Người tiêu dùng cần cảnh giác với quảng cáo sản phẩm trên thương mại điện tử

Bài và ảnh: TUỆ LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sự bùng nổ kinh doanh trên thương mại điện tử đã khiến việc mua sắm sản phẩm hiện nay trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, với “ma trận” thật – giả lẫn lộn qua những lời quảng cáo trên các kênh bán hàng này, nếu không cẩn thận người tiêu dùng rất dễ mua nhầm hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.

“Nghề review” phát triển trên thương mại điện tử

“Nghề review” (đánh giá, nhận xét) sản phẩm nổi lên từ nhu cầu mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng. Khi đang đắn đo, muốn mua một sản phẩm nhưng chưa biết chất lượng thế nào, có phù hợp với bản thân hay không… người tiêu dùng tìm đến những video hay blog của những KOL, KOC có đánh giá về những sản phẩm đó để tham khảo, tìm hiểu cũng như mua sản phẩm. KOL (Key Opinion Leader) là những người có sức ảnh hưởng, dẫn dắt dư luận từ kiến thức chuyên môn của mình. Họ thường có lượng follower (người theo dõi) lớn trên mạng xã hội và những ý kiến của họ tạo được sự đồng tình cao từ các follower. Từ những KOL chuyên nghiệp, họ có thể phát triển thành KOC (Key Opinion Consumer) – những người trực tiếp sử dụng sản phẩm và review theo chính cảm nhận cá nhân, từ đó có sức ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng cũng như marketing sản phẩm.

Với tốc độ tăng trưởng người dùng internet hằng năm khoảng 10% (tương đương 6,2 triệu người) và lượt người dùng mạng xã hội tăng 9,6% (5,7 triệu người), Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thế hệ đại diện thương hiệu mới – những người review sản phẩm. Còn theo hãng nghiên cứu thị trường Statista, tổng giá trị ngành marketing toàn cầu do KOL mang lại dự báo sẽ đạt hơn 24,1 tỉ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm khoảng 32%. Tại Việt Nam, Statista ước tính trong năm 2023, KOL sẽ tạo ra 75,9 triệu USD từ sức ảnh hưởng của họ. Con số này vào năm 2027 là 117,8 triệu USD với tốc độ tăng trưởng kép khoảng 11,62%.

Người tiêu dùng cần cảnh giác với quảng cáo sản phẩm trên thương mại điện tử - ảnh 1
Hãng mỹ phẩm M.A.C Cosmetics Vietnam đưa ra cảnh báo về quảng cáo hàng giả

Những người review (reviewer) này có thể lựa chọn nhiều sản phẩm để trải nghiệm và đánh giá như các mặt hàng về thời trang, mỹ phẩm, ẩm thực… thậm chí là một dịch vụ được nhiều người quan tâm. Hiện nay, các reviewer thường trực tiếp mua hàng tại các sàn thương mại điện tử như: Tiki, shopee, lazada, facebook… Sau đó đánh giá sản phẩm và gắn link sản phẩm đó để người dùng có thể tham khảo và mua sản phẩm này. Tại một báo cáo mới đây của lazada về thị trường Việt Nam, nhà bán lẻ trực tuyến này cũng nhận định nội dung cho người dùng sáng tạo sẽ trở nên “quyền lực” hơn bao giờ hết trong tương lai. Theo đó, bên cạnh hình thức bán hàng thông qua livestream (phát trực tiếp), dạng bài đánh giá, video ngắn review sản phẩm trên các trang mạng xã hội sẽ ngày càng phổ biến.

Ví dụ, khi mua sắm trên nền tảng TikTok, giờ đây không phải tìm tòi ở nhiều trang website hay xem nhiều video review (đánh giá, nhận xét) để nắm được thông tin về sản phẩm đang tìm kiếm. Bằng hình thức trực quan nhất, TikTok giúp khách hàng tìm thấy kết quả ngay và luôn chỉ với thao tác tìm kiếm đơn giản qua các video review ngắn 15 giây, thậm chí review chi tiết tối đa lên đến 3 phút/video và có thể mua hàng ngay trên nền tảng sau khi xem những video review đó. Nhờ các reviewer, khách hàng nhìn thấy hiệu quả sau khi sử dụng các loại mỹ phẩm một cách chân thực và trực tiếp. Đây được xem là tiềm năng lan truyền tạo nên sức mua hàng đặc biệt mà khó có một nền tảng mạng xã hội nào hiện nay có thể tạo ra. Minh chứng về hiệu quả mang lại cho nhãn hàng Maybeline, chỉ với một video vỏn vẹn 15 giây đã giúp sản phẩm mascara Lash Sensational Sky Highcủa thương hiệu này cháy hàng trên Tiktok Shop chỉ sau 1 đêm. Tương tự, nhờ sự yêu thích và lan truyền của người dùng TikTok đã giúp sản phẩm AHA 30% + BHA 2% của thương hiệu The Ordinary với doanh thu tăng vọt đến mức 426%. 

Cần cảnh giác với quảng cáo sản phẩm trên thương mại điện tử

Hiện nay, từ những thương hiệu nổi tiếng hay gian hàng bình dân, chưa có tên tuổi cũng tìm mọi cách để quảng cáo sản phẩm của mình đến với đông đảo khách hàng. Đó là thuê những người có sức ảnh hưởng, nổi tiếng để review hàng hóa của mình. Điều này nhằm mang đến cho khách hàng một gợi ý chân thực và thúc đẩy mong muốn mua hàng của người tiêu dùng. Theo Wall Street Journal (một nhật báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới), các thương hiệu sẵn sàng chi nhiều tiền để thuê influencer (người có sức ảnh hưởng chung) quảng cáo cho sản phẩm của mình vì biết rằng chỉ một video viral (nội dung bằng video được lan truyền nhanh chóng trên internet) cũng có thể giúp họ bán sạch hàng. Tuy nhiên, những video được tài trợ, đi kèm với những đánh giá tung hô, khen ngợi của influencer khiến người dùng khó xác định đâu mới là sản phẩm chất lượng và đáng tiền.

Người tiêu dùng cần cảnh giác với quảng cáo sản phẩm trên thương mại điện tử - ảnh 2
Thương mại điện tử là kênh được nhiều người tiêu dùng lựa chọn để mua sắm

Cụ thể, TikToker có hơn 2,6 triệu theo dõi là T.N.D đã bị cùng lúc hai thương hiệu làm đẹp đình đám là: Estee Lauder Việt Nam và MAC Việt Nam tố giác review và bán hàng giả 2 thương hiệu này trên TikTok Shop. Giá của các sản phẩm được chốt đơn trên livestream của T.N.D chỉ rẻ bằng 1/4, 1/5 giá gốc của mỹ phẩm được bày bán ở các gian hàng chính hãng. Đại diện của thương hiệu mỹ phẩm Estee Lauder Việt Nam đưa ra cảnh báo: “Nhiều thủ đoạn tinh vi để lừa đảo khách hàng và bán hàng giả, thậm chí là những KOL (người có sức ảnh hưởng trong một chuyên môn nhất định) có hàng triệu người theo dõi trên nền tảng TikTok. Chính vì thế, hãy tỉnh táo và cảnh giác trước những chương trình khuyến mại rẻ bất ngờ (>70%), những lời mời chào ‘”hàng công ty”, ‘”hàng cửa hàng miễn thuế” để không gây hại cho chính làn da và sức khỏe của mình”.  

Thương hiệu MAC Việt Nam cũng đưa ra những thông tin khuyến cáo người tiêu dùng nói không với những hàng không rõ nguồn gốc. Theo thông báo, hiện tại trên thị trường, mỹ phẩm của MAC đang xuất hiện tràn lan hàng giả mạo với nhiều hình thức, bao bì và kết cấu ngày càng tinh vi. Nhu cầu mua sắm mỹ phẩm làm đẹp cũng ngày càng tăng cao kèm theo nhiều rủi ro tiềm ẩn khi sử dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. MAC kêu gọi khách hàng nói không với các thủ đoạn lừa đảo lòng tin khách hàng - bán hàng giả/không rõ nguồn gốc, thậm chí bán hàng qua những KOL nổi tiếng hàng triệu follow trên nền tảng Tiktok. MAC CosmeticsViệt Nam cũng khẳng định hiện tại họ chưa có gian hàng trên TikTok Shop hay bán hàng thông qua các Tiktoker. Ba kênh truyền thông và hỗ trợ đặt hàng chính thức của MAC tại Việt Nam bao gồm Fanpage M.A.C Cosmetics (VN) có dấu tick xanh, trên sàn thương mại điện tử Lazada M.A.C Flagship Store và Website chính thức.

Còn trên Facebook, các bài đăng quảng cáo sai sự thật cũng xuất hiện, cụ thể tài khoản Facebook M.A.T quảng cáo sản phẩm nước hoa Lelabo đang được giảm giá còn 1 triệu/chai và chủ tài khoản này còn gắn link hướng dẫn khách hàng mua tại webside của hãng. Thực tế, webside chính thức của hãng Lelabo tại Vietnam có địa chỉ là lelabo.com.vn chứ không phải lelabotalkvietnam.com như nick M.A.T chia sẻ. Ngoài ra hãng nước hoa này cũng khẳng định không có đợt giảm giá nào lớn đến vậy. 

Theo thống kê từ Bộ Công Thương, năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát hiện và gỡ bỏ gần 2.000 gian hàng với gần 6.500 sản phẩm vi phạm, chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Minh Phương cho biết, hàng hóa vi phạm ngày càng được làm giả một cách rất tinh vi, khó phát hiện.

Các sản phẩm vi phạm, giả trông không khác gì hàng thật. Do vậy, để tránh mua, sử dụng những sản phẩm vi phạm, người tiêu dùng nên đến các địa chỉ, cửa hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt, phải thận trọng khi chọn mua hàng hóa qua các sàn, kênh thương mại điện tử. Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường khuyến cáo, người dân hãy là người tiêu dùng thông thái bởi, hiện nay các đối tượng kinh doanh hàng vi phạm thường dùng hình ảnh của những người nổi tiếng để quảng cáo, giới thiệu qua các sàn thương mại điện tử hay các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, Tiktok... từ đó, lấy lòng tin của người tiêu dùng để bán sản phẩm.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.