Người phụ nữ đặt nền móng cho ngành khoa học khí hậu

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bà Eunice Newton Foote sinh ngày 17/7/1819, ở Goshen (Connecticut, Mỹ) là người phụ nữ tiên phong trong việc khám phá ra CO2 là nhân tố chính khiến Trái đất nóng lên, dẫn đến biến đổi khí hậu.

Sinh ra trong một gia đình nông dân, bà là một trong những thế hệ học sinh nữ đầu tiên ở Mỹ được học bài bản về khoa học ở Trường Troy Seminary - trường đầu tiên ở Mỹ dạy cho nữ sinh về các chương trình khoa học. Bà Eunice được biết đến là một nhà khoa học nghiệp dư.

Năm 1856, bà tiến hành nhiều nghiên cứu ảnh hưởng của bầu khí quyển đối với nhiệt độ của Trái đất. Ở thời điểm đó, bà đã thực hiện nghiên cứu chỉ bằng các công cụ đơn giản. Nhờ những kết quả thí nghiệm chính xác của mình, bà Eunice đã cô lập thành công các chất cấu thành trong bầu khí quyển Trái đất để rồi khám phá ra CO2 chính là loại khí sẽ thay đổi nhiệt độ thành nóng nhất dưới bức xạ mặt trời.

Khám phá của bà sau đó được công bố trên tạp chí Khoa học Hoa Kỳ vào năm 1856. Tuy nhiên, do những thành kiến giới mà hàng trăm năm sau nghiên cứu của bà mới được công nhận. Công lao cho khám phá này từng được trao cho Tiến sĩ John Tyndall (1820-1893), một nhà vật lý người Ireland. Ông công bố những phát hiện của mình vào năm 1861, giải thích bức xạ hấp thụ nhiệt như thế nào.

Người phụ nữ đặt nền móng cho ngành khoa học khí hậu - ảnh 1
Nhà khí tượng học Eunice Newton Foote. Ảnh: climate.gov

Phải đến tận năm 2011, giới khoa học mới chính thức công nhận các kết quả nghiên cứu của bà Eunice Newton Foote - được công bố 3 năm trước khi ông John Tyndall công bố báo cáo khoa học của mình. Năm 2010, một kỹ sư địa chất ở Oklahoma (Mỹ), ông Ray Sorenson tình cờ khám phá ra báo cáo của bà Eunice. Ông Sorenson đã viết một bài báo về phát hiện đặc biệt này, từ đó thu hút sự chú ý của công chúng về công lao của bà Eunice. Ông Sorenson lên án mạnh mẽ rằng, việc báo cáo khoa học của bà Eunice không được chính thức xuất bản và công nhận đã thể hiện rõ ràng sự phân biệt đối xử với nhà khoa học nữ ở thời điểm đó.

Ngoài ra ở thời đó, rất hiếm phụ nữ được bầu làm thành viên chính thức của Hiệp hội Vì sự tiến bộ của khoa học Mỹ (AAAS) và vai trò của phụ nữ đối với giới học giả vẫn còn khiêm tốn. Dù phải chịu nhiều bất lợi trong thời đại của mình nhưng niềm đam mê và nghiên cứu về vật lý của bà Eunice đã gây ấn tượng mạnh đối với giới khoa học hiện đại.

Những nỗ lực của bà cuối cùng đã được ghi nhận xứng đáng. Tháng 2/2019, Hội Khoa học Hoàng gia Anh đã công nhận Eunice Foote mới là người đầu tiên chứng minh thành công hiệu ứng khí nhà kính. Tháng 11/2019, thư viện của Trường Đại học UC Santa Barbara (một trong 10 trường của hệ thống Đại học California) đã trưng bày tài liệu, vinh danh công trình và di sản của bà, đồng thời tổ chức hội thảo trình bày và tuyên bố rằng bà chính là người đầu tiên đã khám phá ra: "CO2 là tác nhân chính của việc hấp thụ và phản chiếu sức nóng của Mặt trời trở lại Trái đất”.

Khoa học là một trong những lĩnh vực mà phụ nữ phải đấu tranh để được công nhận, và bà Eunice là một trong những người tiên phong. Một chuyên mục trên tạp chí Khoa học Hoa Kỳ số ra tháng 9 năm 1856 có tựa đề “Các quý bà khoa học - Thí nghiệm với khí ngưng tụ”, có đoạn: “Thật nực cười khi cho rằng phụ nữ không có đủ khả năng cần thiết cho việc nghiên cứu khoa học". Tác giả bài báo tiếp tục mô tả các thí nghiệm của bà và kết luận: "Các thí nghiệm của bà Eunice Foot chính là những bằng chứng đanh thép nhất về khả năng của người phụ nữ trong việc nghiên cứu thành công bất kỳ một lĩnh vực khoa học nào - một cách độc đáo và chính xác".

Bà Eunice mất ngày 30/9/1888. Năm 2018, một bộ phim ngắn về bà có tên “Eunice” đã được giới thiệu đến công chúng để tưởng nhớ những công lao to lớn của người phụ nữ đã đặt nền móng cho khoa học nghiên cứu biến đổi khí hậu.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đêm trăng suông

Đêm trăng suông

(PNTĐ) - Vừa bước xuống sân khấu, Diệp Linh nghe ai đó gọi tên mình, và một cánh tay giơ lên vẫy vẫy, Diệp Linh chưa kịp nhận ra ai thì cô nhận được cái bắt tay thật chặt, “Anh Nam đây! Lâu quá rồi! Anh vẫn nhận ra em, em không thay đổi mấy”.
Khống chế đòi nợ có vi phạm pháp luật?

Khống chế đòi nợ có vi phạm pháp luật?

(PNTĐ) -  Cháu tôi có vay nợ một khoản tiền, đến hạn nhưng chưa trả đủ. Vừa rồi, khi cháu đang đi trên đường thì bị chủ nợ cho người chặn đường lấy xe máy để trừ nợ. Xin hỏi hành vi trên của chủ nợ có bị xử lý theo quy định pháp luật không? Lê Hồng Khanh (Sóc Sơn, Hà Nội)