Người phụ nữ đấu tranh vì quyền giáo dục của phụ nữ Pakistan

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sinh ra trong một gia đình có tư tưởng tiến bộ, cô bé Malala Yousafzai ngay từ khi còn nhỏ đã có mơ ước trở thành người nâng tầm giáo dục cho phụ nữ ở Pakistan.

Biểu tượng toàn cầu

Malala Yousafzai sinh ngày 12/7/1997, là một nữ sinh đến từ thị xã Mingora ở huyện Swat, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan. Cô nổi tiếng bởi các hoạt động vì nữ quyền của mình, đặc biệt tại thung lũng Swat - nơi Taliban từng cấm nữ giới đi học.

Sự nghiệp của cô gái bắt đầu từ năm 11 tuổi. Khi đó, Malala thu hút sự chú ý của mọi người bằng cách tham gia viết cho BBC về cuộc sống của mình cũng như của phụ nữ Pakistan dưới chế độ Taliban hà khắc. Cô cũng đồng thời chia sẻ quan điểm của bản thân về xúc tiến giáo dục cho phụ nữ. Sau đó, một bộ phim tài liệu của New York Times về cuộc sống của cô khi quân đội Pakistan tiếp cận khu vực được công bố. Malala bắt đầu trở nên nổi tiếng, cô được phỏng vấn trên các báo in, truyền hình và còn được đề cử giải thưởng hòa bình trẻ em quốc tế bởi Desmond Tutu - nhà hoạt động đấu tranh cho nhân quyền gốc Nam Phi.

Quyết tâm đến trường và với niềm tin vững chắc vào quyền được học hành của mình, Malala đã đứng lên chống lại quân Taliban. Cùng với cha mình, Malala nhanh chóng trở thành người chỉ trích chiến thuật của họ. “Làm sao Taliban dám tước đi quyền giáo dục cơ bản của tôi?” cô ấy đã từng nói trên truyền hình Pakistan.

Người phụ nữ đấu tranh vì quyền giáo dục của phụ nữ Pakistan - ảnh 1
Malala Yousafzai nhận giải Nobel Hòa Bình 
năm 2014    Ảnh: rosie.org

Hoạt động đấu tranh vì quyền phụ nữ của Malala bị coi là chống lại Taliban. Do đó, vào ngày 9/10/2012, khi đang trên đường từ trường về nhà, hai tay súng cực đoan đã chặn xe buýt chở Malala và xả súng bắn vào đầu và cổ của cô. Những ngày sau cuộc tấn công, cô bất tỉnh và lâm vào tình trạng nguy kịch, sau đó Malala được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth ở Birmingham (Anh) để tiếp tục điều trị. Một nhóm gồm 50 giáo sĩ Hồi giáo ở Pakistan đã tuyên thệ sẽ chống lại những kẻ có ý định giết cô. Tuy nhiên, điều này cũng không thể ngăn cản ý đồ ám sát Malala và cha cô của Taliban. Vụ ám sát đã khiến Malala trở thành biểu tượng toàn cầu. Cả đất nước Pakistan phẫn nộ, ngày 12/10/2012, người dân cả nước Pakistan cùng xuống đường để cầu nguyện cho cô, làn sóng cầu nguyện cũng lan sang Afghanistan và các nước Hồi giáo khác. Chính phủ Hoa Kỳ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon, UNICEF, Quỹ Phụ nữ toàn cầu... đều lên án hành vi tàn bạo của Taliban. Bên cạnh đó, cựu thủ tướng Anh Gordon Brown còn phát động một đợt thỉnh nguyện cũng tại Liên hợp quốc, sử dụng thông điệp "I am Malala" (Tôi là Malala) để đề xuất cho đến cuối năm 2015, tất cả trẻ em trên toàn thế giới phải được đi học. Lời cầu nguyện của hàng ngàn người đã trở thành sự thật, Malala thoát khỏi lưỡi hái tử thần: "Tôi tỉnh dậy 10 ngày sau trong một bệnh viện ở Birmingham. Các bác sĩ và y tá đã nói với tôi về vụ tấn công và rằng, mọi người trên khắp thế giới đang cầu nguyện cho tôi bình phục", cô nói. Ngày 10/10/2014, Malala được công bố là người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2014, trở thành người đoạt giải Nobel trẻ nhất. Cô cũng trở thành người Pakistan thứ hai đoạt giải Nobel, sau Abdus Salam.

Tiếp tục tới khi mọi cô gái được đến trường

Sau nhiều tháng phẫu thuật và phục hồi chức năng, Malala đã cùng gia đình chuyển đến Vương quốc Anh. Cô cho biết đó là lúc bản thân cần phải lựa chọn: "Tôi có thể sống một cuộc đời bình lặng hoặc tôi có thể tận dụng tối đa cuộc sống mới mà tôi đã được ban cho. Tôi quyết tâm tiếp tục chiến đấu cho đến khi mọi cô gái đều được đến trường". Cùng với người cha - người luôn là đồng minh và nguồn cảm hứng, cô đã thành lập "Quỹ Malala". Quỹ là một tổ chức từ thiện với mục tiêu mang đến cho mọi cô gái cơ hội để đạt được tương lai mà cô ấy mong muốn. 

Cô bắt đầu học triết học, chính trị và kinh tế tại Đại học Oxford. Mỗi ngày Malala đều đấu tranh để đảm bảo rằng tất cả các bé gái đều nhận được 12 năm giáo dục miễn phí, an toàn và chất lượng. "Tôi đi đến nhiều quốc gia để gặp gỡ và truyền cảm hứng tới những người phụ nữ có ước mơ chống lại nghèo đói, chiến tranh, tảo hôn và phân biệt giới tính để được đến trường. Quỹ Malala đang làm việc để những câu chuyện của họ, cũng như của tôi, có thể được lắng nghe trên khắp thế giới", cô cho hay. Thông qua Mạng lưới Nhà vô địch Giáo dục của Quỹ Malala, cô đã đầu tư vào các hệ thống giáo dục và nhà hoạt động giáo dục ở các nước đang phát triển, đồng thời, buộc các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về những lời hứa của họ với trẻ em gái.

Malala khẳng định, cô sẽ chuyên tâm hơn bao giờ hết vào cuộc chiến giành quyền được giáo dục cho phụ nữ bởi theo cô, hiện nay, vẫn còn có tới hơn 130 triệu bé gái không được đến trường. "Tôi hy vọng bạn sẽ tham gia cuộc đấu tranh của tôi cho giáo dục và bình đẳng. Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra một thế giới, nơi tất cả các cô gái có thể học hỏi và lãnh đạo", Malala kêu gọi.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.