“Nhà” là nơi để trở về

YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Với những gia đình có con cái, vợ chồng đi làm ăn xa, ý nghĩa của Tết bỗng chốc thu bé lại trong hai chữ “về nhà”. “Nhà” là một điều gì đó rất ấm áp, thiêng liêng, ý nghĩa. Về nhà là món quà to lớn nhất mà những người tha hương dành tặng cho gia đình mình, nhất là trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Hạnh phúc trong niềm vui sum vầy

Năm nào có thể quên nhưng năm nay chắc chắn là một năm mới, một cái Tết tại Việt Nam vô cùng đáng nhớ đối với vợ chồng chị Bùi Ngọc Dung Jennie (34 tuổi, quê ngoại ở Hải Phòng nhưng chị sinh ra, lớn lên ở Canada). Chọn Việt Nam là nơi gửi gắm niềm tin, chị đã được đền đáp bằng niềm hạnh phúc vô bờ bến, niềm hạnh phúc được làm mẹ của một bé trai kháu khỉnh.

“Nhà” là nơi để trở về - ảnh 1
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thúy bên nhau trong những ngày đầu năm mới 2023. Ảnh: NVCC

Những ai từng biết về hành trình làm mẹ của chị Dung đều phải thốt lên rằng nó quá gian nan, quá thăng trầm, bởi trước đó chị từng 4 lần mang thai tại Canada và đều không giữ được vì thai sinh non, tiền sản giật quá nặng. Lần mang thai thứ 5 này, chị Dung quyết định cùng mẹ đẻ (chị Tĩnh) và chồng là người Canada về Việt Nam - “mái nhà” thứ hai của chị để theo dõi, sinh con… Vẫn tiền sản giật nặng, nguy cơ cho mẹ và bé quá nhiều khi con buộc phải chào đời ở tuần thai thứ 27, cân nặng vỏn vẹn 500gr; nhưng bằng tình yêu, tâm huyết của những bác sĩ BV Phụ Sản Trung ương, sau 97 ngày nuôi dưỡng trong lồng kính, bé con nay đã được 2kg, khỏe mạnh, phát triển bình thường.

Đón con trai từ các y bác sĩ, đôi mắt chị Dung và chồng rưng rưng, đỏ hoe bởi hạnh phúc quá. Sau bao ngày chờ đợi, mong ngóng, cuối cùng anh chị cũng có cơ hội để ôm đứa con bé bỏng trong lòng, tận hưởng xúc cảm làm cha, làm mẹ mà bản thân ngóng chờ bấy lâu nay. Chia sẻ với niềm vui của các con mình, chị Tĩnh cũng có những niềm vui, niềm xúc cảm rất riêng khi trải qua mấy năm dịch bệnh xa cách, nay mới được về nước, sum vầy ngày Tết cùng họ hàng, người thân. 

“Nhà” là nơi để trở về - ảnh 2
Niềm vui của những em bé, bà mẹ khi được về Việt Nam đón Tết Ảnh: VNA

“Năm nay, chẳng những tôi được tận hưởng không khí Giao thừa, pháo hoa, hương vị Tết đặc trưng riêng có của Việt Nam, mà còn được đón cháu trai chào đời ở đất nước - nơi mình chôn nhau cắt rốn. Cảm xúc ấy thiêng liêng, trân quý đến lạ kỳ mà chắc chắn không phải bất kỳ ai cũng có được. Đây sẽ là kỷ niệm, là điều mà sau này khi cháu ngoại lớn lên, tôi sẽ kể thật nhiều để cháu biết, hiểu và mỗi ngày lại thêm yêu Việt Nam. Tết này là khởi đầu, và những năm sau tôi tin sẽ còn nhiều điều đặc biệt trong hành trình “về nhà” của đại gia đình tôi” - chị Tĩnh tin tưởng.

Quả thật không phải Việt kiều nào cũng có trải nghiệm, cơ hội được nhận món quà vô giá mà con người, đất nước Việt Nam trao tặng giống như gia đình chị Dung. Tuy nhiên, cảm xúc được trở lại quê hương đón Tết hẳn đều là niềm vui chung của mọi người con xa quê. 

Được trở lại Việt Nam đón Tết vào những ngày đầu tiên của năm mới 2023, anh Ngô Trọng Quảng (Phú Thọ), công nhân làm việc tại Nhật Bản chia sẻ câu chuyện của bản thân: Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình thuộc hộ nghèo của địa phương. Do đó tôi quyết định sang Nhật Bản làm việc để cải thiện điều kiện kinh tế của gia đình. Sang Nhật, tôi làm công nhân cho công ty cơ khí với mức lương đủ trang trải cuộc sống ở Nhật và hỗ trợ phần nào kinh tế của gia đình ở Việt Nam. 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công việc của tôi bị ảnh hưởng rất nhiều. Hiện công việc không ổn định, con mới 15 tháng tuổi nên điều kiện hiện tại cũng gặp nhiều khó khăn. Đã 3 năm rồi tôi chưa được về Việt Nam đón Tết, lần này tôi thật sự rất vui và xúc động khi được Đoàn Thanh niên Việt Nam và nhà tài trợ chương trình “Mang Tết về nhà”, hỗ trợ tôi được về quê đón Tết, mang đến cho tôi một mùa xuân trọn vẹn và ý nghĩa bên gia đình, người thân.

“Nhà” là nơi để trở về - ảnh 3
Vợ chồng chị Bùi Ngọc Dung Jennie hạnh phúc khi ở bên con trai trong dịp Tết Nguyên đán tại Việt Nam
Ảnh: T.H

“Mang Tết về nhà”

Năm 2023 là lần đầu tiên có một chương trình hỗ trợ vé máy bay khứ hồi cho sinh viên, người lao động đang làm việc tại Nhật Bản lâu chưa có điều kiện về Việt Nam đón Tết sum vầy bên gia đình. Nhưng trong nước, không riêng 2023 mà năm nào các tổ chức công đoàn cùng nhiều tổ chức thiện nguyện cũng có những chuyến xe yêu thương để đưa các lao động xa quê, có hoàn cảnh khó khăn về nhà đón Tết. Theo vòng xoáy “cơm áo”, Tết trở thành khoảng thời gian duy nhất trong năm để con cái mưu sinh xa nhà trở về đoàn tụ cùng gia đình, thế nên chẳng ai không mong ngóng. 

Rời mảnh đất Phú Thọ lên Hà Nội học tập và sinh sống từ 2006 tới nay, với vợ chồng chị Nguyễn Thị Thúy (SN 1988, trú tại Hà Đông, Hà Nội), Tết là một khoảng thời gian đặc biệt và được chờ đợi nhất trong năm. “Nhiều năm qua tôi vẫn giữ thói quen mua quà biếu bố mẹ, tặng các cháu trong gia đình vào mỗi dịp trước Tết. Dù bây giờ điều kiện kinh tế nhà ai cũng đầy đủ hết rồi, nhưng cảm giác đi lựa từng món đồ, chăm chút và gửi gắm trong đó bao yêu thương, tình cảm của mình để dành tặng người thân… rất đặc biệt. Rồi niềm vui khi trở về quê, tay lỉnh kỉnh đồ đạc, được lũ nhóc ùa ra vui mừng, hớn hở chào bá, chào dì khiến tôi sống lại thời thơ ấu, cái thời cứ phải đợi đến Tết mới được ăn ngon, mặc đẹp, sắm quần áo mới... Tất cả tạo nên một dư vị rất riêng mà hình như chỉ ngày Tết mới có được.

“Nhà” là nơi để trở về - ảnh 4
Anh Ngô Trọng Quảng xúc động khi được về nhà đón Tết sau nhiều năm làm việc tại Nhật. Ảnh: Dương Triều

Nếu như ở thành phố bây giờ mọi thứ quá tiện lợi, thiếu gì chỉ cần ra chợ, xuống siêu thị hoặc đặt hàng online là có được, thì ở quê, không khí chuẩn bị mới thực sự khiến con người thấy Tết vẫn còn đó, không hề mất đi, không hề mai một hay trộn lẫn vào bất cứ thứ gì” - chị Nguyễn Thị Thúy bồi hồi.

Đó là cảm xúc của người trẻ, còn với ông/bà, bố/mẹ - những người thuộc thế hệ “truyền thống” hơn, Tết đơn giản lắm, mọi thứ đều gói gọn trong sự mong ngóng được gặp gỡ, sum vầy, được ăn cùng các con, cháu một bữa cơm quây quần nóng hổi. “Ở tuổi mà các cụ vẫn hay ví là gần đất xa trời, nhất là sau 3 năm dịch Covid-19 đi qua, con người ta càng thấm thía hơn lúc nào hết một điều rằng cuộc sống luôn chứa đựng biết bao bất thường, sự cố. Cũng chính Covid-19 đã cho chúng ta tận mắt chứng kiến thực tế rằng, đôi khi sự chia ly, mất mát, ranh giới sinh tử chỉ là trong nháy mắt. Điều đó càng khiến con người ta khao khát yêu thương, trân trọng hơn giá trị gia đình. Nhà tôi cũng vậy. Con gái và con rể thứ hai của tôi đều làm nghệ thuật nên nhiều năm đến tận Giao thừa các con vẫn đi lưu diễn. Tôi ngóng từng giờ, mong chúng về nhà để ăn cùng bố mẹ bữa cơm. Tết, thế là vui nhất rồi” - cô Bùi Thị Kim Dung (Thanh Xuân, Hà Nội) bộc bạch. Thế nên, dù cuộc sống có thay đổi thế nào đi chăng nữa, Tết tuyệt với nhất vẫn là trở về sum họp bên gia đình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.