Người phụ nữ nào cũng cảm động khi chồng biết lo toan cho vợ con

Chia sẻ

Chàng trai ấy sinh năm 1987, đã có 1 vợ, hai con, da ngăm đen, nét mặt dạn dày sương gió, nhưng chân thật. Anh chạy xe máy gần 70 cây số để đến văn phòng tư vấn tâm lý – hôn nhân. Câu hỏi mà cậu ấy muốn tìm lời giải là: “Tại sao vợ cháu lại bỏ cháu lúc này? Tại sao bố mẹ vợ cháu lại nặng lời với cháu như vậy? Cháu có còn cơ hội hàn gắn gia đình không? Cháu không muốn tan vỡ gia đình, cháu thương và yêu các con cháu lắm!”.

Hai vợ chồng Thắng (tên chàng trai) quen và yêu nhau từ hồi cả hai còn học đại học. Cả hai cùng quê, nhưng gia đình nhà bạn gái sống ở thị trấn, còn chàng trai sinh ra và lớn lên ở một xã của huyện. Ra trường, hai bạn trẻ cưới nhau vì “bác sĩ bảo cưới”. Người vợ trẻ không chịu về sống ở nông thôn cùng bố mẹ chồng, nên họ cùng thuê một căn nhà nhỏ ở thị trấn, gần với nhà bố mẹ đẻ cô gái, để sinh sống.

Để lại người vợ trẻ đang bụng mang dạ chửa ở lại quê nhà, chàng trai xách ba lô lên đường, tìm kiếm việc làm. Là dân học trường xây dựng, chàng trai mơ ước một ngày mình trở thành “chủ thầu”, có thể nhận những công trình, tự mình tuyển thợ, tự chỉ đạo thi công… Cậu bảo chỉ có như thế may ra mới có đồng ra đồng vào gây dựng sự nghiệp và nuôi vợ, nuôi con, hỗ trợ bố mẹ ở quê. Nơi cậu đến đầu tiên là một thành phố lớn thứ hai miền Bắc, nơi có anh bạn học cùng đại học, gia đình khá giả. Gia đình anh bạn muốn thành lập công ty xây dựng cho con trai, nhưng họ không tin con họ đảm đương được chức “giám đốc”, nên muốn để cậu con trai là “ông chủ công ty”, còn mời Thắng làm “giám đốc”. Chưa một ngày đi làm, không một đồng vốn, với nhúm kiến thức sách vở và tấm bằng tốt nghiệp chỉ loại khá, bỗng chốc trở thành “giám đốc”, Thắng không thể tin nổi. Chàng trai gọi điện trao đổi, xin ý kiến vợ và bố mẹ vợ, nhận được sự khuyến khích, ủng hộ của cả nhà, chàng trai đồng ý thực hiện kế hoạch của gia đình nhà anh bạn học. Ngày khánh thành công ty, bố vợ Thắng cũng bắt xe đến chúc mừng, tặng hoa.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nói chuyện về hai năm làm giám đốc, Thắng khóc nấc. Thắng nói bị lừa, rằng mình dại dột, thiếu hiểu biết, lại ham hố chức tước nên bị người ta lợi dụng làm những điều không tốt, hậu quả cậu lại là người phải gánh. Cậu cũng nói giá mà cậu cứ chấp nhận đi làm kỹ sư xây dựng, làm thuê cho những chủ thầu có tiếng, lương của cậu chắc cũng không thấp, đủ tiền sống và nuôi vợ con. Vì sai đường, lạc lối, không có kinh nghiệm đàm phán, ký kết hợp đồng, quản lý nhân sự và tài chính, nên công ty đã “sập tiệm” sau 2 năm tồn tại. Hậu quả cậu mang một món nợ hơn nửa tỉ đồng. Thất bại trở về, vợ cậu giận, bố mẹ vợ không thèm nói nửa lời, còn bố mẹ đẻ ở quê không hề biết con trai mình đã từng là “giám đốc”, nay lại ôm một “cục nợ”. Thôi, thế cũng hay, cậu bảo nếu biết mọi chuyện xảy ra, bố mẹ cậu lại lo nghĩ, ốm thêm, mà chẳng giúp gì được...

Sau đổ vỡ làm ăn, Thắng lên đường Nam tiến. Đi rồi cậu mới biết vợ lại có thai đứa con thứ hai. Cậu nói với vợ “thông cảm cho anh”, rồi gọi điện nói khó nhờ vả bố mẹ vợ, “trăm sự nhờ bố mẹ cưu mang 3 mẹ con cô ấy giúp con”. Người vợ trả nhà thuê, dọn về ở cùng bố mẹ đẻ và gần như nương nhờ hoàn toàn vào ông bà ngoại.

Suốt năm năm đi làm công nhân cho các công ty ở phương Nam, chỉ để kiếm tiền trả món nợ của thời “làm giám đốc”. Gần đây cậu mới tích cóp được 700 triệu và trở lại quê nhà. Nhìn hai đứa con, cậu thương vợ, thương con, ân hận mình vô tích sự. Cậu cũng cảm ơn bố mẹ vợ và hứa từ nay sẽ chí thú làm ăn, cùng vợ xây dựng cuộc sống gia đình. Tuy có chút giận vì bao năm biền biệt, nhưng nay chồng về, người vợ cũng vui và trong mắt cô ánh nên những niềm hy vọng về một cuộc sống vợ chồng hạnh phúc trong bình dị.

Tuy nhiên, chàng trai kể: “Em lại mắc một sai lầm tiếp theo khác. Em muốn làm điều bất ngờ cho vợ, nên đi vay nóng của mấy người cho vay nặng lãi 200 triệu, để mua mảnh đất 900 triệu ở phố huyện. Em dự định một vài năm nữa làm ăn, đủ tiền, sẽ xây nhà riêng ở cho vợ con vui mừng. Hiện nay vợ con em vẫn ở với ông bà ngoại, còn em thì chạy đi chạy lại giữa hai bên nội – ngoại. Mua xong mảnh đất thì dịch Covid-19 tới, em không thể vào Nam, cũng không kiếm được việc làm, nên không có tiền sinh hoạt, cũng như đến ngày phải trả tiền vay thì phải khất lần mãi. Bên cho vay nghĩ em có ý định không trả nên tìm đến nhà doạ nạt, đòi đánh em. Thế là chuyện vỡ lở. Bố mẹ vợ và vợ em rất sốc, họ nghĩ em vướng vào lô đề, cờ bạc, vay nặng lãi, xã hội đen. Họ một mực đuổi em ra khỏi nhà, doạ sẽ ly hôn, không cho em trình bày sự việc. Em nhục nhã phải ra khỏi nhà, sau đó em không được gặp con, không liên lạc được với vợ vì cô ấy chặn số điện thoại của em. Em đến cổng nhà vợ van xin bố mẹ vợ cho em vào để em nói chuyện, họ kiên quyết không mở, nói bao giờ toà gọi thì ra toà, tha hồ gặp vợ con, chứ giờ thì không!”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Các chuyên viên tư vấn đã an ủi, động viên chàng trai, nhắc cậu ấy rằng mọi chuyện sẽ cần có thời gian, lúc này đang là giai đoạn sốc, gia đình vợ và vợ sẽ không tiếp nhận bất cứ câu chuyện nào. Cậu cũng cần phải nhận ra rằng thái độ bùng nổ của gia đình vợ và vợ cũng chỉ là “giọt nước tràn ly”, chứ thật ra họ đã thất vọng về cuộc sống hôn nhân của hai người từ lâu lắm rồi. Hãy đặt mình vào vị trí của họ sẽ hiểu và thông cảm hơn. Gần 7 năm, người vợ có chồng nhưng cũng như không. Người chồng không chia sẻ, giúp đỡ gì cho vợ, đã vậy còn đi xa biền biệt mấy năm trời. Giả sử không nhờ bên ngoại, làm sao ba mẹ con cô ấy sống được đến ngày hôm nay? Vợ chồng không sống bên nhau, không có chia sẻ, động viên, giúp đỡ, chăm sóc, lo lắng cho nhau, nên tình cảm ban đầu cũng mai một dần. Đành rằng chàng trai bị hoàn cảnh xô đẩy, vướng vào nợ nần và phải đi làm trả nợ, nhưng rõ ràng đã phải thú nhận mình là người chồng, người cha “vô tích sự”. Đặc biệt, vụ việc xảy ra gần nhất đã khiến họ hiểu lầm về chàng trai…

Hãy bình tĩnh, làm một số việc để “hạ hoả” cơn nóng giận của gia đình vợ. Chẳng hạn, nếu đã vay đâu đó đủ tiền trả nợ, vẫn giữ được mảnh đất giá 900 triệu, hãy gửi sổ đỏ, hợp đồng mua bán đất hay bất cứ giấy tờ gì có tên mình cho vợ và gia đình cô ấy biết rằng mình vay chút nợ vì việc này. Không nhắn tin, gọi điện được thì cứ viết thư cho vợ, nói rõ nỗi lòng mình. Xin lỗi vợ và gia đình vì những chuyện xảy ra trong quá khứ, chỉ cho họ thấy mình đang tu chí làm ăn dần dần, vạch ra con đường tương lai. Chẳng hạn, sẽ không đi xa nữa, sẽ đi làm công ty, làm công nhân hay bất cứ việc gì đó ở gần nhà, vừa có thu nhập, vừa có thời gian chăm sóc vợ con. Nhờ ông bà nội, ngoại trông coi, đưa đón con đi học, để vợ chồng cùng đi làm kiếm tiền. Tạm thời ở với ông bà ngoại, một thời gian nữa tích cóp, sẽ xây ngôi nhà riêng trên mảnh đất vừa mua.

Người phụ nữ nào cũng cảm động khi người chồng biết làm ăn, tính toán, lo toan cho vợ con. Việc mà bạn trai cần làm là hâm lại tình cảm vợ chồng. Không tức giận, không la lối lớn tiếng ở cửa nhà vợ, nhưng tỏ ra nhẫn nại, kiên trì đứng từ xa để được… nhìn thấy vợ, con. Khi người vợ đã bị chồng “chinh phục lại”, cô ấy sẽ có cách tác động tới bố mẹ mình. Còn hiện nay, cô ấy đang phụ thuộc bố mẹ, lại lo không biết tương lai sống ra sao với “một nách hai con”, nên bố mẹ nói gì cô ấy cũng phải nghe.

Trước khi chia tay các chuyên viên tư vấn, chàng trai nói: “Em cảm ơn các anh chị. Em sẽ cố gắng, dù khổ nhục thế nào em cũng sẽ cố gắng giữ cái gia đình nhỏ của em. Vợ em cũng thương em, nhưng cô ấy cũng vất vả quá lâu mà em không giúp được gì. Hai đứa con của em kháu khỉnh lắm, em sẽ cố gắng để không bị vợ ly hôn. Trong thời gian tới, nếu có điều gì cần tham khảo ý kiến, em xin phép được gọi điện thoại nhé, bởi không phải lúc nào em cũng có thể đến đây gặp các bác được…”.

Trong lòng, chúng tôi chỉ cầu mong chàng trai tốt nết, tử tế, nhưng không may mắn này sẽ không còn gặp những rắc rối, rủi ro nào trong cuộc sống nữa. Số phận thử thách bạn ấy như vậy là… đủ rồi!

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.