Người trẻ cần phải học “văn hóa chia tay”
Tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam ngày càng cao. Không chung sống, chúng ta vẫn có thể là bạn bè, đối xử lịch sự, có văn hóa với nhau. Việc đưa nhau lên mạng để “đấu tố” là hành vi thiếu văn hóa.
Chịu hậu quả trước tiên vẫn là bản thân mình
Bạn bè và người thân không hề nghĩ có ngày Đạt và Quyên lại lôi nhau lên mạng để “vạch áo” nhau như thế. Họ - trong mắt mọi người – trên facebook suốt mấy năm nay luôn là cặp vợ chồng ngọt ngào, tình tứ, chồng giàu có, đẹp trai, dù không phải dịp gì cũng tặng quà vợ. Còn vợ thì xinh xắn, cả hai có một cậu con trai kháu khỉnh. Nói chung, nhìn vào thì người ta chỉ nghĩ cùng lắm là lâu lâu có xích mích nhỏ, chứ vạch trần bao nhiêu tính xấu thế này thì đúng là quá sức tưởng tượng.
Quyên mở màn đấu tố bằng việc trách móc chồng quá nhu nhược. Tuy kiếm ra tiền, có nhà, có xe, nhưng “anh ta là kẻ quá nghe lời mẹ mình, sống như một cái máy và không có tình cảm”. Quyên “bóc” tiếp: Chồng mình chỉ biết cắm đầu cắm cổ đi làm, không quan tâm đến cảm xúc của vợ. Thành ra, Quyên không chịu nổi mới cáu gắt, gào lên với chồng. Đạt không hiểu, lại gọi điện cho mẹ kể lể, mẹ anh bênh con, nên mắng xấu con dâu, rằng là loại ăn ở nhàn rỗi nên kiếm cớ. Đạt nghe mẹ, không những không dỗ dành mà còn đánh vợ. Nhiều lần, đánh tới mức chẳng cần quan tâm đứa con đang ngồi ngay đó có chứng kiến hay không… “Quá sức chịu đựng, tôi mới phải phô bày cái điều không ai mong muốn này” - Quyên nức nở.
Ảnh minh họa
Tiếp lời của Quyên, Đạt cũng ngay lập tức phản pháo, cho rằng vợ trách mẹ mình như thế là hỗn. Anh nói rằng mình đi làm cả ngày mệt mỏi, về đến nhà chỉ muốn nghỉ ngơi, được vợ nói những lời dịu dàng, yêu chiều. “Nhưng cô ta cứ gào toáng lên như kẻ điên, nấu nướng thì dở, ở nhà cả ngày mà để nhà cửa luộm thuộm, bẩn thỉu, bao nhiêu thứ dồn nén như thế, ai mà chịu được…”.
Bong bóng hôn nhân thế là vỡ. Chỉ sau một thời gian ngắn công kích nhau trên mạng, cả 2 ra tòa trong sự hằn học. Quyên được quyền nuôi con, và cô nhất quyết mang con về quê ngoại, không cho bất kỳ ai nhà chồng cũ được gặp con mình. Thế nhưng, bi kịch cũng từ đó bắt đầu. Cả nhà chồng cũ, cho đến họ hàng nhà Đạt, tất cả lên tiếng rủa xả Quyên và nhà cô. Từ trên mạng, đến gọi điện thoại, thậm chí đến tận nhà và không ngừng mắng cô là loại phụ nữ không biết điều. Còn Đạt, dù có thành đạt đến mấy, thì bây giờ trong mắt bạn bè xung quanh, anh chỉ là người đàn ông vũ phu và “quấn” mẹ. Vài ba mối tình mới trôi qua trong chóng vánh, không ai muốn tiến xa với kẻ bị cho là không biết mở lòng.
Chuyên gia tâm lý, nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, những câu chuyện như vợ chồng Đạt và Quyên không mới, thậm chí hậu quả nặng nề hơn cũng nhan nhản rất nhiều. Có thêm mạng xã hội tiếp tay, nó còn biến hóa tới mức người trong cuộc cũng không thể tưởng tượng nổi. “Yêu nhau lắm cắn nhau đau. Người yêu nhau, từng chung sống “đầu kề má ấp” bao năm sẽ là người biết điểm yếu của người kia. Những điều này người ngoài không thể nắm rõ bằng. Vì vậy khi họ quay ra hại nhau, sẽ tạo nên những tổn thương vô cùng lớn”, ông nói thêm.
Nhưng chuyên gia cũng khẳng định, làm như vậy, người chịu hậu quả trước tiên vẫn là bản thân mình, sau đó mới là đối phương.
Họ sẽ đánh mất danh dự của bản thân, tự tay đóng những cánh cửa hạnh phúc của mình trong tương lai.
Thật vậy, gia đình vốn được xem là pháo đài để mỗi thành viên trú ẩn, tìm về khi khốn khó. Ấy vậy mà giờ đây, những riêng tư, những mâu thuẫn trong nó không được giải quyết một cách triệt để, thấu tình đạt lý, các thành viên không muốn thấu hiểu nhau, thành ra phải bộc phát ra bên ngoài, tìm đến người ngoài, đối tượng chẳng liên quan để giải quyết. Đó là manh nha của sự phá vỡ những giá trị tốt đẹp của gia đình.
Ứng xử có văn hóa kể cả khi tình nghĩa không còn
Yêu nhanh, sống vội đang là xu hướng của một số người trẻ. Cái gì càng đến nhanh thì lại sẽ càng mất nhanh. Tất cả các khâu trong “tiến trình tình yêu”, khâu “tìm hiểu kỹ” chính là khâu quan trọng nhất để có thể tìm thấy sự “đồng điệu” trong tâm hồn thì lại được nhiều người bỏ qua hoặc “đốt cháy giai đoạn”. Hậu quả là khi không còn yêu, không còn ràng buộc nhau thì bản chất thật đã được bộc lộ, gây hết ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác cho người còn lại. Tình yêu đến rồi đi âu cũng là một lẽ bình thường trong cuộc sống. Văn hóa chia tay cũng thể hiện văn hóa của chính bạn, nói xấu người mình đã từng yêu hay đã từng yêu mình cũng là khi bạn đang tự nói xấu chính bản thân mình.
Ảnh minh họa
Ngày nay, ly hôn không còn quá nặng nề vì vậy tỷ lệ các cặp vợ chồng chấm dứt hôn nhân tăng nhanh. Điều này đồng nghĩa cần trang bị cho thế hệ trẻ nhận thức và xây dựng được văn hóa ly hôn. Họ phải được biết cách cư xử, ứng xử với ly hôn văn minh hơn.
Phải suy nghĩ thật kỹ lưỡng. Khi đặt bút ký vào từ giấy đăng ký kết hôn thì phải tự nguyện và hứa với nhau sẽ chung thủy suốt đời và khó khăn gì cũng phải vượt qua. Đó là tự tâm mỗi người. Thứ hai là về phía gia đình, cha mẹ có con đến tuổi hôn nhân thì phải chia sẻ với con kỹ lưỡng về hôn nhân, hạnh phúc. Đối với những người trước đó không giữ được mình trong hôn nhân thì nên khéo léo cho con hiểu những mất mát của ly hôn và cách để tránh xa nó.
“Một câu nhịn, chín câu lành” hay “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi bớt lửa có đời nào khê” đó là những kinh nghiệm ứng xử quý giá trong đời sống xã hội và gia đình đã được ông bà ta đúc rút từ hàng trăm năm trước, đến nay, vẫn còn nguyên giá trị. Và để hướng tới một xã hội phồn vinh, mọi gia đình đều hạnh phúc, không chỉ cần có sự đầy đủ về vật chất, mà quan trọng hơn, mỗi người trong xã hội và từng gia đình cần phải ứng xử có văn hóa với nhau.
Ly hôn, chia tay dù với bất cứ lý do nào thì vẫn là câu chuyện buồn. Và để ngăn chặn, điểm mấu chốt phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của những người trong cuộc. PGS.TS Phạm Ngọc Trung, chuyên gia văn hóa cho rằng, để hạn chế những vụ đổ vỡ trong tình cảm, nhất là hôn nhân, cần có sự vào cuộc của cả xã hội trong việc xây dựng môi trường lành mạnh, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế và chăm lo hạnh phúc gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng con người phát triển toàn diện, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.
MAI CHI