Người phụ nữ hay… sợ

Hải Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cứ mỗi lần hàng xóm dọa: “Rồi có ngày chúng nó đuổi bà đi!”, là bà Thuận sợ lắm.

Vì thế, càng sợ, bà càng phải cố làm mình làm mẩy để chúng nó sợ lại mình. Thế là bà đòi về nhà riêng của mình, cách 20km, không ở với ông nữa. “Chúng mày gọi taxi cho tao đi, tao có tiền, có lương hưu nên không phải nhờ đứa nào hết!”.

Ông Vũ đang cắt thuốc, nhướng mắt lên, rồi khoát tay: “Kệ, để cho bà ấy đi đi!”. Xem ra ông bực lắm rồi.

Cảnh này đã quá quen thuộc, từ lúc bà Thuận về ở với ông Vũ. Bà Thuận đã ly hôn chồng, ở vậy nuôi con khôn lớn. Con cháu lớn khôn, đề huề, bà quen ông Vũ, vợ cũng đã mất được nhiều năm. Con cháu hai bên hết lòng ủng hộ, nhất là các con, các cháu ông Vũ, vì từ nay có bà về chăm ông thì quý quá.

Người phụ nữ hay… sợ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nhưng không hiểu nghe ai xui, mà bà Thuận cứ chăm chăm cho rằng, về đây làm “dì ghẻ” là kiểu gì bà cũng bị chúng nó không để yên. Gần bảy mươi rồi, nhưng bà biết dùng điện thoại thông minh, nên bao nhiêu chuyện dì ghẻ con chồng mà cộng đồng mạng dệt nên, bà đọc hết, càng đọc càng… hoảng. Mà cái tính người, không biết thì không lo, chứ biết rồi thì lúc nào cũng như trên đống lửa.

Bởi thế, mới sinh ra chuyện bà Thuận nhấm nha nhấm nhẳng, con cháu ông Vũ biếu cái gì cũng không ăn. Mua đúng sở thích của bà, bà cũng đành nuốt nước bọt mà… từ chối. Bà nghĩ: “Của biếu là của lo, với cả lấy của chúng nó, chúng nó lại nghĩ mình tham…”. Đấy, lúc nào bà cũng trăm phương ngàn kế ở trong đầu, nhưng kế hay đâu chả thấy, chỉ thấy ông Vũ luôn cũng bực mình vì “bà này hay nhỉ, già rồi mà như trẻ con ấy, thế có chịu ăn không thì bảo! Muốn ốm à?”.

Lại đến chuyện ốm. Bà Thuận có cái chân phải, cứ giở trời là nhưng nhức. Ông Vũ là thầy thuốc Đông y có tiếng, lúc nào cũng làm sẵn thuốc bóp cho bà. Bà Thuận mới hôm trước kêu bóp thuốc đỡ hẳn, thoải mái hết cả người, thì hôm nay thấy con cháu ông Vũ vào, lại kêu: “Tao ốm lắm! Tao mới dọn nhà, dọn bếp, lúi húi mãi làm cái chân đau quá!”. Ý là bà ra đây ở với ông, thì bà không ăn sẵn đâu, bà cũng chăm chỉ lắm. Tưởng sẽ nhận được lời khen của các con, thì chúng nó lại ngao ngán: “Ơ kìa chúng con phân nhau vào dọn cho ông bà mà…!”. Bà Thuận tiu nghỉu, tưởng chúng nó hỏi thăm mình ốm, ai dè…

Người phụ nữ hay… sợ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Kể cũng khổ. Bị “ám ảnh” chuyện mẹ ghẻ con chồng quá, mà bà Thuận không dám đón nhận sự yêu thương của các con chồng. Ông Vũ - chắc cũng hiểu tâm lý vợ, nhưng lắm lúc bà Thuận làm “lố” quá, ông không nói lại không được. Thế là bà vùng vằng đòi bỏ về nhà riêng. Lần nào bà đi ông cũng bảo: “Cho bà ấy đi luôn đi!”, nhưng chỉ được hôm trước hôm sau, ông lại sai con sai cháu đi đón bà về.

Cố tình làm mình làm mẩy là thế, nhưng trong thâm tâm, bà Thuận rất yêu thương các con, các cháu bên chồng. Từ một người phụ nữ hướng ngoại, thích đi chơi, hội hè, khi cô con dâu út sinh con, một tay bà chăm bẵm cả con lẫn cháu. Từ thay tã, bón cho cháu ăn, bà làm hết, khéo léo cực kỳ. Thấy con dâu xuýt xoa khen, bà lại nghiêm mặt, ra vẻ bực mình: “Thế mà hôm đẻ chẳng cho dì đón tay!”.

Ông Vũ lên cơn tai biến lúc bà Thuận đang bỏ về nhà riêng được mấy ngày rồi. Con cháu tề tựu đông đủ, xa gần cũng đã có mặt vì bác sỹ đã tiên lượng ông chỉ còn vài ngày nữa. Ấy thế mà trong lúc cả nhà tuyệt vọng, đã chuẩn bị đi đón bà về với ông lần cuối, thì bà chạy ù vào nhà, quáng quàng gọi ông. Thế mà ông tỉnh lại thật, rồi khỏe lại, diệu kỳ như chưa hề có gì luôn. 

Trong mắt con cháu, bà Thuận thật sự đã là một thành viên lớn trong gia đình. Nhưng người ngoài không thế. Thi thoảng đi chợ, người ta hay chê khéo, rằng bà già rồi, không hưởng phúc cho sướng đi còn đi chăm thêm một ông già nữa. Rồi người ta hoài nghi bà có “âm mưu” chiếm tài sản, nhà cửa của các con các cháu ông Vũ. Bà Thuận nghe được mà buồn quá, về nhà nằm bẹp, khóc sướt mướt đến phát ốm. Ông Vũ gặng hỏi, bà mới kể. Kể xong mệt quá mà thiếp đi. Ông Vũ buộc phải triệu tập con cháu đến để họp gia đình, nói rõ cho bà Thuận biết các con ông không bao giờ nghĩ thế cả. “Mà tôi có cho ai cái gì là quyền của tôi, ai chiếm được của tôi cái gì chứ!”. Con cháu, rồi chồng động viên mãi, bà mới tươi tỉnh lại phần nào, nhưng vẫn phải dặm thêm câu: “Đấy dì khổ lắm, làm gì có ý gì đâu mà đời nó đồn thế!”. Đến khổ, lúc nào bà cũng sợ người khác nghĩ xấu về mình!

Người phụ nữ hay… sợ - ảnh 3
Ảnh minh họa

Rồi bà Thuận bị lẫn. Tuổi già, ai rồi cũng sẽ đến cái lúc ấy, nhớ nhớ quên quên. Con mình thì bà quên, nhưng con cháu ông Vũ thì bà nhớ chẳng thiếu ai. Lúc nào con cháu đến chơi là bà kể vanh vách không thiếu một chuyện. Và bà cũng không xưng mình là “dì” nữa, cứ một “mẹ”, hai “mẹ” với các con. Người ta lại đồn, bà kiếm cớ, làm thế để làm thân với các con, nay mai còn chia chác… Bà biết, lại buồn rười rượi.

Bà Thuận tròn bảy mươi tuổi, con cháu lên kế hoạch tổ chức mừng thọ cho bà. Dự định là hai bên con cháu sẽ chung tay cùng làm cho bà một buổi lễ mừng thọ thật hoành tráng, để bà vui. Nhưng các con các cháu bên đằng bà Thuận lại không đồng ý, với lý do, bà đi lấy chồng rồi, thì các con cũng không cần thiết phải quan tâm quá như thế nữa. “Tục ở em nó vậy”, họ bảo với bên con cháu nhà ông Vũ. Buổi bàn bạc hôm ấy vì thế mà kéo dài rất lâu, bởi bỗng dưng phát sinh chuyện này, không ai biết phải xử lý thế nào cả. Trùng hợp là bà Thuận nghe được chuyện này, rồi nghĩ rằng con cháu không còn yêu thương, không còn xem mình ra gì nữa. Bà lẳng lặng gấp quần áo rồi bỏ đi. Lẫn rồi, bà chẳng nhớ nhà cũ của mình nữa. Nhân lúc con cháu không để ý, bà cứ thế đi, đến khi không biết đấy là đâu, mới có người nhận ra, báo tin cho con cháu đón bà về. Từ dạo ấy, bà cứ buồn buồn, chẳng thiết tha ăn uống.

Vì dịch bệnh, buổi lễ mừng thọ cứ phải hoãn đi hoãn lại, thành ra hàng xóm lại tưởng con cháu ông Vũ mặc kệ bà Thuận, cũng chỉ là phận dì ghẻ thôi mà. Hoãn đến hai lần, con trai cả ông Vũ mới quyết định không hoãn nữa, làm luôn. Ngày hôm ấy, thợ trang điểm được gọi đến để diện cho bà Thuận. Bà mặc áo dài đỏ, tươi tắn hơn mọi ngày vì thấy các cháu về đông đủ quá. Đến lúc khai mạc lễ mừng thọ, các con ông Vũ mang quà tặng bà, nhẹ nhàng nói: “Chúng con tặng mẹ, chúc mẹ sống lâu trăm tuổi!”. 

Bà Thuận ngỡ ngàng, những người đến dự cũng ngỡ ngàng, lần đầu tiên con chồng gọi mình là mẹ. Và con cháu bà cũng xúc động. Con trai cả bà Thuận nắm tay thật chặt con trai cả ông Vũ: “Chúng em cảm ơn các anh chị, vì đã cho mẹ em một tổ ấm thứ hai!”. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.