Nhà kho của em chồng

Thái Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trước Tết, cô em chồng Loan dọn nhà rồi ìn ìn cho xe ôm chở sang nhà bố mẹ 6, 7 thùng đựng “đồ đạc không dùng nữa”. Cô em bảo: “Nhiều đồ dùng, quần áo còn mới, con không nỡ bỏ đi. Bố mẹ xem có dùng được gì cho khỏi phí”.

Bố mẹ Loan vốn là những người ăn ở tiết kiệm, chẳng mấy khi vứt bỏ thứ gì. Vậy nên, đồ con gái thải ra là ông bà nhận hết rồi chất đống trong nhà, như một thứ của dự trữ. Nhưng, cũng vì thế mà ngôi nhà qua thời gian lại càng trở nên chật hẹp, bí bách.

Nhà kho của em chồng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nhà của bố mẹ chồng Loan chỉ có 2 tầng. Tầng 1 là phòng khách, bếp và 1 phòng ngủ của ông bà. Tầng 2 có 2 phòng ngủ, trước đây là phòng của chồng Loan và em gái chồng khi cả hai hãy còn là trai chưa vợ, gái chưa chồng. Sau khi cô em đi lấy chồng rồi Loan về làm dâu, vợ chồng cô được ở hẳn trên tầng 2 của ngôi nhà.

Hai đứa con ra đời, Loan để một phòng cho 2 con, phòng còn lại là chỗ ngủ của hai vợ chồng kiêm phòng làm việc, sinh hoạt chung. Không gian sống ấy, Loan thấy chỉ gọi là đủ thôi, chứ cũng chưa rộng rãi gì. Ấy vậy mà nó còn liên tục bị “xâm lấn” bởi cô em chồng.

Chẳng là từ lúc ra ở riêng, cô em chồng lại coi nhà của bố mẹ như cái kho để cô cất đồ đạc riêng của nhà mình. Mùa đông đến thì cô chở về nhà bố mẹ hàng bịch quần áo mùa hè và ngược lại. Đồ gì chưa dùng đến, hoặc ít dùng cô cũng mang gửi bố mẹ “cất hộ”. Nhưng thế vẫn còn đỡ, đằng này cả đồ mà nhà cô thải ra, như là quần áo cũ, chật, rách, quạt hỏng, tivi hỏng, xe đạp cũ... cô cũng lại tống nốt về nhà của bố mẹ.

Loan hiểu, đây là kiểu “bỏ thì thương, vương thì tội”, đồ mình không dùng nữa nhưng vẫn tiếc không vứt đi. Cô em chồng mang về cho bố mẹ vừa được tiếng là “con gái thảo”, lại vừa sạch nhà mình.

Chẳng thế mà bao năm qua, chưa một lần Loan dám mời bạn bè, đồng nghiệp đến nhà chơi. Không phải do bố mẹ chồng khó tính mà là cô ngại mọi người nhìn thấy khung cảnh trong nhà cô. Ôi chao nhà thì bé mà đồ đạc chất lộn xộn khắp nơi, chẳng khác gì cái kho chứa đồ. Cái cầu thang lên tầng 2, mẹ cô cũng xếp đồ đủ hết từng bậc. Vợ chồng cô và 2 đứa nhỏ muốn lên phòng thì phải lách chân, uốn chỗ nọ, vòng chỗ kia thì mới lên được.

Nhà kho của em chồng - ảnh 2
Ảnh minh họa

Loan vốn thích sự gọn gàng, ngăn nắp nhưng vì là nhà của bố mẹ chồng nên cô không thể có ý kiến để thay đổi được. Đã có lần, Loan nói với bố mẹ cho dọn dẹp nhà cửa cho phong quang, ít nhất là để có thêm không gian sinh hoạt, rồi chưa kể nhỡ ra nếu có hỏa hoạn thì còn có đường mà... thoát thân. Nếu ông bà tiếc thì để Loan lọc lại đồ, quần áo cũ mà còn mới, lành lặn thì gửi cho người khó khăn, quạt hỏng, tivi hỏng thì cho mấy bà đồng nát...

Thế nhưng bố mẹ chồng Loan lại cho rằng, làm vậy là hoang phí. Đồ hôm nay không dùng thì ngày mai biết đâu lại dùng. Rồi thì để ông bà gọi thợ vào sửa mấy món đồ điện tử, kiểu gì cũng rẻ hơn là mua mới. (Thực tế thì bố mẹ chồng Loan đã đi hỏi khắp nơi nhưng không tìm ra anh thợ nào chịu sửa mấy cái đồ đã quá cũ đó). Loan lại quay sang tâm sự với chồng để anh nói với bố mẹ đồng ý nhưng anh lại gạt đi, bảo: “Đây là việc của bố mẹ và em anh, không liên quan gì đến vợ chồng mình. Nhà của bố mẹ, bố mẹ cho nó để đồ, em lại thắc mắc làm gì. Phòng mình thì mình ở, khi nào em nó chất đồ vào trong đó thì em hãy nói”.

Loan không ngăn được mẹ chồng cũng chẳng thuyết phục được chồng, chán quá bèn bỏ lên sân thượng ngồi, hy vọng không khí ngoài trời sẽ giúp cho đầu óc cô dễ chịu hơn. Nhưng rồi, vừa mới mở cửa sân thượng, chân cô đã vấp phải cái nồi cơm điện hỏng cô em chồng đem qua mấy năm nay. Rồi kia nữa, ngay ngoài sân thượng là chiếc tủ mất một cánh và cái giường hỏng một chân của cô em chồng cũng... mang sang cho bố mẹ. Rõ là nhà cô đã thay đồ mới nhưng cô vẫn bảo bộ này còn tốt lắm, cô vẫn tiếc.

Nhưng mà ở nhà bố mẹ chồng cô, giường tủ cũng đã đủ rồi và làm gì còn chỗ nào nữa mà chứa thêm. Thế là chúng liền bị đưa lên sân thượng. Loan đoán, từ hồi đó, cô em chưa từng nhìn lại cái giường tủ cũ của mình một lần nào. Bố mẹ chồng Loan thì vẫn có điệp khúc “để đấy biết đâu lúc nào cần dùng tới”, “đồ của em nó mang sang thì phải giữ lại cho em nó”...

Nhà kho của em chồng - ảnh 3
Ảnh minh họa

Mang đồ cũ sang nhà bố mẹ, cô em chồng lại còn có “chiêu” đổi lấy đồ mới. Bố mẹ chồng Loan thì thương con gái, hễ thấy con thích gì là xởi lởi giục: “Đấy, con cứ bê về mà dùng. Cần thì bố mẹ mua cái mới hoặc sửa mấy cái đồ cũ kia dùng, nói chung vẫn còn tốt chán”. Nhưng nếu là đồ của bố mẹ chồng thì Loan không bàn đến, có nhiều thứ rõ là của vợ chồng cô mua, còn chưa dùng được ngày nào thì đã thấy nó được em chồng chở về nhà. Như là lần nhà cô lắp điều hòa mới.

Lẽ ra cái điều hòa ấy được lắp trong phòng ngủ của hai đứa nhỏ ở tầng 2, nhưng Loan lại nghĩ tới bố mẹ chồng bèn... đổi điều hòa bố mẹ đang dùng lên lắp ở tầng 2. Cái điều hòa vợ chồng cô mua mới cô nói thợ lắp vào phòng ngủ cho ông bà. Vậy mà buổi sáng đi làm, buổi tối về cô đã thấy cái điều hòa mới chẳng còn. Mẹ chồng cô lại hồn nhiên bảo: “À, mẹ bảo vợ chồng em nó mang cái mới này về mà lắp ở bên nhà, ngày mai nó đưa cái cũ sang đổi”.

Loan thấy làm vậy thật không đúng bèn tìm chồng để trút tâm sự. Một lần nữa, anh cũng lại bênh vực em gái: “Em đã đổi điều hòa mới thì nó là của ông bà rồi. Ông bà đổi cho ai thì tùy, em đừng băn khoăn. Còn em mà tiếc thì lần sau đừng đổi làm gì”.

Lời của chồng bỗng nhiên biến Loan thành một bà chị dâu ích kỷ, nhỏ nhen.

Hôm nay, nhân dịp Tết sắp đến, cô em chồng lại khoe là đang dọn nhà, thừa ra khối đồ, mấy ngày nữa lại cho xe ôm mang sang. Rồi cô lại đi một vòng quanh nhà, nhìn chỗ nọ, ngó chỗ kia. Thấy có cái nồi chiên không dầu, cô ỏn ẻn hỏi mẹ: Nhà con chưa có cái này, Tết mẹ cho con mượn mấy hôm dùng tạm. Mẹ chồng cô gật đầu: “Được rồi, con gái cái bòn. Có gì tốt đẹp thì phô ra mà xấu xa thì... mẹ hưởng”.

Loan nấu cơm ở trong bếp, nghe mẹ nói vậy mà buồn. Rồi cô ngẩng lên, ngay trước mặt, đập vào mắt cô là 4 cái chảo cháy đã loang lổ mất lớp chống dính mà cô em chồng mang sang với lý do: “Mấy cái chảo này vẫn dùng được, con cho bố mẹ và anh chị dùng cho khỏi phí”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Bông hồng thép” góp sức vì bình yên cho Thủ đô

“Bông hồng thép” góp sức vì bình yên cho Thủ đô

(PNTĐ) - Là nữ trinh sát duy nhất của Đội Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội, Trung tá Đinh Thị Huyền Diệu đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với những chiến công lập nên, chị là minh chứng cho những phẩm chất đặc biệt của người nữ chiến sĩ công an.
Tưng bừng chào đón ngày 20/10

Tưng bừng chào đón ngày 20/10

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 94 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, trong những ngày tháng 10, các cấp Hội Phụ nữ toàn quốc đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa. Đây cũng là dịp để chị em cán bộ Hội được giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Tôn vinh vẻ đẹp của áo dài dân tộc

Tôn vinh vẻ đẹp của áo dài dân tộc

(PNTĐ) - Với chủ đề “Duyên dáng Áo dài Hà Nội”, Carnaval áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển” năm 2024 do Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức nằm trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội chào mừng 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô vừa khép lại với nhiều thành công. Carnaval đã góp phần lan tỏa tình yêu, tôn vinh vẻ đẹp của áo dài dân tộc.