Nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình

Chia sẻ

Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong cuộc sống, làm gia tăng lo lắng, căng thẳng, khiến nhiều người phát sinh bệnh trầm cảm. Điều này đã làm cho nhiều gia đình có nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc…

Căng thẳng, ngột ngạt do dịch bệnh

Liên hệ tới fanpage Hỗ trợ tâm lý nhân văn, chị M (quê Nghệ An) thút thít kể: Từ bé, chị đã không nhận được sự quan tâm từ bố mẹ. Chị luôn cảm thấy thiếu thốn tình cảm, tự ti và ngại kết giao với bạn bè. Những lúc buồn chán, chị thường nhốt mình trong phòng nhiều ngày và không ăn uống gì.

Sau khi học đại học, chị quen biết với anh T – một bảo vệ ngân hàng. Anh T thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ với chị trong cuộc sống. Tình yêu lớn dần, hai người tiến đến hôn nhân và có 1 con trai. Hằng ngày, anh T đi làm bảo vệ, thu nhập từ 5-7 triệu đồng, chỉ đủ trang trải sinh hoạt phí của cả gia đình giữa Thủ đô đắt đỏ. Nhất là hai năm nay, dịch bệnh kéo dài khiến công việc của anh T cũng bị ảnh hưởng. Thời gian giãn cách xã hội, anh T nghỉ việc không lương. Công việc của chị M cũng bấp bênh do công ty giảm tải nhân lực. Vì thiếu thốn kinh tế, vợ chồng chị không ít lần “nặng, nhẹ” với nhau.

Từ đầu tháng 9/2021, bố mẹ chồng chị gửi em trai đang học lớp 11 ra Hà Nội để tìm kiếm môi trường học tốt hơn. Vợ chồng chị đã khó khăn, nay phải cáng đáng thêm trách nhiệm quản thúc và chăm sóc cậu em trai đang tuổi ăn học. Cậu em sau khi học xong thì cầm điện thoại nhắn tin chat với bạn, chơi điện tử, không giúp chị việc nhà, hoặc giúp trông cháu khiến chị rất bực mình. Chị nhắc nhở, em trai chồng bày tỏ thái độ khó chịu, gọi điện về “mách” bố mẹ là chị dâu làm khó mình, khiến chị không biết giải thích như thế nào. Chị trao đổi với chồng thì anh lại trách móc vợ xét nét em chồng…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Áp lực kinh tế, việc chăm sóc ba bốn miệng ăn trong nhà kèm theo công việc bê trễ khiến chị M vô cùng khó chịu, ngột ngạt. Chị thường xuyên cáu gắt với chồng, bị mất ngủ triền miên. “Tôi ngủ không sâu, thường hay mê man, có những giấc mơ đáng sợ. Tôi cảm thấy chồng không hiểu mình, bản thân không còn sức lực chăm sóc con. Việc chăm sóc thêm em trai chồng khiến tôi stress” – chị thở dài.

Một trường hợp khác là chị H, trú tại Hà Nội cho biết, sau khi sinh đôi hai con, chị bị áp lực chăm sóc con đè nặng nên luôn cảm thấy mệt mỏi. Do ở cùng bố mẹ chồng và không đi làm, chị thường bị bố mẹ chồng coi thường. Mỗi lần các con khóc hay tranh giành đồ chơi của nhau, ông bà lại mắng chị là ăn hại, đã ăn bám lại còn không biết nuôi dạy con. Chồng chị còn bênh bố mẹ, không đỡ đần việc nhà giúp vợ. Dịch bệnh khiến việc kinh doanh của chồng gặp khó khăn, lại trút bực dọc lên vợ. “Nhiều khi tôi muốn bế con trốn đi đâu đấy một thời gian, nhưng trong khi dịch đang căng thẳng thế này, tôi không biết đi đâu với hai bàn tay trắng” – chị H buồn bã nói.

Theo chuyên gia tư vấn Nguyễn Vân Chi, chuyên viên hỗ trợ tư vấn tâm lý trên fanpage Hỗ trợ tâm lý nhân văn, một trường hợp thường xuyên bị mất ngủ là chị Q. Chị Q bị chứng nghiện ăn sau sinh, dẫn đến bị béo phì. “Chị Q sinh con khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên đã nghỉ việc hẳn để chăm sóc con. Vì con hay ốm nên chi phí thuốc men, nằm viện khá nhiều khiến gia đình thường xuyên thiếu thốn. Dạo gần đây, chồng chị thường xuyên đi về thất thường. Chị khuyên chồng ít tiếp xúc để phòng dịch nhưng chồng chị lại khó chịu, khiến hai vợ chồng cãi nhau…” – chuyên gia tâm lý Vân Chi kể.

Làm gì để vượt qua áp lực tâm lý mùa dịch?

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Vân Chi, dịch bệnh Covid-19 không chỉ gây ảnh hưởng đến nhiều gia đình, mà còn gây ra những bất ổn trong đời sống gia đình. Nhiều gia đình xảy ra xung đột, căng thẳng chỉ vì dịch bệnh kéo dài. “Đại dịch đã làm gián đoạn cuộc sống thường nhật, dấy lên nỗi căng thẳng, sợ hãi, lo lắng về những mất mát cả về sức khoẻ, thể chất, tinh thần của mỗi người. Cô đơn, hoang mang, hoài nghi về mọi thứ là vấn đề tâm lý cá nhân xuất hiện ngay khi con người đối diện với những áp lực đến từ công việc, gia đình hay các mối quan hệ xã hội nói chung.

Trong đó, phụ nữ là một trong những đối tượng dễ bị ảnh hưởng tâm lý bởi dịch bệnh. Theo thống kê, số lượt liên hệ đến fanpage Hỗ trợ tâm lý nhân văn thì đến 85% số ca gọi là phụ nữ, trẻ em bị ảnh hưởng tâm lý. Nhiều trường hợp trong số đó là do quá lo lắng bởi dịch bệnh, bị mất việc, áp lực cơm áo gạo tiền, chăm sóc con…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhiều phụ nữ khi cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi thường lựa chọn việc nhốt mình trong phòng nhiều ngày liền và không ăn gì. Hành vi này gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bản thân. Cảm xúc trầm buồn của một cá nhân cũng gây ra suy nghĩ tiêu cực như: Nghi ngờ người khác, nghi ngờ bản thân và cảm giác cả thế giới chống lại mình; cảm giác mất năng lượng và stress khi phải chăm sóc thêm một người khác, hay những lo lắng về tình hình dịch bệnh... có thể là những biểu hiện của trầm cảm.

“Trầm cảm là một rối loạn đang ảnh hưởng tới hơn 1% dân số thế giới. Tức là cứ 100 người bạn gặp thì có ít nhất 1 người đang mắc trầm cảm. Đặc biệt, phụ nữ có nguy cơ rơi vào tình trạng trầm cảm ít nhất một lần trong đời. Đó có thể là lúc chúng ta sinh con, lúc quá bận rộn với việc chăm sóc con ốm, khi chúng ta nghỉ việc hoặc mất việc…” – chuyên gia tâm lý Nguyễn Vân Chi cho biết.

Để vượt qua cảm xúc tiêu cực, trầm cảm, chuyên gia Nguyễn Vân Chi khuyên: Mỗi người khi đứng trước nguy cơ trầm cảm hãy cố gắng tìm một người mà mình tin tưởng để chia sẻ nỗi lòng. Được người khác lắng nghe, thấu hiểu và chấp nhận là một liều thuốc chữa lành tinh thần tốt nhất. Bạn cũng có thể dành thời gian làm những điều khiến bản thân thoải mái, thư giãn, vui vẻ như: làm việc mình thích, đến nơi mình muốn, ăn món mình muốn ăn, chăm sóc sức khỏe của bản thân, hãy học cách yêu thương và chăm sóc bản thân mình..

Bên cạnh đó, chế độ ăn uống đủ chất, đủ bữa cũng rất quan trọng. Người mắc trầm cảm có xu hướng ăn quá ít hoặc quá nhiều, việc này về lâu dài sẽ không tốt cho sức khỏe. Nhiều người cảm thấy khó ngủ, mất ngủ, hoặc đôi lúc thấy buồn ngủ vào buổi sáng, không muốn dậy dù giấc ngủ rất chập chờn. Hãy cố gắng đặt ra một lịch trình ngủ đúng giờ, đủ 7-8 tiếng. Việc thói quen ngủ khoa học giúp tâm trí, thể chất tốt lên.

“Khi mắc trầm cảm, nguồn năng lượng của người bệnh sẽ sụt giảm rất nhiều, do đó hãy chọn những hoạt động thể thao phù hợp với sở thích, khả năng vận động của mình. Việc tập thể thao sẽ giúp cơ thể bạn bớt trì trệ hơn, tăng các chất dẫn truyền thần kinh và hóc môn như dopamine, endorphin để giúp bạn thấy sảng khoái, vui vẻ hơn. Nếu các phương pháp đó không đem đến kết quả tích cực, bạn có thể nhờ người thân đưa đến các bệnh viện tâm thần/ tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý để khám, điều trị kịp thời. Trên hết, sự chia sẻ của người thân trong gia đình chính là liều thuốc hữu hiệu giúp bệnh nhân trầm cảm sớm hồi phục” - chuyên gia tâm lý Nguyễn Vân Chi cho biết.

 AN YÊN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.