Nhà có con lớn

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng đi chợ về, vừa đặt chiếc làn xuống hiên nhà, chị đã vội gọi: “Mai ơi, dậy đi con. Dậy sớm vận động, rồi ăn sáng cho khỏe người, ngủ nhiều nó ì người ra. Đồ ăn sáng mẹ đã mua rồi”.

Không thấy tiếng con trả lời, chị mới giật mình nhớ ra, con gái đâu còn ở nhà. Chiều hôm trước, nó đã đi cùng các bạn lên Hà Nội nhập học đại học. Vậy là chị lại mua thừa một suất ăn sáng.

Chồng chị nghe vợ gọi con liền chọc quê. “Mẹ nó chưa già mà đã lẫn rồi. Nhớ con thì lên phố mà ở với con”.

Chị cũng hơi thẹn, nhưng vẫn cố thanh minh: “Thì em đã làm sao quen ngay được. Vừa mới đây, nó còn ở nhà với mình, giờ thì đã ở xa cả trăm km”.

Hai vợ chồng chị có hai cô con gái. Mai là con gái lớn. Khi con còn ở nhà, mẹ con chị cũng không thuộc diện quấn quýt, xoắn xuýt nhau. Nó còn hay cãi lại chị, hơi một tý thì bảo: “Mẹ không phải lo cho con, con lớn rồi, con tự lo được”.

Cũng đã nhiều lần chị dỗi, định bụng không lo lắng, chăm sóc nó nữa, mặc nó muốn ra sao thì ra, nhưng bản năng làm mẹ không cho chị làm vậy lâu. Chị nhìn con gái gầy gò, da xanh mà xót lắm. Vì vậy, cứ tối đến là chị giục con đi ngủ sớm bất chấp nó khó chịu, không hợp tác. Sáng chợ về, bao giờ trong làn của chị cũng có thức đồ ăn sáng gì đó ngon lành cho con, khi thì xôi, lúc lại bát cháo, phở nóng hổi. Chị phải thấy con ăn hết mới yên lòng.

Vậy mà rồi cũng đến lúc, chị không còn có thể chăm sóc con được nữa. Ấy là khi nó đỗ đại học ở tận Hà Nội. Ngày con thông báo trúng tuyển, vợ chồng chị vui lắm. Hai vợ chồng còn giúp nó mua sắm, chuẩn bị, đóng gói đồ đạc để lên đường nhập học. Cho tới trước hôm con đi, chị vẫn thấy bình thường. Thậm chí chị còn bảo: “Thôi con lên trên đó học cho mẹ đỡ nhức đầu. Con ở nhà cãi mẹ nhem nhẻm, mẹ mệt lắm”.

Nhà có con lớn - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nhưng đến buổi chiều, con chị và mấy đứa bạn cùng lớp con rủ nhau thuê một chuyến xe để cùng lên thành phố, chị giúp con kéo vali mà cứ hụt hẫng, bâng khuâng thế nào. Rồi chị đứng ở cửa, nhìn bóng con gái khuất dần. Con chị đã lớn và đang bước dần xa khỏi vòng tay của chị.

Con đi rồi, thấy chị buồn quá, chồng chị an ủi: “Từ nhà lên Thủ đô có mấy bước đâu. Em bắt xe khách, ngủ vài tiếng là tới chỗ con gái, có gì mà buồn”. Chị cũng biết vậy nhưng có phải “thích là nhích” được đâu. Chị còn công việc, nhà cửa, lại say xe, cứ nghĩ đến việc phải bước lên cái ôtô khách là đã nôn nao từ hôm trước. Thành thử, chắc là chị chủ yếu đợi con về thăm  nhà thôi.

Tuy nhiên, con gái chị đã “cảnh báo” trước: “Mẹ đừng mong con về nhà nhiều. Chủ yếu một năm con về thăm nhà dịp Tết thôi. Mùa hè, con định ở lại thành phố để đi làm thêm, vừa trải nghiệm, vừa kiếm chút tiền đỡ cho bố mẹ”.

Chị thấy con tự lập, biết nghĩ xa, nghĩ gần như vậy thì cũng mừng dù trong lòng chị thì như xát muối.

Hôm sau, chị cứ ngóng con điện thoại về nhà báo cáo tình hình ăn ở trên đó. Chồng chị mắng: “Con nó mới lên thành phố còn nhiều việc phải lo chứ có phải chỉ mỗi việc gọi điện về cho mẹ đâu. Em như vậy thì con đâu thể lớn được. Mình biết nó lên tới nơi an toàn là yên tâm rồi”.

Chị hiểu ý của chồng nên dằn lòng mình không gọi điện nhiều cho con. Chị không muốn con bị lấn bấn vì mình.

Đêm đó, chị cố gắng ngủ mà mắt cứ chong chong. Chị quay sang thì chồng cũng có vẻ trằn trọc. Chị liền tâm sự với anh: “Con đi học xa nhà, kể cũng nhớ phết anh nhỉ”. Chồng chị đáp: “Em tập cho quen dần đi. Ở nhà bây giờ vẫn còn con Chíp mà em đã thế, sau này, con Chíp cũng theo chị nó, lại đi học xa nhà thì em tính sao”.

Chíp là con gái thứ 2 của chị, năm nay đang học lớp 9. Con bé học khá, lại thích học nên có ý định lên cấp 3 sẽ thi vào trường chuyên của tỉnh. Nếu thi đỗ thì chẳng cần phải đợi mấy năm nữa, ngay tháng 9 năm sau thôi, con Chíp cũng sẽ xách vali mang theo quần áo, sách vở xuống tỉnh.

Người mẹ nào cũng đều muốn ở bên cạnh con của mình, ngày ngày thấy chúng, nấu cho chúng ăn, giặt cho chúng bộ quần áo, nhắc chúng phải thế này, thế kia. Nhưng, chị sẽ không vì bản thân mà bắt con phải làm theo ý của mình. Nếu các con mong muốn được bay cao, bay xa tới những chân trời mới, chị sẽ sẵn lòng ủng hộ, giấu nỗi nhớ con vào trong.

Một người bạn của chị nói: “Chỉ khi nào con lớn, bay xa rồi thì lúc đó chúng ta mới hiểu, những ngày tháng được vất vả chăm sóc, lo lắng cho con khi con còn nhỏ chính là hạnh phúc. Khi con lớn, lo toan của bố mẹ sẽ chuyển sang một trạng thái khác. Đồng thời, bố mẹ cũng sẽ phải học cách “tự lập” mà không có con”.

Chị cũng đang học cách tự lập như thế. Mới ngày nào cả nhà có đông đủ 4 người, giờ chỉ còn lại 3 và rất có thể đến lúc, chỉ còn mỗi hai thân già chòng chọc chăm nhau.

Nhà có con lớn sẽ là như thế. Tối nay, tối mai, chị sẽ lại hồi hộp đợi con gọi về. Chẳng biết, con chị ở thành phố có nhớ là mẹ nó đang mong nó lắm không...

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.