Nguy cơ mất an toàn đối với trẻ trên mạng xã hội

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bên cạnh những giá trị tích cực, mạng xã hội đã và đang khiến trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ như bị lừa gạt, xâm hại, bắt cóc, bắt nạt qua mạng…

Cứ 5 trẻ thì có 2 trẻ gặp các vấn đề rủi ro trên mạng

Nạn nhân là một nhóm các em nhỏ dưới 16 tuổi, hiện đang là admin của một nhóm Facebook được thành lập vào năm 2018 với mục đích tạo nguồn cảm hứng, động lực học tập cho cộng đồng các bạn học sinh, sinh viên. Sau thời gian dài với những hoạt động chia sẻ tích cực, giữa năm 2021, nhóm đã đạt cột mốc hơn 30.000 thành viên.

Khoảng 11h ngày 16/6/2021, một tài khoản giả mạo mang tên H.T.P đã nhắn tin cho một thành viên trong Ban quản trị của nhóm (Group) để hỏi mua group, song bị tất cả thành viên trong Ban quản trị từ chối và chặn tài khoản lạ này. Ngày 16/6/2021, tài khoản D.L - được xác định là đồng bọn của H.T.P - lại tiếp tục nhắn tin cho quản trị viên với những lời lẽ đe dọa gay gắt hơn. Chúng đe dọa, nếu không bán group thì hình ảnh cá nhân của quản trị viên sẽ được ghép bởi những hình phản cảm và sẽ phủ sóng toàn Facebook kèm với những đường link gắn mã độc. Trên thực tế, có một thành viên đã phải chịu đựng hành vi đáng lên án này.

Những tấn công khác sau đó dồn dập hơn. Các tài khoản lạ liên tục nhắn tin để nhằm khủng bố tinh thần, buộc các em phải giao nộp group. Để mọi chuyện êm xuôi, trưởng nhóm group đã dùng thái độ ôn hòa để thương lượng, song chúng vẫn liên tục gây sức ép trầm trọng hơn khiến các em học sinh đành phải giao quyền quản trị cho bọn họ để bảo đảm sự an toàn về danh dự, tâm lý cho cả nhóm. 

Ngay sau khi nắm được quyền trong tay, những tài khoản lạ này ngay lập tức đã đẩy các bạn thành viên ra khỏi nhóm. Các nạn nhân nhỏ tuổi đã quyết định lập một fanpage để phơi bày vụ việc. Điều đáng nói là khi fanpage công bố về sự việc, có không ít bạn nhỏ khác đã chia sẻ rằng các group học tập do chính mình tạo ra và xây dựng cũng từng rơi vào trường hợp tương tự. Thậm chí có em đã bị chúng cho lên ảnh nhạy cảm và link gắn mã độc.

Nhận thấy tính nghiêm trọng của sự việc, các nạn nhân của nhóm Facebook đã liên hệ với CyberKid (là tổ chức xã hội đầu tiên tại Việt Nam bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trước các mối đe dọa an toàn thông tin trên không gian mạng) để được hỗ trợ với mong muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo các bạn trẻ khác đang trong tầm ngắm của những kẻ xấu trên mạng xã hội; đồng thời mong muốn truyền thông vào cuộc để nâng cao nhận thức cộng đồng về tình trạng đe dọa, bắt nạt trực tuyến…

Nguy cơ mất an toàn đối với trẻ trên mạng xã hội - ảnh 1
Ảnh minh họa

Đây là một trong số rất nhiều vụ việc mà trẻ gặp phải hàng ngày, hàng giờ khi tham gia mạng xã hội. Sự cởi mở cộng với nhận thức chưa rõ ràng về tầm quan trọng của việc bảo vệ mình đang khiến nhiều em vô tình trở thành nạn nhân của các mối nguy hại khác nhau trên không gian mạng, trong đó có đe dọa, bắt nạt trực tuyến.  Thông tin từ CyberKid cho thấy, hiện có 71% trẻ em Việt Nam sử dụng internet. 188 phút là thời gian trung bình của 1 đứa trẻ dành để sử dụng internet mỗi ngày. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ trẻ em bị bắt nạt, đe dọa trực tuyến bao gồm rất nhiều hành vi: Bôi nhọ, nói xấu, vu khống, dọa nạt... là rất cao. Hàng ngày, trên thế giới có khoảng 720 ngàn bức ảnh về lạm dụng tình dục trẻ em bị tung lên mạng. Với người lớn, cách hành xử cao nhất để chống lại các hành vi này là đưa ra pháp luật. Còn với trẻ em thì do sợ hãi, không dám chia sẻ với người lớn, chưa đủ nhận thức và hiểu biết để chống đỡ sự việc đang xảy tới nên các em có thể bị khủng hoảng tâm lý, rơi vào các trạng thái tâm lý tiêu cực, vô cùng nguy hiểm…

Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam năm 2020 của Viện nghiên cứu phát triển bền vững (MSD) cũng cho thấy: Cứ 5 trẻ thì có 2 trẻ gặp các vấn đề rủi ro trên môi trường mạng. Theo báo cáo từ Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (số 111), trong năm 2022, Tổng đài đã tiếp nhận 419 ca báo cáo liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (398 ca tư vấn và 21 ca can thiệp liên quan đến các kênh, link, clip xấu, độc hại với trẻ em). Theo Báo cáo Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam – Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng của ECPAT, INTERPOL và UNICEF năm 2022, 23% trẻ độ tuổi 12-17 sử dụng Internet tham gia khảo sát cho biết các em đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng trong năm qua (12 tháng trước cuộc khảo sát), 5% từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn, 1% trẻ em bị chia sẻ hình ảnh nhạy cảm khi chưa có sự đồng ý, 2% bị yêu cầu trò chuyện về tình dục. Phần lớn những trẻ nói các em từng bị xâm hại tình dục trên mạng đã không tiết lộ việc bị bóc lột và xâm hại với ai hoặc chỉ kể với một người bạn. Rất ít trẻ cho biết các em đã kể với người chăm sóc và/hoặc một kênh chính thức, như công an hoặc đường dây trợ giúp. Nhiều khả năng là do trẻ có thể ngại nói cởi mở về chủ đề khá nhạy cảm này.  

Ông Vũ Thanh Thắng Giám đốc AI-CAIO, Công ty Cổ phần an ninh mạng SCS chia sẻ, phân tích giới về An toàn trên mạng cho trẻ em – ChildFund 2021 cho thấy, 13,4% trẻ đã từng giả vờ làm một người hoàn toàn khác với bản thân mình ở ngoài đời thực; 22,4% trẻ bấm vào các đường link mà bạn bè, người khác chia sẻ hay đường link quảng cáo trên game để xem nội dung; 47,5% trẻ thêm người lạ vào danh sách bạn bè và 75,9% trẻ tìm kiếm bạn mới trên mạng. Tỷ lệ trẻ em gái tìm kiếm bạn mới trên mạng và thêm người lạ vào danh sách bạn bè cao hơn trẻ em trai. Trẻ em gái nhận được lời mời kết bạn từ người lạ nhiều hơn trẻ em trai.

Nguy cơ mất an toàn đối với trẻ trên mạng xã hội - ảnh 2
Ảnh minh họa

Làm sao để ngăn chặn?

Chia sẻ về thực trạng những nội dung tình dục độc hại tràn lan trên môi trường mạng, TS Hoàng Tú Anh – Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) cho biết: “Hầu hết các trường hợp trẻ em tiếp cận các trang web, hình ảnh, video về tình dục do lỗi đánh máy trong quá trình tìm kiếm và bị dẫn tới trang không định tìm hoặc bị dụ dỗ bấm vào các đường link không an toàn. Bên cạnh đó, những hình ảnh, ca từ gợi dục, nam tính độc hại, nữ tính độc hại ngày càng xuất hiện phổ biến trong các sản phẩm văn hóa hướng đến giới trẻ như video ca nhạc, phim… Các thông tin truyền thông về tình dục hầu hết mang tính tiêu cực, lên án về đạo đức, trong khi các thông điệp tình dục lành mạnh lại thiếu hụt”. 

Đáng nói, thanh thiếu niên khi tiếp xúc với những nội dung tình dục độc hại thường lựa chọn việc im lặng và cho qua thay vì lên tiếng, báo cáo và tìm kiếm sự hỗ trợ, các em e ngại tìm đến những kênh tiếp nhận và trợ giúp. Bà Hoàng Thu Giang - Đại diện Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra giải pháp: “Hiện nay, các ứng dụng, các nền tảng, mạng xã hội đã có rất nhiều công cụ để có thể giúp người dùng kiểm soát những nội dung độc hại, mất an toàn khi sử dụng Internet. Chúng tôi cũng đã và đang nỗ lực để mở rộng các kênh để người dùng báo cáo những nội dung độc hại, hỗ trợ người dùng khi đối mặt với các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng. Người dùng có thể tìm đến các kênh như Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, cơ quan công an các cấp hoặc gọi Hotline 113, Mạng lưới ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng… Tuy nhiên đây vẫn chỉ là giải pháp ứng phó, việc nâng cao nhận thức, giáo dục kỹ năng về sử dụng mạng an toàn là cách bảo vệ hoàn hảo nhất”.

Còn bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ về những nỗ lực trong việc hỗ trợ và xử lý các rủi ro trên môi trường mạng đối với trẻ em: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động nhằm tăng cường vai trò của gia đình, cha mẹ và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn; tăng cường xây dựng các ứng dụng, trò chơi lành mạnh, thu hút sự tham gia của trẻ em tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng bổ ích trên môi trường mạng; hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”. Bà Nga cũng bày tỏ cam kết của Cục Trẻ em trong việc lắng nghe, cùng đưa ra giải pháp và hành động vì trẻ em và sự sẵn sàng phối hợp với các bên liên quan. 

Theo bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) đồng thời là Chuyên gia giáo dục công dân số nhấn mạnh: “Thay vì chỉ chạy theo ngăn cấm những nội dung tình dục độc hại, chúng ta có thể tạo nên môi trường, diễn đàn an toàn để giáo dục cho trẻ em, thanh thiếu niên và cả phụ huynh về các giải pháp tình dục tích cực. Mỗi một nỗ lực sẽ lan tỏa và truyền cảm hứng cho cộng đồng, cùng chung tay xây dựng môi trường internet lành mạnh, an toàn cho sự phát triển toàn diện của thế hệ công dân số trẻ của Việt Nam”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.