Người phụ nữ gốc Á đầu tiên một mình chinh phục Nam cực

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) -Preet Chandi, nữ sĩ quan quân đội Anh gốc Ấn Độ đã thực hiện thành công một trong những hành trình gian khổ nhất trên thế giới - tuyến đường trượt tuyết băng qua Nam Cực dài gần 1.200km. Với tổng thời gian 40 ngày, 7 giờ và 3 phút, chỉ kém kỷ lục thế giới hiện tại vài ngày, Preet Chandi đã trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên chinh phục thành công đường trượt tuyết Nam Cực khắc nghiệt.

"Kẻ phá vỡ quy tắc"

Sinh ra ở Derby (Anh) trong một gia đình nhập cư, Preet ngay từ năm 19 tuổi đã khiến nhiều người trong cộng đồng của cô phải chú ý khi quyết định gia nhập quân đội. Sau nhiều thử thách, cuối cùng, cô đã làm được. Preet được đào tạo về vật lý trị liệu và hiện đang là đội trưởng trong Quân đoàn Y tế Hoàng gia Anh. Cô từng có chuyến công tác tới Sudan trong đội hình Liên hợp quốc và từng làm việc ở Nepal.

Là bông hồng mang "tinh thần thép", Preet không bao giờ né tránh thử thách, bên cạnh vai trò là sĩ quan quân đội, cô còn là vận động viên siêu hạng và dày dạn kinh nghiệm. Năm 2019, Preet đã hoàn thành "Marathon des Sables" - chặng đua dài gần 266km băng qua sa mạc Sahara, được nhiều người coi là chặng đua khắc nghiệt nhất (và nóng nhất) trên Trái đất. Tuy nhiên với Preet, việc băng qua sa mạc nóng nhất thế giới chưa đủ khiến cô thỏa mãn.

Chandi nói với The Washington Post: “Tôi đã có lúc biết mình muốn làm một điều gì đó lớn lao, chỉ là tôi không biết điều đó sẽ xảy ra như thế nào. Tại một thời điểm nào đó, ai đó đã đề cập đến Nam Cực với tôi”. “Tôi cảm thấy vô cùng phấn khích khi được đến Nam Cực. Tôi có một cháu gái - Simran và tôi muốn chứng minh cho cháu rằng không có gì là phụ nữ không thể làm được”, Preet chia sẻ. Không chờ đợi, cô đã liên hệ với một công ty thám hiểm vùng cực, sau đó nhắn tin trên Instagram cho những người thám hiểm có kinh nghiệm để xin lời khuyên. Cô còn tiết lộ, khi biết ý tưởng này, gia đình và bạn bè đều phản đối và cho rằng cô "bị điên".

Người phụ nữ gốc Á đầu tiên một mình chinh phục Nam cực - ảnh 1
Preet Chandi đã lập kỷ lục thế giới mới về chuyến thám hiểm vùng cực dài nhất mà không có sự trợ giúp Ảnh: Washington Post

Dù bị phản đối nhưng cô vẫn quyết tâm theo đuổi giấc mơ chinh phục Nam Cực. Sau nhiều thử thách, cuối cùng cô đã hoàn thành quãng đường dài gần 1.200km. Preet chia sẻ: "Tôi quyết tâm phải thực hiện thành công hành trình này bởi Nam Cực không chỉ là một chuyến thám hiểm trong mơ đối với tôi. Hành trình này còn giúp tôi chứng minh rằng ai cũng đều có thể làm bất cứ điều gì họ muốn dù ở giới tính, xuất thân hay cộng đồng nào". Thành công của cô còn mang đến nhiều ý nghĩa trong bối cảnh phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ da màu nói chung và phụ nữ gốc Ấn nói riêng đang phải đối mặt với nhiều sự bất bình đẳng, bất công trong xã hội. "Màu da là một phần con người tôi, nó quan trọng nhưng nó không phải là điều duy nhất xác định tôi là ai", Preet quả quyết. 

Nỗ lực phi thường

Để có thể chinh phục hành trình dài khắc nghiệt như vậy, Preet đã phải tuân theo nhiều chế độ luyện tập nghiêm ngặt. Cô luyện tập sáu ngày một tuần để có được sức bền và sự dẻo dai. Bởi trong hành trình của mình, Preet không chỉ đi một mình, cô còn phải kéo theo "người bạn đồng hành" là một chiếc xe trượt tuyết nhỏ mang theo hành lý nặng tới 100kg, gồm lều được làm cho điều kiện địa cực và thực phẩm để cô có thể tồn tại trong điều kiện địa hình khắc nghiệt như vậy. 

Với điều kiện "mùa hè" ở Nam Cực, tuyết mỏng, nặng hơn cùng những cơn gió lên tới hàng trăm km/h đã khiến việc di chuyển chiếc xe chở hành lý của Preet càng trở nên khó khăn hơn. Những cơn gió thổi tuyết thành những đường gợn sóng làm nghiêng chiếc xe trượt tuyết, buộc cô phải dừng lại và lật chiếc xe chở hành lý trở lại thẳng đứng. Bên cạnh đó, Preet còn phải đối mặt với nguy cơ lở tuyết có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trải qua muôn vàn khó khăn, cuối cùng cô cũng hoàn thành chuyến đi của mình. Chuyến đi của Preet ngoài nhiệm vụ thám hiểm, cô còn gây quỹ, thu thập dữ liệu nhằm mục tiêu hỗ trợ nghiên cứu về cơ thể phụ nữ trong các bộ môn thể thao đòi hỏi sức bền và khám phá giới hạn về sức chịu đựng cũng như ý chí của con người. "Nếu một phụ nữ gốc Ấn Độ có thể làm được điều này, thì bất kỳ ai cũng có thể đạt được bất cứ điều gì họ muốn", Preet viết trên blog của mình. Quân đội Anh cho biết chuyến đi của Preet đã lập kỷ lục thế giới mới về chuyến thám hiểm vùng cực dài nhất mà không có sự trợ giúp.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.