Người phụ nữ cống hiến cuộc đời cho giáo dục Nhật Bản

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Là một phụ nữ có tư tưởng tiến bộ, bà Tsuda Umeko không chỉ mang tiếng Anh đến cho các thế hệ học sinh nữ Nhật Bản mà còn giúp họ tạo ra thu nhập bằng chính tri thức của mình.

Học bất cứ khi nào có thể

Sinh ngày 31/12/1864, bà Tsuda Umeko lớn lên trong gia đình làm nghề nông tại Edo, nay là thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Cha của bà, Tsuda Sen vốn là một viên quan trong chính quyền Mạc phủ nhưng sau cuộc cách mạng Minh Trị, ông bị tước chức vị, chuyển sang làm nghề khai hoang tại Hokkaido, hòn đảo phía Bắc Nhật Bản. Nhờ có sự giúp đỡ của cha, ngay từ năm 6 tuổi bà đã có cơ hội được đến thành phố San Francisco, Mỹ, sau 22 ngày lênh đênh trên biển.

Đặt chân đến nơi đất khách, bà Umeko chỉ biết duy nhất 3 từ “thank you” (cảm ơn), “yes” (có), “no” (không). Bất đồng ngôn ngữ đã khiến bà gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp và cuộc sống tại Mỹ. Quyết tâm vượt qua bằng sự chăm chỉ và nỗ lực luyện tập bất cứ khi nào có thể, bà đã thành thạo tiếng Anh. Điều này đã giúp Umeko học các môn học khác bằng tiếng Anh dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, bà còn học thêm các tiếng Latinh, Pháp, lĩnh vực tâm lý học và nghệ thuật mỗi khi rảnh rỗi.

Sau 11 năm, bà quay trở về quê hương Nhật Bản. Thời gian đầu, Umeko làm giáo viên tiếng Anh bán thời gian cho một trường phổ thông tại Edo. Sau đó, bà được ông Ito Hirobumi - sau này là Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản, thuê làm gia sư tiếng Anh cho các con gái. Mặc dù thông qua Hirobumi, Umeko được tiếp xúc với giới chính trị gia và làm quen với nhiều người đàn ông giàu có, quyền lực và địa vị xã hội.

Tuy nhiên, bà nhanh chóng cảm thấy sự bất công và thất vọng mạnh mẽ khi càng tiếp xúc với họ, bà càng nhận ra họ hoàn toàn không có sự tôn trọng đối với phụ nữ. Một trong những nguyên nhân chính khiến việc này xảy ra theo bà Umeko là phụ nữ Nhật Bản khi đó không có quyền được học tới cấp đại học. Bản thân bà cũng bị cản trở sự nghiệp vì điều đó.

Do vậy, Umeko quyết định quay trở lại Mỹ du học với học bổng bán phần tại trường Cao đẳng Bryn Mawr, trường cho nữ sinh lâu đời và có tiếng tại bang Philadelphia. Tại đây bà theo học chuyên ngành nghệ thuật và sinh học. 

Người phụ nữ cống hiến cuộc đời cho giáo dục Nhật Bản - ảnh 1
Chân dung bà Tsuda Umeko    Ảnh: Wiki

Nâng tầm phụ nữ thông qua giáo dục

Năm 1882, khi tròn 28 tuổi, bà tiếp tục quay trở về quê hương dạy tiếng Anh tại trường Peeresses. Tuy nhiên, Umeko còn mang trong mình hoài bão lớn lao hơn, đó là quyết tâm tìm cách nâng cao địa vị xã hội cho phụ nữ Nhật Bản thông qua giáo dục.

Vào thời điểm đó, ở xứ sở Mặt trời mọc chỉ có duy nhất một trường đại học dành cho nữ sinh do Chính phủ thành lập. Bà Umeko mong muốn có thêm trường đại học tư thục dành cho nữ dù phải đối mặt với nhiều trở ngại. Khó khăn lớn nhất nằm ở vấn đề tài chính do bà được trả lương thấp với lý do là phụ nữ. Bà đã phải làm thêm nhiều công việc khác để có thu nhập, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ bạn bè là những người có địa vị xã hội tại Nhật Bản và những người quen cũ tại Mỹ. Dù vấn đề tài chính đã được giải quyết, hàng loạt thách thức khác lại đe dọa giấc mơ của Umeko như nhu cầu giáo dục dành cho nữ giới và khả năng thu hút sinh viên tiềm năng rất thấp. Bên cạnh đó, Nhật Bản không có nhiều nữ giáo viên có năng lực do thiếu các cơ sở giáo dục dành riêng cho phụ nữ.

Sau nhiều trăn trở, cuối cùng, trường tư thục đầu tiên dành cho nữ sinh Nhật Bản - Joshi Eigaku Juku đã được khánh thành năm 1900 với mục tiêu giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ Anh cho phụ nữ. Bà Umeko đã dành trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục và nâng cao địa vị xã hội cho phụ nữ thông qua giáo dục. Bà không kết hôn và theo đuổi mục tiêu của mình cho đến năm 1929, bà qua đời, hưởng thọ 64 tuổi.

Nhằm vinh danh những cống hiến của bà đối với sự nghiệp giáo dục dành cho phụ nữ, trường Joshi Eigaku Juku đã được đổi tên thành trường Đại học Tsuda. Ngày nay, ngôi trường này vẫn là ngôi trường nổi tiếng tiên phong trong giáo dục phụ nữ tại xứ sở Mặt trời mọc. Nhờ sự cống hiến của bà Umeko cùng nhiều người phụ nữ tài giỏi khác, các thế hệ nữ sinh của trường đều gặt hái được nhiều thành công trong các lĩnh vực cần đến ngôn ngữ Anh và được nhận mức lương xứng đáng, vị thế và sức ảnh hưởng của phụ nữ trong xã hội Nhật Bản cũng từ đó được nâng cao.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.