư gan. Suốt những năm sau đó, Hòa được mẹ kế nuôi dưỡng. Hòa nhớ hồi học lớp 9, có một lần theo đám bạn rủ rê, Hòa bỏ học cả tuần cho đến khi cô giáo chủ nhiệm mời phụ huynh lên gặp bà mới biết. Lần đó gặp cô giáo về, mẹ kế không mắng chửi Hòa, bà chỉ nhẹ nhàng nói với Hòa rằng: Trước khi mất, cha nói với dì hãy chăm sóc tốt cho con, vì vậy dì chỉ mong con hãy nghĩ đến người cha đã mất mà cố gắng sống cho nên người.

Từ đó, mẹ kế theo sát Hòa, ngày đi làm thì thôi, tối về nhà dù có mệt bà cũng ngồi bên Hòa để Hòa học bài. Những buổi họp phụ huynh, mẹ kế thường đến trường sớm, nói chuyện cùng cô chủ nhiệm tìm hiểu về tình hình học tập của Hòa. Bà còn gặp bạn học Hòa nhờ các bạn quan tâm, giúp đỡ Hòa. Nhờ sự chăm sóc, quan tâm của mẹ kế mà kết quả học tập của Hòa ngày càng tiến bộ.

Học hết cấp 3, Hòa dù đỗ vào trường kinh tế như mong muốn từ bé, song thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên Hòa định bỏ học đại học. Mẹ kế biết ý định của Hòa đã nổi giận mắng Hòa và bắt Hòa phải nhập học. Bà bảo: “Dì biết con nghĩ rằng dì không thể nuôi con ăn học.

Mong muốn lớn nhất của cha con là nhìn thấy con khôn lớn, vào được đại học, thành công trên đường đời. Giờ cha con không còn, dì sẽ thay cha con thực hiện tâm nguyện đó. Nếu có khả năng học tập, con hãy cố gắng chăm chỉ, đừng làm cha con trên trời phải thất vọng”.

Biết Hòa cần nhiều tiền để đóng học, trước ngày Hòa nhập học, mẹ kế đã bán hết đàn lợn và vay mượn thêm hàng xóm để Hòa đủ tiền đóng ngày nhập học. Sau đó, để lo cho Hòa yên tâm học hành, mẹ kế ở nhà ngoài trồng 1 mẫu ruộng còn nhận làm thêm đủ việc, ai thuê gì làm đó nhằm gia tăng thu nhập.

Ấy là sau này nghe hàng xóm kể chuyện Hòa mới biết, chứ khi đó chưa khi nào Hòa thấy bà phàn nàn về khoản tiền học mỗi khi cần phải nộp. Suốt những tháng năm học đại học, biết hoàn cảnh mình khó khăn nên ở thành phố ngoài thời gian đi học, Hòa cũng tranh thủ đi làm thêm vào lúc rảnh rỗi và làm việc vào những kỳ nghỉ.

4 năm học đại học vất vả cũng trôi qua. Ngày nhận bằng tốt nghiệp mẹ kế Hòa không thể lên chia vui vì đường xá quá xa xôi, đi lại khó khăn. Để có cơ hội việc làm và thu nhập tốt trong tương lai, Hòa đã quyết định vừa đi làm vừa đi học lên cao từ thạc sĩ rồi tiến sĩ. Khi chia sẻ điều này với mẹ kế, Hòa không ngờ và xúc động vì được bà rất ủng hộ.

Vừa đi học, vừa đi làm, nhà lại quá xa xôi, chi phí đi lại tốn kém nên suốt thời gian học thạc sĩ và tiến sĩ Hòa không về thăm nhà được lần nào, mà chỉ có thể gọi điện về. Song chính vì thế mà Hòa không biết rằng trong một lần đi làm thêm, bà bị ôtô đi ngược chiều tông phải, tai nạn xảy ra khiến bà thương nặng đến mức phải cắt mất 1 bên chân.

Dù rơi vào tình cảnh như vậy nhưng lần nào Hòa gọi điện về hỏi thăm, bà đều bảo bà sống tốt, dặn Hòa không phải về nhà cho vất vả và tốn kém, cứ yên tâm học, thiếu gì điện về bảo là được. Hàng tháng bà vẫn gửi thêm tiền cho Hòa, sau này Hòa mới biết đó là tiền bà được bồi thường sau lần bị tai nạn.

Người mẹ kế - ảnh 2
Ảnh minh họa

Trong suốt thời gian học thạc sĩ rồi tiến sĩ, dù đi làm thêm song vì bận học nên thu nhập từ làm thêm không đủ cho Hòa lo việc học hành. Vì vậy, hàng tháng Hòa vẫn phải xin tiền từ mẹ kế để hoàn thành việc học. Dịp nghỉ lễ năm ngoái, được nghỉ 7 ngày Hòa rất muốn về thăm nhà nhưng khi gọi điện thông báo, mẹ kế đã ngăn Hòa về nhà với lý do đường đi xa, đi lại tốn kém.

Không phụ lòng mong đợi của bà, sau khi hoàn thành chương trình học tiến sĩ, Hòa được giữ lại trường làm giảng viên với mức lương khá cao. Khi nhận được tháng lương đầu tiên, điều Hòa muốn làm ngay đó là chia sẻ niềm vui với người thân. Và với Hòa người thân chính là mẹ kế.

Hòa quyết định tạo bất ngờ cho mẹ kế nên lên đường về thăm nhà. Trải qua quãng đường gần 1.000km, về đến nhà đã nhá nhem tối, Hòa háo hức mở cổng chạy vào nhà. Nhà chưa bật điện nên tối và vắng tanh. Hòa chạy nhanh xuống bếp thì sững người lại, bàng hoàng bởi trước mắt là người mẹ kế đang ngồi trên xe lăn nấu cơm.

Mái tóc bà đã bạc hết và khuôn mặt đầy vết chân chim. Hòa không thể kìm được cảm xúc mà đã oà khóc như một đứa trẻ. Mẹ kế Hòa mỉm cười hiền hậu và nói: Không sao đâu con, mọi việc đã qua. Dì vui mừng vì con đã thành công. Chắc hẳn cha con trên cũng trời đang rất vui.

Biết ơn mẹ kế bao năm vất vả lo toan, Hòa quyết định đón bà lên thành phố ở với Hòa, song bà từ chối. Bà bảo ở quê quen rồi, hàng xóm thân thiết bà không muốn đến ở nơi lạ và làm gánh nặng cho Hòa. Vậy là Hòa dành toàn bộ số tiền tiết kiệm được để sửa lại căn nhà cũ cho mẹ kế. 

Những tháng sau đó, Hòa đều đặn gửi tiền về biếu mẹ và bảo bà không phải lo về kinh tế nữa. Hòa nghĩ, dù có biếu mẹ kế bao nhiêu tiền đi chăng nữa cũng là không đủ, bởi cả cuộc đời của bà đã dành trọn cho Hòa, yêu thương chăm sóc Hòa và thành công của Hòa hôm nay chính là mẹ kế đã mang lại cho Hòa.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.